Dẫu quê kệch tiếng

Thứ Năm, 19/09/2019, 02:17
Mấy ông thi sĩ thứ thiệt là chúa rắc rối. Bởi vì rằng, họ không có… khái niệm về thời gian.

Thì đấy, hãy xem ông Tô Đông Pha gật gù: “Trồng cây táo đến mùa bóc vỏ, trồng cây thông cũng chờ đến ngày đốn được. Đó là việc mươi năm sau; nhưng việc tính toán của mình coi như đã tốt đẹp. Mười năm có là bao? Một nghìn năm thì cũng như gió rào, mưa đá”. 

Đọc xong Đông Pha bát thủ đột nhiên tĩnh tâm. Tất cả chỉ là cơn gió thoảng qua, Nhanh thôi. Không phải ngẫu nhiên, ông bà ta bảo: “Ngoảnh đi con dại, ngoảnh lại con khôn”. Ừ, vẫn biết là thế. Nhưng rồi hãy nghe, ông Tản Đà quả quyết:  “Trăm năm thì ngắn, một ngày dài ghê”. Đúng chóc.

Một ngày trôi qua

Một ngày trôi qua tịnh không có một tiếng động. Ngày dài thăm thẳm. Dài lắm.

Hãy nhớ lại xem, có phải ai không từng trải qua tâm trạng lẻ loi, cô độc đến độ ngồi lắng nghe từng nhịp tích tắc của cây kim đông hồ? Vâng, để rồi có lúc y tự nhủ: “Đôi khi thèm có dòng tin nhắn/ Để thấy cuộc đời chẳng lẻ loi/ Đôi lúc mơ nghe reo điện thoại/ Để thấy quanh ta rợp bóng người”

Tưởng rằng, thế giới bên ngoài đã lãng quên cái mặt mẹt này. Đã quên khuất. Quên béng. Chẳng còn ai nhớ đến nữa. Bèn bó gối ngồi nhìn vào chiếc đồng hồ, đếm theo từng khoảnh khắc, mới hay, một ngày dài lắm. Nhưng rồi, chắc gì một ngày đã dài hơn một giây? Một giây dài vô tận. Mới khủng khiếp làm sao.

Ông bạn già của y là nhà văn Tình nhỏ làm sao quên, một ngày nọ cao hứng tuyên bố bỏ thuốc lá. Ai nấy cũng tán thành, động viên và vỗ tay hoan hô. Lão sướng rên, đi đâu cũng vác mặt ngước lên trời. Rồi ngày kia, lão về Đà Nẵng, tắm biển Mỹ Khê, đang đùa chơi tung tăng, đột nhiên một cơn sóng dữ ập vào bờ, cuốn lão ra khơi. 

Lão nhớ lại: “Chỉ chậm một giây thôi, nếu không có người bơi ra cứu là tớ xong phim”. Chờ đợi một giây trong khoảnh khắc sinh tử ấy, ngắn hay dài? Dài lắm, dài đến độ sau cú hoảng hồn hốt vía ấy, lão lại thuốc lá phì phèo như cũ.

Lại nhớ đến anh bạn đã từng gắn bó thời quân ngũ, ngực đầy huân chương, suýt được phong liệt sĩ. Cái tính cái nết rất đáng quý của hắn ta là ăn phải sạch, tự trồng rau sạch, tự nuôi lợn vịt gà sạch không hóa chất, không thuốc tăng trọng… 

Những tưởng nhờ cái sự sạch này ắt sống lâu, sống thọ. Đùng một cái, ngày kia, đang vi vu phóng xe cùng “rau sạch”, bất ngờ ngay trước mặt một chiếc xe tải có biệt danh khét tiếng “anh hùng xa lộ” lao thẳng tới. Một giây trong khoảnh khắc sinh tử ấy, dài hay ngắn? Dài lắm, dài đến độ sau đó hắn ta đổi tính đổi nết, “ai sao mình vậy”, ăn uống không còn phải so đo, xét nét như trước nữa.

