Điệp viên phương Tây và "những vũ điệu hoá trang" ở Moskva

Thứ Bảy, 01/08/2009, 15:45
Cuối những năm 80-90 của thế kỷ trước, các điệp viên Mỹ và Anh, hoạt động ở Moskva dưới vỏ bọc các nhân viên ngoại giao, đã rất thích thú với các "vũ điệu hóa trang"...

Lẽ ra, giống như trong nhà hát, các điệp viên phương Tây khi đụng tới một lĩnh vực gần với nghệ thuật như thế phải hết sức sáng tạo để cho các ngón nghề giả trang này trở nên thiên biến vạn hóa. Tuy nhiên, Central Intelligence Agency (Cục Tình báo Trung ương Mỹ, CIA) khác với Intelligence Service (Cơ quan tình báo Anh) lại huấn luyện cho các điệp viên của mình những bài bản quá chuẩn mực nên hay bị lộ trước con mắt tinh tường của KGB.

Manơcanh phục vụ... CIA

Đã từng có giai đoạn các điệp viên CIA, hoạt động núp bóng Đại sứ quán Mỹ ở Moskva, trong lúc gặp gỡ bí mật với các đầu mối thông tin của mình là các công dân Xôviết, đã sử dụng thường xuyên các manơcanh. Nói một cách công bằng, thứ "vũ khí bí mật này" đã có lúc mang lại thành công cho CIA.

"Vũ điệu hóa trang" cùng manơcanh diễn ra theo sơ đồ sau: Khi rời khỏi đại sứ quán, điệp viên CIA ngồi lên xe cùng vợ mình. Vợ lái xe, còn chồng ngồi ở ghế bên. Dưới ghế là một cái hộp không lớn lắm. Khi xe đi lọt vào một "điểm chết" nào đó, xe lập tức được lái quay ngoắt vào một phố bên cạnh gần nhất để trong vài giây thoát ra ngoài tầm quan sát của "đuôi" (tức cán bộ KGB có nhiệm vụ theo dõi họ). Điệp viên CIA chui nhanh ra khỏi xe và biến đi, còn vợ anh ta sẽ bấm vào một cái nút để ngay lập tức sẽ hiện lên ở cái ghế đó một hình nộm mà trông từ xa sẽ thấy giống hệt chồng thị. Manơcanh phồng hơi này hoàn toàn có thể khiến các đôi mắt KGB tưởng vẫn là điệp viên CIA ngồi ở đấy.

Người phụ nữ lái xe, để đánh lạc hướng hơn nữa đối với "đuôi", vừa xoay vô lăng vừa làm như đang trò chuyện với chồng mình, điều khiển cử động xoay đi xoay lại của đầu manơcanh bằng một hệ thống khá đơn giản. Và chỉ khi đi tới ngôi nhà mà các nhân viên Đại sứ quán Mỹ cư trú, người vợ của điệp viên CIA mới lại bấm nút để manơcanh xẹp vào cái hộp dưới ghế, ngay trước con mắt kinh ngạc của các nhân viên KGB đang theo dõi thị. Tỉ số 1-0 nghiêng về phía CIA!

Khoảng năm 1990, Đại sứ quán Mỹ ở Moskva được trang bị 9 xe hơi có kính tối màu. Hơn thế, các điệp viên CIA hoạt động với vỏ bọc nhà ngoại giao còn được trang bị không chỉ các manơcanh có ngoại hình na ná như họ, mà cả những mặt nạ cao su giống như thứ mà Fantomas đã dùng trong bộ phim Pháp lừng lẫy thời đó, trên màn ảnh thế giới.

Những manơcanh và những cái mặt nạ như thế được dùng vào việc gì?

Các điệp viên Mỹ định sử dụng các công cụ này để đánh lừa các trinh sát ngoại tuyến của KGB. Thí dụ, manơcanh giống như điệp viên đang cần tiến hành một cuộc gặp gỡ bí mật với nguồn tin Xôviết của mình, sẽ được đưa tới một vùng xa xôi nào đó của Moskva. Còn bản thân điệp viên ấy lại ngồi trên xe ôtô kính đen đi về hướng ngược lại. Các mặt nạ cũng được sử dụng vào những phi vụ tương tự để đánh lừa các trinh sát ngoại tuyến Xôviết.

