Donald Trump: Đối ngoại và “xung đột lợi ích”

Thứ Sáu, 30/12/2016, 06:27
Dựa vào các báo cáo tài chính của Donald Trump, Washington Post cho biết có ít nhất 111 công ty của ông đang giao dịch tại 18 quốc gia và lãnh thổ, từ Nam Mỹ, châu Á, đến Trung Đông. Donald Trump khẳng định ông không dính dáng đến các hoạt động doanh nghiệp một khi vào Nhà Trắng nhưng báo chí Mỹ không tin điều đó.

Từ Âu sang Á

Vào Ngày lễ Tạ ơn, theo New York Times (26-11-2016), nhà kinh doanh bất động sản Philippines, Jose E. B. Antonio, tổ chức buổi tiệc lớn tại một trong những khách sạn của mình. Antonio có lý do để ăn mừng. 

Tháng 10-2016, ông được âm thầm bổ nhiệm là công sứ đặc biệt của Tổng thống Rodrigo Duterte đến Mỹ trực tiếp gặp Donald Trump. Antonio sắp hoàn thành công trình tháp 57 tầng trị giá 150 triệu tại phố tài chính ở Manila, và một trong những cổ đông là ông Trump…

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan từng yêu cầu gỡ tên “Trump” khỏi (tháp) Trump Towers sau khi ông Trump yêu cầu cấm người Hồi giáo đến Mỹ. Tuy nhiên, sau khi đắc cử, ông Trump lên tiếng ủng hộ Erdogan việc đàn áp thành phần đối lập.

Chính Donald Trump cũng thừa nhận vấn đề xung đột lợi ích tại Thổ Nhĩ Kỳ. “Tôi có một chút xung đột lợi ích vì tôi có một tòa nhà lớn ở Istanbul” – Trump nói, vào năm 2015, trong cuộc phỏng vấn với Breitbart News…

Tại Ấn Độ, Donald Trump quan hệ sâu và lâu dài với giới chức nước này. Một trong những đối tác của dự án Trump Towers Pune tại Ấn là Panchshil Realty, thuộc sở hữu của một gia đình có quan hệ thân thiết với một trong những chính trị gia quyền lực nhất Ấn Độ - Sharad Pawar - Chủ tịch đảng Nationalist Congress.

Donald Trump và hai cha con tỷ phú Nga Aras Agalarov.

Con gái của Sharad Pawar - Supriya Sule, thành viên Quốc hội - giữ 2% cổ phần trong Công ty mẹ Panchshil Realty. Đối tác công trình Trump Tower Mumbai là tập đoàn Lodha, được sáng lập bởi Mangal Prabhat Lodha, Phó chủ tịch đảng Bharatiya Janata (hiện là đảng chiếm đa số Quốc hội). Đối tác một dự án cao ốc văn phòng của ông Trump tại Gurgaon (gần New Delhi) là IREO, với giám đốc điều hành là Lalit Goyal, anh/em rể của một thành viên đảng Bharatiya Janata…

Tại Brazil, gia đình ông Trump sở hữu Trump Hotel Rio de Janeiro. Công trình đang bị công tố viên Brazil điều tra, vì một trong những cổ đông góp vốn có dấu hiệu tham nhũng quỹ lương hưu. 

Ông ta quan tâm tới dự án khách sạn tại Rio từ năm 2012, khi Ivanka Trump (con gái ông) tiếp xúc Paulo Figueiredo Filho tại Florida. Paulo là cháu của nhà độc tài João Figueiredo từng cai trị Brazil suốt 21 năm. Với việc Chính phủ Brazil đang muốn quan hệ thân thiện hơn với Mỹ, người ta nghi rằng vụ điều tra tham nhũng liên quan đến dự án Trump Hotel Rio de Janeiro có thể bị cho chìm xuồng…

Vấn đề xung đột lợi ích cũng thể hiện trong quan hệ giữa ông Trump với chính trị gia người Anh Nigel Farage. New York Times (21-11-2016) cho biết, ngay sau khi đắc cử, Donald Trump đã gặp Farage để thuyết phục ông này ủng hộ việc loại bỏ dự án cánh đồng gió mà ông Trump cho rằng nó phá hủy cảnh quan một dự án sân gofl của mình ở Aberdeenshire (Scotland). 

