“Đối đầu lạnh!”

Thứ Bảy, 25/05/2019, 09:09
Cho dù không có tiếng súng, thương chiến giữa Mỹ với Trung Quốc dường như vẫn tỏa ra sát khí mù mịt!


"Lật kèo"?

Cho dù không có tiếng súng, thương chiến giữa Mỹ với Trung Quốc dường như vẫn tỏa ra sát khí mù mịt!

Từ ngày 10-5, Mỹ chính thức nâng mức thuế đánh vào lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trưởng Mỹ từ 10% lên 25%. Tiếp đó, ông Trump khẳng định xúc tiến những bước đi pháp lý đầu tiên để tiếp tục đánh thuế 25% với khoảng hơn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại, có nghĩa là toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trưởng Mỹ.

Như đã có thể đoán trước, Bắc Kinh lập tức phản đòn khi tuyên bố đánh mức thuế tương đương 25% đối với 60 tỷ USD giá trị hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc. Sở dĩ Trung Quốc áp mức thuế trả đũa chỉ với một lượng hàng hóa ít ỏi hơn nhiều so với số lượng hàng hóa bị Mỹ áp thuế là bởi tất cả chỉ có vậy! Trung Quốc nhập khẩu số lượng hàng hóa từ Mỹ ít hơn rất nhiều so với chiều ngược lại.

Như vậy, sau một thời gian ngưng chiến để chuyên viên của hai phía tiến hành các cuộc đàm phán nhằm tránh xảy ra chiến tranh thương mại, cuối cùng thì điều không tránh khỏi là đối đầu leo thang, biến thành một "cuộc chiến" tàn khốc với những hệ lụy khó lường đối với cả hai phía. 

Điều đáng chú ý là thương chiến đã nổ ra ở vào thời điểm bất ngờ nhất, khi phái đoàn Trung Quốc đang chuẩn bị ra sân bay đi Washington để hoàn tất vòng đàm phán quyết định, ngõ hầu có thể thiết lập một thỏa thuận hòa bình, tránh xảy ra xung đột. Trước đó, trong nhiều tháng trời, các chuyên viên của cả hai phía đã vật lộn qua nhiều vòng đàm phán căng thẳng để có thể đạt tới được một dự thảo thỏa thuận cuối cùng.

Từ ngày 10-5, Mỹ chính thức nâng mức thuế đánh vào lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trưởng Mỹ từ 10% lên 25%. Ảnh: L.G.

Tuy nhiên, ngay trước khi đoàn Trung Quốc rời Bắc Kinh trực chỉ Washington, chỉ bằng vài dòng tweet, ông Trump đã khiến tất cả ngỡ ngàng khi tuyên bố sẽ tăng thuế đánh vào các mặt hàng Trung Quốc với cáo buộc phía Trung Quốc "lật kèo", đòi sửa đổi phần lớn những nội dung mà hai bên đã thống nhất được trong những vòng đàm phán trước đó.

Đoàn đàm phán Trung Quốc vẫn lên đường tới Washington nhưng với những gì mà ông Trump viết ở trên Twitter, có thể thấy đổ vỡ đàm phán là điều không thể tránh khỏi. Tiếp đó là những đòn áp thuế lẫn nhau cùng những cáo buộc phía bên kia là "thủ phạm" của cuộc khủng hoảng.

"Mua, mua, mua" không phải là câu thần chú có tác dụng

Thường thì sau khi hai bên Bắc Kinh và Washington ra chiêu, câu hỏi luôn xuất hiện đầu tiên sẽ là "vì đâu nên nỗi?”.

Nếu cứ căn cứ vào những cáo buộc của ông Trump thì sở dĩ ông công bố các biện pháp trừng phạt bằng thuế nhằm vào Bắc Kinh ngay cả trước khi vòng đàm phán cuối cùng diễn ra là bởi phía Trung Quốc bất thần đảo ngược những điều khoản then chốt đã được hai phía nhất trí trong những vòng đàm phán trước.

