Đất và người, tụng ca và bi ca

Thứ Ba, 11/09/2012, 14:30
Tư tưởng về đất như là nguồn cội của cuộc sống và nguồn cội của hạnh phúc con người là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt tác phẩm. Có đất, có tình yêu và sự lao tác thực sự với đất - như thể vắt đất ra - mọi điều tốt đẹp sẽ đến với những con người sống trên đất. Còn ngược lại, khi anh coi đất chỉ như một thứ hàng hóa để có thể mua và bán, khi anh chỉ bòn rút nó chứ không chịu đổ mồ hôi để kích thích khả năng sinh sản của nó, và nhất là khi anh quay mặt với nó, rời xa nó, thì khi ấy sẽ xảy ra đủ mọi điều tệ hại.

Tụng ca

Cuốn tiểu thuyết Phúc lành của đất của nhà văn Na Uy Knut Hamsun (1859 - 1952, giải Nobel năm 1920) mở ra bằng một khung cảnh huyền hoặc, như khung cảnh quen thuộc trong các saga Bắc Âu vậy: Một vùng đất không dấu chân người, chỉ có những đầm lầy và rừng rậm kế tiếp nhau. Khi con người xuất hiện, thì đó là sự xuất hiện ăn nhập tuyệt đối với thiên nhiên hoang dã: một tráng đinh thô kệch, không  nguồn gốc xuất xứ, không thân nhân quyến thuộc, không sở hữu gì hết ngoài chính sức lao động của mình. Anh ta đến để tìm một nơi sinh sống. Và bằng nghị lực mạnh mẽ và đôi bàn chân luôn bám chặt vào đất, anh ta đã lao tác trên đất đai, đã phát quang bụi rậm, đã cày bừa và gieo trồng, đã vác đá, đã đốn gỗ, đã làm nhà, đã chăn nuôi gia súc, đã lấy vợ và sinh con, đã xây dựng nên một trang trại trù phú sau bao năm tháng làm việc miệt mài. Tóm lại, từ đất và với đất, Isak - tên của tráng đinh nọ - đã trở thành Chúa trời của chính mình: anh ta tạo nên cả một thế giới của con người đầy sự sống giữa thế giới của một hoang địa khô cằn.

Tư tưởng về đất như là nguồn cội của cuộc sống và nguồn cội của hạnh phúc con người là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt tác phẩm. Có đất, có tình yêu và sự lao tác thực sự với đất - như thể vắt đất ra - mọi điều tốt đẹp sẽ đến với những con người sống trên đất. Còn ngược lại, khi anh coi đất chỉ như một thứ hàng hóa để có thể mua và bán, khi anh chỉ bòn rút nó chứ không chịu đổ mồ hôi để kích thích khả năng sinh sản của nó, và nhất là khi anh quay mặt với nó, rời xa nó, thì khi ấy sẽ xảy ra đủ mọi điều tệ hại. Knut Hamsun đã cài vào trong tác phẩm của mình hàng loạt nhân vật và sự kiện để chứng minh cho quan điểm này. Không ngẫu nhiên mà trên đất của Isak có một mỏ đồng và anh đã kiếm được khá nhiều tiền khi bán nó, thế rồi số tiền rốt cuộc cũng bốc hơi bởi sự đua đòi ăn chơi theo lối thị dân của Eleseus, cậu con trai cả của Isak, người đã khước từ việc trở thành một nông dân. Bản thân mỏ đồng ấy, dù người ta đã đổ biết bao nhân lực tài lực vào để khai thác nó thì kết quả cũng thật đáng thất vọng, thu không đủ bù chi; trong khi dùng nó để canh tác thì sẽ tốt hơn nhiều.

Một số nhân vật khác trong tác phẩm, như viên trợ lý Brede Olsen hay tay nhà buôn Aronsen, họ mua đất làm trang trại nhưng rồi lại bỏ bẵng đất để lăng xăng với những việc mà họ cho là sẽ có nhiều lợi nhuận hơn, và cái giá mà họ phải trả là sự thất bại, là tay trắng: đất từ chối ban phước cho những kẻ ghẻ lạnh với nó.

