Dòng họ Nguyễn Khả và giá trị văn hóa tâm linh

Thứ Bảy, 18/03/2017, 07:38
…Tôi quen Tráng không lâu, nhưng rất trọng tinh thần suy tôn, bảo tồn uy tín dòng họ của anh, lúc nào cũng sôi sục, đầy nhiệt huyết. Chúng tôi cùng họ Nguyễn, là họ phổ biến nhất của tộc Việt (tức người Kinh), chiếm 90% dân số Việt Nam, gồm 54 tộc người, 53 tộc khác chỉ chiếm 10%.

Hà Nội vốn là điển hình một xã hội thu nhỏ của người Việt ở Thủ đô, cũng vậy. Xã hội ấy được cấu trúc từ những dòng tộc đã định vị ở Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội suốt chiều dài ngàn năm văn hiến. Và họ Nguyễn, đã thành dòng họ lớn nhất trong các họ mạc của Hà Nội ngàn năm.

Dòng họ Nguyễn Khả của Tráng là một họ Nguyễn lẫy lừng như thế của Hà Nội, hiện nảy sinh vấn đề bảo tồn và phát huy tinh hoa của chính dòng họ mình, trong phát triển hiện đại của Thủ đô Hà Nội. Vấn đề này luôn khiến Tráng cùng cả họ Nguyễn Khả quan tâm, và cuốn theo tôi, bạn Tráng, trăn trở, thấy cần phải truyền thông về văn hóa dòng họ của Hà Nội.

Theo gia phả, họ Nguyễn Khả hình thành, phát triển trên sự khai lập xã Mai Dịch từ cuối TK.15, trong chính sách đồn điền thời Hậu Lê, của vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Họ Nguyễn Khả nay đã phát tới thế hệ 21, 22.

Bạn tôi Nguyễn Văn Tráng sinh 1952, Nhâm Thìn, trưởng cành 3, đời Nguyễn Khả 18. Hiện Tráng ở nhà 29, ngõ 2, đường Phạm Văn Đồng, con ngõ đối diện với ngôi mộ tổ của chính dòng họ Nguyễn Khả, ở bên kia đường, được bảo tồn vẹn nguyên trong một khuôn viên nhỏ, tường gạch thấp bao quanh, cổng vào có khóa. Vị trí hiện tại của ngôi mộ tổ, được định vị ở phía đông đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, Cầu Giấy.

Khu lăng mộ tổ dòng họ Nguyễn Khả, ngôi mộ tổ chính giữa, ở đường Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu gia đình.

Tương truyền, nhờ mộ này đắc địa vào huyệt quý, mà họ Nguyễn Khả phát về đường khoa bảng. Thời Hậu Lê và thời Nguyễn, tuy dân họ chưa đông, nhưng đã có hai vị đỗ tiến sĩ, 13 vị đỗ hương cống thời Lê, hoặc cử nhân thời Nguyễn, 15 vị đỗ sinh đồ hay tú tài Nho học.

Một vị tiến sĩ chính là Hộ Bộ Thượng thư Liêm Quận công Nguyễn Khả Trạc, người đã làm quan bốn triều vua Lê Trung Hưng, có nhiều công tích với dân với nước, danh tính hiện lưu khắc trên bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nguyễn Văn Trạc (1598 -1672), được vua ban tên Nguyễn Khả Trạc, là người xã Mai Dịch, huyện Từ Liêm, đỗ đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi, niên hiệu Đức Long 3 (1631) đời Lê Thần Tông, năm 34 tuổi.

Làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang, tước Từ Phái hầu, sau thăng Công bộ Thượng thư, tước Liêm Quận công. Khi mất, Nguyễn Khả Trạc được truy tặng hàm Thiếu bảo, thọ 78 tuổi. Vì thế, Hà Nội đã đặt tên một đường phố thuộc quận Cầu Giấy và một trường tiểu học phường Mai Dịch mang danh Nguyễn Khả Trạc.

