Dịch cúm A/H1N1 lan rộng toàn thế giới: Đại dịch!

Thứ Sáu, 31/07/2009, 08:00
Những diễn tiến xung quanh dịch cúm A/H1N1 cho thấy, nếu thực sự trên hành tinh chúng ta đã xuất hiện một đại dịch thì không thể có cách gì để ngăn chặn nó. Mới chưa hết nửa năm trôi qua mà loại virus, đồ rằng xuất hiện đầu tiên ở Miexico, đã lan rộng ra tới 121 quốc gia trên thế giới. Như vậy là virus H1N1 đã có mặt ở khắp các hang cùng ngõ hẻm.

Hiện nay các tinh hoa y học đang chú mục vào Nam bán cầu, nơi đang là mùa đông, thời điểm quá thuận lợi để cho các bệnh cúm phát triển.

Nguy hiểm nhỡn tiền

Sau trên dưới ba tháng xuất hiện, danh từ "cúm heo" đã không còn đủ sức gây nên những cơn hoảng loạn trong dân chúng trên thế giới nữa. Thế nhưng, nó vẫn đang tiếp tục khiến cho chính phủ nhiều quốc gia phải đau đầu tìm cách đối phó. Những ngày cuối tháng 7/2009 này, virus cúm A H1N1 đang tiếp tục những bước chân không âm thầm của nó gieo rắc những mầm độc hại chứa đựng nguy cơ chết chóc trong mình.

Nhìn nhận một cách  thực tế, cúm A/H1N1 có thể gây nên những tác hại không quá nặng hơn các căn bệnh cúm phổ biến. Bệnh nhân mắc cúm A/H1N1sau một tuần có thể lành bệnh nếu được chạy chữa và thậm chí nếu không được chạy chữa cũng vậy. Phần lớn những ca bệnh nặng, kể cả những ca chết người, đều diễn ra kèm theo những căn bệnh nguy hiểm kèm theo với loại virus đã bị nhiễm phải. Tuy nhiên, ngay cả trong những tình huống như thế vẫn có vô số những ngoại lệ.

Theo một số nguyên nhân mà hiện nay các nhà chuyên môn chưa lý giải được, trong một số trường hợp, virus cúm A/H1N1 đã cướp đi sinh mạng của những người trẻ và hoàn toàn mạnh khoẻ. Đôi khi diễn tiến căn bệnh, tưởng là rất nhẹ, lại bất ngờ dẫn tới những biến chứng nguy cấp, buộc phải chạy chữa một cách tích cực nhất.

Việc xác định những dấu hiệu nhiễm bệnh một cách kịp thời để ngăn chặn trước các biến chứng là cần thiết không chỉ đối với các bác sĩ.

Theo lời Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margarret Chan tại hội nghị quốc tế về virus H1N1, nếu cảnh báo kỹ lưỡng cho mọi người thì tại các phòng khám ở các bệnh viện sẽ chỉ là những người không thực sự  cần sự giúp đỡ chính tắc của các bác sĩ mà đó chỉ là những người "thần hồn nát thần tính". Để xác định chuẩn việc phân phối đội ngũ các bộ y tế, cần làm sao để người nhiễm virus H1N1 tự hiểu rằng, khi nào không cần  lo lắng, còn khi nào thực sự phải có bác sĩ chăm sóc mình.

Chính phủ nhiều nước đang chuẩn bị cho những phương án tồi tệ nhất. Trên "hòn đảo sương mù" chẳng hạn, đã có kế hoạch để tới cuối tháng 8-2009 phải có kế hoạch chạy chữa cho ít nhất là 100.000 trường hợp nhiễm bệnh cúm A/H1N1 mới... Chính phủ Mỹ đã bỏ ra 195 triệu USD để đặt hàng mua vắcxin cúm A/H1N1 dành cho đợt tiêm cho dân Mỹ  vào tháng 10/2009. Ngoài ra, Bộ Y tế Mỹ đã ký các hợp đồng trị giá 120 triệu USD để mua các liều adjuvant có tác dụng làm gia tăng các số lượng các chất tăng lực. Theo lời đại diện của Ủy ban kiểm soát thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), do những tính chất đặc biệt của loại virus H1N1 đang phổ biến hiện nay, việc sản xuất những loại vắcxin chống nó chỉ chiếm khoảng 30% tổng lượng vắcxin chống cúm nói chung.

Hiện nay, việc nghiên cứu sản xuất các loại vắc xin chống H1N1 đang được 5 công ty  AstraZeneca, CSL Ltd, GlaxoSmithKline, Novartis và Sanofi-Aventis tiến hành.

Theo dự đoán của WHO, làn sóng thứ ba của dịch cúm A/H1N1 sẽ xảy ra từ tháng 9 tới tháng 12 năm nay và khu vực bị nhiễm bệnh nhiều nhất sẽ ở bắc bán cầu. Hơn thế nữa, mùa thu năm nay, virus H1N1 sẽ giao thoa với loại cúm theo mùa mới (dự báo là ở vùng Đông Nam Á)  và với cả virus gia cầm khét tiếng H5N1.  Vậy nghĩa là chúng ta cùng một lúc sẽ phải chiến đấu với cả những tổng hòa của hai hoặc ba loài virus nguy hiểm. Trong trường hợp xấu nhất có thể những virus này kết hợp với nhau sẽ sinh ra những quái dị mới với những hậu quả khó lường trước được.

