Dấu ấn lặng thầm sau những chiến công chống gián điệp biệt kích
Trung tuần tháng 5 năm 2014, Cục Cơ yếu - Bộ Công an tổ chức lễ trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho một số cựu cán bộ lực lượng Cơ yếu Công an nhân dân. Gần 7 thập kỉ thầm lặng góp sức mình vào trang sử vàng của lực lượng Công an nhân dân, các thế hệ cán bộ Cơ yếu đã có mặt ở hầu khắp chiến trường, hằng ngày hằng giờ bảo đảm bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bồi hồi gặp lại những đồng đội cũ, họ cùng nhau ôn lại một thời hào hùng với chiếc xắc-cốt tài liệu mật mã và khẩu súng ngắn bất li thân ngày đêm giữ vững và bảo đảm bí mật thông tin phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trong số những cán bộ được trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hôm đó, có Đại tá Trần Văn Giá, nguyên Trưởng phòng Cục Cơ yếu. Trước khi gắn bó 31 năm với công tác Cơ yếu, ông từng là một sĩ quan Cảnh vệ, có vinh dự trực tiếp bảo vệ Bác Tôn và một số vị cách mạng tiền bối… Gần 80 tuổi đời, ông Giá thuộc lớp người đã sống qua thời thực dân phong kiến. Ngẫm lại, ông vẫn luôn tự nhắn nhủ: “Không những lớp người như chúng tôi mà đất nước ta có được như ngày hôm nay, là nhờ công ơn của Đảng và Bác Hồ. Dù vật đổi sao dời thì với tôi điều đó không bao giờ thay đổi”…
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo bên dòng sông Lô thuộc làng An Đạo (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, cách Đền Hùng chừng mươi cây số), tuổi thơ của ông Giá đã trải qua những tháng ngày cơ cực, lầm than. Nay đi ở đợ, mai đi làm mướn rồi lại theo cha mẹ gồng gánh các em lên miền ngược kiếm miếng ăn để thoát khỏi những trận đói triền miên không chỉ trong năm Ất Dậu 1945. Thế nhưng, cú sốc và kỉ niệm đau thương nhất khiến sau này ông một lòng một dạ theo cách mạng, chính là việc phải chứng kiến vụ thảm sát kinh hoàng của giặc Pháp gây ra với người dân làng An Đạo. Chỉ trong một ngày cuối tháng 10 năm 1947, có tới 99 người dân làng An Đạo bị giặc Pháp sát hại. Ông Giá bồi hồi kể lại: “Nếu như vụ thảm sát 504 người dân làng Mỹ Lai (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) năm 1968, được cả thế giới biết đến, thì vụ thảm sát ở làng An Đạo quê tôi gần như chìm vào quên lãng… Một phần vì thời đó phương tiện thông tin liên lạc thiếu thốn, một phần vì chiến tranh loạn lạc liên miên nên ít người biết đến nỗi đau thương của làng tôi.
Cái ngày đau thương đó là 10-9 âm lịch, tức ngày 23/10/1947. Thu đông năm ấy, với dã tâm hành quân cấp tốc lên Việt Bắc để bắt sống cơ quan đầu não kháng chiến, thực dân Pháp ồ ạt tiến quân bằng nhiều mũi. Hướng đường thuỷ, chúng dùng tàu chiến từ Hà Nội chạy ngược sông Hồng, vào sông Lô ở Việt Trì, rồi lên Đoan Hùng đánh vào ATK (an toàn khu). Ngày 23/10/1947, hàng chục tàu chiến của giặc Pháp chạy ngược sông Lô rồi tấp vào khu vực làng An Đạo. Trên trời, những chiếc máy bay hung hãn quần đảo xé nát bầu không khí yên bình vốn có của vùng trung du Bắc Bộ.
