Đi tìm dấu ấn Việt Nam ở Antibes

Thứ Sáu, 16/09/2016, 19:06
Chiến tranh Đông Dương đẫm máu với tổn thất lớn (100 nghìn người chết, 76 nghìn người bị thương và 40 nghìn tù binh) đã hằn sâu trong kí ức người Pháp và được sử sách thế giới nhắc nhiều. Đây là cuộc chiến giành độc lập của dân tộc Việt Nam được nhiều nước thuộc địa ở Bắc Phi ca ngợi và noi theo. 

Điện Biên Phủ không những chỉ là tên địa danh in đậm trong lịch sử thuộc địa Pháp, mà còn biến thành một động từ trong quân đội Pháp thường dùng trong bài giảng về chiến thuật quân sự để nói đến sự tấn công đột xuất và tiêu diệt hàng loạt.

Viên tướng Pháp Marcel Bigeard trước từng là trung tá tham mưu, bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, với bộ sưu tập huân chương đầy trên ngực, có nguyện vọng cuối cùng được gia đình tiết lộ với nhật báo Le Figaro (25-7-2010) mong được rải tro cốt ở Điện Biên Phủ để nằm cùng đồng đội đã chết la liệt ở đó.

Chiến tranh Đông Dương đã gõ cửa khắp các ngõ ngách nước Pháp. Việt Nam ở cách xa nước Pháp vạn cây số, song lịch sử thuộc địa và chiến tranh Đông Dương đã tạo nên mối liên hệ lịch sử hai nước trong gần hai thế kỷ. 

Chiến tranh đã chấm dứt cách đây 62 năm bằng trận Điện Biên Phủ, nhưng dấu ấn Việt Nam có mặt không chỉ trong sách, phim mà ngay trên những nẻo đường nước Pháp. Đâu đâu cũng thấy tượng đài, biển tưởng niệm, bảng danh dự “Tổ quốc ghi công những người con Pháp hy sinh ở Đông Dương”.

Ngay ở Antibes - thành phố nhỏ thuộc vùng Provence - Alpes - Côte dAzur cũng thấy một số dấu tích của cuộc chiến tranh Đông Dương. Theo nhà địa lý học Victor Adolphe Malte-Brun, cuối thế kỷ XIX, vào thời kỳ Đông Dương hoàn toàn thuộc về Pháp, thành phố này có khoảng hơn 6 nghìn dân. Thời đó, nhiều người Antibes tham chiến ở Đông Dương. Ngay ở bến cảng, lối vào cổng thành cũ có con đường mang tên “Đội Viễn chinh Pháp ở Đông Dương”.
Bảng ghi danh những lính Pháp hy sinh ở Hải ngoại tại tòa Thị chính Antibes.

Trong sảnh tòa Thị chính Antibes ngày nay đặt một bảng dành cho những người lính hy sinh ở hải ngoại (khoảng hơn 10 nước như Đông Dương, Đức, Algérie, Tunisie, Maroc, Triều Tiên, Nhật Bản...). Trong số 100 người lính hy sinh ở hải ngoại được vinh dự ghi danh, 13 người đã mất ở các tỉnh thuộc Đông Dương. Các tỉnh này đều nằm trên địa phận Việt Nam như Điện Biên Phủ, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội, Nha Trang…

Ở bảng danh dự này, không thấy có lính Pháp mất ở Lào và Campuchia. Điều này phần nào chứng minh thực dân Pháp khi cai trị Đông Dương đã bị người Việt đánh trả quyết liệt nhất. Số lính Pháp thiệt mạng trong chiến tranh Đông Dương ở ba miền (Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Trung Kỳ) nhiều gấp bội so với số lính Pháp mất ở Lào, Campuchia và các nước khác mà Pháp tham chiến. Trận chiến với Việt Minh ở Điện Biên Phủ là trận cuối cùng dữ dội nhất.

