Đoàn kết là sức mạnh

Thứ Bảy, 02/08/2014, 09:00

Sau hơn 2 tháng hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp những phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn gia tăng các hành động vi phạm và thậm chí còn ngang ngược cho xuất bản tấm bản đồ dọc “ôm trọn” cả Biển Đông. Trước những động thái mang tính chất khiêu khích này, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã bày tỏ quan điểm rằng, phải đoàn kết, thống nhất và dùng đến luật pháp để giải quyết các tranh chấp biển đảo và ngăn chặn ngay những âm mưu, thủ đoạn mới của Trung Quốc.

Lật tẩy luận điệu gian dối

Kêu gọi xây dựng lòng tin tại châu Á, nhưng Trung Quốc lại đang làm những điều ngược lại. Không chỉ xâm lược lãnh hải một quốc gia láng giềng, Trung Quốc còn có những hành vi vô đạo đức, vô nhân đạo khi sử dụng tàu chiến chủ động đâm va tàu của Việt Nam và đặc biệt là sau đó còn vu khống cho Việt Nam về nhiều vấn đề liên quan đến biển đảo... Đây là những gì mà các học giả quốc tế đã đưa ra trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về Biển Đông trong thời gian qua.

Tại hội thảo khoa học về Biển Đông mang tên “Về chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa” được tổ chức tại Đại học Almamer ở thủ đô Warsaw (Ba Lan) hồi đầu tháng 7, hơn 50 nhà khoa học, học giả nguyên là nghị sĩ, cựu sĩ quan cấp cao và một số cơ quan truyền thông của Ba Lan đã trình bày nhiều ý kiến, tham luận trên phương diện khoa học, trong đó đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; nêu rõ những việc làm sai trái của phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, đe dọa an ninh hàng hải tại Biển Đông; lên tiếng phản đối Trung Quốc vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, gia tăng tình hình căng thẳng trên Biển Đông.

Theo các học giả, suốt một thời gian dài, Trung Quốc đã dùng “xảo ngôn” đề “lừa bịp” dư luận quốc tế; “đánh tráo khái niệm”, “đánh tráo nhận thức” khi giải thích Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để biến những vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp. Chẳng hạn như việc Trung Quốc cố tình giải thích sai khái niệm trong Điều 121 UNCLOS về các đảo không đủ điều kiện cho con người sinh sống; liên kết các bãi đá ngầm, các đảo không có người sinh sống thành một cái có thể gọi là quốc đảo… Nguy hiểm hơn cả là Bắc Kinh còn thực hiện cả một chiến dịch truyền thông với mục đích “đánh tráo nhận thức”.

Cộng đồng người Việt tại Áo lần thứ 2 xuống đường diễu hành, biểu tình chống các hành vi ngang ngược, xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: TalkVietnam.

Phân tích âm mưu này của Trung Quốc, chuyên gia H.Kazianis nhấn mạnh: “Trung Quốc đã cho xuất bản tấm bản đồ quốc gia khổ dọc chính thức đầu tiên của mình, chiếm trọn phần lớn diện tích Biển Đông, với diện tích phần đất liền và biển, đảo được thể hiện bằng nhau trong một động thái mới nhất nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền. Đối với Trung Quốc, một chiến lược như thế không có gì là mới, không những nhằm dần thay đổi số liệu về diện tích đất liền và biển, đảo mà còn để chuyển biến nhận thức đối với các yêu sách chủ quyền lãnh thổ khác nhau. Việc hành động như thể có chủ quyền đối với khu vực nào đó là một chặng đường dài nhằm lái câu chuyện theo quan điểm có lợi cho Trung Quốc”.

Đồng thời, chuyên gia H.Kazianis cũng cảnh báo: “Việc thẳng tay chiếm hữu có thể châm ngòi chiến tranh. Vì vậy, Trung Quốc đã lựa chọn phương thức giành ưu thế trên những mặt trận ít có nguy cơ gây ra xung đột hơn như giàn khoan, bản đồ, sử dụng phương tiện phi quân sự và ban hành các quy định, giúp Trung Quốc tiến từng bước đến việc chiếm hữu ở một mặt trận có thể là quan trọng bậc nhất - chính là nhận thức”.

