“Điểm sôi” ở Venezuela

Thứ Sáu, 10/05/2019, 11:10
Chỉ có những người ngây thơ mới tin rằng cuộc khủng hoảng đã đạt tới “điểm sôi” hiện nay ở Venezuela lại có thể giải quyết được bằng những lời cầu nguyện. 


Lược sử của một quá trình

Venezuela đang bước vào một trong những khúc quanh hệ trọng trong lịch sử nước này, khi mà thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido công khai kêu gọi quân đội và những người ủng hộ mình xuống đường lật đổ Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro. Bạo lực đã nổ ra trên đường phố Caracas khi khững người biểu tình chống chính phủ đụng độ với các lực lượng bảo vệ luật pháp.

Chưa thể biết được rồi đây Venezuela sẽ đi về đâu nhưng có một điều chắc chắn là đất nước này sẽ còn phải chịu những hậu quả lâu dài và nặng nề do cuộc khủng hoảng hiện nay gây ra. Mà thực chất, cuộc khủng hoảng này đã khởi nguồn từ nhiều năm trước, thậm chí từ nhiều thập niên trước.

Kể từ thập niên 1920 của thế kỷ trước, dầu lửa được phát hiện ở Venezuela và nước này trở thành một trong những quốc gia có trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới. Kể từ đó, gần như toàn bộ nền kinh tế Venezuela đã phát triển dựa trên một nền tảng căn bản là giá dầu lửa luôn tăng cao trên thị trường thế giới. Lợi nhuận khổng lồ thu được từ xuất khẩu dầu lửa đã giúp nền kinh tế Venezuela duy trì ở mức tương đối khá và khi mà đời sống người dân được duy trì ổn định thì mọi sự đều tốt đẹp.

Cho đến thập niên 80-90 của thế kỷ trước, vì nhiều lý do, khi giá dầu trên thế giới bắt đầu chu trình giảm, nền kinh tế Venezuela bắt đầu phải hứng chịu những đòn đánh đầu tiên. Đời sống người dân bắt đầu bị ảnh hưởng.

Năm 1998, ông Hugo Chavez được bầu làm tổng thống, hứa hẹn sẽ sử dụng nguồn tài nguyên dầu lửa dồi dào của đất nước để cải thiện cuộc sống của những người nghèo Venezuela. Nhưng sang đến thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, giá dầu liên tục giảm khiến nền kinh tế Venezuela bắt đầu lao đao, nợ công của chính phủ tăng nhanh. 

Trong giai đoạn từ 2010 đến 2012, ông Hugo Chavez đã tiến hành hàng loạt cải cách kinh tế, trong đó có thả nổi giá trị đồng tiền và kiểm soát giá dầu nhưng không mang lại hiệu quả.

Quân đội Venezuela thề tiếp tục trung thành với ông Nicolas Maduro.

Năm 2013, bi kịch xảy ra khi ông Hugo Chavez mất vì bệnh ung thư ở tuổi 58 sau 14 năm cầm quyền. Phó Tổng thống Nicolas Maduro đảm nhận chức vụ tổng thống, sau đó chính thức trở thành Tổng thống Venezuela sau một cuộc bầu cử mà ông đã chiến thắng sít sao đối thủ của mình, chỉ hơn 1,6% số phiếu. 

Năm sau đó, giá dầu tiếp tục giảm, đời sống người dân càng khó khăn hơn và bắt đầu bùng phát những phong trào chống chính phủ.

Tới năm 2016, kinh tế Venezuela thực sự rơi vào khủng hoảng với việc thiếu vốn hỗ trợ cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ trẻ em sơ sinh tử vong cao, số lượng người thất nghiệp tăng với tốc độ phi mã.

Tháng 5-2018, ông Nicolas Maduro trúng cử tổng thống lần 2 với nhiệm kỳ kéo dài 6 năm. Đồng tiền Venezuela rơi vào tình trạng “siêu lạm phát” với mức lạm phát lên tới con số triệu %! 

Để ngăn ngừa mức độ siêu lạm phát kinh hoàng này, Venezuela tiến hành đổi tiền, phát hành đồng tiền mới “Bolivar chủ quyền”, một biện pháp không mang lại mấy hiệu quả. Venezuela tiếp tục rơi vào vòng xoáy khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng di cư

Tình trạng lạm phát khủng khiếp cùng với những khó khăn chồng chất trong đời sống xã hội đã đẩy Venezuela vào một cuộc khủng hoảng thứ hai: người dân bỏ nước ra đi.

Trong năm 2018, trung bình mỗi ngày có khoảng 5.000 người dân Venezuela rời bỏ đất nước đang bị chìm đắm trong lạm phát, thất nghiệp và những bất ổn về mặt chính trị chưa tìm thấy lối tháo gỡ.

Từ năm 2014 đến nay, khoảng 1,1 triệu người Venezuela đã tới Colombia, gần 506.000 người tới Peru, 288.000 người tới Chile, 221.000 người tới Ecuador, 94.000 người tới Panama, 130.000 người tới Argentina và 96.000 người tới Brazil. 

Theo Tổ chức Di cư thế giới, khoảng 300.000 người Venezuela hiện đang ở Mỹ và 255.000 người khác đang ở Tây Ban Nha...

Theo ước tính, đến thời điểm hiện tại đã có tổng cộng khoảng 3,4 triệu người Venezuela rời bỏ đất nước để tìm kiếm miếng ăn, việc làm và một đời sống ổn định hơn.