Mỗi một điệp viên CIA dưới vỏ bọc ngoại giao ở Moskva có một kiểu chơi "vũ điệu hóa trang" riêng. Thí dụ như, cựu "Bí thư thứ hai" Đại sứ quán Mỹ ở Moskva, Michael Sellers, đã thường xuyên thay đổi ngoại hình của mình bằng các bộ tóc giả và ria mép giả. Đồng nghiệp của ông ta, cũng dưới vỏ bọc này, lại thích đóng giả làm một công nhân và đeo kính đen. Một trong những "tuỳ viên" của Đại sứ quán Mỹ ở Moskva thậm chí còn mặc y phục nữ giới để hóa trang mỗi khi đi gặp nguồn tin Xôviết hay tiến hành các hoạt động gián điệp khác. Các trinh sát ngoại tuyến Xôviết đã nói đùa rằng: "Quý bà xinh xắn kia lại xuất hiện, có nghĩa là có phi vụ quan trọng đây!".

Đai đen ở người phụ nữ vận đồ trắng

Tối ngày 15/7/1977, nữ điệp viên CIA  Marta Peterson, hoạt động ở Moskva dưới vỏ bọc Phó lãnh sự Đại sứ quán Mỹ, đi gửi đồ vào hộp liên lạc bí mật dành cho "nguồn tin" mang mật danh "Trigon" (đó là Aleksandr Ogorodnik, cán sự trong bộ máy của Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, từng được nhiều người biết tới như nguyên mẫu của một nhân vật có mật danh Trianon trong phim "TASS được quyền tuyên bố").

Sau khi đậu chiếc xe công vụ ở gần rạp chiếu bóng Rossia, nữ điệp viên Peterson chậm rãi bước vào phòng chiếu phim. Lúc đó đang chạy phim "Đỏ và đen" và buổi chiếu cuối cùng trong ngày đã bắt đầu. Trinh sát ngoại tuyến thực hiện nhiệm vụ từ xa vì nữ điệp viên đó mặc bộ đồ màu trắng với những hình hoa lớn nên có thể nhìn thấy rõ từ xa.

"Người đàn bà mang đồ trắng" ngồi xuống cái ghế ở gần lối thoát hiểm và trong vòng 9-10 phút làm ra vẻ chăm chú theo dõi những gì diễn ra trên màn ảnh. Khi cảm thấy xung quanh đều bình thường, Peterson đã mặc ra ngoài bộ đồ trắng một cái quần đen và  khoác vào một cái áo cũng màu đen như thế, xoã mái tóc đang được búi gọn ra. Hoàn toàn thay hình đổi dạng, Peterson đã chuồn ra khỏi phòng chiếu phim. Giờ đó lại là "người đàn bà mặc đồ đen". Peterson không quay trở lại chỗ để xe hơi của mình mà lại lên xe bus, rồi chuyển sang một xe bus điện và vào ga tàu điện ngầm để xem có "đuôi" nào đi theo mình không. Và chỉ lúc đó nữ điệp viên này mới vẫy taxi để tới khu vực cầu Krasnoluzhsky. Tại đây, thị không ngờ là thị đã bị KGB đón lõng.

Mặc dầu trời lúc đó đã khuya và khu vực cầu Krasnoluzhsky nhìn bên ngoài vắng tanh vắng ngắt, nhưng thực ra đang có hơn 300 (!) nhân viên an ninh Xôviết từ các đơn vị khác nhau ém sẵn tại đó. Họ bí mật theo dõi mọi chuyện diễn ra tại khu vực cầu Krasnoluzhsky và các chuyển động của nữ điệp viên Mỹ.

Đúng vào khoảnh khắc Peterson đặt đồ vào hộp liên lạc kín, mọi sự ở xung quanh thị bỗng sáng bừng lên như trong dạ hội pháo hoa. Chốn không người bỗng trở nên đông đúc lạ thường.

