Điều gì xảy ra sau phán quyết PCA?
- Phán quyết của PCA “vượt cả kỳ vọng”
- Hệ sinh thái Biển Đông trong phán quyết của PCA
- Sự kiện và suy ngẫm: Bên lề PCA
Tuy nhiên, phán quyết PCA rõ ràng là có ảnh hưởng, ít nhất trong ngắn hạn, đối với kế hoạch bành trướng và buộc Bắc Kinh phải “biên tập” lại chính sách đối ngoại…
Bắc Kinh sẽ làm gì?
Sự kiện PCA khiến Tập Cận Bình phải đối mặt với hai sự lựa chọn: hoặc thách thức luật pháp thế giới, tiếp tục gây hấn và làm bất ổn khu vực bằng việc tăng cường mở rộng kế hoạch quân sự hóa; hoặc ông Tập sẽ làm nguội tình hình bằng các giải pháp ngoại giao mềm mỏng hơn mà điều này khiến ông ta suy yếu ảnh hưởng chính trị trong nước. Cả hai cách đều có những rủi ro.
Thời điểm trước mắt, ông Tập vẫn tỏ vẻ cứng rắn và bật đèn xanh kích động làn sóng ái quốc cực đoan. Vài ngày sau phán quyết PCA, Trung Quốc thậm chí đưa oanh tạc cơ H-6K (có khả năng mang bom hạt nhân) đến Scarborough. Đây, dĩ nhiên, không phải là tín hiệu chiến tranh. Nó chỉ là một hành động cứu vãn một tình thế mất mặt.
Ông Tập có lẽ không làm gì gay gắt và căng thẳng, cho đến sau thời điểm Hội nghị thượng đỉnh G-20 do Bắc Kinh tổ chức vào tháng 9-2016. Sau mốc thời gian này, Bắc Kinh có thể đẩy mạnh xây đảo nhân tạo và mở rộng quân sự hóa như lâu nay vẫn làm.
Vấn đề ở chỗ, như phán quyết PCA đã nêu, các “đảo” nhân tạo không được xem là thực thể đảo; do đó không thể mở rộng vùng đặc khu kinh tế (EEZ) và đặc biệt Trung Quốc không có chủ quyền ở các vùng biển chồng lấn tranh chấp, cho nên yếu tố tự do hàng hải được nhấn mạnh hơn trước nhiều lần.
Điều này dẫn đến việc tàu thuyền các nước được tự do đi lại và điều này sẽ được Mỹ, Nhật, Australia… tận dụng “khai thác” mà Trung Quốc không có “tư cách pháp nhân” để cản trở. Một sự thiết lập vùng nhận biết phòng không (ADIZ) cũng vô nghĩa. Trong thực tế, Mỹ từng “phủ quyết” ADIZ mà Trung Quốc tự áp đặt (tháng 11-2013) bằng cách đưa vào oanh tạc cơ B-52.
Có ít nhất hai động thái mà Trung Quốc lâu nay làm sẽ tiếp tục được thực hiện ở thời điểm trước mắt. Thứ nhất là xua tàu cá đến các vùng biển tranh chấp. Cần nhắc lại, ngày 19-3, một tàu tuần dương Trung Quốc cải trang thành tàu cá thâm nhập EEZ của Indonesia (gần quần đảo Natuna) và bị bắt.
Phản ứng trước sự bất bình của Indonesia, Trung Quốc nói rằng họ công nhận chủ quyền nước này đối với Natuna nhưng họ đồng thời yêu cầu Indonesia thả “ngư dân Trung Quốc” vì họ đang đánh cá tại… “vùng biển truyền thống” của Trung Quốc! Ngày 24-3, 100 tàu cá Trung Quốc cũng xuất hiện tại vùng biển Malaysia (ngoài khơi Miri thuộc Sarawak)…
Thứ hai là tiếp tục gây chia rẽ ASEAN, một tổ chức mà khái niệm đoàn kết gần như chỉ mang tính tượng trưng và trang trí trong suốt chiều dài lịch sử của nó. Cuộc họp ngày 14-6-2016 tại Côn Minh giữa ASEAN và Trung Quốc nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại đã kết thúc trong không khí bất hòa.
Bắc Kinh đã dùng ảnh hưởng và sức mạnh kim tiền để buộc Campuchia và Lào ngăn chặn bản tuyên bố chung ASEAN về biển Đông, dù các ngoại trưởng ASEAN đã đạt thỏa thuận cùng công bố.