Có thể rút ra một kết luận khá rõ ràng qua hiện tượng này: khi đời sống người dân không được đảm bảo, họ sẽ ra đi tìm những miền đất mới, để lại sau lưng một xã hội hoang tàn, tiếp tục lâm vào cái vòng luẩn quẩn của khủng hoảng và bất ổn.

Tình trạng đối đầu và vai trò của quân đội

Lẽ dĩ nhiên là không chỉ có tình trạng đói nghèo, lạm phát và di cư mới tạo nên bức tranh khủng hoảng ở Venezuela. Nó còn tới từ phía các lực lượng đối lập với Tổng thống Nicolas Maduro, những người kết tội chính quyền yếu kém đã không giải quyết được các vấn nạn trong nền kinh tế cũng như đời sống xã hội ở Venezuela.

Những thách thức do chính quyền Venezuela gặp phải trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội ở nhiệm kỳ thứ nhất của ông Nicolas Maduro tiếp tục kéo dài sang nhiệm kỳ thứ hai, khi ông Maduro thắng cử vào tháng 5-2018, trong một cuộc bầu cử mà hầu hết các phe phái đối lập tẩy chay. Hội đồng Quốc gia do phe đối lập kiểm soát đã không công nhận kết quả bầu cử.

Để vô hiệu hóa chức năng của cơ cấu này, những người ủng hộ ông Nicolas Maduro đã thành lập Hội đồng Hiến pháp quốc gia, có chức năng như là một “Quốc hội” mới, công nhận ông Nicolas Maduro thắng cử, đảm nhiệm cương vị Tổng thống Venezuela thêm 6 năm nữa.

Ngày 10-1-2019, ông Nicolas Maduro tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 2 thì 2 tuần sau, ngày 23-1, lãnh đạo phe đối lập, ông Juan Guaido, 35 tuổi, người đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quốc gia, công khai tuyên bố mình là Tổng thống tạm quyền của Venezuela. Như vậy là đã xuất hiện tình trạng đối đầu giữa hai lực lượng, được hỗ trợ bởi hai cơ cấu lập pháp tự cho mình là hợp hiến duy nhất ở Venezuela.

Cuộc khủng hoảng bị đẩy lên đến “điểm sôi” khi ngày 30-4 vừa qua, ông Juan Guaido công bố một đoạn video trên trang mạng xã hội Twitter, chính thức ra lời kêu gọi quân đội Venezuela thay đổi lập trường, lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro.

Đến lúc này, mới thấy tầm quan trọng mang tính sống còn của quân đội trên chính trường Venezuela.

Mặc dù trong đoạn video, ông Juan Guado đứng giữa một nhóm người mặc quân phục ở gần căn cứ không quân La Carlota và tuyên bố rằng ông nhận được sự ủng hộ của quân đội để bước vào “giai đoạn cuối” trong việc năm giữ quyền lực, thế nhưng trên thực tế, quân đội Venezuela vẫn thề tiếp tục trung thành với ông Nicolas Maduro. 

Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela, ông Vladimir Padrino cho biết căn cứ không quân La Carlota vẫn nằm trong quyền kiểm soát và quân đội Venezuela sẽ tiếp tục ủng hộ Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro. Ông Nicolas Maduro cũng tuyên bố hành động của ông Juan Guaido là “đảo chính” và sẽ tiến hành điều tra, bắt giữ ông này. 

Venezuela tiếp tục rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Ảnh: L.G.

Những lực đẩy từ bên ngoài

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela thêm bội phần phức tạp bởi sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài.

Hàng loạt sự cố nghiêm trọng xảy ra ở Venezuela trong thời gian gần đây, đặc biệt là những vụ mất điện trên diện rộng gây tác hại to lớn đối với nền kinh tế cũng như đời sống người dân, được cho là có bàn tay phá hoại của lực lượng đối lập với sự trợ giúp từ bên ngoài.

Ngay sau khi ông Juan Guaido tự tuyên bố mình là Tổng thống Venezuela hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngay lập tức ra tuyên bố công nhận ông Juan Guaido là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela. Tiếp đó, hàng loạt nước cũng theo Mỹ công nhận ông Juan Guaido.

Tuy nhiên, cả Nga và Trung Quốc đều cương quyết phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela, cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có thể do người dân Venezuela tự giải quyết mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Qua điện thoại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo rằng Mỹ đang can thiệp vào công việc bội bộ của Venezuela, vi phạm luật pháp quốc tế và “những bước đi gây hấn” mới ở Venezuela sẽ thất bại, gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Theo Ngoại trưởng Nga, cách thức duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay là phải tiến hành đối thoại giữa các lực lượng chính trị tại Venezuela.

Chính thức mà nói, quân đội Mỹ hiện mới chỉ dừng lại ở mức thu thập các tin tức tình báo về tình hình ở Venezuela và chờ lệnh của Tổng thống từ Nhà Trắng. 

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố “để ngỏ” khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela thì Cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ, ông John Bolton đã bóng gió nói về sự đảo chiều trong số các chỉ huy quân sự của ông Nicolas Maduro, khi tuyên bố rằng tổng thống đương nhiệm của Venezuela đang bị vây quanh bởi “những con bọ cạp”.

Về phần mình, Tổng thống Donald Trump tuyên bố trong ngày Cầu nguyện quốc gia của Mỹ rằng ông gửi lời cầu nguyện tới những người dân Venezuela. Dĩ nhiên, chỉ có những người ngây thơ mới tin rằng cuộc khủng hoảng đã đạt tới “điểm sôi” hiện nay ở Venezuela lại có thể giải quyết được bằng những lời cầu nguyện. 

Yên Ba
.
.