Đối thoại chính trị để củng cố an ninh

Thứ Sáu, 01/06/2012, 10:20
Không thể nói rằng hơn hai mươi năm sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc trên hành tinh chúng ta đã hình thành một trật tự thế giới mới theo đúng nghĩa của nó. Và cũng chưa thể nói rằng, xu thế đa cực đã trở thành chủ đạo trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng, đang dần dà xuất hiện và ngày một rõ nét hơn một hệ thống đa cực các mối quan hệ quốc tế và mở rộng sự phối hợp hành động ở cấp độ toàn cầu và khu vực. Điều này có tác động tích cực tới quá trình tìm kiếm những bảo hiểm về an ninh quốc gia ở nhiều nơi trên thế giới.

Có nhau vẫn hơn

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (ODKB) là một trong những hệ thống như thế. Đây là một liên minh quân sự giữa một số nước từng là thành viên của Liên bang Xô viết như Armenia, Belarus, Kazakhastan, Kyrgyzstan, LB Nga và Tajikistan. ODKB được thành lập ngày 7/10/2002 trên cơ sở Hiệp ước về an ninh tập thể (DKB) được ký kết từ 15/5/1992, không lâu sau khi Liên Xô chính thức tan rã. Hội nghị Thượng đỉnh ngày 15/5/2012 tại Điện Kremli có mặt đầy đủ các nguyên thủ các quốc gia  thành viên. Đây cũng là hoạt động đối ngoại lớn đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi ông chính thức tái nhậm chức làm người cầm lái con thuyền Nga la tư.

Trong quá trình diễn ra hội nghị, như chính ông Putin nhận xét, các nhà lãnh đạo các nước thành viên ODKV đã tiến hành những cuộc đối thoại rất thẳng thắn các vấn đề thời sự nhất trên thế giới để xác định những bước đi chung tiếp theo đối phó với những thách thức toàn cầu và khu vực. Và họ đã tìm ra được những cách tiếp cận rất gần nhau để đối phó với các  thách thức đó.

Tuyên bố của những người đứng đầu các quốc gia - thành viên ODKB cho rằng, hiện nay, trong lĩnh vực đảm bảo an ninh vẫn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực trong đó có liên quan đến việc lặp lại sự can thiệp bằng vũ lực vào những tình trạng khủng hoảng và những mưu toan hành động không đếm xỉa đến những chuẩn mực và nguyên tắc luật pháp - quốc tế đã được công nhận rộng rãi.

Nguyên thủ các nước thành viên ODKB trong Điện Kremli ngày 15/5/2012.

Chính vì thế nên trong tình hình quốc tế hiện nay, “việc củng cố một chương trình nghị sự tích cực, có tính chất liên kết đối với cộng đồng thế giới và việc đảm bảo tính thượng tôn đối với các quyền và các khởi đầu dân chủ trong các mối quan hệ quốc tế có một ý nghĩa đặc biệt. Những giải pháp toàn diện và lâu dài cho những cuộc xung đột hiện nay chỉ có thể tìm thấy được bằng con đường hòa bình, thông qua đối thoại chính trị”.

Các hành vi quân sự, nói cho cùng, chỉ là sự tiếp nối của chính trị một khi các cuộc thương thuyết trở nên bất lực. Nhưng trong bất luận trường hợp nào, đàm phán vẫn hơn là nổ súng. Bởi vậy nên ở quy mô toàn cầu, các quốc gia vẫn cần một phòng họp chung để tìm kiếm hết mọi giải pháp không vũ trang tháo ngòi nổ cho các xung đột. Nơi đó như trước kia vẫn phải là LHQ.

Các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên ODKB cho rằng, “Liên hợp quốc vẫn tiếp tục là cấu trúc nền tảng của các mối quan hệ quốc tế và sự hợp tác quốc tế bình đẳng. Liên hợp quốc có tính hợp pháp độc nhất vô nhị và những thẩm quyền cần thiết cho việc phản ứng một cách phù hợp đối với tất cả sự đa dạng của những thách thức và nguy cơ đương đại. Chính Liên hợp quốc phải tiếp tục đảm bảo sự dẫn đầu về chính trị, pháp lý và tinh thần trong cuộc đấu tranh với những thách thức toàn cầu, thiết lập những nguyên tắc và chuẩn mực công bằng cho việc phối hợp hành động, kiểm soát việc thực thi chúng, thực hiện sự trợ giúp cần thiết và ủng hộ những quốc gia có nhu cầu trong việc này…”.

ODKB cũng bày tỏ sự ủng hộ các nỗ lực nhằm làm sâu rộng sự hợp tác giữa tổ chức này với Liên hợp quốc trên cơ sở Chương VIII Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm cả trong lĩnh vực kiến tạo hòa bình. ODKB cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng về việc phát triển sự phối hợp hành động giữa nó với các tổ chức quốc tế và khu vực khác.