Tư tưởng về mối quan hệ giữa đất và người trong tác phẩm còn được thể hiện với mức độ tinh vi hơn thế nữa qua nhân vật Inger, vợ của Isak. Là một phụ nữ nông dân chất phác song bị ràng buộc bởi những quan niệm mê tín đầy mông muội, chị đã tự tay bóp chết đứa con gái mới sinh của mình, chỉ vì nó thừa hưởng cặp môi sứt của mẹ. Ở tù sáu năm - tức là phải xa đất - lúc trở về, chị học được nhiều điều hơn, trở nên khôn ngoan hơn, biết cách làm đỏm hơn, biết sự trễ nải trong lao động với đất và biết đến cả “những phút xao lòng” khi phải sống bên cạnh một người chồng lầm lỳ thô kệch như cục đất.

Chỉ đến khi Isak, trong một cơn giận bất thần, nhấc bổng chị lên rồi quật xuống mặt đất, mọi thứ mới trở lại với chị như cũ. Đây là chi tiết mang dáng dấp của một cổ mẫu văn hóa: chúng ta hãy nhớ lại thần thoại Hy Lạp, người khổng lồ sẽ trở nên yếu ớt như một đứa trẻ khi anh ta bị nhấc bổng lên khỏi Đất mẹ, chỉ khi nào anh ta đứng vững trên mặt đất thì sức mạnh và phẩm giá của anh ta mới được bảo toàn. Isak quật Inger xuống đất, sự hung bạo bột phát ấy có ý nghĩa như một hành động giải ảo quyết liệt, một sự gột rửa những thói tật phù phiếm để trả lại cho con người bản chất tốt đẹp đích thực mà vốn dĩ họ đã nhận được từ đất, có được từ đất.

Không khó để nhận thấy ở tiểu thuyết Phúc lành của đất, Knut Hamsun đã dựng lên một sự đối lập tuyệt đối giữa lối sống nông dân và lối sống thị dân. Ông ca ngợi vế thứ nhất và phủ nhận vế thứ hai. Gắn với đất, bám vào đất, người ta sẽ có một cuộc sống chắc chắn, sẽ biết yêu thương và tha thứ, sẽ có sức mạnh để vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt nhất. Bởi thế mà khi viết về sự quay trở lại với đất và những “cơn sóng lòng” của nhân vật Inger, Knut Hamsun viết với một thái độ đầy thông cảm, chia sẻ và trân trọng. Thế nhưng, giọng điệu của tác phẩm lại trở nên thấm đẫm chất hài hước giễu cợt ở mỗi trường đoạn kể về Eleseus hay Barbro - con gái của Brede Olsen - những con người đã chối bỏ đất đai, đã khước từ căn cước nông dân của mình, đã bị hút theo những lấp lánh phù hoa của lối sống thị dân giống như những con thiêu thân bị hút vào quầng sáng đèn.

Cũng như vậy, công việc khai mỏ và lắp đặt tuyến đường dây điện thoại ở vùng rừng núi hoang dã Almening - điều chỉ có thể bắt đầu diễn ra trong thời đại tư bản chủ nghĩa - là một cái gì đó vô nghĩa và đầy tính dị kỷ trong cái nhìn của tác giả. Tư tưởng của Knut Hamsun có thể là một tư tưởng bảo thủ, nhưng không nên quên rằng ông viết tác phẩm này vào năm 1917, khi mà trong đời sống xã hội ở Na Uy đang diễn ra tình thế cái cũ chưa qua hết mà cái mới thì chưa khẳng định được lý do tồn tại của nó. Vả lại, nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng, ở bất kỳ thời đại nào cũng vậy, “lao động là vinh quang”, thì với Phúc lành của đất, Knut Hamsun quả thật đã viết nên một thiên tụng ca đầy cảm xúc về lao động và những con người lao động chân chính.

