Định danh tư tưởng Việt Nam

Thứ Ba, 16/08/2016, 09:39
Khái quát hóa truyền thống tư tưởng của một cộng đồng người - việc đó liệu cơ sở khoa học hay không? Vấn đề rất nghiêm túc, nhưng chúng ta sẽ không bàn chi tiết ở đây vì đã có nhiều người làm.

Chúng tôi chỉ muốn nhắc lại một điều mà chúng tôi đã nhắc đến nhiều lần: trong khoa học xã hội và nhân văn không thể có những chân lý tuyệt đối bất di bất dịch, kiểu hai cộng hai là bốn, như trong toán học hay các ngành khoa học tự nhiên. Trong khoa học xã hội và nhân văn, chúng ta chỉ có những khái quát mang tính đại diện, thống kê, định tính hơn là định lượng.

Trong toán học và khoa học tự nhiên, để bác bỏ một mệnh đề, chẳng hạn, chúng ta chỉ cần đưa ra một trường hợp sai. Trong khoa học xã hội và nhân văn, những trường hợp sai như vậy luôn luôn tồn tại. Ví dụ, chúng ta có thể nói: so với người Việt Nam, người Âu cao lớn hơn.

Nói như thế là hoàn toàn đúng, mặc dù cũng có những người Âu thấp bé, mặc dù cũng có một số người Việt Nam cao hơn chiều cao người Âu trung bình, nghĩa là cao hơn một số người châu Âu cụ thể có chiều cao hạn chế.

Tương tự như vậy, người ta có thể nói đến tính cách Pháp, đến phong cách Nhật, đến tâm hồn Nga, đến truyền thống duy lý phương Tây v.v… mặc dù đó không phải là tính cách, phong cách, tâm hồn, truyền thống của mọi người Pháp, người Nhật, người Nga hay người phương Tây. Trong bài viết này, cũng với cách như vậy, chúng ta sẽ nói đến truyền thống tư tưởng Việt Nam.

Bạn có thể hỏi, Việt Nam là một đất nước đa chủng tộc, nơi chung sống của 54 dân tộc với ngôn ngữ, truyền thống văn hóa khác nhau. Vậy có chính đáng hơn không, nếu chúng ta nói đến những truyền thống tư tưởng Việt Nam, chứ không phải là truyền thống tư tưởng Việt Nam?

Câu trả lời của chúng tôi là: dĩ nhiên, mỗi cộng đồng nhỏ đều có truyền thống của riêng mình, nhưng trong thực tiễn chung sống lâu dài trong một cộng đồng lớn, trải qua quá trình lịch sử, các cộng đồng nhỏ tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau. Kết quả là một truyền thống chung được hình thành.

Điều này càng đúng hơn nữa, khi các cộng đồng nhỏ cùng chia sẻ những đặc điểm chung về ngôn ngữ, điều kiện tự nhiên và xã hội. Dĩ nhiên, vai trò và ảnh hưởng của số các cộng đồng nhỏ trong cộng đồng lớn không giống nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như quy mô dân số, trình độ phát triển, vai trò chính trị, vị trí địa lý…

Trong trường hợp Việt Nam, vai trò lớn nhất thuộc về dân tộc Kinh, dân tộc đa số, có lịch sử nhà nước phát triển lâu dài và bền vững nhất. Điều đó có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể nói đến một truyền thống tư tưởng Việt Nam, trong đó mọi dân tộc đều chia sẻ và đều có vai trò đóng góp của mình.    

Bạn có thể tiếp tục hỏi, cứ cho là có thể khái quát hóa như vậy, nhưng liệu có cái gọi là tư tưởng Việt Nam hay không? Câu hỏi có thể khiến nhiều người yêu nước bất bình. Tuy nhiên, nó cũng không phải là hoàn toàn vô cớ. Một điều có thật là mặc dù có lịch sử văn hiến hàng ngàn năm, người Việt không có những công trình triết lý - tư tưởng của riêng mình. 

Ý kiến của chúng tôi là: cần phân biệt tư tưởng với những cuốn sách về tư tưởng. Cũng vậy, cần phân biệt nhà tư tưởng với nhà trước tác. Tư tưởng của một dân tộc có thể không được chép ra thành sách, nhưng vẫn có thể chặt chẽ, hệ thống và bền vững khi nó thấm đẫm trong quan niệm sống, trong lối tư duy, làm thành nền tảng lâu dài cho các hoạt động vật chất và tinh thần của xã hội.

