Đừng muối cà trong vại pha lê

Thứ Năm, 03/09/2020, 09:18
Tôi không phải là giáo viên tiếng Anh, cũng không phải là nhà nghiên cứu về phương pháp giáo dục. Tôi chỉ là một người mẹ có hành trình khá dài học tiếng Anh cùng con.

Từng trăn trở với việc tìm thầy cho con, từng mò mẫm với các giáo trình dạy tiếng Anh, từng tất bật đến nhiều trung tâm tiếng Anh, tôi hiểu rằng, vấn đề đầu tư tiếng Anh cho bọn trẻ được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Điều ấy là những chỉ báo tốt đẹp cho một xã hội tử tế, coi trọng các giá trị lâu dài và đích thực.

Đấy cũng là lý do khiến tôi muốn chia sẻ những trải nghiệm cá nhân của mình, trong đó có cả trải nghiệm có được từ sai lầm. Tuy nhiên, tất cả đơn thuần chỉ là những trải nghiệm của một người mẹ, không dựa trên bất kỳ một khảo sát nào có tính toàn diện và khoa học như cách mà các nhà nghiên cứu thường tiến hành.

Có phải cứ học thầy Tây mới giỏi?

Trước hết, phải thống nhất quan điểm: học tiếng Anh với giáo viên bản xứ mang đến rất nhiều lợi ích. Nhưng, lợi ích dễ thấy nhất với bọn trẻ đó là được nghe giọng chuẩn, được rèn phản xạ nghe nói, gia tăng tự tin khi nói tiếng Anh với người nước ngoài, hiểu thêm về phong tục, tập quán, văn hóa Anh, vân vân...

Tuy nhiên, những lợi ích đó chỉ đạt được khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Thứ nhất, phải đảm bảo đó là thầy Tây chuẩn (chuẩn kiến thức, kỹ năng, chuẩn là người bản ngữ). Các chuẩn này được đảm bảo bằng bằng cấp, chứng chỉ của các đơn vị khảo thí quốc tế uy tín. Các mẹ phải kiểm tra được các chứng chỉ này, yên tâm rồi hãy xuống tiền đóng học phí. Vì học phí không hề rẻ mà lại phải học thầy Tây ba lô thì thật là chua xót.

- Thứ hai, thời gian học với thầy Tây phải đảm bảo toàn phần, như kiểu ở trường quốc tế. Còn nếu học kiểu “xôi đỗ”, tuần 2-3 buổi, mỗi buổi tầm 1-1,5 tiếng thì xem ra chả tận dụng được các lợi ích này.

Hồi con gái lớn của tôi học lớp 3, tôi từng dại dột, nộp một khoản tiền không ít cho một trung tâm Anh ngữ quốc tế gần nhà để học tiếng Anh theo quảng cáo là "với người bản xứ'. Cháu giống như nhiều đứa trẻ khác ở độ tuổi này ham chơi hơn học nên giờ học nào cũng xin được đi lấy nước uống cho thầy, rồi loanh quanh ở trung tâm tầm 20 phút mới lên lớp nhằm bớt xén thời gian học. Tôi thì chả tìm hiểu xem giáo viên Tây ở trung tâm này trình độ ra sao mà đã nộp tiền đủ khóa học 3 tháng. Cho đến một hôm, chồng tôi đi đón cháu thì gặp ông thầy Tây. Chồng tôi nhận ra ông thầy này từng tuyển vào cơ quan anh ấy nhưng... trượt.

Nhưng rồi vì tiền đã nộp nên tôi vẫn cho cháu học đủ 3 tháng ở trung tâm. Kết thúc khóa học, dù cháu chả học gì (vì lười) nhưng tôi vẫn nhận được email từ trung tâm khen ngợi thành tích của cháu kèm theo một suất học bổng giảm mấy chục phần trăm học phí cho khóa học 3 tháng tiếp theo.

Vợ chồng tôi cười lăn lộn và đương nhiên, sẽ chẳng thêm một lần nào dại dột nữa để mất tiền oan cho khóa học tiếp theo.

Tạm biệt thầy Tây, tạm biệt các loại trung tâm Anh ngữ có chữ quốc tế.

Việc học tiếng Anh của bạn Thi lớn cũng dừng luôn tại đây. Vì sau đó tôi còn bận đẻ bạn Thi bé.