Còn nữa, cũng theo nguồn trên, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mauricio Macri (Argentina), Trump đã yêu cầu Macri ủng hộ một dự án cao ốc văn phòng tại Buenos Aires…

Tại sao ông Trump thích Putin?

Không phải tự nhiên Donald Trump phá bỏ “truyền thống” ghét Vladimir Putin của giới chính trị gia Mỹ nói chung. Có lý do cả. Tháng 11-2013, trùm công nghiệp giải trí Donald Trump đưa chương trình Miss Universe đến Moscow, lần đầu tiên. Ông Trump hy vọng một vị khách danh dự - Vladimir Putin - sẽ đến dự. Giờ chót, Putin hủy. Tuy nhiên, Tổng thống Nga gửi một hộp quà làm bằng sơn mài, theo lời kể của tỷ phú Aras Agalarov, người làm trung gian cho quan hệ Trump - Putin.

Miss Universe không chỉ mang lại cho Donald Trump một khoản khá lớn trong 14 triệu USD mà Agalarov cùng các nhà đầu tư Nga khác bỏ ra để đưa chương trình này đến Moscow mà còn giúp ký một dự án tháp Trump tại trung tâm thủ đô Nga (dự án này cuối cùng không thực hiện được).

Ông Trump muốn đầu tư vào Nga từ rất lâu. Thập niên 1980, ông ta cùng các thành viên gia đình đã đến Moscow nhiều lần tìm kiếm cơ hội. Năm 1987, ông ta đến Moscow cùng cô vợ Ivana để khảo sát địa điểm xây khách sạn.

Dự tính này bất thành. Năm 1996, Donald Trump móc nối một nhóm điều hành công nghiệp thuốc lá Mỹ dự kiến xây một chung cư cao cấp ở Moscow. Năm 2005, Trump ký hợp đồng một năm với Tập đoàn bất động sản Bayrock Group (New York) để lên kế hoạch cho dự án Trump Tower ở Moscow nhưng cũng không thành. Trong một buổi nói chuyện năm 2008, Donald Jr. (con của Trump) cho biết mình đã đến Nga 6 lần trong 18 tháng trước đó.

Và trong khi tìm cách đặt chân vào đất Nga, ông Trump đồng thời nhắm vào việc bán bất động sản tại Mỹ cũng như nhiều nơi khác cho người Nga. Năm 2008, ông ta bán một biệt thự tại Palm Beach với giá 95 triệu USD cho tỷ phú Dmitry Rybolovlev (gần bốn năm trước, ông Trump mua căn biệt thự này với 41,4 triệu USD).

Nói với Washington Post, tỷ phú Aras Agalarov và con trai ông (nhạc sĩ pop Emin Agalarov) cho biết họ kết thân với Donald Trump từ sau chương trình Miss Universe. Chính quyền Vladimir Putin cũng quan tâm đặc biệt đến đại gia này.

Đại sứ Nga tại Mỹ, Sergey I. Kislyak, thậm chí đến dự một buổi nói chuyện về chính sách đối ngoại của (ứng cử viên) Donald Trump vào tháng 4-2016. Các tùy viên thân tín của Donald Trump cũng có những mối quan hệ làm ăn ở Nga. Chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông ta, Paul Manafort, từ lâu đã có những giao dịch nhiều triệu đôla với các ông trùm Nga.

Donald Trump tại cuộc thi Miss Universe (Moscow, 9-11-2013).

Một cố vấn khác của Trump, Michael Caputo, từng sống ở Nga vào thập niên 1990. Năm 2000, Caputo có một hợp đồng với Tập đoàn truyền thông Gazprom Media nhằm cải thiện hình ảnh Vladimir Putin tại Mỹ.