Nói như thế để thấy thước đo về thời gian, ngắn hay dài còn tùy vào tâm trạng, tâm lý trong thời điểm ấy. Dám đồ rằng, ngày xửa ngày xưa, con người ta cảm thời đời người dài hơn hiện nay chăng? Tại sao lại có suy nghĩ ngộ nghĩnh và kỳ quặc ấy. Rằng thưa, trong lúc vừa ru con bằng cách đọc thơ, vừa ghé mắt đọc sách, vừa tiện tay trổ tài nấu bếp thì y đã thong dong đọc lại Đại Việt sử ký toàn thư.

Bộ chính sử này chép, vào đời nhà Hồ: “Năm 1378. Mùa thu, tháng 7, Đỗ Tử Bình kiến nghị bắt các đinh nam mỗi hộ nộp 3 quan. Vua y theo. Bấy giờ đương có việc dụng binh, kho tàng hết kiệt nên Tử Bình kiến nghị như thế”. 

Đọc câu này, ta có thể hiểu thuế đinh/ thuế thân của nước Nam bắt đầu từ sự kiện này. Sử còn cho biết, vì: “Theo lệ cũ, các trấn có việc binh thì lệnh cho mỗi huyện có bao nhiêu ruộng thì phải nộp bao nhiêu vàng, bạc, tiền, lụa, không tính thêm số nhân binh sinh ra, cũng không trừ bớt theo số người đã chết. Nếu phục dịch việc binh thì đều thu bổ theo số ruộng cả”. 

Việt Nam văn hóa sử cương (1938) của cụ Đào Duy Anh giải thích rõ hơn, là ở triều Lý, Trần “theo số ruộng của mỗi người mà đóng, ai không có ruộng thì khỏi phải đóng”. Thế nhưng sáng kiến của Đỗ Tử Bình “bắt chước phép dung (tức thuế đinh) của nhà Đường, thuế má lại nặng thêm”.

Đến thời Nguyễn, thuế đinh còn gọi sưu dịch/ suất sưu. Thử hỏi, hiện diện trên cõi đời, cái thân ấy phải đóng thứ thuế ấy thì vui hay buồn? 

Ông Nguyễn Công Trứ nói phải lắm: “Thoắt sinh ra thì đà khóc choé/ Trần có vui sao chẳng cười khì?”. Cười sao nổi. Sống trong tâm trạng ấy, cảm thấy đời dài hay ngắn? Dài lắm. 

Bằng chứng là dù có chết đi, chìm sâu dưới ba tấc đất nhưng vẫn cứ đóng thuế, chứ nào có thoát được đâu. Tức là vào thời Pháp thuộc quy định, việc thu thuế tính từ năm trước, tri huyện và lý trưởng đã lập sổ thuế cho năm sau, chẳng may có kẻ “nửa đường đứt gánh”, cõi hạc quy tiên nhưng vẫn chớ hòng trốn được việc đóng thuế.

Nói thật hay đùa? Nói chơi hay nói giỡn?

Ngó ra mái hiên

Phải khen rằng, cụ Ngô Tất Tố đúng là nhà văn thứ thiệt. Cụ đã trả lời câu hỏi trên trong tác phẩm Tắt đèn cực kỳ rõ ràng, chua chát, không thể cãi vào đâu được. Ấy là lúc lý trưởng, lính cơ, cai lệ xộc vào nhà chị Dậu đòi thuế, chị bảo em chồng đã chết, đã khai tử nhưng lý trưởng vẫn gắt gỏng: “Khai tử rồi cũng phải đóng sưu? Ai bảo nó không chết từ hồi tháng mười năm ngoái?”. 

Chị càng ngẩn ngơ ra bộ không hiểu, như có ý ngờ người ta ăn hiếp nhà mình: “Thưa ông người chết đã gần năm tháng, sao lại còn phải đóng sưu?”. Lý trưởng quát: “Mày đi mà hỏi ông Tây, tao không biết”. 

