Đời - Lắm lúc rất yêu

Thứ Sáu, 06/12/2019, 22:03
Khi nhận xét về ca từ của Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có nói một câu mà Văn Cao rất khoái: “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Những gì trong túi áo của mình, mình lấy ra thì rõ ràng quá dễ, vì nó không qua “cơ chế” xin - cho nhùng nhằng đơn từ, nhiêu khê thủ tục theo “đúng quy trình”...

Còn khó thì sao? Đến đây sực nhớ đến câu thơ của Thanh Tịnh viết năm 1951: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vấn đề là ở chỗ chữ “dân”.

Chuyện của bạn

Y có anh bạn làm quan chức cỡ nhỏ, chỉ cấp phường xã, không đủ quyền lực “hô phong hoán vũ” thế nhưng đời sống vẫn ngon lành cành đào, dù không hề chấm mút, nhận của đút lót, vòi vĩnh “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”, nói nôm na là “sạch sẽ”. Anh bảo: “Muốn có quà cáp ư? Dễ lắm”. “Dễ ra làm sao?”, y hỏi.

“À, cứ chu toàn phận sự được giao, giải quyết sự việc có tình có lý, nhất là không tìm cớ/ tìm cách gây khó khăn nhằm ách tắc công việc của người ta để rồi nếu muốn “khai thông”, họ phải biết điều… kèm bìa thư giấu dưới hồ sơ”. Chỉ có vậy thôi sao? Lạ quá.

Anh cười: “Làm tốt công việc, trách nhiệm thì dân thương, dân quý, sau đó, dù không đòi hỏi “bồi dưỡng” nhưng rồi người ta lại chủ động cám ơn. Nhận hay không là quyền của mình, không gì áy náy lương tâm. “Ăn cơm với cáy thì ngáy o o, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy”. Miếng thịt bò ấy là của đút lót, liệu có dễ dàng trôi tuột xuống cổ họng?”.

Nghe ra chí lý lắm thay.

Nhiều người bạn quan chức khác cũng bảo thế, chứ đây không là trường hợp cá biệt. Ngẫm lại, người Việt sống nặng về tình. Một bó lý không bằng một tí tình. Giải quyết công việc, giúp đỡ người khác trong khả năng của mình bằng cái tình/ tình người ắt nhận lại cái tình. Sự đời vốn đơn giản. Cần quái gì phải đem quyền lực gây khó dễ, buột họ vào cái thế “triệt buộc” nhằm… moi tiền trong túi áo của họ. Chiêu trò này hèn kém và thất sách.

Y suy nghĩ điều này khi mới đây, cả một tuần phải xất bất xang bang ăn chực nằm chờ, ngủ gà ngủ vịt, cơm hàng cháo chợ, thắc thỏm âu lo lúc chăm con tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Đứa trẻ con nào mới mười mấy tháng tuổi cũng ốm sốt vặt, mọc răng cũng sốt, bập bẹ tập nói cũng sốt, chập chững đi cũng sốt… đại khái thế. Nhưng rồi, bậc phụ huynh nào không lo sốt vó? Cực chẳng đã mới đưa con vào bệnh viện.

Vào đó, nếu gặp được bác sĩ thấu hiểu cho tâm trạng lo lắng của mình, họ có thái độ ân cần, hòa nhã, viết chữ rõ ràng trên toa thuốc, giải thích rành mạch về bệnh trạng… thì mừng lắm. Nói nôm na đó là người tốt. Sau khi mọi việc đã xuôi chèo mát mái, dù họ không nói gì, không đòi hỏi gì nhưng mình vẫn có lời cảm ơn hoặc có chút quà thiện ý.

Nói cách khác, dù bất cứ ai, cứ tâm niệm làm tốt phận sự, nhiệm vụ của mình ắt sẽ nhận sự cảm ơn xứng đáng. Ơ hay, y nói cứ như… sách. Này, nếu sau đó chẳng có, chẳng nhận được gì sất thì sao? Lý giải thế nào cho lọt tai nghe chơi?

Dễ ẹt.

Chuyện của mình

Chẳng phải khoe khoang gì, chính y, vâng, chính y vừa mới gặp phép lạ. Hôm ấy, vào lúc tờ mờ sáng, đang ngủ ngon đột nhiên bé nhóc khóc thét lên, tiêu chảy, hâm hấp sốt. Vợ y bồng ẵm dậy. Vệ sinh cho bé. Làm mát hạ sốt. Sau đó, như mọi ngày, y chủ quan vẫn ẵm bồng con ra phố, đi ăn sáng; lúc trở về, trên đường về, trời ơi, bé chuyển sốt nặng. Môi tím tái. Môi lắp bắp. Một trường hợp xảy ra lần đầu tiên chứng kiến trong đời, từ con mình. Y thật sự hoảng sợ. Không biết phải xử lý thế nào cả.