Nội dung bản tuyên bố bày tỏ “sự lo lắng sâu sắc” xung quanh các cuộc tranh chấp chủ quyền khiến “xói lở niềm tin và tín nhiệm; đẩy nhanh căng thẳng, tạo nên tiềm ẩn đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” tại khu vực.
Malaysia đã trình ra bản tuyên bố nhưng cuối cùng rút lại do bất bình trước việc quyết định của ASEAN bị chặn lại bởi một số nước mà Trung Quốc đã vận động hành lang và mua chuộc (600 triệu USD, riêng Campuchia). Năm 2012, ASEAN từng bất đồng về vấn đề biển Đông và kết thúc hội thảo mà không có tuyên bố chung (lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tổ chức này).
Trong thực tế, ASEAN vẫn bị ràng buộc với Trung Quốc bởi kinh tế lẫn các kế hoạch đầu tư thuộc chương trình Sáng kiến Con đường Tơ lụa của Tập Cận Bình. Với Lào là công trình xây dựng tuyến cao tốc Côn Minh-Vientiane.
Trong trường hợp dự án tàu cao tốc Singapore-Kuala Lumpur, Chính phủ Singapore ủng hộ nhà thầu Nhật và châu u trong khi Chính phủ Malaysia ủng hộ thầu Trung Quốc.
Với Indonesia là các cuộc đàm phán hợp tác năng lượng, công nghiệp, hạ tầng giao thông… (chỉ vài tuần trước phán quyết PCA, Indonesia bất ngờ loan bố dự án cầu cảng và xe lửa được trao cho Nhật).
Nói cách khác, Đông Nam Á khó có thể dứt áo tuyệt giao với Trung Quốc. Điều mà ASEAN cần là mở rộng khả năng quyền biến trong đối sách với Bắc Kinh để không bị Trung Quốc dùng đòn bẩy kinh tế gây sức ép lên chính trị nhằm phục vụ lợi ích chủ quyền của họ.
Mỹ tận dụng PCA như thế nào?
Ngày 19-7-2016, trong cuộc họp báo chung tại Sydney, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh quân sự Mỹ - Australia. Biden nói rằng ông đã cùng Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull “thảo luận các bước để Australia và Mỹ cùng huấn luyện quân đội hai nước nhiều hơn, đồng thời tăng cường khả năng hoạt động liên kết để hai nước chúng ta luôn trong tinh thần chuẩn bị sẵn sàng phản hồi bất kỳ thách thức nào tại Thái Bình Dương”.
Trước khi gặp Turnbull, Biden đã đến căn cứ hải quân trọng yếu của Australia. Trên boong chiến hạm HMAS Adelaide, Biden nói, quân đội Mỹ luôn dành sự tôn trọng rất lớn cho người Australia, vì “tinh thần can đảm kiểu Australia” và bởi “sự thật rằng các bạn chưa bao giờ bỏ lại ai phía sau”.
Sự xuất hiện của Biden tại khu vực, một tuần sau phán quyết PCA, cho thấy Mỹ đã không bỏ lỡ cơ hội làm nóng “không khí PCA”. Cũng cần nhắc lại, một ngày trước phán quyết PCA, Mỹ loan bố lắp hệ thống tên lửa bắn chặn THAAD tại Hàn Quốc, một động thái khiến Bắc Kinh không thể không “phản đối”.
Viết trên Newsweek (17-7-2016), Jennifer Harris thuộc Hội đồng đối ngoại Hoa Kỳ nhắc rằng, Mỹ không nên xem phán quyết PCA là sự biện bạch cho cách tiếp cận hiện tại của họ tại khu vực.
Nhà bình luận này cho rằng, Mỹ cần làm nhiều hơn. “Nếu muốn kiểm soát chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh, Mỹ cần phải khiến Trung Quốc trả giá cho thái độ hiếu chiến của họ. Mỹ cần trang bị thêm cho các đồng minh châu Á, giúp những nước này bớt lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, giúp họ phát triển các lớp phòng thủ để che chắn khỏi thói ăn hiếp bằng đòn kinh tế (economic bullying) của Trung Quốc”...
Sau phán quyết PCA, nghị sĩ Dân chủ thuộc các ủy ban quân vụ và đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ, một lần nữa, lại thúc giục Thượng viện chuẩn y Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
“Cách đây 20 năm, cách đây 10 năm và có lẽ thậm chí cách đây 5 năm, việc gia nhập UNCLOS là quan trọng nhưng không cấp thiết. Bây giờ tình hình không còn như thế nữa rồi” – Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ ngày 23-5-2012.
Bill Clinton, George W. Bush rồi Barack Obama đều ủng hộ nhưng đến nay tiến trình thông qua UNCLOS tại Mỹ vẫn giậm chân tại chỗ.