Antibes chỉ là một trong những bằng chứng về sự khốc liệt của cuộc chiến tranh Đông Dương. Ngay ở thôn bé nhỏ ven biển thuộc địa phận Brétagne (Pháp) cũng có tượng đài ghi “Tổ quốc ghi công những người con hy sinh ở Đông Dương”.

Trên dãy núi Alpes cheo leo, làng nhỏ Peymeinade nằm vòng vèo trên sườn núi cách Antibes 30km, giữa vườn hoa nhỏ cạnh tòa Thị chính, một tượng đài ốp đá hoa có bản đồ Đông Dương tưởng niệm lính Pháp hy sinh ở Đông Dương. Những địa danh Việt Nam chỉ để ghi nhớ những người lính Pháp mất ở đó, bằng chứng sống về sự chiến đấu của dân tộc Việt trong công cuộc đấu tranh giành độc lập.

Thành phố Antibes còn có một chi nhánh của “Hội Ái hữu quốc gia những người sống sót ở trại 113 Đông Dương” (120 đường Des Combes, 06600 Antibes). Bảng danh dự, tên đường và Hội Ái hữu này chứng minh sự tham chiến của người lính Antibes ở Đông Dương.

Sau năm 1954, một số tù binh sống sót gốc Antibes đã trở về Pháp. Chi hội này do ông Georges Tebbakha làm Chủ tịch, hiện vẫn còn sống. Chi hội đang chuẩn bị giải tán, vì ông chủ tịch này là tù binh Việt Minh, cựu chiến binh cuối cùng ở Antibes còn sống. Theo bà vợ, ông nay đã 95 tuổi, bị lẫn và bệnh nặng nên không thể tiếp ai.

Từ năm 1945 đến 1954, đội quân viễn chinh Pháp hùng hổ xuống tàu biển qua Đông Dương tham chiến, tưởng sẽ nuốt chửng đội quân Việt Minh, không ngờ thất trận thảm hại. Theo lời kể của một số nhân chứng bác sỹ làm việc thời đó, năm 1954, các bệnh viện ở Hà Nội chật ních. Thương binh Pháp nằm ngổn ngang chờ đưa về Pháp.

Tác giả bên tượng đài và bản đồ Đông Dương tưởng niệm những người hy sinh trong chiến tranh Đông Dương ở làng Peymeinade nhỏ bé, heo hút trên núi Alpes.

Việt Minh lúc đó, thương binh cũng đầy và còn lo tiếp quản chính quyền, làm sao lo hết xuể. Một số bác sĩ Việt được chính thầy Pháp đào tạo như Tôn Thất Tùng đã cùng các thầy cũ người Pháp chăm sóc và tìm cách giải quyết sớm đưa thương binh Pháp về nước. Những chuyến bay, chuyến tàu của Pháp cuối năm 1954 không phải chở đội quân viễn chinh vênh vang đến Đông Dương như trước, mà để chở thương binh, tù binh trao trả theo Hiệp định Genève về Pháp.

Theo bà Christine Rageau, năm 1954 sau khi mất Điện Biên Phủ, cha bà là sỹ quan công chức Pháp đã phải chạy trốn qua đường Trung Quốc trong khi vợ con lánh qua Thái Lan chờ tin. Đội lính viễn chinh sang cứu thuộc địa đã bại trận. Nhà sử học Ivan Cadeau, từng là chỉ huy xưa trong đội lính công binh Pháp ở đó cho biết, Pháp đã chi viện nhiều bằng đường hàng không rất nhiều và đặc biệt đội lính công binh Pháp nhận được 32 tấn mìn, nhiều tấn dây thép gai, vật liệu xây dựng, vũ khí.

Mặc dù quân đội Pháp có sự yểm trợ của không quân, nhưng Việt Minh và lính Pháp ở khoảng cách quá gần, bom ném xuống đôi khi rơi trúng ngay hàng rào dây thép gai gắn điện để tránh phản công của Việt Minh lại tạo điều kiện cho Việt Minh xông lên. Lính Pháp tinh nhuệ được đào tạo bài bản, song không được đào tạo cụ thể tại địa hình Điện Biên Phủ. Đội lính công binh Pháp không có vật liệu xây dựng hào, ụ chắn, chiến lũy bằng bê tông, đá cứng như trong sách dạy. Họ thiếu quân và vật liệu, kém chịu gian khổ.

