Điểm nóng Iran: Giương cung lắp tên!

Thứ Tư, 26/06/2019, 14:59
Có cảm tưởng như quan hệ Mỹ - Iran, chỉ trong một thời gian ngắn leo thang rất nhanh từ "đấu khẩu" chuyển sang động binh, đã tiến rất gần tới một "điểm bùng vỡ" mà nếu như vượt qua một chút thôi thì hầu như không có khả năng quay lại được nữa.


Đe dọa lẫn nhau

"Công nghệ tên lửa nội địa Iran đã thay đổi cán cân sức mạnh ở Trung Đông. Các loại tên lửa này đủ sức đánh trúng tàu sân bay trên biển với độ chính xác cao. Tất cả đều được chế tạo trong nước và rất khó bị đối phương đánh chặn", Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami đã tự tin phát biểu như thế, chỉ một tuần sau khi tư lệnh phòng không Iran cảnh báo "kẻ thù nên tránh khỏi biên giới Iran càng xa càng tốt", cũng như việc Tổng tham mưu trưởng quân đội Iran Mohammad Baqeri khẳng định Tehran đủ khả năng "công khai phong tỏa" eo biển chiến lược Hormuz.

Cho dù Tư lệnh IRGC không nói rõ "tàu sân bay" đó là của ai, tên gì nhưng ai cũng hiểu rằng đó chính là biên đội tàu sân bay tấn công Abraham Lincoln và các tàu hộ tống được Mỹ điều đến Vùng Vịnh hồi đầu tháng 5. Thêm vào đó còn có các oanh tạc cơ chiến lược B-52, cùng các khẩu đội tên lửa Patriot được triển khai khắp các căn cứ của Mỹ nằm rải rác ở Trung Đông.

Mới nhất, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng thông báo kế hoạch điều thêm 1.000 binh sĩ tới khu vực Trung Đông nhằm giúp bảo đảm an toàn cho binh sĩ Mỹ đang triển khai tại Trung Đông và bảo vệ lợi ích quốc gia của Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong một tuyên bố ngắn gọn đầy hàm ý đe dọa, nói rằng: chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra! 

Thậm chí, không rõ vô tình hay cố ý, tin tức rò rỉ cho báo chí Mỹ cho hay ông Trump đã ra lệnh tiến hành không kích vào hàng loạt mục tiêu của Iran để trả đũa cho vụ một máy bay không người lái của Mỹ bị phía Iran bắn rơi (ở vùng biển quốc tế hay trong lãnh thổ Iran thì vẫn còn đang tranh cãi), thế nhưng vào phút cuối cùng, khi các máy bay Mỹ đã xuất kích và tàu chiến đã vào vị trí  khai hỏa, ông Trump lại hủy lệnh này!

Tình thế ở vùng Vịnh quả thật đang căng như dây đàn.

Nếu căn cứ vào những gì từng xảy ra trong quá khứ trước mỗi một hành động quân sự trực tiếp của Mỹ nhằm vào một đối thủ khó chịu nào đó thì có cảm giác như những gì đang xảy ra xung quanh Iran hoàn toàn trùng khớp. 

Có cảm tưởng như quan hệ Mỹ - Iran, chỉ trong một thời gian ngắn leo thang rất nhanh từ "đấu khẩu" chuyển sang động binh, đã tiến rất gần tới một "điểm bùng vỡ" mà nếu như vượt qua một chút thôi thì hầu như không có khả năng quay lại được nữa.

Một tên lửa Sayyad 2 được bắn từ hệ thống phòng không Talash của Iran. Ảnh: L.G.

Tên đã lắp, cung đã giương chỉ chờ buông tay, tình thế xung quanh nước Cộng hòa Hồi giáo đang căng như dây đàn và chỉ một xác suất nhỏ sai sót trong khâu ra quyết định là có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh.

Nhưng liệu có thể xảy ra một cuộc chiến tranh nữa ở vùng Vịnh?

Không ai muốn chiến tranh

Trên thực tế, cả hai phía đều tuyên bố không muốn chiến tranh.