Thư ký dõng dạc cắt nghĩa: “Chết cũng không trốn được sưu Nhà nước! Là vì thằng em chồng chị mới chết tháng giêng An Nam, mà sổ “thông qui” của làng đã làm từ đầu năm Tây, tức là tháng một An Nam năm ngoái. Sổ ấy có tên thằng Hợi, lúc ấy nó còn chưa chết, khi đệ lên tỉnh, tòa Sứ cứ theo số đinh trong sổ mà làm bài chỉ đưa sang sở Kho bạc, rồi đến kỳ thuế, sở Kho bạc lại cứ theo đúng số thuế ghi trong bài chỉ mà thu. Nó chết tháng giêng, chứ dẫu nó chết tháng chạp cũng vậy, bài chỉ làm rồi, người ta không có chữa lại bao giờ, "khai tử" hay chẳng "khai tử" mặc kệ! Bởi thế, bài chỉ làng ta năm nay vẫn không trừ được số sưu của thằng Hợi nhà chị. Nó chết, vợ con chưa có ông Lý trưởng cứ lấy vào thân nhân, chồng chị không nộp cho nó thì ai nộp?”.

Mãi đến năm 1945, thứ thuế chết tiệt này mới xóa bỏ, chỉ cần tính rợ, ta cũng biết, nó đã tồn tại 567 năm (1378-1945). Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh vào ngày 9-7-1945, nêu rõ: “Thuế thân là một thứ thuế vô lý, trái ngược với tinh thần chính thể cộng hòa dân chủ”.

Chiều nay, nhân đọc lại một đoạn sử có liên quan đến thuế, lại nhớ đến cụ Ngô Tất Tố. Mà cũng nói thật, chẳng rõ hiện nay đã có nhà văn nào học tập theo cụ Ngô, tức là phản ánh lại hiện thực đương thời bằng hình tượng văn học tầm cỡ như vậy? Nếu có, theo y mới là nhà văn thứ thiệt. Đã thứ thiệt thì còn thêm phẩm chất gì nữa? Vẫn nghĩ rằng, chính là đức tính khiêm tốn. Họ khiêm tốn đến độ ta phải thán phục và bất ngờ đến sững sờ. 

Khi Nguyễn Du viết Truyện Kiều, thiên hạ ngả nón, nghiêng mình thán phục, đến độ Mộng Liên Đường chủ nhân phải thốt lên: “Nếu không có con mắt trông thấy cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì không tài nào có cái bút lực ấy”, thế mà cụ Nguyễn Du chỉ bảo: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Chỉ thế thôi. Đã “mua vui” được cho thiên hạ cũng làm hài lòng. Chứ nào tuyên ngôn, tuyên bố to tát gì đâu.

Thi sĩ thứ thiệt. Nhà văn thứ thiệt là chỗ đó. Cực kỳ khiêm tốn. Lại nữa, đã có những áng văn Nôm khuyết danh đi vào lòng người từ nhiều thế hệ, bà ru cháu, mẹ ru con đời đời tiếp nối, vậy tác giả đã nói gì về những gì mình đã viết? 

Kìa, hãy xem Nhị độ mai: “Biết bao lời kệch tiếng quê/ Thôi thôi, bất quá là nghề mua vui”. Đơn giản vậy thôi. Không gì cần phải P.R hào nhoáng, quảng cáo ồn ào, ầm ĩ. 

Này, truyện Trê cóc: “Vẽ vời mấy tiếng ngâm nga/ Tỏ tường sự lý để ra với đời”; nọ, truyện Trinh thử: “Khi rồi, ai muốn ngâm nga/ Gọi là theo lối nôm na dõi truyền”; đây, truyện Hồng Hoan lương sử: “Lạm bàn câu chuyện Hồng Hoan/ Học đòi chắp chỉnh vài hàng nôm na”; và nữa, Truyện Chàng Chuối: “Xin ai ngẫm lý mà xem/ Dẫu quê kệch tiếng thì thêm thắt vào” v.v..