Vốn tự cho mình là một chuyên gia đại tài về đàm phán (dù là về làm ăn hay sau khi vào Nhà Trắng là đàm phán chính trị), ông Trump không muốn bị coi là tay mơ, dễ dàng để Trung Quốc qua mặt bởi những thủ thuật "câu giờ" như thế.

Cho dù tạo ấn tượng là một người thiếu nhất quán nhưng cả trong chính sách đối nội lẫn đối ngoại, ông Trump lại hết sức nhất quán: luôn tạo ra sự khác biệt so với những gì mà những người tiền nhiệm của ông đã làm.

Siết chặt chính sách nhập cư, xây dựng bức tường biên giới với Mexico, rút lui khỏi TPP, đưa sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, nối lại việc phong tỏa cấm vận Cuba, xé bỏ hiệp ước về chương trình hạt nhân với Iran của nhóm P5+1..., tất cả đều nằm trong đường hướng này của ông Trump.

Chính sách với Trung Quốc, hay nói cho đúng hơn là sự đảo ngược của chính sách này so với người tiền nhiệm, cũng là một điểm nằm trong tính nhất quán đó.

Nếu chỉ nhìn nhận về khía cạnh kinh tế thương mại đơn thuần, có thể lý giải rằng Mỹ chủ động tung đòn áp thuế là do Washington không chấp nhận sự chênh lệch quá lớn trong xuất - nhập khẩu hàng hóa với Bắc Kinh, trong đó phía Mỹ phải chịu một khoản nhập siêu khổng lồ. Ông Trump, người trước khi vào Nhà Trắng đã tuyên bố rằng nếu trúng cử tổng thống, ông sẽ "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", không chấp nhận thực tế đó.

Tuy nhiên, nếu coi đây là nguyên nhân thực sự dẫn tới việc ông Trump ném găng ra võ đài thì không hẳn là chính xác, bởi nếu do sự chênh lệnh cán cân thương mại xuất - nhập khẩu hàng hóa thì để giảm nhiệt căng thẳng, chỉ cần câu thần chú "mua, mua, mua" từ phía Trung Quốc là đủ tháo gỡ khủng hoảng. Mua thêm hàng hóa của Mỹ, điều mà Trung Quốc đã không chỉ một lần cam kết, không phải là giải pháp căn bản để tháo gỡ khủng hoảng.

Sự thay đổi vị thế chiến lược

Vậy nguyên nhân sâu xa nằm ở đâu?

Nguyên nhân nằm ở chỗ cả Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu bước vào một thời kỳ nhằm tranh giành vai trò định hình trật tự thế giới mà trên sân khấu lớn này, vị thế của cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đã thay đổi.

Thời kỳ 1971-1972, dưới bàn tay ma giáo của "thầy phù thủy ngoại giao", cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, Mỹ và Trung Quốc đã có một một bước ngoặt ngoạn mục, thiết lập mối quan hệ mới. 

Cùng với mục tiêu kiềm chế Liên Xô, sự xích lại gần nhau giữa Bắc Kinh và Washington đã có tác dụng làm xoay chuyển hầu như hoàn toàn cục diện chính trị thế giới lúc bấy giờ. Trong những thập niên sau đó, hai bên tiếp tục có mối quan hệ thân thiết, trao đổi các vấn đề quốc tế trọng yếu.

Tuy nhiên, trong mối quan hệ song phương này, với tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh, Mỹ luôn ở vị thế "chiếu trên". Vừa do chính sách "náu mình chờ thời", vừa do không có ưu thế vượt trội về bất kỳ mặt nào ngoài việc có số dân đông hơn, Bắc Kinh chưa bao giờ có được một vị thế ngang hàng với Mỹ trong các vấn đề quốc tế.

Nhưng, khi bước sang những thập niên đầu thế kỷ 21, với việc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vị thế của Trung Quốc so với Mỹ đã có những thay đổi rõ rệt. 