Khi thông báo điều thêm 1.000 quân tới Trung Đông, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nói rằng việc điều thêm quân này "không nhằm gây chiến với Iran".

Trong khi đó, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran, ông Ali Shamkhani, được hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA dẫn phát biểu cũng nói "sẽ không có một cuộc đối đầu quân sự giữa Iran và Mỹ bởi không có lý do để cả hai bên gây chiến". Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, nhà lãnh đạo tối cao của Iran cũng nhiều lần tuyên bố "sẽ không có chiến tranh" với Mỹ.

Hẳn nhiên, phía Iran hiểu rất rõ rằng bất luận trong hoàn cảnh nào, nếu chiến tranh toàn diện nổ ra, với tiềm lực quân sự hùng hậu vượt trội (chỉ tính riêng số lượng máy bay Mỹ cũng có nhiều gấp 15 lần so với Iran - 12.000 so với 850 chiếc), Mỹ sẽ chiếm ưu thế hơn hẳn và những thiệt hại to lớn có thể xảy đến với lực lượng của họ.

Những đòn phản kích có thể gây ra những khó khăn nhất định cho lực lượng của Mỹ nhưng hậu quả đối với Iran sẽ vô cùng nặng nề. Do vậy, chiến tranh chỉ là lựa chọn cuối cùng của Tehran, khi không thể nào tránh được.

Còn đối với Washington, cứ cho là sẽ đi tới hành động quân sự trực diện đối với Iran đi nữa thì đó không phải là sự kết thúc mà là khởi đầu của những rắc rối!

Bởi nếu là một hành động quân sự có giới hạn, nhằm vào những mục tiêu chọn lọc chỉ với mục đích cảnh cáo, dường như sẽ chỉ có tác dụng rất hạn chế. Việc xóa bỏ tiềm lực hạt nhân cũng như chế tạo vũ khí đạn đạo của Iran không phải là việc có thể giải quyết chỉ bằng một cuộc tấn kích nhằm vào một hay vài cơ sở nào đó ở Iran. 

Nếu xảy ra, nó chỉ có tính biểu tượng, rằng Mỹ không chỉ đe dọa suông mà dám hành động, nhưng như vậy, cũng chỉ mang lại những ý nghĩa chính trị hơn là gặt hái được những kết quả thực tế.

Còn trong trường hợp một cuộc chiến toàn diện nổ ra thì ngay cả những phần tử diều hâu trong các hành lang quyền lực ở Washington cũng sẽ vẫn phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa: rồi sau đó thì sao?

Bài học Iraq vẫn còn sờ sờ ra đấy! Sự can thiệp của Mỹ ở Iraq thông qua hai cuộc chiến tranh, sau gần hai thập kỷ, chỉ mang lại những đau thương chết chóc và tình trạng hỗn loạn ở đất nước này. 

Nhiều lính Mỹ đã trở về quê hương trong những chiếc hòm đựng xác mà tình trạng bất ổn cũng như mục tiêu "xuất khẩu dân chủ" của Mỹ vẫn chưa thu được một kết quả khả quan nào. Đó là chưa kể chính cuộc chiến và tình trạng hỗn loạn ở Iraq (sau đó là Syria) đã tạo ra khoảng trống quyền lực, là mảnh đất tốt, là cơ hội bằng vàng để nảy mầm ra cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, một thực thể quái thai của thời hiện đại.

Trong trường hợp của Iran, đất nước này có dân số lớn gấp 3, diện tích lớn gấp 4 và các vấn đề phức tạp (kể cả tiềm lực quân sự) nhiều gấp 5 lần so với Iraq! Nói cách khác, Iran quá quan trọng để không nên bị rơi vào tình trạng bất ổn hay hỗn loạn do một hành động quân sự trực tiếp của Mỹ. Cái giá để tái thiết hoặc thiết lập lại sự cân bằng, ổn định sẽ vô cùng đắt đỏ.

Hãy cho hòa bình một cơ hội!

Cũng vì thế nên cho dù lựa chọn cách tiếp cận cực đoan, trái ngược hoàn toàn so với người tiền nhiệm, nhưng ông Donald Trump cũng không hoàn toàn chặn mọi cánh cửa để đi tới hòa bình. 