Theo tư liệu dòng họ Nguyễn Khả, cách nay gần 400 năm, tiến sĩ Nguyễn Khả Trạc đã cho xây dựng khu lăng mộ tổ này, với kiến trúc hoành tráng, mỹ thuật cầu kì, được giữ gìn, tôn tạo đến nay. 

Trải qua nhiều trận vỡ đê, ngập lụt, đất đai san bồi mấy trăm năm, và hai lần tôn tạo trong 30 năm qua, ngôi mộ chính vốn ở sâu hơn 4m, có thể không còn chính xác về vị trí. Sau này, họ Nguyễn Khả đặt thêm 4 ngôi mộ tổ các đời nữa, thì đó là những vị trí chính xác.

Vậy, ngôi mộ tổ của họ Nguyễn Khả, tính ngược lên, bắt đầu từ vị tổ, theo cách tính của ông Nguyễn Khả Thị, trưởng tộc đời 17, thì “ngôi mộ tổ dòng họ Nguyễn Khả yên vị ở chính vị trí hiện tại, đã hơn 500 năm”.

Và trích một phần bản dịch Gia phả họ Nguyễn Khả Mai Dịch, (được nhà nước lưu giữ bản chữ Hán Hệ phả họ Nguyễn Khả Mai Dịch Liêm Quận công ở Viện Hán Nôm. 

Gia tộc chỉ giữ bản sao), về lăng cụ tổ đời thứ tư, ở xứ đồng Gia Lớ, Nhân Tự (nay, ngôi mộ tổ này hiện hữu sát đường Phạm Văn Đồng), thì đoạn chữ Hán trong gia phả được dịch nghĩa như sau: “Húy Việt Tự Khắc Tòng giỗ ngày 29 tháng Giêng, mộ táng tại xứ đồng Gia Lớ. Ruộng cao có bờ hình chữ nhân, cũng gọi là Nhân tự điền. Phía trước huyệt có gò bút lớn hình yên ngựa chầu vào.

Phía sau có ba gò làm gối. Lại có hai gò như lọng ngọc che lên. Thần đồng ẩn phục dẫn mạch. Hai bên có hai tháp bút nhỏ trông vào. Huyệt do thầy phong thủy xã Tả Ao chọn ra và đoán rằng: một đời đỗ Thượng thư muôn đời giàu mạnh. Có lẽ trời thấy người có đức nên ban cho huyệt như vậy”. 

Trong ghi chú về nghĩa Hán tự, người dịch đã giải mã mấy biểu tượng quan trọng: Yên ngựa, biểu tượng quan võ. Tháp bút lớn, biểu tượng quan văn. Ngọc cái: Lọng (tàn) che đầu vua quan kinh lý, biểu tượng uy quyền. 

Thần đồng ẩn phục dẫn mạch: Nghiệm ngay vào đời cháu cụ tổ là cụ Nguyễn Khả Trạc, đời thứ 6 và cụ đời thứ 8: Đông cung Thị giảng Phong binh Bộ Tả Thị lang. Thận Trung Nam Hiển cung Đại phu, được ban tặng Quốc sư Nguyễn Tướng công.

Về tâm linh, các thế hệ dòng Nguyễn Khả, vẫn bền lòng tin vào thực chứng lịch sử, rằng: dòng họ mình được phát tích từ truyền thống văn võ song toàn, từ vị tổ dòng tộc, với ngôi mộ tổ đã tọa lạc trên đất Mai Dịch đã mấy trăm năm.

Song, việc hoạch định phát triển Thủ đô Hà Nội vào cuối thập niên thứ hai của TK.21, đã đặt họ Nguyễn Khả trước vấn đề nan giải, khi nhận quyết định của UBND TP Hà Nội về việc di chuyển khu lăng mộ tổ họ Nguyễn Khả ở đường Phạm Văn Đồng, nhằm thu hồi đất phường Mai Dịch, phục vụ dự án cải tạo đường vành đai 3,  nên phải di chuyển khu lăng mộ tổ của dòng họ Nguyễn Khả.