Khi bị bắt, "quý bà" Phó lãnh sự đã trình diễn rất thành thạo những câu văng tục bằng tiếng Nga và những miếng võ karate, đẳng cấp phải ở bậc đai đen. Tuy nhiên, Peterson không thể nào qua mặt được Vladimir Zaitsev, một nhân viên KGB tiếng tăm lừng lẫy về các môn võ thuật phương Đông. Nữ điệp viên Mỹ đã bị Zaitsev vô hiệu hóa mà không hề bị xây xát "ngọc thể" một tẹo nào.

Peterson được dẫn về trụ sở KGB ở Lubyanka. Tham tán Đại sứ quán Mỹ ở Moskva đã được mời tới để nhận dạng. Dưới sự chứng kiến của viên tham tán này, cái hộp lấy từ hộp liên lạc kín được mở ra. Trong đó có một bản chỉ thị, một sổ tay ghi các câu hỏi, một máy chụp ảnh tí hon và hai viên thuốc độc.

Các điệp viên Mỹ thường mê tín. Peterson cũng không phải ngoại lệ. Khi chia tay với điều tra viên Xôviết  và võ sĩ KGB vừa mới hạ mình  Zaitsev, Peterson nói rằng, từ nay về sau, thị sẽ không bao giờ mua vé xem phim vào buổi cuối cùng trong ngày.--PageBreak--

Rậm râu sâu mắt

Điệp viên CIA Michael Sellers, hoạt động dưới vỏ bọc Bí thư thứ hai Đại sứ quán Mỹ ở Moskva. Khi đi tới chỗ gặp gỡ các "nguồn tin", ông này rất thích tạo ra ngoại hình "khùng", rậm râu sâu mắt: gắn ria mép giả cùng với một cái mũ đội đầu và bộ tóc giả dài chấm vai như dân bụi đời. Chính với ngoại hình này Michael Sellers đã bị bắt vào ngày 10/3/1986, khi ông ta tới cuộc gặp bí mật với "nguồn tin" mang biệt danh "Koul" - đó là thiếu tá Sergey Vorontsov, nhân viên chi nhánh KGB ở thành phố Moskva và tỉnh Moskva. "Koul" đã tự bán mình làm cộng sự cho CIA vào năm 1984, cung cấp thông tin về công tác theo dõi các điệp viên CIA đội lốt nhân viên ngoại giao.

Năm 1985, kẻ phản bội này đã chuyển cho Sellers những mẫu vật "bụi gián điệp" mà KGB đã sử dụng để điều tra dấu tích của các nhà ngoại giao Mỹ bị tình nghi là hoạt động gián điệp chống lại chính quyền Xôviết.

"Koul" đã bắt đầu "sự nghiệp gián điệp" của mình từ việc cung cấp cho Sellers một văn bản tối mật của KGB mô tả những thủ thuật của các điệp viên CIA để "cắt đuôi" khỏi các nhân viên KGB.

Các điệp viên Mỹ đội lốt nhà ngoại giao ở Liên Xô cũ thường hay sử dụng trong các trò giả trang y phục nữ mà không hiểu rằng, KGB đã bắt bài đó của họ từ lâu rồi: trong con mắt quan sát giàu kinh nghiệm của các trinh sát ngoại tuyến, dáng đi của đàn ông rất khác dáng đi của phụ nữ! Thực sự là, nếu không phải là dân chuyên nghiệp của KGB, ít ai hiểu rằng, trong dáng đi của các sắc tộc khác nhau (da den, da trắng, da vàng...) cũng có những khác biệt không khó nhận ra. Nói chung, các trinh sát ngoại tuyến giàu kinh nghiệm của KGB, thường nhớ rõ trước hết là dáng đi của các đối tượng, còn sau đó mới là những yếu tố ngoại hình khác.

Tuy nhiên, đôi khi nếu trinh sát ngoại tuyến tự tin quá vào kinh nghiệm sẵn có của mình thì cũng dễ phạm phải sai lầm.

Thoát y vũ và tẩu thoát

Tháng 1/1989, một nữ nhân viên CIA tên là Barbara Case tới Moskva để gặp một điệp viên với mật danh "Blizzard" (đó là sĩ quan cơ quan tình báo Nga Sergey Ivanovich, bị CIA mua chuộc trong thời gian công tác ở Hy Lạp năm 1975, sau đó đã bị toà án quân sự kết án vắng mặt tử hình vì tội làm gián điệp phản bội tổ quốc vào năm 1990).