Tiếng nói của truyền thông

Tuy nhiên, tất cả những âm mưu đen tối đó của Trung Quốc đã không lừa bịp được dư luận quốc tế. Truyền thông thế giới cho đến nay đã liên tục cung cấp cho các độc giả, khán thính giả nhiều bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa cũng như những hành động gây hấn, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Giáo sư Renato DeCastro thuộc  Đại học De La Salle ở Manila (Philippines) nói, Trung Quốc đã nhầm khi cho rằng họ có thể dùng quyền lực của một quốc gia đang trỗi dậy và dùng tiền để mua chuộc dư luận.

Một tàu Trung Quốc (trái) đang cố tình ngăn cản và định lao vào đâm trực diện tàu của Việt Nam ở gần khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: CNN.

Giáo sư Renato DeCastro khẳng định: “Tiền không mua được đạo lý. Công luận quốc tế luôn là một sức mạnh quan trọng. Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế trong cuộc kháng chiến cứu chống Mỹ cứu nước thì nay công luận quốc tế cũng có thể giúp họ chiến thắng trong vấn đề giàn khoan Hải Dương 981”. Ngay sau những nhận định của Giáo sư Renato DeCastro, Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) đã ra tuyên bố quan ngại về “những hành động gây hấn liên tiếp của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

Với tư cách một tổ chức có ảnh hưởng đối với báo chí truyền thông trong khu vực, CAJ ủng hộ mọi nỗ lực của chính phủ các nước liên quan và các cơ quan, tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp lâu dài và mang tính ràng buộc cho vấn đề này thông qua các biện pháp hòa bình. Chưa hết, CAJ còn kêu gọi các nhà báo trong khu vực và trên thế giới góp sức vào nỗ lực giáo dục, truyền đạt thông tin chính xác, phản ánh đúng đến công chúng.

Cũng phải nói thêm rằng, trong thời gian qua, với những chuyến đi trải nghiệm thực tế trên biển, phóng sự của các phóng viên nước ngoài đã cung cấp tới đông đảo công luận trên toàn thế giới những bằng chứng thực địa không thể chối cãi về các vi phạm của Trung Quốc. Như nữ phóng viên Samantha Hawley thuộc hãng tin ABC News của Australia chẳng hạn. 5 ngày lênh đênh trên biển theo tàu Cảnh sát biển 8003, Samantha Hawley đã có những phút giây không thể nào quên khi cô ghi lại cận cảnh những hình ảnh tại hiện trường rồi gửi về tòa soạn. Sự nguy hiểm mà lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam phải đối mặt hàng ngày khiến Samantha Hawley càng thấy mình phải có trách nhiệm hơn trước những thông tin về Biển Đông.

Và cũng như nhiều phóng viên khác, Samantha Hawley luôn tôn trọng sự thật. Cô rất bất bình trước việc Trung Quốc thông tin sai với cáo buộc rằng tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. Hay như phóng viên Euan McKirdy của hãng CNN (Mỹ), người đã có bài viết tố cáo những hành động hung hăn, gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Không dùng ngôn từ hoa mỹ hay câu văn trau chuốt, những bài báo của Euan McKirdy về thực địa ở Biển Đông được “gói” trong những câu văn ngắn gọn, súc tích nhưng chứa đựng nhiều thông tin. Rất nhiều hãng thông tấn đã đăng lại các bài viết của Euan McKirdy trên CNN khi anh tả hình ảnh “con thuyền đơn độc giữa biển khơi” và hình ảnh các tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam bằng vòi rồng và bằng cách đâm húc...

Thậm chí, tại một số quốc gia như Indonesia, Hy Lạp, Mỹ, Ba Lan, Pháp, Anh, Thái Lan… nhiều hãng thông tấn lớn, có uy tín còn dành nhiều trang bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại nước đó hoặc cho đăng tải các bài viết phản bác lại các luận điệu sai trái của học giả hoặc nhà ngoại giao Trung Quốc xung quanh vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 và Biển Đông. Đặc biệt, tại các cuộc họp báo quốc tế về Biển Đông do phía Trung Quốc tổ chức, mỗi khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra các vu khống, cáo buộc đối với Việt Nam, tất cả các phóng viên nước ngoài có mặt tại đó đều đồng thanh phản đối và chất vấn lại người phát ngôn khiến cho người này không ít lần “nóng mặt”, xấu hổ… Tất cả đã tạo nên một “dàn hợp xướng” chưa bao giờ có để chống lại Trung Quốc, chống lại những hành vi vi phạm công lý và đạo lý

Huyền Chi
.
.