Ở phần cuối của tác phẩm, ông đã dành những câu như sau để viết về Isak: “Một người nông dân gắn bó với đất đai, cả thân thể lẫn tâm hồn, một kẻ cần lao không hề ngơi nghỉ. Một hồn ma xuất hiện từ quá khứ để chỉ ra tương lai, một con người từ những ngày tháng nguyên sơ nhất của việc canh tác vun trồng, một cư dân trong chốn rừng hoang, già chín trăm tuổi, và đồng thời, một con người của hiện tại… Isak đang gieo lúa. Ánh nắng ban chiều đáp lên trên những hạt lúa đang tỏa ra thành hình rẻ quạt từ bàn tay của anh và rơi xuống mặt đất như những giọt vàng”. Đó là gì, nếu không phải là một cái nhìn huyền thoại về đất và người, một giọng điệu mà saga Bắc Âu vẫn dùng để mô tả những anh hùng văn hóa của dân tộc mình?

Và bi ca

Với văn học Việt Nam, một nền văn học lấy dưỡng chất chủ yếu từ hiện thực đời sống nông thôn, hiện thực cuộc sống của người nông dân, thế hệ này qua thế hệ khác sống và chết trên mảnh đất vừa nuôi sống vừa bòn rút sinh lực của mình, lạ thay, lại không có cảm hứng tụng ca như trong Phúc lành của đất.

Thử điểm lại: những chị Dậu, lão Hạc, lão Am, lão Khổ, lão Khúng v.v… trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, tất cả những nhân vật nông dân ấy đều không được tắm trong thứ ánh sáng huyền thoại như của Isak. Ngược lại là khác. Hãy lấy một ví dụ thôi: nhân vật lão Khúng trong hai tác phẩm Khách ở quê ra và Phiên chợ Giát của nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989). Lão Khúng đích thực là một người nông dân suốt cả cuộc đời ăn chịu với đất, “một anh nông dân suốt đời đi sau con bò vạch những luống cày trong đêm tối”. Lão cũng đích thực là một sự phản ứng quyết liệt với những gì không thuộc về đất, không mang hơi ấm của đất, xa lạ với đất: đô thị và đời sống thị dân. (Trong Khách ở quê ra, dưới con mắt của lão Khúng, dân Hà Nội toàn là những kẻ có nước da “trắng ởn”, và lão không hiểu sao họ lại có thể sống được trong những căn nhà chật chội và kín mít “như những hộp diêm”). Thế nhưng, với chính cuộc sống thân thuộc của mình, cuộc sống của một nông dân trên đất cát ở nông thôn, liệu lão có được cái tư thế của một chủ nhân ông, giống như tư thế của Isak khi canh tác trên cánh đồng? Không hề.

Trong Phiên chợ Giát, thời gian của truyện chỉ kéo dài từ khoảng nửa đêm về sáng cho đến sáng, tương ứng với quãng đường lão Khúng dắt con bò Khoang đi từ nhà đến chợ. Đó là quãng thời gian mà “bốn phía trời đất dường như đang còn mịt mùng chìm đắm trong khoảng bóng tối của âm ty”, và con người thì nửa thức nửa ngủ, chợt tỉnh chợt mê, cứ liên tục chập chờn trong những hình ảnh của ký ức, những phiến đoạn của giấc mơ, những tưởng tượng ám ảnh, những suy nghĩ vừa đen như mực lại vừa lấp lánh ánh sáng của sự minh triết.

Ngay ở đoạn vào truyện đã là một ác mộng: “Lão Khúng trông thấy một lão già thân hình cao vóng lại lủng củng đầy những xương cùng xẩu, mái tóc cắt ngắn cứng như rễ tre, mớ đổ phải, mớ đổ về phía trước trán, sợi đen sợi trắng loang lổ, mặt mũi gồ ghề, hai con mắt nhìn gườm gườm, với những mảng tiết bò còn ướt hoặc đã khô dính bết trên các bắp thịt nổi cuồn cuộn ở bả vai và bắp tay; cái lão già ghê tởm ấy dang cả hai cánh tay nâng một chiếc búa to nặng… bổ xuống giữa đầu một con bò… làm lún một mảng trán sát hai con mắt của con vật, khiến cho một con mắt dính đầy máu trồi ra ngoài”.