Nếu đi chậm một chút, đã khác. Nếu đi nhanh một chút, đã khác. Kỳ lạ thay, ngay lúc đó, vào thời điểm của giây phút 89 có tính cách quyết định ấy, bàn chân của y bỗng khựng lại như có ai níu kéo. Y dừng lại ngay trước cửa một căn nhà. Căn nhà này ít khi mở cửa, thế mà lúc ấy lại mở, họ nhìn thấy và vội vàng kéo hai cha con vào nhà.

Một bàn tay chìa ra, trong đời y không thể nào quên. Lập tức, họ huy động mọi người cùng tìm cách sơ cứu, cho thuốc hạ sốt, lấy nước ấm lau mát hạ nhiệt… Lại cẩn thận ghi lại tình trạng của bé, ngay lúc vợ chồng y đưa con vào bệnh viện.

Nếu thời điểm ấy, y đi nhanh hơn; hoặc đi chậm hơn thì sao? Nếu người trong nhà ấy không có tấm lòng san sẻ, không hiểu biết về y học thì đã có chuyện gì? Chỉ cần một từ “nếu” ấy xảy ra, mọi việc sẽ thế nào?

Một khi giấu suy nghĩ trong đầu, điều gì con người ta cũng dám nghĩ đến nhưng với con thì không bao giờ. Không bao giờ dám nghĩ đến. Y cũng thế thôi. Chỉ nghĩ lúc đó, lúc ấy chính là phép lạ. Phép lạ có thật ở trong đời đấy chứ? Có thật mà đôi lúc nghĩ mãi cũng lấy làm lạ.

Đại khái, có những người bạn mà mình chỉ quen biết vậy thôi, không thân thiết cũng không xa cách, bấy lâu nay họ chẳng nhờ gì mình, mình chẳng giúp gì họ. Thế mà, khi gặp chuyện,  chính họ lại giúp mình chu toàn công việc một cách ngon ơ bà ờ, ngon như xà lách xoong.

Rằng, lúc vợ đang mang bầu, gặp chuyện đang đau đáu chưa biết phải nhờ ai tư vấn và giúp đỡ, cứ ngày đêm trằn trọc mãi. Tình cờ, anh bạn Dương Quang - phó Tổng biên tập báo Người lao động rủ đi ăn trưa. Ừ, thì đi. Đến nơi, có thêm bạn của hắn ta nữa mà y không quen, tạm gọi là A. Qua trò chuyện, A nhiệt tình lấy điện thoại gọi cho người khác để xin số điện thoại của một vị bác sĩ còn trẻ, tạm gọi là B. Qua cầu nối này, y đưa vợ đến gặp bác sĩ B mà y chưa hề biết mặt, chưa quen biết bao giờ. Lúc đến nơi, chuyện gì đã xảy ra?

Thiệt xúc động, ngay lời chào trước nhất, bác sĩ B nói, đại khái, thời trung học đã đọc báo Khăn quàng đỏ, thời sinh viên đã đọc báo Mực tím, Tuổi trẻ… qua đó, đã đọc thơ, truyện ngắn, tùy bút của y đã in và lấy làm thích lắm. Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình. Nay, dù mới gặp nhưng thật ra đã quen biết từ… mấy chục năm trước. Vậy là B tận tình, rất tận tình tư vấn bằng nghiệp vụ chuyên môn.

Thậm chí, lúc 6 giờ sáng của ngày đưa vợ vào Bệnh viện Từ Dũ, đến nơi đã gặp B. Anh ta đến trước để chuẩn bị chu đáo mọi việc cần làm. Mà quan trọng nhất là B có lời chia sẻ, động viên trước lúc vợ y vào phòng phụ sản. Cảm động như thể anh em một nhà.

Tại sao có những người dù chưa từng quen biết nhau, nhưng lúc sơ ngộ đã như tri kỷ? Nhờ thế, đang họa lại gặp phúc. Đang khó khăn lại được người đó tháo gỡ. Kỳ diệu quá. Tại sao lại thế? Do đâu? Câu hỏi này, tùy mỗi góc nhìn mà có câu trả lời chăng?

Y không dám có ý kiến ý cò, chỉ ngẫm nghĩ đến câu thơ của bậc thiên tài Nguyễn Trãi: “Họa, phúc hữu môi phi nhất nhật (Họa,  phúc gây mầm không một chốc - Đào Duy Anh dịch). Gieo gió ắt gặt bão, chứ làm gì gặt mưa thuận rực rỡ mùa vàng ấm no? Gieo vừng ra vừng chứ làm sao có thể ra ngô? Tóm lại gieo gì gặt nấy.

Trước kia, xa thẳm trước kia, rơi vào cảnh ngộ “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”, nàng Kiều yêu dấu của trùng trùng thế hệ đắm đuối với văn chương Việt đã thỏ thẻ hỏi nhà sư Tam Hợp đạo cô: “Người sao hiếu nghĩa đủ đường/ Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi?”. “Sư rằng: Phúc họa đạo trời/ Cỗi nguồn cũng bởi lòng người mà ra”. Phép lạ trong đời, có hay không, hãy tự hỏi lòng mình, là từ ứng xử lâu nay của mình, chứ nào phải chờ đến đấng siêu nhiên nào cả.