Cựu Trung tướng Michael Flynn, nguyên Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng, vừa được Trump chỉ định làm cố vấn an ninh quốc gia, có lần khiến cộng đồng ngoại giao Mỹ sốc khi ngồi gần Vladimir Putin tại một tiệc tối ở Moscow năm 2015 nhằm vinh danh Hãng thông tấn Nga RT. Carter Page, một cố vấn đối ngoại của Donald Trump, từng quản lý một văn phòng Merrill Lynch tại Moscow, có liên quan đến việc tư vấn cho Tập đoàn Năng lượng khổng lồ Gazprom…

Nợ này tính sao?

Trong một phóng sự điều tra ngày 30-9-2016, Washington Post cho biết vương quốc doanh nghiệp Donald Trump hiện nợ (ngân hàng) Deutsche Bank hàng trăm triệu đôla, trong khi Deutsche Bank đang là mục tiêu điều tra của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và đối mặt với mức phạt 14 tỷ USD. Deutsche Bank can tội gian lận trong các chương trình cho vay bất động sản.

Một số ý kiến cho rằng nếu để việc này kéo dài qua thời điểm ông Trump nhậm chức tổng thống thì ông ta có thể can thiệp Bộ Tư pháp không phạt Deutsche Bank. “Hoàn toàn có thể hình dung khả năng ông ấy (Trump) có thể can thiệp Bộ Tư pháp để không ảnh hưởng vấn đề tài chính của các công ty ông ấy” – phát biểu của Trevor Potter, nguyên Chủ tịch Ủy ban Bầu cử liên bang và từng là cố vấn luật của Tổng thống George H. W. Bush lẫn Thượng nghị sĩ John McCain.

Nếu sức khỏe tài chính của Deutsche Bank gặp nguy thì điều đó có thể đe dọa lợi ích doanh nghiệp Trump vì ngân hàng này sẽ đóng băng các vụ cho vay trong tương lai.

Deutsche Bank là ngân hàng đầu tư lớn nhất châu Âu và là một trong những định chế tài chính lớn nhất thế giới. Nó cũng là ngân hàng cho Donald Trump vay nhiều nhất trong các dự án bất động sản. Vài năm gần đây, Deutsche Bank trở thành mục tiêu điều tra tại Mỹ cũng như một số nước.

Năm 2015, Deutsche Bank đồng ý trả 2,5 tỷ USD tiền phạt sau một scandal liên quan việc lũng đoạn tỷ lệ lãi suất cho vay. Tháng 6-2016, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ nói rằng chi nhánh Deutsche Bank tại Mỹ đã không đáp ứng được một cuộc kiểm tra mức độ rủi ro; và Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng nói rằng Deutsche Bank là một trong những nơi lớn nhất “mang lại ảnh hưởng cho các rủi ro hệ thống trong hệ thống ngân hàng toàn cầu”.

Báo cáo tài chính mà ông Trump khai trong thời gian tranh cử cho thấy Deutsche Bank là chủ nợ của ông ta với tổng cộng khoảng 360 triệu USD. Deutsche Bank là ngân hàng lớn (được niêm yết tại Wall Street) duy nhất tiếp tục cho Trump vay khi các công ty của ông đệ đơn 6 vụ phá sản.

Từ năm 1998, Deutsche Bank là nơi cho vay hoặc đồng cho vay ít nhất 2,5 tỷ USD cho ông Trump. Năm 2008, Deutsche Bank yêu cầu ông này trả khoản vay 640 triệu USD cho dự án tháp Chicago. Thay vào đó, Trump kiện Deutsche Bank, yêu cầu họ phải bồi thường 3 tỷ USD vì việc đánh giá sai dự án của mình đồng thời tạo ra “cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại”. Deutsche Bank kiện ngược. Cuối cùng, hai bên dàn xếp và Donald Trump đồng ý trả nợ.

Cần nói thêm, New York Times (20-8-2016) cho biết các công ty của Donald Trump nợ ít nhất 650 triệu USD, gấp đôi con số mà ông ta khai chính thức. Và trong số chủ nợ ấy không chỉ Deutsche Bank, còn có cả Bank of China!

Ngọc Trì
.
.