Khoảng 10 giờ sáng, những tên lính Pháp đầu tiên đặt chân lên bến Gành. Sau khi tập hợp lực lượng, chúng dàn đội hình hàng ngang tiến vào làng An Đạo. Tiếng súng nổ loạn xạ, tiếng người í ới gọi nhau lẫn với tiếng gào thét. Những tên lính Tây, cả da đen, da trắng đi lùng sục từng nhà, bắt người trói lại, rồi phóng lửa đốt sạch nhà cửa của dân làng. Có người đang nấp trong nhà hoặc dưới hầm bị chúng xả súng liên thanh bắn chết, bất kể người già, đàn bà, trẻ em… Hôm ấy nhằm đúng ngày chợ phiên, nghe tiếng súng nổ, tôi cùng mọi người chạy băng qua một cánh đồng ngập nước, lên núi Sâu Suất cách làng chừng vài chục mét. Từ đây nấp trong những lùm cây cọ nhìn về phía làng, chúng tôi thấy những tên lính Pháp mặt mũi đằng đằng sát khí. Chúng đốt nhà, ném lựu đạn, xả súng vào bất cứ chỗ nào nghi ngờ có người ẩn náu. Lửa cháy ngút trời, hơi nóng theo gió tạt cả sang nơi chúng tôi đang nấp. Một số tên lính đã định vượt qua vạt ruộng tiến sang núi Sâu Suất nhưng do nước ngập đến gần thắt lưng và có lẽ chúng sợ trên núi có du kích, nên dừng lại; nếu không, thiệt hại nhân mạng của dân làng An Đạo chúng tôi hôm đó không dừng lại ở con số 99 người”! Vụ thảm sát đó trở thành vết thương khó lành trong tâm khảm ông Giá. Bởi vậy, mới 16 tuổi đầu ông đã quyết rời khỏi mái tranh nghèo lên chiến khu Việt Bắc theo cách mạng.
Năm 1954, sau thời gian tham gia lực lượng Thanh niên xung phong, ông Giá được tuyển vào Công an, làm công tác Cảnh vệ. Năm 1961, sau khi học lớp bổ túc sĩ quan khóa IX, trường C500 (nay là Học viện An ninh nhân dân), ông được chọn đi học nghiệp vụ Cơ yếu và gắn bó với công tác này trong hơn 30 năm (từ 1962 đến 1993). Ông Giá chiêm nghiệm về chuyện đời, chuyện nghề: “Do tính chất và yêu cầu công việc, anh em làm Cơ yếu thường kín đáo, không huênh hoang, chỉ biết lặng lẽ làm việc. Chúng tôi luôn xác định có những bí mật của Đảng, của lực lượng Công an mà mình phải “sống để bụng, chết mang theo”. Thế hệ chúng tôi, nhiều đồng chí Cơ yếu đã tham gia các chuyên án chống gián điệp, biệt kích; nhiều đồng chí, kể cả các đồng chí nữ đã xung phong chi viện tiền tuyến lớn miền Nam. Trực tiếp tham gia các chuyên án đầu tiên chống gián điệp biệt kích có các anh Phan Bạch Liên, Trương Quang Hơn, Nguyễn Văn Một, Trần Quang Giai, Đặng Bá Long, Nguyễn Quang Phiệt, Vũ Trọng Nội, An Đình Cự; tôi tham gia 2 chuyên án các đợt sau… Đi chiến trường miền Nam có nhiều đồng chí, như các anh Phạm Đức Hạnh (nguyên Hiệu trưởng Trường T36 - Bộ Công an), Ngô Văn Quý (nguyên Trưởng phòng Cục Cơ yếu) và những đồng chí nữ như các chị Thanh, Thu, Lan, Lựu, Cần, Điệp, Vân, Mỳ…
Nhớ về đấu tranh chuyên án với các toán gián điệp, biệt kích, ông Giá hào hứng: Trước hết, phải khẳng định tầm vóc lãnh đạo chiến lược của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, một nhà lãnh đạo tài năng và đức độ. Cùng với những người cộng sự xuất sắc như Nguyễn Tài, Trần Quyết… đồng chí Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo các lực lượng Bảo vệ chính trị, Thông tin, Cơ yếu, Công an nhân dân vũ trang, Công an các địa phương… tiến hành “Trò chơi nghiệp vụ”, câu nhử, bắt giữ toàn bộ các toán gián điệp, biệt kích do Mỹ - ngụy tung ra phá hoại miền Bắc.