Trong vòng hai ngày, Barbara đã đi lang thang khắp Moskva, làm khách xung quanh ngạc nhiên bởi trang phục kỳ dị của thị: cái áo khoác màu hoàng yến, váy mi ni đỏ chót, tất ni lông trắng toát, đôi giày gót cao tới 15 cm, bộ tóc giả màu tím dài chấm vai và cặp kính đen choán tới nửa gương mặt... Trinh sát ngoại tuyến vì thế đã đặt cho thị tên hiệu "Kiều nữ".

Mãi về sau các cán bộ an ninh Xôviết mới hiểu ra rằng, vũ hội hóa trang đó không phải đơn thuần để làm dáng mà còn là đạo cụ để có thể nhanh như chớp thoát khỏi "đuôi" và tới gặp gỡ bí mật với "Blizzard".

"Kiều nữ" đi bộ rất nhiều, rất nhanh nhẹn, không hề biết tới mệt mỏi. Và thị đã đạt được mục đích của mình: trinh sát ngoại tuyến Xôviết đã chỉ đứng từ xa theo dõi thị, vì kiểu gì thì với dáng vẻ sặc sỡ như thế, thị có thể vẫn được thấy rõ từ một khoảng cách đáng kể. Theo đúng nguyên tắc nghề nghiệp, khi theo con mồi, các trinh sát ngoại tuyến thường chọn phương án ít va chạm nhất để vừa có thể không bỏ lọt mục tiêu vừa không bị lộ.

Trong ngày gặp gỡ bí mật với "nguồn tin", "Kiều nữ" đã hướng các trinh sát ngoại tuyến tới khu Đầm Trong (Trisyie Prudư). Thị vào cổng một ngôi nhà nhiều tầng xây từ thời trước cách mạng. Đội trinh sát ngoại tuyến lập tức phải chia thành bốn nhóm: một nhóm với nhiệm vụ quay băng các hành động của "Kiều nữ" trên đường đi thì ở lại trong ôtô; nhóm thứ hai đứng ở cửa sau tòa nhà; nhóm thứ ba, để có thể phản ứng nhanh chọn chỗ gần phố Myasnitsky, nhóm thứ tư, có hai người, chờ chín mười giây rồi đi theo vào cổng mà "Kiều nữ" đã vào để xem thị định tới căn hộ của ai.

Ở ngay trong cổng, lối lên cầu thang, các trinh sát đã gặp một phụ nữ y phục đen, khăn quàng đen, tay cầm tràng hạt, mặt cứ cúi gằm xuống sàn nhà và nói thầm thì rất khó nghe trông giống hệt một nữ tu sĩ. Hai trinh sát nhường lối cho nữ tu sĩ đó đi ra, rồi lên các tầng trên, gõ cửa từng căn hộ để kiểm tra. Không thấy "Kiều nữ" đâu cả! Như thể thị đã chui xuống đất mất tích.

Hai trinh sát chạy quay trở lại ngoài phố, qua máy bộ đàm gọi hỏi những đồng nghiệp đang trực ở cửa sau. Thật tệ - không ai thấy "Kiều nữ" đâu cả.

Ai đó trong số các trinh sát nảy ra ý xem lại những đoạn băng video đã quay được từ lúc "Kiều nữ" bước vào cổng ngôi nhà và sau đó, các trinh sát cũng bước vào theo. Đây là lúc "Kiều nữ" vừa đi vừa cởi áo khoác và bước vào cổng ngôi nhà. 10 giây sau, hai trinh sát cũng theo vào. Một giây sau nữa camera đã quay được cảnh nữ tu sĩ bước ra khỏi cổng. Chị ta gần như chạy tới hướng phố Myasnitsky. Dừng lại! Các trinh sát qua máy bộ đàm hỏi nhóm thứ ba. "Phải, có một nữ tu như thế, - nhóm thứ ba trả lời. Họ đã ngạc nhiên vì ngoài trời băng giá thế mà chị ta đi dép phong phanh lắm. Chị ta chạy ra đường, tay giơ cao vẫy xe và nhảy lên ngay chiếc xe đầu tiên dừng lại”.