Cũng vậy, một nhà tư tưởng không nhất thiết phải là nhà trước tác - tư tưởng của nhà tư tưởng có thể thể hiện một cách hệ thống, chặt chẽ và bền vững ở quan niệm và những hoạt động thực tiễn. Đó chính là cách Gandhi nói: "My life is my messege" - Cuộc đời tôi chính là thông điệp của tôi.

Ngữ pháp của rất nhiều thứ tiếng trên thế giới chưa được mô tả, nhưng điều đó không có nghĩa là những thứ tiếng đó không có ngữ pháp. Một ngày nào đó, ngữ pháp của các thứ tiếng ấy sẽ được các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu và mô tả. Cũng vậy, tư tưởng của một dân tộc có thể chưa được viết ra, nhưng không có nghĩa là không thể được viết ra.

Minh họa: Lê Phương.

Vấn đề tư tưởng Việt Nam không phải là chưa bao giờ được đặt ra. Tuy nhiên, theo những gì chúng tôi được biết, cho đến nay, đa số các tác giả chỉ đề cập đến tư tưởng Việt Nam như là một phần trong những công trình về văn hóa, lịch sử hoặc lịch sử văn hóa dân tộc - từ những nghiên cứu của các học giả tiền bối, như Việt Nam văn hóa sử cương (1938) của Đào Duy Anh; Tìm hiểu tính cách dân tộc (1963) của Nguyễn Hồng Phong, Người Việt, đất Việt (1967) của Cửu Long Giang, Toan Ánh; Nguồn gốc văn hóa Việt Nam (1973) và Cơ cấu Việt Nho (1973) của Kim Định... đến công trình của các tác giả gần chúng ta hơn như Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (1992) của Trần Ngọc Thêm; Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm (2001) của Trần Quốc Vượng; Bản sắc văn hóa Việt Nam của Phan Ngọc (2004)...

Trong một số công trình khác, việc nghiên cứu tư tưởng Việt Nam bị đồng nhất với sự nghiên cứu ảnh hưởng của tư tưởng nước ngoài - trước hết là Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo - đối với một số trí thức tiêu biểu và đối với văn hóa Việt Nam nói chung.

Đọc những công trình như vậy, chúng ta có cảm giác rằng tư tưởng Việt Nam chỉ là những bản sao của tư tưởng nước ngoài, và các nhà tư tưởng Việt Nam cũng chỉ là những học trò của những nhà tư tưởng ngoại quốc.

Trong số không nhiều những công trình nhắm tới việc khảo sát một cách hệ thống và toàn diện truyền thống tư tưởng Việt Nam, bộ Lịch sử tư tưởng Việt Nam của Nguyễn Đăng Thục (in tại Sài Gòn trong khoảng thời gian từ 1967 đến 1973), được NXB TP HCM tái bản năm 1992, là một công trình đáng nể.

Tuy nhiên, mặc dù nỗ lực của tác giả là cực kỳ đáng trân trọng, như tên sách đã chỉ ra, đây là một công trình đồ sộ về "lịch sử" tư tưởng Việt Nam chứ không hẳn là về "tư tưởng" Việt Nam.

Nhận xét về công trình này, Nguyễn Hùng Hậu viết: "Đứng về mặt tư liệu thì đây là một công trình phong phú, công phu, nghiêm túc. Nhưng do lĩnh vực, phạm vi khá rộng nên công trình khá dàn trải, và do vậy đôi khi những cái cơ bản, chủ yếu, những logic ngầm của tư tưởng còn có chỗ lu mờ".

Điều này cũng có thể nói về các công trình Lịch sử tư tưởng Việt Nam (Tập 1. 1993. do Nguyễn Tài Thư chủ biên và tập 2 do Lê Sĩ Thắng chủ biên); Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam (2006) của Nguyễn Trọng Chuẩn và chính cuốn sách của Nguyễn Hùng Hậu, Đại cương lịch sử triết học Việt Nam (2010) - mặc dù đây là những công trình ít ỏi thực sự bàn đến tư tưởng Việt Nam, mặc dù tác giả chủ trương dùng (và đề cao) từ "triết học", chứ không dùng từ "tư tưởng".