Ở núi rừng Tây Bắc, chỉ có đất sét, bùn lầy và tre nứa, gỗ linh tinh. Chính lính công binh Pháp đã phải dùng mìn phá khu nhà nghỉ của ông Thống đốc Pháp trên đó để lấy gạch xây chiến lũy. Xe cơ giới không chạy được trên đồi núi hẹp, lính Pháp không quen gùi, thồ vật liệu, khuân gỗ nặng mang từ rừng về xây chiến hào như Việt Minh. Các vị chỉ huy sống sót khi về Pháp đều có một nhận định chung: Thất bại ở Điện Biên Phủ, ở Đông Dương là bài học chủ quan khinh địch của quân đội Pháp.

Quân đội Việt Minh tuy không có vũ khí tối tân như quân đội Pháp, nhưng đã thành công khi thực hiện chiến tranh nhân dân, biết dựa vào tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập của dân, họ đã huy động tối đa mọi lực lượng yêu nước tham gia kháng chiến và sẵn sàng hy sinh, chịu đựng gian khổ để giành độc lập.

Bảng ghi công những người lính trẻ Pháp thiệt mạng ở khắp Việt Nam.

Ngày nay hai nước đã giao bang trở lại. Ở Antibes, thổ sản Việt Nam có mặt trong các cửa hàng như hạt tiêu, chè, cà phê. Hàng đề rõ nguồn gốc từ Việt Nam, không phải là Đông Dương Pháp như thuở nào. Điều này thành niềm tự hào của người Việt đã bền bỉ và quyết tâm giành độc lập sau hơn một thế kỷ bị thực dân Pháp đô hộ.

Ở Antibes, hiện có trường dạy Việt võ đạo, khí công do người Việt sáng lập được quảng cáo trên báo địa phương Antibes. Tiệm ăn “Voi xanh hòa bình” (Éléphant bleu), chị chủ quán là con một cựu chiến binh xưa, nói một câu tiếng Việt: “Tôi là Tây lai”, quảng cáo bán đồ ăn Việt Nam rất đắt khách. Chị nói, hồi tiệm mới mở, nhiều cựu chiến binh tìm đến, nay họ đã mất dần, nhưng con cháu họ vẫn đến vì cảm tình với người Việt và thích món ăn Việt. Những người Pháp từng có người thân tham chiến ở Đông Dương thường hay giúp đỡ người Việt. Họ như muốn thay mặt những người lính thực dân xưa nói một lời xin lỗi bằng sự thân thiện với người Việt, như ông Jol người Antibes, có anh trai từng là cựu chiến binh ở Đông Dương đã nhiệt tình cung cấp tư liệu và dẫn chúng tôi đi thăm những phố, công viên mang tên liên quan đến Đông Dương.

Chiến tranh là tổn thất của cả hai bên. Nhiều người lính đôi bên, mất khi còn rất trẻ chỉ mới 20 tuổi, chưa kịp lập gia đình. Chiến tranh không chừa ai. Những địa danh Việt Nam ghi dưới tên liệt sĩ Pháp, cùng các tên đường phố ở Pháp liên quan đến Việt Nam là minh chứng của chiến tranh, cũng là bằng chứng về cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

Bảng vàng danh dự, Tổ quốc ghi công liệt sỹ, huân chương, huy chương kháng chiến, đài tưởng niệm không phải là niềm tự hào hân hoan, mà là nỗi đau, sự mất mát, một điều nhắc nhở: Hãy yêu hòa bình và chống chiến tranh! 

(*) TS. Văn học Trần Thu Dung. Hiện sống và làm việc tại Paris.

Trần Thu Dung
.
.