Dạo tết chiều ba mươi

Thứ Hai, 26/01/2009, 15:00

Ba mươi tết, tết lại ba mươi

Câu thơ, Câu hát, câu vè, câu ca dao, hay câu than vãn, lời ước mong thúc đẩy cái đi, cái về.

Bao giờ mấy ngày áp tết tôi thường thẩn thơ đến những nơi nào chỗ nào nghĩ ngợi điều gì năm hết tết đến, ở chỗ hồ Tây, đường Cổ Ngư.

Đường Cổ Ngư bấy giờ là đường trải đá, ngày ngày tàu hỏa lu xình xịch qua, sáng sớm tôi được năm mới mười tuổi, tôi đeo cặp từ trường làng xuống Trường Yên Phụ vừa đi vừa chạy chân đất năm cây số, đi từng bước thuộc từng bước.

Cái bậc đá sâu hoắm trước đền Quán Thánh trông sang hồ. Một dãy xe goòng đất thó của những người thợ đấu cởi trần ở Sơn Tây đem thuyền đất thó tận Quán La về, những xe goòng chở đất sang làm nhà máy gạch đường Quán Thánh, đường ray chạy vút kêu loong coong thăm thẳm.

Mấy chục năm, khi hòa bình lập lại, còn thấy cái xe goòng chở đất thó và cái ca nô máy bay thủy phi cơ trước gốc cây gạo.

Cái hồ Tây và hồ Trúc Bạch dán vào nhau, quanh co. Nhưng hồ Trúc Bạch chỉ như cái đầm nước, cạnh gò cỏ chạy dài trước cửa đền là một cái am nhỏ, bên cạnh là một cây bàng và những bụi trúc, rặng cây cúc tần mọc quanh. Cạnh bờ, có một hai cái thuyền thúng. Không phải thuyền đi lễ, mà là những thuyền vào gò cỏ đánh bạc. Chỗ ấy chạc bạc có thuyền thúng. Thế nhưng nhiều hôm lúc sớm, lúc chiều, chúng tôi trông thấy đội sếp mặc áo vàng cầm cùi cui bắt cả lũ đánh bạc trói thừng vào bờ gần bóp Yên Phụ. Thế mà vẫn có người đánh xóc đĩa, có khi chơi cả đêm.

Ngay cạnh bãi cỏ có bến Cá. Cá hồ Tây, hồ Trúc Bạch có người đấu thầu - nhà thầu Chánh Húc chủ thầu cả hai nhà. Bây giờ ở Thụy Khuê, cạnh Sở Xe điện còn dinh thự nhà ông Chánh Húc, có hàng trăm năm đã qua rồi. Nhà chài đánh cá hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Cá hồ Tây, cá trắm to như trẻ con, còn cá hồ Trúc Bạch toàn cá nhỏ, cá thiểu, cá mè.

Thuyền chài đánh cá Trúc Bạch về nhiều, chỉ nửa buổi sáng thuyền cá đã về bến Cá. Buổi trưa tan học, chúng tôi chạy ra bến Cá. Vừa xem nhà thuyền chia cá, một lúc lại xin về những con thiểu, con thờn bơn của hàng chài cho. Rồi bọn trẻ chạy vào vườn chùa Trấn Quốc, bẻ củi và đốt rơm nướng cá. Cơm nắm, chấm cá nướng, chúng tôi chén buổi trưa, rồi đá bóng, rồi bơi hồ Trúc Bạch, đến hai giờ lại nghe đánh trống trường vào học buổi chiều.

***

Không phải tôi chỉ được ăn cá thiểu, cá diếc nướng buổi trưa tan học. Chuyện đời thời thơ ấu đã qua. Mà bây giờ cũng vẫn có cái ăn vạ vật và thời thế lắm. Những bãi ốc ở Quán La ở hồ Tây mà báo chí thường viết bút ký, phóng sự nhiều.

Vẫn là chùa Thiên Niên có cây vọng cách, đền Bà Sóc có cây đa lông. Những bài hát của bà lão, của trẻ con thánh thót ở hồ Tây. Cái thảnh thơi ấy không phải chỉ có ở xưa kia, mà là việc làm ăn không vất vả đâu, đấy là bãi ốc ở Quán La. Ở hồ Tây bây giờ, người mò cua bắt ốc nhiều, nhất là bắt ốc. Mỗi ngày, người bắt ốc như người đánh dặm, giờ giấc cẩn thận, bắt ốc cả buổi sớm trưa chiều, được ốc đem ra bãi Quán La, người xuống mò ốc đông như chợ, xe máy đi về vùn vụt.

Ngoài ăn uống ở phố bây giờ, ăn ốc là đặc sản. Đặc biệt là ốc bươu (không phải ốc nhồi), ốc vặn; ốc vặn ốc bươu cho vào chảo xào, lại chiên bỏ ra, mỗi đĩa thành tiền hàng mấy chục, hàng trăm, vì ốc là đặc sản, ốc bươu, ốc vặn bổ dai sức, chữa được tiểu đường, ho lao và mọi thứ bệnh tật nguy hiểm, ốc bươu ốc vặn đặc sản được tiếng lắm. Người đi mò ốc được tiền lắm, quãng nông nhàn đi từ Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa. Gửi tiền về cho con đi học, nhà xây tường thật phong lưu.

***

Tôi lại đến Quán La thử xem bãi ốc. Lại nhớ chẳng lạ gì xưa mà trông thấy thợ đấu đẩy xe goòng từ Quán La về nhà máy gạch ở Quán Thánh. Bây giờ đã vào áp tết mà trời đã vàng hoe như sắp tối, mà vẫn thấy quang quẻ. Bãi ốc vẫn lúi húi nhiều người. Người bán người mua ốc nhấp nhô.

Tôi xuống mép hồ. Một bọn con gái ni lông hoa ôm túi ốc rơi bịch xuống. Người chạy đến.

Tôi hỏi:

- Các cô còn ốc à?

Mấy cô nói lao xao:

- Chúng em vét một chỗ ốc tất niên. Rồi đi xe ôm ra Hàng Cỏ.

- Các cô về đâu ta?

- Chúng em về huyện Còng.

- Ồ Quảng Xương, Thanh Hóa rồi.

- Vâng ạ, về đến nơi thì giao thừa

.
.