Người họ Nguyễn Khả vốn được an tâm từ giữa thập niên cuối của TK.20, chứng kiến Nguyễn Khả Trạc được đặt tên phố và tên trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, càng tự hào về dòng tộc, khi nhà thờ họ Nguyễn Khả được Nhà nước tôn tạo, tu bổ, và được Bộ VH-TT-DL công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, (QĐ số 188-QĐ/BT, 13/3/1995). 

Khu lăng mộ tổ này, do đó, được xếp vào quần thể di tích họ Nguyễn Khả. Chính vì thế, đã được Hà Nội bảo tồn rất tốt đẹp ở vị trí đang hiện hữu, đường Phạm Văn Đồng.

Tên cụ Nguyễn Văn Trạc (1598-1672) được khắc trên bia tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Tân Mùi, niên hiệu Đức Long 3 (1631) đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Trước yêu cầu mới của TP Hà Nội về việc này, dòng tộc Nguyễn Khả không khỏi băn khoăn, đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội và quận Cầu Giấy nghiên cứu, xem xét, đặng hợp lý, hợp tình. 

200 vị cao niên, đại diện 2.000 thành viên họ Nguyễn Khả, thuộc đời 15, 16, 17, sau khi nhận thông báo thu hồi đất ngôi mộ tổ, đã họp tại nhà thờ họ, (đang được Nhà nước cho tu bổ tôn tạo với số tiền 17 tỉ đồng, sẽ hoàn tất tháng 9-2017), nhất trí đề nghị: ngôi mộ tổ họ Nguyễn Khả đã yên vị ở đó hàng 500 năm.

Nguyễn Khả Trạc là một người có công sáng lập làng Mai Dịch xưa, nay là phường Mai Dịch. Điều then chốt, theo những cao niên của họ Nguyễn Khả, thì: “Về địa thế, để uốn nắn con đường Phạm Văn Đồng, việc giữ nguyên vị trí của ngôi mộ tổ, là có thể”.

Ông Nguyễn Khả Thị, trưởng tộc đời 17, thay mặt họ Nguyễn Khả, thực hiện văn bản này, đã nhấn mạnh: cả họ Nguyễn Khả hôm nay đều nhất trí: việc di dời này là có thể, song chưa ổn về tâm linh, và đều muốn: đề đạt nguyện vọng chính đáng này lên các vị lãnh đạo TP Hà Nội để nghiên cứu xem xét.

ÔngThị kết luận: việc xin không di dời ngôi mộ cổ của họ Nguyễn Khả, về ý nghĩa xã hội, đã thể hiện đẹp ý Đảng, vừa lòng dân, nữa là lăng cổ có kiến trúc đẹp, cả Thăng Long - Hà Nội này chỉ còn đôi ba cái, hằng ngày khách thập phương đến chiêm ngưỡng đông” (văn bản đã gửi ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ngày 19/8/2016).

Nhà sử học Nguyễn Thị Dơn thân mến,

Hiện giờ, việc liên quan đến ngôi mộ tổ, đã có hướng giải quyết từ phía gia tộc họ Nguyễn Khả, với sự tha thiết: Khu lăng mộ của dòng họ Nguyễn Khả không phải di chuyển mà vẫn yên vị tại vị trí hiện nay. 

Cùng sự đồng thuận: Nếu phải di chuyển thì xin cho lăng mộ tổ của chúng tôi được an vị trong khuôn viên công viên - hồ điều hòa Mai Dịch, hoặc bố trí khu lăng mộ tổ an vị tại bờ phía đông khu vực ven hồ nhà văn hóa phường Mai Dịch...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội, năm 2016, đã chỉ đạo quận Cầu Giấy trả lời ông Nguyễn Khả Thị, (CV số 806/UBND-GPMB), liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long).

Câu trả lời của UBND quận Cầu Giấy, là khước từ cả hai yêu cầu của dòng họ Nguyễn Khả. Thứ nhất, việc muốn giữ nguyên vị trí lăng mộ họ Nguyễn Khả là “không có cơ sở thực hiện”. 

Yêu cầu thứ hai cũng “không phù hợp và không có cơ sở thực hiện”.“Bởi quỹ đất công ích chưa sử dụng tại địa bàn phường Mai Dịch, qua rà soát, đã không còn, nên việc bố trí quỹ đất cho việc di chuyển khu lăng mộ tổ dòng họ Nguyễn Khả là rất khó khăn”.

