Dụng công chơi chữ

Thứ Hai, 17/11/2014, 11:37

Thưa, tôi là kẻ hậu bối, kiến văn kém cỏi, phần nhiều là do may mắn đọc sách mà hiểu, nghe kể mà suy, được dạy mà tường. Mấy lúc gió sớm mưa chiều, nửa khuya gà gáy, sương sớm trên tán cây hay cu gù nhặt sạn… vẫn xem chuyện đọc sách là nỗi vui thú nhất trên đời. Lại thêm được nỗi may mắn, một người anh tặng cho quyển sách hay, đọc mà cứ sợ hết chữ. Được nghe, “Thư trung tự hữu hoàng kim ốc”. Bồ Tiên sinh trong quyển “Liêu trai chí dị”, có tích “Thư si” (Mê sách).

Tự thấy mình không xứng họ Lang, nhưng lại nghĩ, đọc sách chỉ dành cho mình thật là không biết đọc sách vậy. Nhất là khi quyển sách ấy lại phần nhiều có mối quan hệ với thú chơi chữ quốc văn của người xưa, vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - khi mà lối chơi chữ tế nhị, huyền ảo, thâm sâu Hán văn dần mai một.

Đọc rồi biên soạn lại thành bài viết theo kiểu thông dụng, cho dễ hiểu ngõ hầu bạn đọc. Có thất thố, mong đại xá cho, cũng là vì một ý tốt mà thành.

1. Chơi chữ quốc văn đa phần dựa theo kiểu nói lái, hay suy luận nhiều ngữ nghĩa mà thành.

Ví như thời Pháp thuộc, có nhiều quan thầy người Việt hay những người chọn phì gia vinh thân bằng cách khúm núm với người Pháp, sẵn sàng đánh đổi quyền lợi của quốc gia vì cá nhân, hay đơn cử có cả những trí thức quỵ lụy quan Tây, mong được phụng sự cho mẫu quốc, hoặc giả làm thông ngôn rồi tỏ ra là kẻ thức thời, được ăn trên ngồi trốc (trước) so với thiên hạ.

Những bậc hiền nhân từ quan ở ẩn, không thích lề thói này của những quan khác cùng trào hay của người xung quanh, chỉ đấy là phán rằng: “Đó là bọn quần thần”.

Ô, thì đúng là quần thần, là người giúp việc cai quản cho mẫu quốc rồi chứ còn sai lệch đi đâu được nữa. Tuy nhiên, cụm từ “quần thần” không chỉ đơn giản là “quần thần”.

“Quần thần” được dịch ra như sau, “quần thần” nghĩa là “bầy tôi”, “bầy tôi” nghĩa là “bồi tây”. Hóa ra, đó là sự phỉ báng, coi thường, khinh khi. (Nghe đâu, đây là tác phẩm của Trần Bình tiên sinh).

Thêm một đặc tính trong nghệ thuật chơi chữ mà tôi nhận thấy, đa phần tựu vào những câu chuyện khẩu truyền, liên quan đến một cá nhân thuộc vùng miền cụ thể. Đó có thể là anh nhà giàu mới nổi, một trưởng giả học làm sang, một quan nhân muốn lãng quên gốc tích, một ngôi làng muốn có sự khác biệt…

Cần phải nói thêm trước khi giới thiệu tiếp, thú chơi chữ của người xưa đôi lúc chỉ là một trò giải khuây, một cử chỉ vui thú mà thôi. Lắm quá thì là thấy sự trái tai gai mắt, không nói không đặng. Chứ không hẳn tất cả đều là sự hằn học, hay đá đểu nhau như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Như ông Nguyễn Hữu Độ, khi còn làm Kinh lược xứ Bắc Kỳ, có phố Sinh Từ. Phố này có là bởi đền Sinh Từ nằm trong phố. Sinh Từ, nghĩa là thờ khi còn sống.

Trong đền, có treo bức hoành đề ba chữ “Sinh sự chi”, nghĩa “Thờ khi còn sống”. Nhưng, nếu diễn giải theo quốc văn thì ba chữ “Sinh sự chi” có thể hiểu là “Vẽ sự ra làm gì” (Thông dụng hơn thì là “Bày đặt làm gì”). Ám chỉ một sự nhũng nhiễu, khoa trương không phải lối.

Hay như chuyện có ông thợ xẻ, nhân dịp làm ăn tấn tới, bỏ tiền ra mua một chức quan nhỏ. Ngày chiêu đãi mừng phẩm hàm, có người gửi đến tặng ông bức trướng đề: “Ăn cơm vua”, bẩm là do tự tay cụ Trần Bình viết. Thoáng nghĩ thì thấy rất hợp lý, bởi đây là lời chúc tụng ông được làm quan, được hưởng lộc vua, được ăn cơm vua.