8 năm sau bạn Thi lớn, cô bé ngu học tiếng Anh, thi đại học tiếng Anh đạt gần điểm tuyệt đối, trở thành á khoa và điểm IELTS đạt 8,0. Bạn Thi lớn có học bổng du học. Ở bên trường, bạn bè đến từ các nước nói tiếng Anh, thấy tiếng Anh của bạn Thi lớn và nhận xét, giáo viên tiếng Anh của mày ở Việt Nam giỏi nhỉ.

Độ tuổi nào thì phù hợp?

Khi con gái tôi lên lớp 6, cháu vào học một trường điểm của quận Hoàn Kiếm.

Ở đây, đám trẻ hầu hết đều được cha mẹ đầu tư nhiều cho môn tiếng Anh nên các cháu học tốt, trừ con gái tôi. Sau đận gặp thầy Tây ở Trung tâm Anh ngữ quốc tế gần nhà hồi lớp 3, cháu không học tiếng Anh ở đâu nữa.

Vì thế, theo như cháu hoảng hốt mô tả thì “đến giờ tiếng Anh, con toàn phải cúi gằm mặt xuống, nhìn mòn hết cả hoa chân”. Nhưng, đấy là gần hết học kỳ 2 của lớp 6 cháu mới dám nói ra thông tin sợ hãi ấy. Vầ bởi thế mà bắt đầu từ hè năm ấy, việc học tiếng Anh của cháu mới được tái khởi động, rất tiếc là... từ số 0 với cô gia sư và cha. Cô gia sư dạy còn cha cháu thì kiểm tra bài tập và từ mới. Tối nào cha cháu cũng kiểm tra. Mỗi tối kiểm tra 10 từ mới, hôm sau kiểm tra lại, cho phép được quên một nửa. Cùng với đó, tivi ở phòng cháu cả ngày bật các kênh có tiếng Anh - phim, bản tin, game show... bật tất, miễn là có tiếng Anh oang oang trong phòng là được.

Một bộ đĩa CD học tiếng Anh bằng truyện cổ tích của Mỹ được tôi xin về. Chương trình học được thiết kế trong đó khá hoàn hảo và phù hợp với trẻ nhỏ: vừa có âm thanh, vừa có hình ảnh. Mỗi đĩa CD là một truyện cổ tích. Bọn trẻ vừa được đọc các câu chuyện cổ tích khá quen thuộc như “Chú lính chì dũng cảm”, “Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn”..., vừa được nghe, vừa được chơi trò chơi. Hình ảnh đẹp, âm thanh tốt, nhạc hay.

Thêm nữa, biết con gái tôi là fan của ban nhạc Beatles, chúng tôi đã đầu tư cho cháu một chiếc iPod xịn xò để nghe nhạc. Các bài hát của giọng ca huyền thoại John Lennon được down về và cháu vừa nghe vừa chép lại ra giấy. Gia sư vốn là một giáo viên tiếng Anh người Hà Nội giọng chuẩn được đào tạo tiếng Anh chính quy và dạy tâm huyết nên ngoài các bài tập trong SGK phổ thông và một số bài tập do cô tự khai thác, cô khuyến khích cháu cách học tiếng Anh qua đọc truyện cổ tích và nghe bài hát bằng tiếng Anh.

Khi trình khá hơn một chút, cô gia sư và cha cháu chỉ dẫn cho cháu vào Internet, xem Talk show của truyền hình Úc về các vấn đề âm nhạc, phim ảnh mà cháu quan tâm.

Cũng phải nói thêm rằng, giờ kể lại thì nghe nhẹ nhàng nhưng thực sự cháu khá vất vả với hành trình ấy bởi nghe Beatle, đọc truyện cổ tích và xem Talk show để học khác nhiều so với chỉ để giải trí. Thì ở đâu và bao giờ áp lực và thư giãn cũng là hai trạng thái đối lập. Nhớ có lần, ở bàn ăn tối, khi cha cháu hỏi cháu một câu tiếng Anh liên quan đến món ăn đang bày trên bàn, cháu đã òa khóc...

Sau một năm học tiếng Anh như thế, lên lớp 8, cháu đã vươn lên tốp giỏi của lớp.

Lên bậc PTTH, cháu thi đậu vào Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, cháu vẫn tiếp tục học với cô gia sư cũ. Thời điểm này cháu cha cháu rút lui, không còn phải kiểm tra từ mới của cháu nữa.