Thế là rõ: "Kiều nữ" đã qua mặt được các trinh sát ngoại tuyến. Đành phải báo cáo là đã mất dấu đối tượng. Sau đó, các trinh sát vào trong cổng ngôi nhà tìm kiếm dấu vết mà "Kiều nữ" có thể để lại. Ở dưới chân cầu thang không có gì cả. Chỉ ở trong thùng rác họ đã thấy cái áo khoác màu hoàng yến, đôi giày cao gót và cả bộ tóc giả màu tím...

Hai ngày liền các trinh sát KGB đã thử nghiệm “kho” phục trang của nữ điệp viên CIA. Cuối cùng họ đi tới kết luận là, nếu khổ luyện thì có thể trong vòng 9-10 giây thay đổi được hoàn toàn ngoại hình.

Đã làm điệp viên thì việc gì cũng phải cố mà học cho được! Đã là cán bộ phản gián thì cái gì cũng phải được dạy dỗ cẩn thận!

Trình tự thoát y của "Kiều nữ" như sau: Bước vào trong cổng, "Kiều nữ" cởi ngay áo khoác và bộ tóc giả cùng cặp kính. Dưới bộ tóc giả là cái khăn đen. Rồi thị dùng hai tay giật mạnh đôi giày cao gót bọc ngoài đôi dép da phong phanh. Tiếp theo, thị dứt tung cái váy rộng ra, vo lại ném vào thùng rác. Thế là xong!

Còn cái váy mi ni màu đỏ nằm trong một bộ váy đen dài. "Kiều nữ" đã nhấc vạt cái váy đen đó lên thành một dải khăn đen quấn ngang thắt lưng. Giật tung nó ra, nữ điệp viên này giống như con rắn khi xuân về thoát khỏi cái xác cũ...--PageBreak--

Điệp viên đến bằng xe đạp

Trong biên niên sử của ngành phản gián Xôviết còn lưu giữ một thủ thuật độc nhất vô nhị để thoát khỏi "đuôi" mà điệp viên Anh Philipp James Wood đã sử dụng khi tới Moskva để thực hiện một loạt những phi vụ tình báo. Tại sân bay Sheremetivo 2, Philipp Wood đã bị các trinh sát ngoại tuyến đón lõng. Đó là đội trinh sát gồm những nhân viên giàu kinh nghiệm nhất của KGB ở Moskva. Để dễ dàng trao đổi theo máy bộ đàm và để mã hóa trong trường hợp một cự phú Nga mới nào tình cờ lọt vào tần số nội bộ của cơ quan an ninh, điệp viên Anh được đặt cho biệt danh mà vài năm trước đó, ông ta từng được ghi vào hồ sơ của KGB: "Cây Sồi Anh", hoặc ngắn hơn "Cây Sồi".

"Cây Sồi" đã vào phòng ga sân bay. Đang làm thủ tục hải quan. Nghe rõ không? Alo!.

Philipp Wood rời khỏi ga sân bay. Một tay ông ta xách một hộp quà to có vỏ bọc rất đẹp, tay kia xách cái túi thể thao. Làm ra vẻ lau cặp kính, ông ta đảo nhanh mắt nhìn quanh rồi đi vào một góc. Và ngay trong khoảnh khắc tiếp theo đã diễn ra sự việc khiến những trinh sát ngoại tuyến lão luyện của KGB phải giật mình thon thót và cảm thấy "hãi" trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đối tượng mà họ đang có nhiệm vụ theo dõi.

Philipp Wood đã xé giấy bọc hộp quà và lấy từ trong đó ra một cái xe đạp gấp. Bằng một động tác rất thuần thục, Wood đã xoay hai bánh xe vào đúng chiều và khoác qua vai cái túi thể thao rồi đạp xe đi về phía thành phố.