Nhưng, nếu đặt ba chữ này trong bài đồng dao: “Kéo cưa lừa xẻ, ông thợ nào khỏe, thì ăn cơm vua, ông thợ nào thua, thì về bú tí”… rõ ràng người gửi bức trướng đang nhắc nhớ gốc tích thợ xẻ của vị quan này. Tất nhiên vào thời điểm đó, là thợ xẻ thì khó là được tôn kính như những vị khoa bảng khác.

Vùng Hà Đông, có ông giữ chức Chánh tổng. Cứ làm mãi mà không chịu về vườn để nhường chỗ cho người khác, viên Phó tổng dùng dằng không biết cách nào bèn nhờ người tặng ông Chánh tổng ba chữ “Tư vô tà”.

Hiểu theo Kinh Thi thì “Tư vô tà” chính là đạo làm quan, đạo của người quân tử. Đứng đi không đổi họ, lạc họa không đổi tính, thân sơ không thiên lệch, chỉ vì phép vua mệnh nước mà thực hiện.

Chánh tổng được tặng chữ thích lắm, cứ treo mãi trong nhà cho đến lúc có người cắt nghĩa: “Tư vô tà” chính là “Ta vô từ”, nghĩa là nó mắng cụ tham quyền cố vị, cố đấm ăn xôi không nhường chức Chánh tổng cho người khác đấy ạ”.

Có tay đại phú hộ, giàu nứt đố đổ vách. Thói thường ở thời điểm đó, giàu lại còn muốn sang, mà sang nhất là trong nhà phải có chữ của những bậc được trọng vọng cho. Đại phú hộ nhờ người đánh tiếng lên quan tỉnh, quan tỉnh nổi danh là bậc đại khoa. Nể lời, quan tỉnh đồng ý viết cho đại phú hộ ba chữ “Phúc đại lai”.

Cũng không ai biết quan tỉnh muốn nói ý gì, nhưng vì quan tỉnh là bậc đại khoa, lại cho chữ đại phú hộ thì cứ nhào vào khen rối rít. Đoán rằng, chắc quan tỉnh muốn chúc phúc viên mãn cho đại phú hộ.

Đại phú hộ đắc chí, lựa chỗ đẹp nhất trong nhà để treo chữ nhằm minh chứng cho sự thông tuệ lẫn mối quan hệ rộng của mình. Vài tháng sau, có người đến nhà đại phú hộ chơi, nhìn chữ mà bật cười. Đại phú hộ hỏi, người này mới trả lời: “Phúc, nghĩa là tên của ông. Đại lai, nghĩa là lớn lại. “Phúc lớn lại” là “Phúc lái lợn” chứ còn gì nữa mà ông tự hào. Quan tỉnh muốn giễu cái nghề xưa của ông đấy”.

Đúng thật, trước đây đại phú hộ làm lái lợn, gặp thời mà trở nên giàu có.

Một ông quan án sát, xuất thân Tây học, trước khi làm quan thì làm thông ngôn. Nhân được cử làm tùy viên trong phái đoàn sang dự cuộc đấu xảo bên Pháp. Không may khi ở Pháp, ông án sát bệnh rồi mất. Thi hài của ông được đem ướp thuốc, nhập quan, cho xuống tàu chở về cố quốc.

Trong đám tang của ông, có bức trướng bốn chữ “Tâm tồn mẫu quốc”. Nghĩa đơn giản thì đúng là: “Thân tại giang hồ, tâm tồn quân quốc (hay mẫu quốc). Nghĩa là, xuôi ngược phương nào cũng chỉ hướng về cố quốc, về vua, về dân mà thôi.

Thế nhưng, chữ “tâm” ở đây được sử dụng theo đúng nghĩa đen, nghĩa là bộ lòng. Vì phải ướp thi hài quan án sát mới có thể chở tàu về lại quê nhà, nên phải bỏ đi toàn bộ nội tạng của quan án sát. Đối với nhà Nho, di thể mà không đủ các bộ phận để chôn thì cũng là sự bất hiếu với mẹ cha. Thêm nữa, làm quan xu nịnh quan Tây chưa đủ hay sao mà còn gửi lại cả bộ lòng cho mẫu quốc(?!).

Cũng là một kiểu trách cứ có phần hơi nặng của những người có chữ xứ mình. Nhưng, quan điểm ở thời đó là vậy. Không thể suy luận theo cách nghĩ hôm nay được.