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề UNCLOS gây tranh cãi gay gắt tại Mỹ. Ngày 31-10-2007, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, lúc đó nằm dưới quyền chủ tịch Joseph Biden (hiện là Phó Tổng thống), đã thông qua UNCLOS với tỉ lệ 17/4 nhưng sau đó vẫn không đạt được 2/3 phiếu thuận trong (toàn bộ) Thượng viện nên cuối cùng sự vụ lại bị bỏ ngỏ, dù Tổng thống George W. Bush đã vận động quyết liệt để UNCLOS lọt qua cửa Quốc hội Hoa Kỳ…
Liên tục vài năm gần đây, UNCLOS bắt đầu được đun nóng. Trong bài báo ngày 24-4-2011 trên New York Times, ba tác giả Thad W. Allen, Richard L. Armitage, John J. Hamre đã cùng lên tiếng rằng, nước Mỹ, trước bối cảnh mới và thách thức mới, không thể chần chừ thêm việc ký vào UNCLOS.
Nhóm tác giả đều là những người không hề xa lạ: Allen là cựu tư lệnh lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ; Armitage là Thứ trưởng Ngoại giao từ năm 2001 đến 2005 và Hamre là Thứ trưởng Quốc phòng từ năm 1997 đến 2000.
Trong thực tế, lý do quan trọng nhất cho việc khước từ UNCLOS – như từng bị bác bỏ thời Ronald Reagan năm 1982 – là nội dung của Phần XI trong UNCLOS. Đây được xem là rào cản lớn nhất đối với những người ủng hộ UNCLOS tại Mỹ.
Trong phần này, UNCLOS quy định Cơ quan quản lý lòng biển quốc tế (ISA, hiện có 18 quốc gia đại diện) có toàn quyền tài phán trên tất cả vùng biển và những gì chứa trong đó, kể cả tài nguyên lòng biển. Trụ sở tại Jamaica, ISA có quyền áp thuế và thu thuế, tính phí, cấp phép… cho những dự án khai thác biển; áp đặt hạn ngạch việc khai thác khoáng sản đại dương cũng như khai thác dầu…
Với những người phản đối UNCLOS tại Mỹ, việc một cơ quan chẳng ăn nhập gì nước Mỹ lại có quyền cho phép và thu thuế đối với doanh nghiệp Mỹ là điều “quái đản”. Doanh nghiệp Mỹ phải nuôi một tổ chức bên ngoài có tư cách khống chế quyền lợi Mỹ là điều không thể chấp nhận được. Việc hải quân Mỹ phải xin được giấy phép ở Jamaica (tức ISA) để có thể đi lại tại các eo biển quốc tế hoặc báo cáo ISA họ đang làm gì là một điều sỉ nhục không thể chấp nhận được...
Hơn nữa, ISA có thể có quyền đòi hỏi Mỹ phải chia sẻ thông tin tình báo, kỹ thuật và thậm chí thông tin hoạt động quân sự. Cùng cơ chế ISA, UNCLOS còn lập ra Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS, trụ sở tại Hamburg, Đức), với quyền hạn có thể phân xử và quyết định mọi tranh chấp pháp lý.
Điều khiến những người phản đối UNCLOS tại Mỹ lo ngại là một số nước chống Mỹ có đại diện trong ITLOS chắc chắn sẽ đưa ra những phán quyết bất lợi cho Mỹ. Ngoài ra, ITLOS lại không có luật kháng án, trong khi chẳng tòa án Mỹ nào có thể can thiệp phán quyết của ITLOS…
Với kết quả và “hiệu ứng PCA” từ chiến thắng ngoạn mục của Philippines, vấn đề UNCLOS tại Mỹ có thể được xét lại với góc độ khác và tinh thần khác. Phán quyết PCA cho thấy, nếu muốn hạ gục một kẻ cứng đầu không biết thượng tôn pháp luật thì cách tốt nhất là dồn hắn vào một cuộc chơi được viết bằng luật.
Trên Foreign Policy (13-7-2016), thượng nghị sĩ Mỹ Ben Cardin (Dân chủ) viết: “Thời đại ngày nay là thời đại mà các quốc gia phải chọn giữa việc tiếp tục xây dựng một thế giới luật lệ, nguyên tắc và trật tự, hoặc trở lại thời của một thế giới biến động nằm dưới các tay chơi chính trị nước lớn. Do đó, tôi kêu gọi các nghị sĩ đồng nghiệp ở cả hai đảng hãy chuẩn y công ước quan trọng này khi các phiên họp mới được nhóm họp vào tháng 1-2017”.