Không chỉ áp đảo thị trường Mỹ bằng các mặt hàng giá rẻ, các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc như Huawei bắt đầu vươn lên chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Bất chấp sự lo lắng của các nước láng giềng, Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn trong tranh chấp ở Biển Đông, thách thức sức mạnh biển của Mỹ...

Do vậy, đến khi ông Trump vào Nhà Trắng thì việc kiềm chế sự trỗi dậy không còn mang tính hòa bình của Trung Quốc trở thành một nhiệm vụ mang tầm quan trọng chiến lược. 

Sau gần nửa thế kỷ, công sức của Henry Kissinger đổ xuống sông xuống biển khi Mỹ và Trung Quốc bước vào một trạng thái mới, chưa phải "chiến tranh lạnh" nhưng cũng không hẳn là hòa bình: một cuộc "đối đầu lạnh".

Trong cuộc cạnh tranh chiến lược này, kìm hãm xu hướng phát triển công nghệ của Trung Quốc là một mục tiêu chiến lược. Thuế quan chỉ là đòn bẩy để thực hiện mục tiêu khó khăn đó.

"Biển cả" hay "ao nhỏ"?

Mà quả thật, đó là một mục tiêu hết sức khó khăn.

Khi phân tích những hệ quả của cuộc thương chiến Mỹ-Trung đã được đẩy lên một cao trào mới, nhiều nhà phân tích thường dựa vào các số liệu để đưa ra những đánh giá thắng thua trong một cuộc chiến như vậy.

Chuyên gia kinh tế Robert E.Scott thuộc Viện Chính sách kinh tế, trong cuộc phỏng vấn với kênh Al Jazeera, cho biết năm 2018, Mỹ nhập khẩu khoảng 540 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và xuất khẩu 120 tỷ USD hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Những con số này chẳng thấm gì so với quy mô của nền kinh tế Mỹ đạt tới 21.000 tỷ USD trong quý 1 của năm 2019.

Không chỉ áp đảo thị trường Mỹ bằng các mặt hàng giá rẻ, các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc như Huawei bắt đầu vươn lên chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Ảnh: L.G.

Trong khi đó, tỷ lệ này trong nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn nhiều. Tổng số 540 tỷ USD hàng hóa xuất sang Mỹ trong năm 2018 chiếm tới 4% nền kinh tế trị giá 13.400 tỷ USD của Trung Quốc.

Như vậy, khi những đòn thuế quan được cả hai phía bung ra, kinh tế Trung Quốc sẽ bị tổn thương lớn hơn chừng 7 lần so với Mỹ.

Xét về tác động của các biện pháp thuế quan, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu các mức thuế trừng phạt của Mỹ phát huy tác dụng, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2019 sẽ giảm khoảng 1,6%, trong khi đối với kinh tế Mỹ, mức suy giảm ít hơn nhiều.

Nói cách khác, về mặt lý thuyết, đây là cuộc chiến mà phần thắng sẽ nghiêng về bên nào chịu đựng được những tổn thương lâu hơn, bền bỉ hơn.

Nhưng cũng như trong các cuộc chiến tranh nóng, việc "đếm xác" không phải lúc nào cũng mang lại chiến thắng cho bên được cho là mạnh hơn. Đó mới chỉ là những con số khô khan, khi mà hiệu quả của các biện pháp tăng thuế vừa qua của hai bên phải sau nhiều tháng nữa, thậm chí lâu hơn, mới ít nhiều có thể lượng định được.    

Như để tiêm liều vắc-xin chuẩn bị tinh thần cho người dân Trung Quốc sẵn sàng cho thương chiến Mỹ-Trung, trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu rằng: "Nền kinh tế Trung Quốc là biển cả, không phải cái ao. Một cơn bão có thể hủy hoại một cái ao nhỏ nhưng không thể làm tổn thương biển cả. Sau hàng loạt cơn bão, biển vẫn nằm đó!".

Thế giới đang chờ xem bão thương chiến sẽ đặt tên "biển cả" hay "ao nhỏ" cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Yên Ba
.
.