Nói cho đúng hơn, những biện pháp gây sức ép của ông Trump, như thường thấy trong nhiều trường hợp khác, là nhằm đạt tới một thỏa thuận mới mà ông nghĩ rằng có lợi hơn cho nước Mỹ, thay thế cho thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1 (JCPOA) hồi năm 2015.

Đơn phương rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận, ông Trump cũng đồng thời tái lập lại toàn bộ những biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran. Đòn quyết định diễn ra vào tháng 4 vừa qua, khi Mỹ quyết định không gia hạn quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 nước và vùng lãnh thổ trước đó vẫn còn được phép mua dầu mỏ của Iran là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Hy Lạp và Đài Loan (Trung Quốc).

Mục tiêu của quyết định này, không gì khác là đưa khả năng xuất khẩu dầu thô của Iran, quốc gia mà 80% thu nhập của nền kinh tế đến từ xuất khẩu dầu mỏ, trở về con số 0!

Biên đội tàu sân bay tấn công Abraham Lincoln. Ảnh: L.G.

Dĩ nhiên là nhà nước Hồi giáo đời nào chịu ngồi yên. Đầu tháng 5, Tổng thống Iran Hassan Rowhani gia hạn 60 ngày cho 5 thành viên còn lại tham gia Hiệp định của nhóm P5+1 gồm Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức tìm giải pháp để cứu vãn hiệp định, nếu không Iran sẽ sớm vượt qua giới hạn sở hữu urani làm giàu được quy định trong thỏa thuận JCPOA ký hồi năm 2015.

Tiếp đó, hàng loạt các vụ tấn công bí hiểm nhằm vào các cơ sở dầu mỏ, các tàu chở dầu ở vịnh Oman hồi tháng 5, gần nhất là hai vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản ở phía Nam eo biển Hormuz, đã gây cho thế giới sự khiếp hãi: tuyến vận tải huyết mạch dầu mỏ qua khu vực eo biển Hormuz có thể bị đứt gãy một khi xung đột giữa Mỹ và Iran nổ ra.

Mỗi khi xảy ra một vụ tấn công, Mỹ lập tức quy kết cho Iran là thủ phạm, trong khi Tehran hoàn toàn bác bỏ mọi cáo buộc. 

Ngay cả khi Mỹ cho công bố những đoạn băng video để củng cố cho lập luận của mình thì các đoạn băng này cũng mang tới nhiều nghi vấn hơn là những câu trả lời. Chất lượng băng kém, bị cắt xén, cùng với việc Mỹ từng có nhiều "tiền án, tiền sự" về việc làm giả bằng chứng (mà nguyên do dẫn tới cuộc chiến tranh tấn công Iraq năm 2003 là ví dụ điển hình) khiến cho những lời cáo buộc của Mỹ kém hẳn sức nặng.

Vả lại, xét về mặt động cơ, Iran không thu được một lợi ích rõ rệt nào nếu đứng đằng sau điều phối các hoạt động như vậy, nếu không muốn nói rằng rủi ro là quá lớn. Được lợi duy nhất đằng sau những vụ tấn công như vậy là những kẻ không muốn Mỹ và Iran hòa hoãn, mong muốn có các hành động quá khích để ra các quyết định vội vàng dẫn tới xung đột, điều rất dễ xảy ra trong bối cảnh "cung giương tên lắp" hiện nay.

Sau hai năm Mỹ rút khỏi JCPOA và tiến hành hàng loạt biện pháp trừng phạt gây sức ép tối đa lên Iran, tin tốt là chưa có một cuộc chiến tranh nào. Tin xấu là nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi mà không thiếu các phần tử cứng rắn nằm trong chính quyền của cả hai bên có khả năng quyết định chính sách, và với vòng xoáy căng thẳng leo thang ngày càng được đẩy cao lên những tầng nấc mới, xác suất xảy ra những hành động bất cẩn ngày một lớn lên.

Hãy cho hòa bình một cơ hội trên vùng cổ tích Ba Tư! 

Yên Ba
.
.