Câu chuyện trên chưa đến hồi kết, bởi việc đối thoại, bàn bạc, phối hợp giải quyết và thống nhất giữa gia tộc Nguyễn Khả và các vị lãnh đạo Hà Nội vẫn chưa ngã ngũ. Tôi trộm nghĩ, Hà Nội từng giải quyết vấn đề phát triển của chính Hà Nội, về kiến trúc, về xây dựng, về lịch sử, về tâm linh dòng tộc, và đã từng thành công.

Vấn đề ở đây là: trong chính công văn trên, họ Nguyễn Khả chưa được đồng thuận, khi Hà Nội đề nghị: “Ông Nguyễn Khả Thị và dòng họ xem xét, bàn bạc và phối hợp với Hội đòng bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận Cầu Giấy để thống nhất với phương án di chuyển khu lăng mộ tổ dòng họ Nguyễn Khả đến địa điểm tại quận Bắc Từ Liêm để dảm bảo hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP Hà Nội”.

Tôi nghĩ, việc Hà Nội muốn dời lăng mộ cổ đến địa điểm tại quận Bắc Từ Liêm đã là một giải pháp. Có điều cả hai bên cần đối thoại tiếp tục và thống nhất xem, đó đã là giải pháp tốt nhất, so với giải pháp ít tốt hơn chưa?

Theo tôi nghĩ, với sự đổi mới về tư duy lãnh đạo trong xử lý những vấn đề phát triển của Hà Nội, ngay năm 2017 đã thấy, cùng thiện chí của dòng họ Nguyễn Khả, hy vọng mọi việc sẽ diễn tiến tích cực, nhanh chóng đạt đến sự đồng thuận. Tôi còn nghĩ, các vị tổ của dòng họ Nguyễn Khả cũng không mong đợi gì hơn sự phát huy truyền thống dòng họ mình trong sự phát triển văn minh và hiện đại của Hà Nội hôm nay...

Hẳn bạn Dơn, từng là lãnh đạo Bảo tàng Hỏa Lò còn nhớ, từ cuối TK.20, khi Hà Nội quyết định xây Tháp Hà Nội trên khu đất nhà tù Hỏa Lò, ngay cạnh TAND Tối cao, có 4 mặt tiền là 4 phố cổ: Hỏa Lò, Hai Bà Trưng, Quán Sứ, Hàng Bông Thợ Nhuộm, Hà Nội đã sáng suốt quyết giữ lại mặt tiền chính ở phố Hỏa Lò làm bảo tàng và giữ lại “chứng nhân” lịch sử, là cây bàng cổ thụ ở sân nhà tù, từng là nguồn quả chín cho tù nhân ăn, lá bàng để viết thư; cây bàng nở hoa thay lá 4 mùa đã khiến bao trái tim các chiến sĩ cộng sản trong tù được an ủi, bình yên... 

Và khi xây Tháp Hà Nội, đã kiến trúc bờ tường uốn lượn, chừa chỗ cho cây bàng giữ nguyên vị trí.

Tôi đi ngang đó nhiều lần, thú vị ngắm cây bàng độc đáo và nhớ lại, khi Tháp Hà Nội xây dựng, nhà tù Hỏa Lò đã có lịch sử trăm năm. Hồi đó, Hỏa Lò trăm tuổi, tôi đã viết bài Rắc rối Hỏa Lò, đăng tạp chí Thế giới mới cuối TK.20, kể chuyện Hà Nội đã ứng xử thật đẹp với Hỏa Lò, để vừa giữ được một bảo tàng, cùng cây bàng lịch sử, vừa xây Tháp Hà Nội cao đẹp, bề thế như ngày nay.

Thiết nghĩ, đây có thể là một gợi ý tốt về ứng xử văn hóa của Hà Nội cho những di tích lịch sử - tâm linh đã có tuổi hàng vài trăm năm ở Hà Nội hôm nay...

Đêm 5-3-2017

Nguyễn Thị Minh Thái
.
.