Điểm khởi nguồn đích thực của nước Đức Quốc xã

Thứ Sáu, 07/12/2018, 11:02
Dĩ nhiên, Adolf Hitler là cha đẻ của Đệ tam đế chế Đức, hay quen thuộc hơn - nước Đức Quốc xã. Song, không có gì tự nhiên xuất hiện. 

Tư tưởng dân tộc cực đoan của nhà độc tài khủng khiếp ấy cũng vậy. Nó được hoài thai từ bối cảnh chung của nước Đức thua trận trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất, và từ một hội kín còn ít người nhớ tên: Thule.

Không chỉ là nỗi đau bị phản bội

Nhắc đến bối cảnh nước Đức vào thời điểm Đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc, mọi nhà nghiên cứu lịch sử đều không thể bỏ qua tâm trạng phẫn nộ khá phổ biến của một bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội.

Khi đó, năm 1917, binh lính Đức đã tiến sát Thủ đô Moskva của nước Nga, chỉ còn cách khoảng 100km. Cách mạng Tháng Mười bùng nổ, và nước Nga buộc phải rời cuộc chiến tranh bằng hòa ước Brest - Litovsk với rất nhiều điều khoản bồi thường nặng nề mà Đức được hưởng.

Đó là ở mặt trận phía Đông. Nhưng ở phía Tây, với sự tham chiến của Hoa Kỳ, phe Hiệp ước Đồng minh liên tục phản công thắng lợi. Nước Đức cũng như phe Liên minh Trung tâm hoàn toàn suy kiệt, và dần dần bị đẩy đến bờ vực tuyệt vọng. Họ không còn lựa chọn nào khác, ngoài đầu hàng.

Vấn đề là, ở hậu phương, Tổng tư lệnh quân đội Đức Erich Ludendoff cùng một số tướng lĩnh thân cận vẫn tin rằng binh sĩ của mình còn cơ hội lật ngược thế cờ.

Từ họ, tâm lý uất ức lan tỏa, đặc biệt là sau khi ông đánh giá việc chuyển giao chính quyền từ tay phe quân sự sang phe dân sự - những người trực tiếp thương thảo về chuyện đầu hàng Anh, Pháp, Mỹ - là "nhát dao đâm vào lưng quân đội". Lòng kiêu hãnh lâu đời của quân nhân Phổ - Đức, bởi vậy, bị tổn thương nặng nề.

Biểu tượng thập ngoặc trên huy hiệu của Thule.

Nhưng, mọi chuyện còn trở nên tồi tệ gấp bội, với các điều khoản của Hội nghị Versaille - nơi những người chiến thắng "xẻ thịt" kẻ thua. Rơi vào vị thế của nước Nga năm trước, nước Đức - với nền quân chủ sụp đổ và nền Cộng hòa Weimar được thành lập trong nỗi căm ghét của giới quân nhân cao cấp - đến lượt mình bị áp đặt những điều khoản khắc nghiệt. 

Hơn cả việc làm nước Đức khánh kiệt, những điều khoản bị áp đặt ấy động chạm đến lòng tự tôn của một dân tộc vẫn còn khá nhiều sinh lực (chứ chưa đến nỗi tàn tạ như những đế quốc đồng minh là Áo - Hung hay Ottoman). Đó là mầm mống của thù hận và khát khao phục hận, âm ỉ nhưng mãnh liệt, để chỉ 15 năm sau, Adolf Hitler đã lên đến đỉnh cao quyền lực, cuốn cả châu Âu vào một trận đại chiến mới.

Nhưng, thực tế, những điều khoản đó cũng đã gây nên xáo trộn không ít, ở các tầng thấp nhất của xã hội Đức.

Trái với truyền thống, người lính Đức trở về từ chiến tranh, bại trận và tủi hổ, không còn được chào đón như những người anh hùng. Xã hội Đức, ngăn nắp và kỷ luật, trở nên hỗn loạn trong khốn khó, với nền kinh tế bất ổn trầm trọng.

Thành phố Munich, nơi về sau trở thành "đất phát tích" của Hitler, là một trong những nơi hứng chịu tác động nặng nề nhất, bởi đó luôn là một trong những đô thị thịnh vượng nhất. 

Thậm chí, trong năm 1918, đã có hai chính quyền nối nhau được dựng lên và sụp đổ tại đây: Cộng hòa Bavaria do một người Do Thái mang tên Karl Eisner lãnh đạo, bị lật đổ sau 3 tháng; và một chính quyền Cộng hòa Xôviết chỉ tồn tại được một tháng.

Trong chia rẽ và hỗn loạn ở Munich, một hội kín ra đời: Hội kín Thule.

Hung thần bị lãng quên

Thule, như đánh giá của Joanna Kavenna, nhà nghiên cứu văn hóa Bắc Âu, nữ tác giả cuốn The Ice Museum, "là biểu hiện ban đầu tư tưởng Đức Quốc xã về sự tôn sùng thái quá những bộ lạc Aryan và những vùng đất Bắc Âu, là sự manh nha hình thành một tư tưởng thuần khiết tự nhiên, thông qua niềm tin về một chủng tộc thượng đẳng".

Người đứng đầu Thule là Hội trưởng Rudolf von Sebottendorf, con trai của một công nhân đường sắt ở Silesia, nhưng lại là con nuôi của Nam tước Heinrich von Sebottendorf, và được ông cho mang họ của mình.

Rudolf von Sebottendorf cũng không tự sáng tạo ra tất cả các tư tưởng của Thule. Thời trẻ, y gia nhập Germanenorden, một hội kín khác mang màu sắc chống Cộng sản, bài Do Thái. 