Hơn bao giờ hết, một đặc điểm không thể tách rời của giai đoạn phát triển hiện nay trong các mối quan hệ quốc tế là sự gia tăng ảnh hưởng của các tổ chức khu vực. Và hoạt động hữu hiệu của các cơ chế khu vực sẽ trở thành yếu tố quan trọng khi hình thành một cấu trúc toàn cầu mới.

An ninh phải công bằng

Cũng theo quan điểm của các nhà lãnh đạo các nước thành viên ODKB, việc đảm bảo một nền an ninh ngang bằng và toàn vẹn đối với tất cả các quốc gia như một điều kiện để tiếp tục thúc đẩy việc đó theo con đường giải trừ hạt nhân và củng cố các quy chế không phổ biến vũ khí, ủng hộ tiến trình thành lập các khu vực không có vũ khí hủy diệt hàng loạt trên khắp các khu vực thế giới, tổ hợp các vấn đề về việc tạo dựng và tuân thủ các đảm bảo cho nền an ninh…

Thảo luận bàn tròn ODKB.

ODKB cho rằng, những bước tiến quan trọng trong các tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân và củng cố quy chế không phổ biến phải là: việc bắt đầu có hiệu lực một cách sớm nhất cho Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), việc khởi động tại Hội nghị giải trừ quân bị các cuộc đàm phán về công tác nghiên cứu soạn thảo Hiệp ước cấm sản xuất những vật liệu bị phân rã cho mục tiêu vũ khí hạt nhân, việc thành lập các khu vực không có vũ khí hạt nhân…

Diễn ra theo hướng này, từ ngày 21/3/2009, Hiệp ước về khu vực không có vũ khí hạt nhân tại vùng Trung Á đã bắt đầu có hiệu lực. Dự kiến trong năm nay sẽ tổ chức được Hội nghị về việc thành lập Khu vực không có vũ khí hủy diệt hàng loạt và các phương tiện vận chuyển chúng tại Trung Đông với sự tham gia của tất cả các quốc gia của khu vực. Và  việc hình thành một cách sớm nhất khu vực không có vũ khí hủy diệt hàng loạt và các phương tiện vận chuyển chúng tại Trung Đông khả dĩ cho phép đảm bảo một giải pháp mang tính tổ hợp cho các vấn đề củng cố quy chế không phổ biến hạt nhân, khả dĩ thúc đẩy việc đạt được sự tin cậy giữa các quốc gia láng giềng trong khu vực, thiết lập tại đó một nền hòa bình và sự hợp tác…

Củng cố lòng tin

Một trong những mâu thuẫn an ninh lớn nhất trên trường quốc tế nói chung và trong không gian Âu - Á nói riêng là những khác biệt trong cách nhìn nhận về nhau giữa một bên là NATO và bên kia là Nga cùng các nước bạn trong đội hình ODKB. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của ODKB ở Moskva trung tuần tháng 5 đã đánh giá sự phát triển các mối quan hệ đối tác với NATO như yếu tố quan trọng đối với việc củng cố an ninh quốc tế và khu vực và gia tăng sự tin cậy lẫn nhau, tính minh bạch và tính chất có thể lường trước được.

Muốn giảm thiểu những va đập với nhau, ODKB đã bày tỏ sự sẵn sàng cùng các nước NATO có những nỗ lực, trước hết trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao với mục đích chống lại sự phổ biến tên lửa đạn đạo trên cơ sở hiểu biết thống nhất đối với các thách thức và nguy cơ hiện nay, khi cùng từ bỏ những mưu toan đảm bảo an ninh của chính mình bằng an ninh của những nước khác. Vẫn như trước kia, Moskva nói riêng và các nước thành viên còn lại của ODKB cho rằng, việc triển khai đơn phương các hệ thống chiến lược phòng thủ chống tên lửa do một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia tiến hành mà không tính đến những lợi ích hợp pháp của các nước khác và không được các nước này có những đảm bảo có tính chất ràng buộc về pháp lý, có thể gây tổn hại cho nền an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược tại châu Âu và trên thế giới về tổng thể.

Để cấu trúc an ninh chung châu Âu thích ứng được với thực tế tình hình quốc tế hiện nay, ODKB rất chú trọng tới sáng kiến của LB Nga về việc ký kết Hiệp ước an ninh châu Âu - một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý, đề cập tới việc củng cố trong nền luật pháp quốc tế những nguyên tắc về một nền an ninh toàn vẹn và ngang bằng đối với tất cả các quốc gia khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.

ODKB cũng bày tỏ quan điểm kiên quyết không chấp nhận những mưu toan sử dụng các biện pháp gây áp lực chính trị và kinh tế giữa các quốc gia, kể cả trong quan hệ giữa các quốc gia thành viên  của tổ chức này, hàm ý là chỉ có đối thoại bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau mới có thể thúc đẩy việc giải quyết các bất đồng giữa các quốc gia.

Bài viết có sử dụng tài liệu do Đại sứ quán LB Nga tại Hà Nội cung cấp

Phạm Huy Dũng
.
.