Mãi đến lớp 12, cháu mới đi học thêm tiếng Anh ở một lò luyện bình dân. Trước kỳ thi đại học, cô giáo luyện thi dự đoán, cháu chắc chắn phải được trên 9 điểm.

Y rằng, thật.

Thi đại học năm ấy, bạn Thi đạt điểm gần tuyệt đối môn tiếng Anh và trở thành á khoa.

Hết kỳ thứ nhất, bạn Thi có học bổng du học. Ngôi trường mà bạn ấy học ở nước ngoài quy tụ sinh viên đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến đây rồi, bạn ấy mới biết đa phần bạn bè châu Á, đặc biệt đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan đều được cha mẹ ép học tiếng Anh từ rất sớm, thậm chí còn trước khi học tiểu học. Biết cháu lớp 7 mới bắt đầu học tiếng Anh mà điểm IELTS vẫn đạt 8.0, các bạn học cùng, kể cả những bạn đến từ các nước nói tiếng Anh đều khen, dạy tiếng Anh ở Việt Nam tốt thật.

Thế nên, cá nhân tôi thấy, học tiếng Anh ở độ tuổi nào không quan trọng bằng việc học tiếng Anh như thế nào.

Và nữa, đa số chúng ta không phải là thiên tài nên con cái chúng ta cũng không phải là thần đồng, vì thế đừng hy vọng giỏi mà không cần học.

Giá trị của sự phù hợp      

Khi bắt đầu tìm giáo viên tiếng Anh cho con, tôi cũng giống như đa số các bà mẹ khác, nghĩ, phải tìm được thầy nổi tiếng. Nhờ mãi, cuối cùng tôi được giới thiệu liền hẹn với cô B, lúc đấy đang nổi như cồn. Nổi đến độ cứ nghe nói con học lớp cô B. vài năm là mặc định đương nhiên giỏi.

Cậy cục mãi mới có số điện thoại của người quản lý lớp học, tôi háo hức gọi điện. Sau tiếng “alo” cộc lốc ở đầu dây bên kia, do sợ nhầm máy nên trót nhũn nhặn hỏi: “Dạ, có phải đây là trung tâm tiếng Anh của cô B. không ạ?”. Thì, gần như ngay lập tức, tôi bị mắng té tát: “Đây không phải là trung tâm nhé, đây là lớp học, ai bảo chị là trung tâm, chị định xin cho con lớp mấy, biết tiếng Anh nhiều chưa. Chưa hả. Thế thì hết lớp rồi nhé!”.

Tôi buông máy.

Nghĩ, phí lời hỏi han, đối đáp.

Rồi cháu cũng có gia sư tiếng Anh. Đó là một giáo viên cấp 2 ở một ngôi trường rất bình thường như đã kể ở trên. Cháu đồng hành cùng cô và bố, từng chút một một cách đầy cẩn trọng.

Cháu cứ thế bước qua các nấc học, giống như người leo bộ lên đỉnh núi. Leo chậm nhưng chắc.

Cho đến khi đạt 8,0 IELTS và gần tuyệt đối điểm thi đại học thì một người bạn của cháu cũng chưa từng qua một lò luyện hot nào hoặc một giáo viên tiếng Anh nào nổi tiếng cả. Thế nên, kinh phí đầu tư tiếng Anh cho cháu luôn ở mức khiêm tốn.

Hành trình tìm gia sư cho cháu đã giúp tôi có những trải nghiệm thật dễ chịu.

Đó là nếu con bắt đầu học tiếng Anh hoặc trình độ tiếng Anh ở mức độ bình thường thì hãy tìm cho con một giáo viên bình thường. Chỉ cần đó là người được đào tạo chính quy về tiếng Anh và cẩn thận, tâm huyết, kiên trì.

Chứ nếu ném con vào một lò luyện hot với giáo viên nổi tiếng thì chưa chắc giáo viên đã đủ kiên trì với một học trò trình độ abc và học trò có khi cũng bị choáng, không dám hỏi thầy cô ngay cả khi không biết.

Giống như hãy đừng muối cà trong vại pha lê.

Dù, pha lê đẹp và sang nhưng hãy để dành nó cho hoa hồng Pháp hoặc hoa tulip Hà Lan.

Còn cà, hãy tìm chum vại mà muối, vừa ngon, vừa an toàn.

Đặng Huyền
.
.