Qua những dẫn chứng này, y mạo muội nghĩ rằng và cũng là xin có gợi ý cho những ai quan tâm khảo sát thể loại truyện Nôm nói chung: Ít ra dù dị bản nào đi nữa thì câu kết cũng tuân theo mô-típ đó. 

Chẳng hạn, với sự tranh luận về bản Lục Vân Tiên, y vẫn nghĩ rằng, đó phải là bản có câu kết: “Nôm na dù vụng hay hèn/ Cũng xin lượng biển uy đèn thứ cho”. Hợp lý hơn. Có phải thế không ạ? Mà này, chỉ mua vui, chỉ nôm na thế mà tác phẩm ấy lại sống thọ, sống dài. Thế mới biết chuyện chữ nghĩa cũng kỳ cục thiệt, đôi lúc nó lại nằm ngoài ý muốn chủ quan của người viết.

Chiều rồi. Ngoài trời lại mưa lai rai. Ngó ra ngoài mái hiên, lại nhớ về câu chuyện của Đỗ Tử Bình lần nữa.

Ít ai ngờ, “cha đẻ” của thứ thuế thân quái đản kia, buồn cười là lúc lão ta sau khi mặc áo ba đờ xuy gỗ trở về suối vàng lại được cho thờ ở Văn Miếu. Mỉa mai chưa? 

Nhà sử học Ngô Sĩ Liên có lời bình: “Bậc danh nho các đời có bài trừ được dị đoan, truyền giữ được đạo thống thì mới được tòng tự ở Văn Miếu, thế là để tỏ đạo học có ngọn nguồn… Tử Bình là hạng học nhảm chiều người, tham lam bòn vét, là kẻ gian thần hại nước, sao lại được len vào chỗ đó?”. 

Thưa cụ Ngô, cụ dạy phải lắm ạ. Thời buổi này, cùng hội cùng thuyền với Tử Bình không ít, có hạng thèm ăn của đút của lót đến chảy nước bọt, nuốt sạch sành sanh, không thèm chùi mép, thế mà còn dám vung tay múa bút, lên mặt thầy đời, dạy thiên hạ bằng cách chủ biên kiệt tác Phòng chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa'” về tư tưởng, trong cán bộ, đảng viên hiện nay, vậy loại nào đáng khinh bỉ hơn?

Cụ Ngô Sĩ Liên trả lời thế nào? Không rõ. Nhưng theo y, biết rằng, trong vòng vài chục năm trở lại đây, đã xuất hiện trong quan hệ xã hội một sáng kiến cực kỳ độc đáo không thua kém gì thuế thân của Tử Bình. Đó là cái phong bì còn phải kiêm thêm nhiệm vụ: “Thanh cha, thanh mẹ, thanh dì/ Hễ có phong bì thì lại thanh kiu”. 

Những tưởng vai trò của nó sẽ còn sống thọ, sống dai, sống dài hơn cả thời gian tồn tại của thứ thuế đinh nữa. Từng quả quyết là thế. Thế nhưng sáng nay các quan truyền thông vừa đưa tin một quan chức nọ đã nhận cả 3 triệu USD, y mới ngẩn tò te mà ái ngại cho chiếc phong bì, làm sao nó có thể kham nổi?

Câu hỏi này, nếu sống dậy, cụ Ngô Tất Tố ắt hỏi: “Thưa ngài, ngài nhận 3 triệu USD bằng cách nào trong lúc vẫn xoen xoét, mồm loa mép giải, mồm mép tép nhảy rao giảng về đạo đức làm quan, kỷ cương phép nước?”.

Chỉ mới nghĩ thoáng qua đã buồn nôn.

Lê Minh Quốc
.
.