Nguyên tắc bắt buộc là, khi tóm được bọn gián điệp biệt kích, ta phải khẩn trương khai thác từng tên, nắm được tên toán trưởng, báo vụ, quy ước an toàn, an ninh mật mã, nhiệm vụ của chúng… Phải khống chế, cảm hóa được tên báo vụ và dùng ngay điện đài thu được của chúng để liên lạc với trung tâm địch, cung cấp tin tức giả cũng như tạo tình hình giả theo nhiệm vụ bọn biệt kích phải thực hiện. Việc liên lạc phải tiến hành trong vùng rừng núi mà toán biệt kích được trung ương địch quy định đứng chân, chứ không thể ngồi ở Hà Nội thực hiện vì địch sẽ phát hiện. Cũng không thể dùng người của ta làm thay tên báo vụ địch, dù làm như vậy rất dễ nhưng địch sẽ phát hiện vì chúng đã ghi nhận đặc tính của từng báo vụ viên khi nhấn ma-níp (giống như nhận dạng chữ viết). Tuy nhiên, việc này cũng khá mạo hiểm. Nếu ta không chặt chẽ, khi truyền điện (do Cơ yếu ta mã theo luật mật mã của địch), tên báo vụ có thể xen vào những câu, hoặc khóa riêng báo hiệu mất an toàn thì chuyên án sẽ thất bại; chưa kể tình huống rất nguy hiểm vì địch có thể bất ngờ dùng trực thăng tập kích, đánh úp ban chuyên án và giải thoát đồng bọn…
Nhớ về một chuyên án được trực tiếp tham gia, ông Giá kể: Năm 1967, tôi được giao nhiệm vụ trong chuyên án truy bắt nhóm biệt kích ở Tây Bắc. Đoàn gồm một số đồng chí trong đó có tôi, đồng chí Chuân (trinh sát Cục C61), một đồng chí báo vụ... Tôi mang theo tài liệu mật mã đủ dùng trong nhiều ngày. Chúng tôi đi ô tô từ Hà Nội lên Sơn La, qua đèo Pha Đin tới huyện Điện Biên (khi đó thuộc tỉnh Lai Châu) phối hợp các lực lượng trinh sát kĩ thuật, trinh sát nội ngoại biên rà soát từng tọa độ, khe suối để truy lùng toán gián điệp đã được xác định đang tìm cách thâm nhập vào sâu nội địa. Cơ động qua nhiều địa bàn, hôm ấy, chúng tôi nhận được tin do cơ sở báo, có một toán người lạ vào bản người Mông (giáp Lào) hỏi đường sang Việt Nam. Lập tức các lực lượng được huy động, cấp tốc hành quân, bao vây khu vực nghi vấn và tóm gọn toán biệt kích…
Tình người trong những năm tháng hào hùng đó là điều ông Giá và các đồng đội luôn ghi nhớ sự trong sáng, “dĩ công vi thượng”, đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. “Tham gia các chuyên án, anh em chúng tôi phải ngủ trong các hang đá, “ba cùng” với toán gián điệp biệt kích. Mùa đông lạnh lẽo thì đốt lửa sưởi, dùng lá cây rừng làm đệm.
Tôi vẫn nhớ anh Tháp (Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, nguyên Cục trưởng Cục Chống phản động, Bộ Công an; khi đó là Trưởng Công an huyện Tuần Giáo) là người rất có khiếu hài hước. Nằm trong hang đá, nghe anh kể chuyện thì ai nấy đều lạc quan, lắm khi cười ra nước mắt… Anh Tháp từng có cuộc đấu trí tài tình với một tên toán trưởng biệt kích tên là Vui. Dù đã bị bắt nhưng khi anh Tháp hỏi cung, Vui vẫn cho rằng anh Tháp là một toán trưởng khác đã xâm nhập trước đang thử thách mình. Hắn luôn tỏ ra kiên định, kiêu căng, ngoan cố. Hôm ấy, anh Tháp hỏi hắn: “Các anh nhảy dù xuống vùng rừng núi hẻo lánh thế này, chắc có nhiều nguy hiểm nhưng theo anh điều gì đáng sợ nhất?”. Vui tỏ ra đắc chí trả lời: “Nguy hiểm lắm chứ, nếu không được tập dượt kĩ thì mất mạng như chơi, nhất là trường hợp dù bị số 8”. Anh Tháp lạnh lùng ra đòn: “Tôi sẽ báo cáo về trung tâm là anh đã bị dù số 8!”. Nghe vậy, Vui há hốc mồm và hắn hiểu ra chỉ có cách hợp tác với các cán bộ ban chuyên án.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Giá vẫn luôn tự hào về chặng đường đời đã qua. Nay đất nước đã có nhiều đổi mới, lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cơ yếu nói riêng cũng có bước phát triển vượt bậc. Nhưng theo ông, con người vẫn là khâu quyết định. Với tinh thần đó, ông khẳng định: “Tôi tin rằng, Việt Nam mình sẽ giữ vững được chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Lời tâm sự của người cựu cán bộ Cơ yếu Công an nhân dân, quả thực, rất nóng hổi tính thời sự
Hà Nội, tháng 6/2014