Lão già hung thần - đồ tể đầy kinh hãi trong cơn ác mộng ấy, chính là lão Khúng. Nhưng, ở giấc mơ cuối cùng trên cuộc hành trình của lão Khúng thì mọi hình ảnh đã bị đảo ngược hoàn toàn: “Chính lão bị đánh bằng búa tạ, chính lão là con bò!... máu me đầm đìa…”. Bò/người, người/bò, sự đảo ngược vị trí của các hình ảnh trong giấc mơ là điều đã được nhà nghiên cứu văn học Đỗ Đức Hiểu chú ý, để đi tới một khái quát: “Hóa thân chính là thân phận con người”. Bò là người, mà người cũng chính là bò - và như thế thì mọi khả năng đều để ngỏ: Người nông dân có thể là nạn nhân thảm khốc của kẻ khác, nhưng người nông dân cũng có thể trở thành hung thần đầy khủng khiếp với kẻ khác. Bò/người, người/bò, sự hóa thân kỳ dị không khỏi dẫn người đọc tới liên tưởng về “kiếp trâu bò”, về thân phận “nửa người nửa vật” của người nông dân.

Chính từ liên tưởng này mà nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đã giải mã một cách khá thuyết phục về hành động giải thoát cho bò Khoang - không mang ra chợ Giát bán, mà thả nó vào rừng - của lão Khúng: “Một khi bò Khoang là người, một khi bò Khoang chính là lão Khúng thì cử chỉ giải thoát của lão mang ý nghĩa tự giải thoát; thả cho bò Khoang về chốn rừng thẳm sống nhởn nhơ tự do, lão Khúng thực hiện ảo tưởng tự do hoang dã của chính mình. Và đến cuối truyện, từ rừng sâu con bò lại quay trở về gặp chủ nó, nghĩa đen của chi tiết này là sự luẩn quẩn của số kiếp bò Khoang, nhưng nghĩa bóng là sự thất bại “não nùng” của ảo tưởng tự do của lão Khúng”.

Vậy đấy, ở người nông dân như lão Khúng không hề có tự do, không hề có tư thế của “kẻ sáng tạo”, không hề có cái cốt cách kiêu hãnh của một bá tước - nông dân trên mảnh đất thấm đẫm mồ hôi của mình, như nhân vật Isak trong Phúc lành của đất!

Nếu có thể cho rằng Phiên chợ Giát là một thiên bi ca về thân phận của người nông dân trên chính mảnh đất của họ, thì trong thiên bi ca ấy có một nốt nhấn rất đáng chú ý, nó hòa lẫn giọng điệu giễu cợt và giọng điệu cay đắng. Ấy là khi lão Khúng nhìn những ngôi sao trên bầu trời và trò chuyện với bò Khoang - cũng là tự nói với mình, tự đặt câu hỏi cho mình: “Đấy là tao đang cười những ông sao trên trời! Vua chúa hoặc đại thần danh tiếng của thời nay cả đấy! Họ đang sống cả đấy! Ngôi sao nào cũng cứ ngỡ mình đang soi sáng mặt đất, không có mình thì mặt đất biến thành hũ nút, hàng nghìn hàng triệu người mở mắt cũng không nhìn thấy lối đi! Vậy mà khổ chưa kìa… cả một trời sao đang chiếu sáng thế mà mặt đất vẫn tối thui tối mò thế này, con đường chúng mình đi xuống chợ Giát vẫn tối như hũ nút như thế này?”. Tất nhiên là người nông dân như lão Khúng không thể có phương cách giải quyết cho câu hỏi về sự tối tăm trên mặt đất. Nhưng đặt được câu hỏi như vậy, tự nó đã bao hàm một sự thức nhận của người nông dân về chính thân phận của mình

Hoài Nam
.
.