Mà này, cả bài viết này y chỉ viết về y, “cái tôi là cái đáng ghét”, có nên chăng? Tất nhiên là không nên, thế nhưng cũng có “ngoại lệ” nếu qua riêng tư của cái tôi ấy có thể khái quát lên điều gì thì bạn đọc cũng độ lượng châm chước. Vậy, từ những gì đã trải qua trong những ngày gần đây, y nghĩ đến hai điều.

Thứ nhất, tích phúc ở trong đời này rất dễ. Dễ ẹt. Không khó lắm đâu. Có những kẻ hít đớp cho lắm, bóp cổ dân đen phải ọe, phải nôn ra tiền, “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”, lúc “hạ cánh an toàn” nghĩ lại, sợ quá bèn đi làm từ thiện hết chùa này, chùa nọ, cúi đầu lục lạy cúng bái cầu phúc mà cứ nơm nớp âu lo. Nghĩ cho cùng cũng khổ cái thân.

Không cần phải thế đâu, ngay trong công việc hằng ngày, với trọng trách, trách nhiệm được giao cứ làm hết sức mình, không vụ lợi ắt đã tích phúc. Có phúc là có cơ may gặp phép lạ. Xem kìa, khi vào bệnh viện bạn đã nghĩ gì? Ngoài việc chăm lo, săn sóc điều trị thuốc men của điều dưỡng, bác sĩ, có phải một điều rất quan trọng nữa chính là cái bao tử của người nuôi bệnh?

Cứ xem các nhà ăn tập thể hiện nay ở bệnh viện ắt rõ, có phải là nơi sau giờ phút mệt nhọc, bạc đầu âu lo cho thân nhân nằm bệnh thì họ đã có thể ngồi ăn miếng ăn ngon? Hỡi ôi, không còn cách nào khác họ đành phải ăn? Ăn qua loa. Ăn cho xong. Ăn qua bữa. Ăn chỉ để mà ăn. Ăn miễn sao nó trôi tuột vào họng?

Y nghĩ, nếu người thầu các bếp ăn ấy chỉ cần có tâm một chút, không chỉ có lãi, nhiều lãi nữa là khác mà quan trọng hơn còn là dịp để tích phúc. Mình nấu ăn ngon, người bệnh lẫn thân nhân người bệnh ăn ngon, ăn sạch thì đồng tiền mình thu vào ắt lại đẻ ra tiền, cần quái gì khi đang đứng ở thế “độc quyền” lại có suy nghĩ “triệt buộc”, ai ai đã vào đây thì dù mình nấu ngon, nấu dở gì cũng phải ăn. Đành rằng họ phải ăn thì mình cứ việc thu tiền, nhưng xin thưa làm gì có phúc trong những đồng tiền đó.

Ông thi sĩ trào phúng hiện đại có danh xưng Bảo Sinh đã viết câu lục bát này: “Khi mê tiền chỉ là tiền/ Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm”. Cầm đồng tiền và nghĩ về cái tâm ẩn trong đồng tiền ấy, ắt đã là một cách tích phúc. “Triết lý” về vấn đề này vốn dễ dẫn đến tranh luận lôi thôi, chỉ xin nói rằng, y chỉ nghĩ đơn giản, chỉ có thể nghĩ đến thế, xin đừng ai cười chê, biếm nhẽ, phản bác làm gì. Rồi dạy dỗ là phải thế này, là phải thế kia. Nếu có, nói thật y cũng không nghe theo đâu.

Lại nghĩ thêm rằng, một khi đã vào bệnh viện chính cũng là lúc con người ta tìm thấy… niềm yêu đời, yêu lấy cuộc đời này một cách ghê gớm.

Trước kia y nghĩ: “Nếu chán đời hay thấy đời đáng chán/ Để yêu đời bạn hỡi hãy làm sao?/ Đơn giản lắm, chỉ cần…. trúng số/ Đời xám đen ắt đột ngột hồng hào” nhưng từ chăm sóc bé nhóc, y đã nghĩ khác chính là bệnh viện, nơi ấy: “Dẫu chưa xuân nhưng mọi người thấu hiểu/ Cảm thông nhau nhường nhịn rất tình người/ Dù mới gặp nhưng chuyện trò thân thiện/ Ánh mắt trao nhau đã gửi gắm nụ cười”.

Trong cảnh ngộ ấy, con người trở nên vị tha hơn. Biết nhường nhịn hơn. Con mình ốm sốt, mình đã khổ, đã lo nhưng con người khác còn trầm trọng bội phần. Nhìn thấy thế đã thấy thương, thấy xót. Dù gì, mình vẫn còn may mắn. Sực “ngộ” ra rằng: “Tàn lụi mọi tai ương ganh ghét…/ Khi nương nhau như chung sống một nhà”.

Há chẳng là phép lạ đó sao?

Lê Minh Quốc
.
.