Đừng để đánh mất lòng tự trọng
- Một hành khách “cầm nhầm” túi đồ hơn 100 triệu đồng ở sân bay Nội Bài
- Đỏ mặt vì bệnh 'cầm nhầm' của một số người Việt
- Ứng xử thiếu văn hóa của người Việt: Bao giờ cho hết xấu hổ?
Mới đây, đọc trên một số trang báo mạng, được biết cơ quan cảnh sát Nhật Bản công bố tình hình bắt giữ tội phạm nước ngoài trong năm 2014, trong đó liên quan đến người Việt Nam là 2.488 vụ. Và trong số các vụ án hình sự, thì người Việt đứng đầu cả về số người và số vụ cướp giật, ăn cắp, đặc biệt tăng là các vụ ăn cắp.
Số người Việt ăn cắp bị bắt giữ là 1.745 trong tổng số 6.716 người nước ngoài bị bắt. Quả là con số vô cùng xấu hổ! Mặc dù đây là con số trên một số trang mạng, chưa có thông tin xác nhận của các cơ quan chức năng Việt Nam. Song, dù chỉ có một phần trong số đó là đúng thì cũng là điều thật đáng suy nghĩ!
Thưa nhà báo, tôi nghĩ rằng những con số ấy sẽ làm nhiều người Việt chúng ta thấy hổ thẹn. Nhưng, hổ thẹn rồi... thôi sao? Hiện tượng này cũng đã nhiều năm rồi, chưa hề thấy dấu hiệu giảm đi. Tôi không biết sự hổ thẹn ấy sẽ tác động vào những cá nhân nào, cơ quan nào, tổ chức nào?
Chúng ta, cụ thể là ai ở đây, sẽ làm gì, như thế nào để gột rửa đi sự hổ thẹn ấy? Như báo cáo của phía Nhật thì phần nhiều các vụ ăn cắp tại các cửa hàng, siêu thị lớn đều được thực hiện có tổ chức, có phân công rõ ràng kẻ canh chừng, kẻ ăn cắp, kẻ chuyển đồ. Sau đó có đường dây chuyên mua đồ ăn cắp rồi tuồn về Việt Nam.
Từng ấy hàng hóa đều đặn được lấy cắp một cách hệ thống, rồi lọt qua cửa khẩu Việt Nam êm thấm, tinh vi, tồn tại hiển nhiên trong hàng hóa lưu thông. Chả lẽ chúng ta mãi dung túng những thứ ăn cắp ấy ở trong nhà, còn mang bộ mặt của kẻ ăn cắp xấu xí ấy mãi ra với thế giới?
Nhà báo Minh Đức: Kính thưa bác Lê Văn Phan, những con số bác đưa ra quả thực sẽ làm cho nhiều người choáng váng. Và có thể nó chỉ đúng một phần như báo nói. Một câu hỏi nghe rất vụng về là, ai là người ăn cắp nhưng là câu hỏi cần thiết để chúng ta xác định nguyên nhân của nỗi hổ nhục mang tên người Việt này.
Những người ăn cắp hàng hóa ở Nhật hay các nước khác là những người có cơ hội ra nước ngoài. Họ là những cán bộ đi theo chương trình của Nhà nước và bằng kinh phí Nhà nước cấp. Họ là những nghiên cứu sinh, lưu học sinh được học bổng của Nhật, của Nhà nước Việt Nam hoặc gia đình có tiền cho họ đi học. Họ là những người có tiền đi du lịch hoặc họ là những người đi lao động, cả một lượng người bằng cách nào đó ở lại định cư sinh sống xứ người…
Nghĩa là những người này hầu hết không thuộc diện những người đói khát mà phải liều ăn cắp, ăn trộm để sống. Như vậy, chúng ta có thể xác định ngay những người ăn cắp hàng hóa ở Nhật hay các nước khác không phải vì nghèo đói quá.
Vậy thì nguyên nhân nào dẫn đến hành động làm hổ nhục đất nước như vậy ? Đó chính là họ đã đánh mất lòng tự trọng, đánh mất sự xấu hổ và không có một chút gì ý thức bảo vệ danh dự cho đất nước.
Chúng ta đã từng chứng kiến một số cán bộ, thậm chí là người có ít nhiều vị thế trong xã hội đi công tác nước ngoài và ăn cắp hàng hóa ở các siêu thị. Nhưng nạn người Việt Nam ăn cắp hàng hóa ở các siêu thị hay cửa hiệu nước ngoài không giảm mà càng ngày càng tăng lên. Con số những vụ người Việt Nam ăn cắp bị phía Nhật phát hiện là một con số kinh hoàng.
Thế nhưng, sự thật đó làm những người có lương tâm đặt câu hỏi: Vì sao chúng ta không có một thái độ nghiêm túc với những hành vi nghiêm trọng như thế? Có chăng chúng ta chỉ nhắc qua trên báo chí mà thậm chí còn bị hạn chế. Rồi những người ăn cắp, ăn trộm bôi xấu đất nước lại tiếp tục công việc một cách tự nhiên như đó là một chuyện vặt thường ngày.