Trong kho dụng cụ tác chiến của các điệp viên thường có đủ mọi thứ, từ tóc giả tới áo khoác rộng hay các loại khăn mũ. Nhưng đấy là lần đầu tiên các trinh sát KGB nhìn thấy một điệp viên nước ngoài tới Moskva mà lại mang theo xe đạp. Vì đó đâu phải là Bắc Kinh hay Hà Nội: ở Moskva, các trinh sát ngoại tuyến khi di chuyển thì hoặc dùng xe hơi hoặc đi bộ, lấy đâu xe đạp mà bám theo đối tượng để khỏi bị nghi ngờ?

Không thể gọi việc cưỡi xe hơi với tốc độ chậm 10 km/h hay chạy bộ theo người đi xe đạp trong bộ complet là theo dõi kín được. Vậy phải theo dõi bằng cách nào đây? Tại Liên Xô cũ không ai cho sử dụng máy bay trực thăng trong những nhiệm vụ như thế. Tuy nhiên, tính sáng tạo của các trinh sát ngoại tuyến Xôviết cũng thật là phong phú. "Đấy không phải là những người dễ bị qua mặt đâu, ngài Cây Sồi ạ!".

Đúng vào ngày Philipp Wood bay sang Moskva, trong hệ thống KGB phải thực hiện chương trình thể thao toàn lực lượng mà nhiều nhân viên KGB vẫn rất lơ là. Thế nhưng, những trinh sát ngoại tuyến lại hay thực hiện nhiệm vụ này một cách cần mẫn và khi đi làm vào ngày đó, vẫn mang theo mình những bộ đồ thể thao mang nhãn hiệu Dinamo.

Ngay ở sân bay các trinh sát ngoại tuyến Xôviết đã hiểu ra rằng, Wood đang cần cắt "đuôi". Điều đó có nghĩa là, hoặc trên đường về thành phố, ông ta định liên hệ với "nguồn tin", hoặc định bỏ đồ vào hộp thư bí mật.

Wood đạp xe có vẻ thư thả, như một người tập thể dục hoặc một người đi dạo. Bám sát ông ta ở một khoảng cách vừa đủ là hai "vận động viên Dinamo", hai trinh sát ngoại tuyến với những máy bộ đàm nằm trong lòng bàn tay nắm chặt đẫm mồ hôi. Ấn nút về bên này là các đồng nghiệp ngồi trong xe nghe thấy ta ngay. Ấn nút về bên khác là ta lại nghe thấy đồng nghiệp chuyển thông tin. Rất tiện. Vì máy bộ đàm chỉ to bằng một cái bật lửa.

Mỗi cặp trinh sát chạy khoảng 1 hoặc 1,5 cây số rồi vào ngồi trong xe, thế vào đó là một cặp khác. Nhìn từ bên ngoài thì thấy cảnh tượng đó cũng tự nhiên thôi, như thể các vận động viên đang luyện tập, còn huấn luyện thì đi xe đạp (?!). Và ngay cả Wood cũng thấy cảnh tượng đó tự nhiên vì vận động viên không chỉ ở Nga mà cả ở Anh và Mỹ cũng phải tập chạy như thế.

Cứ thế họ đã đi tới khu vực Khimky. Philipp Wood đạp xe tới bốt điện thoại, dừng xe lại, vào trong và rút thẻ ra...

Đấy chính là đỉnh điểm gay cấn trong công việc của các trinh sát ngoại tuyến, vì anh sẽ không đáng giá một côpếch nếu anh bỏ qua sự việc gián điệp của đối phương bước vào trong bốt điện thoại. Các điệp viên, đặc biệt là điệp viên Anh, không bao giờ vào bốt điện thoại để làm những việc đơn giản cả. Một khi họ đã học được cách sử dụng xe đạp để cắt đuôi thì họ vào bốt điện thoại công cộng càng không phải để gọi về đại sứ quán. Tại sao lại không thử tìm cách xác định xem Wood gọi điện thoại cho ai, nói chuyện gì? Nhất là khi ta lại đang có trong tay một máy bộ đàm công suất lớn.