Tóm lại, cho đến nay, mới chỉ có những nỗ lực liệt kê, đa phần là thiếu hệ thống, những biểu hiện khác nhau của truyền thống tư tưởng Việt Nam, dù là trong văn hóa dân gian hay trong một số tác phẩm bác học, chứ chưa có một sự định danh nhất quán, khu biệt nó với truyền thống tư tưởng của các dân tộc khác, và cũng chưa có nghiên cứu thực sự nào tìm về cội nguồn của tư tưởng Việt Nam.

Vậy, nếu cần phải đặt tên cho truyền thống tư tưởng của người Việt, thì đó là gì?

Theo chúng tôi, đó là "Thực tiễn luận cộng đồng". Cội nguồn của truyền thống tư tưởng này, những đại diện tiêu biểu và những biểu hiện khác nhau của nó, cũng như những yếu tố ảnh hưởng đến sự biến đổi của nó trong lịch sử, cần nhiều thời gian để nghiên cứu và cần nhiều trang giấy để trình bày. Ở đây, chúng ta chỉ xin phác thảo vài nét về nội dung của nó.

Thực tiễn luận cộng đồng bao gồm hai bộ phận cấu thành, đó là: 1) Phương pháp luận thực tiễn, và 2) Hệ giá trị cộng đồng.

Hệ giá trị cộng đồng là sự kết hợp nhuần nhuyễn các giá trị nhân sinh bản địa, hình thành dưới ảnh hưởng của các yếu tố thiên nhiên và xã hội, đặc biệt là phương thức lao động sản xuất trong những giai đoạn tiền sử, với các tư tưởng nhân văn ngoại lai, mới đầu từ Ấn Độ và các nước Á Đông, về sau là Nhân luận phương Tây. Hệ giá trị cộng đồng cho phép và cũng đòi hỏi giải quyết những mâu thuẫn giữa cá nhân với cộng đồng, truyền thống với hiện tại, dân tộc với quốc tế.

Phương pháp luận thực tiễn có nguồn gốc là triết lý thực dụng bản địa, hình thành dưới ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên và xã hội, trong đó đặc biệt quan trọng là ngôn ngữ.

Về sau triết lý bản địa này kết hợp với, và được tăng cường bởi, các nguồn tư tưởng ngoại lai, mới đầu là minh triết phương Đông, sau là triết học phương Tây. Phương pháp luận thực tiễn là công cụ để thực hiện các mục tiêu do hệ giá trị cộng đồng quy định. Nội dung cơ bản của nó là lấy thực tiễn làm căn cứ để xác định nhiệm vụ, chiến lược, sách lược và đánh giá hoạt động của cá nhân và cộng đồng.

Nói một cách vắn tắt, Hệ giá trị cộng đồng quy định tính mục đích, còn Phương pháp luận thực tiễn quy định sự lựa chọn công cụ tư duy. Thực tiễn luận cộng đồng, mà bản chất là minh triết tập thể, được thể hiện chủ yếu qua hành động. Nó không coi nhẹ nhưng cũng không tuyệt đối hóa lý luận.

Vì thế, nó giúp chúng ta uyển chuyển trong hành động mà không phải từ bỏ những mục đích nhân sinh tối cao hóa thân vào lợi ích cộng đồng, nó thống nhất hành động và tư tưởng mà không rơi vào giáo điều và không xa rời định hướng đạo đức.

Thực tiễn luận cộng đồng là truyền thống tư tưởng xuyên suốt toàn bộ lịch sử dân tộc Việt Nam, mặc dù ở mỗi thời đại và ở mỗi nhà tư tưởng, nó có thể có những nét khác nhau.

(*) Từ Humanisme (Pháp) hay Humanism (Anh) thường được dịch là “Chủ nghĩa nhân đạo” hay “Chủ nghĩa nhân văn”, nhưng đúng ra, cần phải dịch là “Nhân luận” – tức lý luận lấy con người làm trung tâm, đối lập với “Thần luận” (Theism).

Ngô Tự Lập
.
.