Chúng ta cũng khó

Tính đến 17h00 ngày 22/7, Việt Nam đã ghi nhận 499 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, không có tử vong. Trong khoảng hai tuần trở lại đây, ngày nào nước ta cũng ghi nhận thêm từ 3-4 đến gần 40 trường hợp mới mắc cúm A/H1N1. Do đó, trong những ngày tới, con số bệnh nhân sẽ là hơn 500. Hiện đã có 346 bệnh nhân ra viện; những trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng.

Trên thế giới, dịch cúm A/H1N1/2009 đã bùng phát tại 145 quốc gia với hơn 146.000 người mắc, khoảng 850 trường hợp đã tử vong. Hiện số bệnh nhân tiếp tục tăng cao ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Kể từ 30/5, ngày ghi nhận ca mắc cúm A/H1N1 ở nước ta, hàng ngày có hơn 15.000 người vào nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu đường không, đường bộ, đường thủy. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh nhân ngay từ cửa khẩu là khó khăn, vì khoảng 50% trường hợp không có triệu chứng mắc bệnh khi nhập cảnh. So với các nước, công tác phòng chống dịch ở Việt Nam được đánh giá cao, kiểm soát được bệnh nhân và chưa để xảy ra tử vong, song việc dịch lây lan ra cộng đồng là điều khó tránh khỏi.

Điểm đáng chú ý nhất hiện nay là diễn biến khá phức tạp và khó lường của hai ổ dịch tại hai trường trung học ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi phát hiện chùm nhiều ca bệnh tại Trường Trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát hiện nhiều em tại Trường tư thục Nguyễn Khuyến có biểu hiện sốt, ho, nghi lây từ kênh Trường Ngô Thời Nhiệm.

Ngày 23/7, ghi nhận 47 em học sinh bị sốt, trong đó có 1 em dương tính với cúm A/H1N1, 19 em chưa có kết quả xét nghiệm. 2.000 em học sinh khác sẽ tổ chức cách ly không tập trung để nhằm không lây chéo cho người nhà của các em. Đặc biệt, một số tỉnh như Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Tháp, Đồng Nai đã ghi nhận các ca dương tính với cúm A/H1N1 là học sinh tại Trường Trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm, TP Hồ Chí Minh về địa phương nghỉ hè.

Trước những diễn biến phức tạp này, một cuộc họp trực tuyến khẩn cấp phòng chống cúm A/H1N1 trước thềm năm học mới do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì nối với ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã được triển khai. Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các trường phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian 3 tuần trước khai giảng. Nếu trường nào không nghiêm túc thực hiện thì không được phép khai giảng năm học mới.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh thì không được gây hoang mang cho người dân. Với các trường phải đóng cửa để dập dịch thì cần thông báo rõ thời hạn mở cửa trở lại. Có hai giải pháp khống chế ổ dịch được ra là: Cách ly tập trung (tại Trường Ngô Thời Nhiệm và Nguyễn Khuyến) và không tập trung (tại các gia đình, cộng đồng, có bác tới nhà thăm khám). Song cách ly tập trung vẫn là hàng đầu, để tránh các trường hợp cấp cứu có thể xử lý được ngay.

Ngành y tế chỉ đạo 6 đoàn kiểm tra phối hợp với các ngành tại các quận, huyện, những nơi có nguy cơ như trường học, ký túc xá, khu vui chơi giải trí... để kiểm soát diễn biến dịch và phổ biến cách phòng chống bệnh tới người dân.

Đặc biệt, mùa đông tới là thời điểm virus cúm A/H1N1 có thể quay lại và bùng phát nguy hiểm hơn. Do đó, Phó Thủ tướng và các chuyên gia Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh tới việc cần trang bị kiến thức tự phòng vệ cho các em học sinh. Chậm nhất ngày 28/7, Bộ Y tế phải soạn thảo xong tài liệu phòng tránh cúm A/H1N1 với nội dung cô đọng, dễ hiểu, để 4.000 trường học trên toàn quốc tải về, nhân bản và tuyên truyền tới giáo viên và từng em học sinh. 23 triệu em học sinh sẽ là tuyên truyền viên về phòng cúm A/H1N1 cho gia đình và người xung quanh. Làm được điều này là rất quan trọng, vì cúm A/H1N1 đang lây lan rất nhanh, chỉ cần một người thiếu ý thức cũng có thể gây khó kiểm soát diễn biến dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh, cần tuyên truyền để các trường học và người dân không lúng túng, hoang mang nhưng cũng không chủ quan với dịch. Đây là những yếu tố quan trọng để khống chế dịch thành công

Thanh Loan - Phương Loan
.
.