...Trong bốt điện thoại ở khu Khimky có một người đàn ông đứng, ăn vận hoàn toàn không quê mùa chút nào. Hai người đàn ông khác trong bộ đồ thể thao Dinamo chạy ngang qua, thở hổn hển. Một người đàn ông  trong bộ đồ thể thao dừng lại cạnh bốt điện thoại, thò tay vào trong bốt (ở khu vực Khimky, các bốt điện thoại làm gì có kính ở bốn bên!), vỗ vai người đàn ông đứng bên trong và hỏi: "Ông ơi, có nhìn thấy mấy  anh bạn chạy qua không?".

Người đàn ông ở bên trong, đó là Philipp Wood, thoạt tiên không hiểu gì cả. Ông ta đang "bắt liên lạc", tức là đang thực hiện nhiệm vụ. Nhưng các "vận động viên Dinamo" cũng thế.

"Bạn nào? Bạn của ai?" - Điệp viên Anh hỏi lại một cách tự nhiên. Có thể hiểu được trạng thái nội tâm của Wood lúc đó. Trong suy nghĩ có lẽ ông ta đã cảm thấy trên tay mình làn hơi lạnh toát của cái còng tay.

"Bạn của tôi chứ ai, các vận động viên Dinamo ấy" - trinh sát ngoại tuyến Xôviết đáp.

Thế là Wood cảm thấy an tâm ngay vì nghĩ rằng mình còn chưa bị lộ. Ông ta trả lời:

"Thế thì chưa thấy qua!".

Chỉ những khoảnh khắc ngắn ngủi giao lưu đó cũng đủ để cho trinh sát ngoại tuyến thứ hai ném vào trong bốt điện thoại máy bộ đàm được gắn với máy ghi âm trong xe bằng một sợi chỉ vô hình. Tất cả những chuyện còn lại chỉ là thủ tục kỹ thuật: cả số máy mà Wood bấm lẫn câu chuyện diễn ra sau đó đều được ghi âm trọn vẹn.

...Gọi điện thoại xong, "Cây Sồi” lại lên xe đạp và đạp về khu vực Pervoprestolkaya. Nhóm trinh sát ngoại tuyến đã gọi thêm đội hỗ trợ vì các "vận động viên Dinamo" đã thấm mệt sau những chặng đường chạy bộ như thế. Hơn nữa, mặc quần đùi chạy về nội thành là việc không mấy xứng danh của các sĩ quan phản gián Xôviết.

Chỉ trong vòng 10 phút, xung quanh người đàn ông đạp xe đạp trên đại lộ Lênin đã có tới 7 xe công vụ thay nhau lượn lờ, lúc nhặt lúc khoan, không để cho ông ta nằm ngoài tầm quan sát nhưng cũng không để bị lộ. Một nhiệm vụ không dễ dàng gì: lúc đó đang là hai giờ rưỡi chiều ngày chủ nhật, trên đường nhộn nhịp những người đi nghỉ ở ngoại ô trở về nhà trong nội thành.

Và các cán bộ phản gián Xôviết đã nảy ra một sáng kiến. Họ dùng máy bộ đàm liên lạc với trạm kiểm soát giao thông gần nhất để yêu cầu chặn giúp người đàn ông đạp xe bằng một vụ va chạm nhỏ. Theo các trinh sát ngoại tuyến, đó là việc rất dễ làm vì các cảnh sát giao thông cũng rất điệu nghệ trong những chuyện như thế và thường xuyên giúp đỡ các cán bộ an ninh mỗi khi được yêu cầu.

Theo kịch bản, cần phải làm sao để Wood đạp xe va chạm phải đúng một người đi bộ đúng luật. Đóng vai người bị bộ này tất nhiên phải là một cán bộ an ninh. Và mọi việc đã được thực hiện theo đúng dự tính. Wood đã phải sử dụng phương tiện di chuyển về đại sứ quán Anh ở Moskva theo đúng ý đồ của KGB để các trinh sát ngoại tuyến không bỏ sót bất cứ một chi tiết gì trong hành động của ông ta trên đường đi... Về tới đại sứ quán rồi, Wood vẫn tưởng mình không bị lộ vì đã qua mặt được các trinh sát KGB bằng thủ thuật  xe đạp.

Thực ra, ông ta đã nhầm

Hoàng Dương
.
.