Nếu chúng ta đánh mất lòng tự trọng và sự xấu hổ thì chúng ta không thể nào làm cho đất nước này tốt lên được. Đây là chân lý. Tôi đã đọc một bài báo nói về một bộ tộc Châu Phi cứ hàng năm những người sống làm một nghi lễ rất lạ lùng và rất ấn tượng. Đó là nghi lễ xin lỗi những người chết của bộ tộc họ về những gì họ làm khiến những người chết phải xấu hổ.
Trong thư bác viết cho Tòa soạn có đoạn: "Tôi không biết sự hổ thẹn ấy sẽ tác động vào những cá nhân nào, cơ quan nào, tổ chức nào? Chúng ta, cụ thể là ai ở đây, sẽ làm gì, như thế nào để gột rửa đi sự hổ thẹn ấy?".
Với hiện thực, tôi thấy, sự hổ thẹn này chỉ tác động đến một nhóm người có lương tâm và lòng tự trong dân tộc mà thôi. Chúng ta chưa thấy cơ quan nào đứng ra lên tiếng một cách nghiêm túc về những hành động ăn cắp đó, mà chỉ đề cập lướt qua khi bắt buộc phải đề cập. Chúng ta vẫn đang để tâm vào phần "ngọn" mà quên đi cái phần "gốc".
Phần "gốc" ở đây chính là lòng tự trọng và sự biết xấu hổ. Khi không có phần "gốc" này thì không bao giờ chúng ta điều khiển được hành vi của chúng ta, mà chúng ta sẽ sống theo bản năng. Nếu tôi làm Thủ tướng, tôi sẽ đề nghị có một ngày người Việt Nam xin lỗi những quốc gia trên thế giới mà người Việt Nam đã có những hành động phi văn hóa. Nạn ăn cắp của người Việt Nam đang càng ngày càng tăng lên. Nhưng điều đáng sợ nhất là người Việt Nam đang dửng dưng về những hành động đó của mình.
Cán bộ ngang nghiên ăn cắp công quỹ mà chẳng một chút sợ hãi hay xấu hổ. Người dân ngang nhiên ăn cắp của nhau cũng không một chút xấu hổ. Tại sao những năm chiến tranh nghèo đói như vậy mà chúng ta đã có phong trào "trả lại của rơi nhặt được".
Nhiều người Việt Nam chúng ta trong những năm tháng đó đã tự giác một cách cao độ khi nhặt được của rơi tìm người trao lại. Hành động ăn cắp và đánh mất lòng tự trọng, đánh mất sự xấu hổ đâu là đặc tính của người Việt Nam chúng ta.
Ông cha ta đã từng dạy và từng sống với phương châm: "Đói cho sạch, rách cho thơm". Vậy mà giờ đây, phẩm chất tốt đẹp đó của người Việt Nam đã bị chà đạp. Một gương mặt tự trọng và biết xấu hổ chính là hồ sơ tin cậy nhất về nhân cách của con người.
Trong thư của mình, bác Lê Văn Phan hỏi: "Chúng ta, cụ thể là ai ở đây, sẽ làm gì, như thế nào để gột rửa đi sự hổ thẹn ấy?". Chúng ta là tất cả những người Việt đang sống, từ một người dân thường đến một vị lãnh đạo đất nước đều có trách nhiệm với sự hổ thẹn này.
Nhà nước phải có những chế tài nghiêm khắc đúng với tội làm hổ nhục đất nước. Nhân dân có trách nhiệm phải thực thi chế tài đó. Nhà nước và nhân dân phải thể hiện một cách rõ ràng và nghiêm khắc thái độ đối với những kẻ làm nhục quốc thể.
Chỉ như thế, chúng ta mới từng bước lấy lại lòng tự trọng của dân tộc. Còn chúng ta vẫn hành xử với những hành động đó như hiện nay thì tôi cam đoan rằng, nạn ăn cắp, ăn trộm của người Việt Nam khi đi ra nước ngoài sẽ không bao giờ giảm xuống. Tội ăn cắp, ăn trộm trước kia ông cha ta xử rất nghiêm.
Tôi còn nhớ cách đây chừng 50 năm thôi, khi một người ở làng ăn cắp một ổ trứng hoặc một buồng chuối sẽ bị cả làng lên án. Kẻ ăn cắp xấu hổ tới mức không dám ra khỏi nhà và có khi còn bỏ làng đi không dám về vì hổ nhục.
Còn bây giờ, có những người ăn cắp tài sản của nhân dân, của Nhà nước bị xử công khai, mà vẫn mang bộ mặt vô cảm như chẳng có chuyện gì xảy ra. Đúng là chẳng có chuyện gì quan trọng bởi lâu nay chúng ta đã chung sống với những hành vi, hành động thiếu lòng tự trọng và sự xấu hổ quá nhiều trong xã hội chúng ta rồi.
Điều cuối cùng tôi xin thưa với bác Lê Văn Phan rằng: đánh mất lòng tự trọng, đánh mất sự xấu hổ là đánh mất đi động lực lớn nhất để làm người và phát triển đất nước.
Kính chúc bác Lê Văn Phan mạnh khỏe và tiếp tục lên tiếng để bảo vệ lòng tự trọng của người Việt Nam.
Kính.