2. Một trong những bậc tiên hiền thích đùa vui theo lối chơi chữ cuối thế kỷ XIX, phải kể đến Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Cụ Yên Đổ chơi chữ mà cứ an nhiên như không, không cần dụng công vẫn tạo nên những lớp lang, những sắc thái huyền ảo cho chữ nghĩa. Thật, cụ không phải là người phàm nữa rồi.

Một tay nhà giàu cất ngôi nhà mới, nhà rất to. Đến xin chữ cụ Yên Đổ, cụ Yên Đổ không đồng ý. Khẩn khoản mãi, cụ thấy phiền mà mài mực, soạn nghiên viết cho hai chữ “Đại hạ”.

Đại, tức là to rồi. Nhưng chữ hạ của cụ không phải là chữ nhà, mà lại là chữ hè, tức mùa hè.

Thắc mắc hỏi cụ Yên Đổ, cụ hỏi ngược: “Thế ngày xưa anh làm nghề gì?”. “Dạ, nhà cháu thổi kèn đám”. “Vậy là đúng quá rồi, còn thắc mắc gì nữa”. “Đại hạ” là “Hè to”, “Hè to” là “Tò he”… Vần vè thành, “Tò he tí hỏi”, đích thị là tiếng kèn đưa đám. Tất nhiên, anh nhà giàu thì không dám treo chữ này trong ngôi nhà mới rồi. Còn cụ Yên Đổ, chỉ đùa vui để khỏi bị quấy quả thôi. Hơn nữa, cái khinh mạn của người có chữ ngày trước khác nhiều lắm so với người bây giờ. Thiết nghĩ, không nên lạm bàn.

Trên cổng chùa làng Văn Tràng, tỉnh Nam Định ngày trước có bốn chữ “Sắc không - không sắc”, do cụ Yên Đổ viết.

Người ta rất hồ nghi đây không phải là chữ của cụ Yên Đổ, vì nhẽ đâu cụ Yên Đổ lại cho chùa làng những chữ hết sức bình thường vậy. Hỏi mãi, thì người làng thành thật đáp: “Vốn làng tôi trước đây làm nghề mài dao. Cụ Yên Đổ đùa theo kiểu vấn đáp “Sắc không? Không sắc”, lại nghe như kiểu “Sắc sắc không không”, “Không không sắc sắc”. Ý cụ nhắc gốc tích của làng”.

Có lẽ là do chữ của cụ Yên Đổ cho, nên dân làng biết cụ đùa vẫn kính cẩn lưu giữ, xem đó là điều vinh hạnh cho làng. Thế mới biết, người có chữ được trọng đến độ nào. Người có chữ như cụ Yên Đổ thì sự trọng đã vượt khỏi sự trọng, đó đã thành một niềm kính ngưỡng.

Ông Ích Khiêm được cất nhắc vào chức Tiễu Phủ Sứ, vâng lệnh vua cầm quân ra Bắc dẹp giặc Lý Dương Tài ở Hồ Ba Bể. Ngang qua Hà thành bèn sai lập một ngôi đền để tưởng công các tướng sĩ đã tử trận. Ông cử phó tướng đến nhà cụ Yên Đổ xin chữ để đề ngoài cổng đền. Không may, phó tướng của Tiễu Phủ Sứ chỉ quen trận mạc, ít biết chuyện chữ nghĩa, lại càng không có thói quen trọng người có chữ. Đến nhà cụ Yên Đổ, phó tướng sau hồi cao giọng, bèn nói: “Tiễu Phủ Sứ muốn nhờ ông viết cho mấy chữ để an ủi vong linh quân lính của tôi”. Ý của phó tướng rất rõ ràng, phó tướng cũng là bậc quan trọng theo hầu Tiễu Phủ Sứ.

Cụ Yên Đổ thấy thái độ hoạnh họe, chướng mắt, cho ba chữ “Tối linh từ”. Phó tướng cầm chữ, mặt đực ra vì không nghĩ cụ Yên Đổ lại cho ba chữ tầm thường đến mức đấy. Năn nỉ mãi, cụ mới bảo: “Tối linh từ, tức là lính tôi chết. Tối linh, nghĩa lính tôi”. Có lẽ về sau, phó tướng sẽ năn nỉ xin cụ cho chữ khác, cụ cũng sẽ bằng lòng mà bỏ quá cho tội hống hách của phó tướng.

Trong An ninh thế giới Giữa tháng 11, tôi sẽ thử luận bàn về câu đối

Ngô Tuệ Minh
.
.