Thủ lĩnh của hội này là Herman Pohl, một nhà nghiên cứu huyền thuật bị ám ảnh bởi tư tưởng chủng tộc Đức, và truyền bá đến các hội viên tư tưởng ấy, trên cơ sở người Đức là nhóm chủng tộc thượng đẳng. Nó hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ của Rudolf Sebottendorf, và rồi Thule ra đời.

Thule, hay nói đúng hơn - Rudolf von Sebottendorf, mới là những người đầu tiên sử dụng hình ảnh chữ thập ngoặc, biểu tượng về sau gieo rắc kinh hoàng, và bị căm ghét khắp cựu lục địa khi gắn liền với lá cờ Quốc xã. Và nguyên thủy, theo thần thoại Bắc Âu, Thule là tên một vùng đất đen tối, băng giá và bí ẩn ở cực bắc của thế giới cổ đại. 

Và ở hội Thule của Rudolf Sebottendorf, các hội viên thảo luận với nhau về lịch sử người Teutons, thơ ca Đức, sử thi Đức, văn hóa cổ truyền Đức… nhằm truy tìm nguồn gốc đích thực của người Đức. Trong số các diễn giả, có những cái tên quen thuộc như Adolf Hitler, Rudolf Hess, Alfred Rosenberg… những thành viên cốt cán của đảng Quốc xã sau này.

Adolf Hitler trong một buổi họp của Thule, cạnh Rudolf von Sebottendorf.

Đến mùa thu 1918, Rudolf von Sebottendorf tuyên bố Thule đã có 1.500 hội viên, gắn bó chặt chẽ với nhóm cựu chiến binh bất mãn mang tên Freeikorp. 

Sát cánh với Freeikorf, Thule chiến đấu - theo đúng nghĩa đen - với những người cánh tả, với cả máu và cả những cái chết. Từ Thule, từ bộ lõi là Thule, Adolf Hitler phác thảo cho mình ý tưởng về một tổ chức chính trị đúng nghĩa: đảng Công nhân Đức, sau này là đảng Quốc gia Xã hội Đức, gọi tắt là Quốc xã.

Từ Munich đến Berlin

Trong những năm tháng ấy, Hitler, với sự trợ giúp của Thule và Rudolf Sebottendorf, liên tục xuất hiện trong các quán bia ở Munich, dần dần trở thành người dẫn dắt tầng lớp thấp nhất trong xã hội bằng những bài diễn thuyết nảy lửa và sặc mùi phân biệt chủng tộc.

Với Thule và Rudolf von Sebottendorf, Adolf Hitler tiến hành "vụ bạo loạn quán bia" nổi tiếng - sự kiện gây tiếng vang đem lại cho y dáng vóc của một nhà hoạt động chính trị đích thực, song song với án tù cùng thời gian để hoàn thiện cuốn Mein Kampf (Cuộc chiến đấu của tôi) lẫy lừng.  

Nhờ Thule và Rudolf von Sebottendorf, Hitler kết nạp được Heinrich Himmler, người về sau nắm giữ Gestapo và cảnh sát SS. Himmler tán đồng với Hitler rằng những giá trị mà Thule đại diện đủ sức mạnh lôi cuốn không chỉ giới bình dân ở Munich, mà là cả nước Đức đang tràn ngập bất bình hậu chiến. 

Cả Rudolf Sebottendorf, cả Hitler, cả Himmler, cả Hess và cả hội Thule đề cho rằng Chủ nghĩa phát-xít không thể chỉ là một học thuyết chính trị hay một tuyên ngôn mang tính tôn giáo, mà phải trở thành phương tiện để toàn bộ chủng tộc Đức thượng đẳng được tái sinh.

Năm 1933, Adolf Hitler được bổ nhiệm làm Thủ tướng Đức. Đảng Quốc xã chính thức bước lên bậc cao nhất của vũ đài chính trị, mở đầu cho một giai đoạn "gió tanh mưa máu" khủng khiếp mà những thành viên kỳ cựu của Hội kín Thule sắm vai chính. Nhưng, chính Rudolf von Sebottendorf và Thule thì bắt đầu đánh mất vị thế.

Có điều, từ những giá trị đen tối mà Thule khơi gợi, hàng loạt tội ác chống lại loài người được thực hiện. Tháng 1-1937, Himmler tuyên bố: "Sứ mệnh duy nhất của người Đức là chiến đấu để tiêu diệt những giống người hạ đẳng trên thế giới!". 

Từ đó, nước Đức Quốc xã có luật Hôn nhân đặc biệt, có các "Trại giống thuần chủng" - nơi các binh sĩ SS được phép giải tỏa nhu cầu sinh lý chỉ với các phụ nữ mang đặc điểm di truyền Bắc Âu, có những trại tập trung, có những lò hơi ngạt, có những phòng thí nghiệm trên cơ thể người, có những vụ thảm sát.

Thule tan rã, nhưng tư tưởng của hội kín khủng khiếp ấy vẫn hiện diện trong từng mốc thời gian đáng nhớ suốt dòng chảy của Đệ nhị thế chiến, cho đến khi Berlin sụp đổ. Và đến tận bây giờ, mầm mống độc ác ấy vẫn còn đang hăm he trỗi dậy, dưới hình hài của bọn Neo-Nazi…

* Nước Đức thua trận bị buộc phải bồi thường 132 triệu đồng mark vàng (xấp xỉ 6.600 triệu bảng Anh). Tỷ giá hối đoái 4 mark = 1 USD năm 1918 tụt xuống 75 mark = 1 USD năm 1921, và đến năm 1922 còn 400 mark = 1 USD.

* Rudolf von Sebottendorf bị gạt khỏi trung tâm quyền lực sau khi Adolf Hitler chấp chính, và bị cho là chết vào ngày 8-5-1945, khi vòng vây quân Đồng minh khép chặt quanh Berlin.

Thiên Phong
.
.