Đạo diễn Victor Vũ: Tình yêu điện ảnh không xa xứ

Thứ Hai, 23/06/2008, 09:30
Sinh năm 1975 tại North Hollywood, Nam California, Victor Vũ đã tự quay những bộ phim theo cách của mình từ năm lên 10 tuổi và đã làm nhiều công việc liên quan đến phim ảnh trước khi tốt nghiệp khoa đạo diễn Đại học Loyola Marymount. Phải đến tuổi 17, Victor Vũ mới học tiếng Việt như một nhu cầu nội tại và Việt Nam trong anh chỉ là những hình ảnh và những câu chuyện kể của ba mẹ. Nhưng chỉ một thời gian sau đó, anh đã cùng viết kịch bản và làm đạo diễn 3 bộ phim về đề tài Việt Nam.

Bộ phim đầu tay "Oan hồn" đã gây được tiếng vang tại một số liên hoan và hội chợ phim quốc tế. Victor Vũ chính thức về Việt Nam, thực hiện phim truyện "Tình yêu xa xứ" vào những ngày cuối tháng 5, điều anh mơ ước trong nhiều năm qua. Rất khó để gặp Victor vào những ngày này, vì anh bận rộn và vì anh sợ vốn tiếng Việt chưa đủ chuẩn để giao tiếp với báo chí. Nhưng khi gặp, Victor đã tự cho người đối diện cảm giác, anh không hề lạc lõng khi về Việt Nam...

Từ "Oan hồn" đến... "Tình yêu xa xứ"

Ngày 7/5/2005, ngày đầu tiên của Marche' des Films nằm trong Liên hoan phim Cannes (Pháp), cái tên Victor Vũ đã được nhắc đến như một hiện tượng. Bộ phim kinh dị "Spirits - Oan hồn" do anh đạo diễn đã là bộ phim được chiếu ra mắt. Ngay lập tức, nó tạo được sự quan tâm đặc biệt của những người làm nghề. Khi ấy, Victor Vũ vẫn chỉ là một người vô danh trong chốn lắm tài danh của Hollywood và cả châu Âu nữa. Nhưng sau đó, bộ phim đã được mua lại bản quyền để phát hành quốc tế. Đồng thời, nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Nam đã tìm cách đưa bộ phim về Việt Nam phát hành.

Dẫu sự kiện đó đã không thành vì bộ phim được quay bằng máy kỹ thuật số, trong khi đó điều kiện rạp chiếu ở Việt Nam chỉ đáp ứng được phim nhựa 35mm, nhưng nó cho thấy tham vọng của những người làm bộ phim này mong muốn được xuất hiện tại Việt Nam thông qua một bộ phim làm về đề tài Việt Nam.

"Oan hồn" là câu chuyện ma theo kiểu của người Việt, nói về những chuyện báo oán và luật nhân quả trong đời sống. Không chỉ đánh vào thị giác, bộ phim nhằm đem đến một triết lý sống và đưa vào đó một thông điệp. Không được phát hành tại Việt Nam, nhưng đây lại là bộ phim tạo được dư luận với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đồng thời được báo chí Mỹ đánh giá cao.

Victor Vũ chủ trương phim ảnh là một câu chuyện trong đời thực được kể lại, kể làm sao là việc của đạo diễn, nhưng càng chân thực càng tốt. Và "Oan hồn" đã đi theo hướng đó. Anh để cho các nhân vật nói bằng tiếng Việt toàn bộ. Bối cảnh cũng cố gắng dựng đậm đặc không khí Việt Nam. Và phần phụ đề tiếng Anh chỉ là những tóm tắt nội dung cho người nước ngoài xem phim.

Sẽ là lên gân khi cho rằng đó là hành động yêu tiếng Việt. Mà với Victor Vũ, đó là hành động đảm bảo sự chân thực tối đa cho tác phẩm của mình. Người Việt đóng phim Việt thì không thể nói tiếng Mỹ. Nhiều người ở Mỹ đã tiếc cho Victor, nếu bộ phim được nói bằng tiếng Anh, cơ hội thành công cho "Oan hồn" còn lớn hơn nhiều. Nhưng anh đã không làm như vậy. Và không mong chờ một thành công vang dội trên kênh phát hành thương mại. Anh muốn làm một bộ phim theo cách của mình và kiên trì con đường đó.

Sự "gan lì" đó chưa hẳn đã tốt trong đời sống, nhưng nó thật có ích cho một đạo diễn trẻ đang muốn đi tìm một ngôn ngữ riêng trong những bộ phim của mình. Sau "Oan hồn", Victor còn làm thêm một bộ phim khác "First Morning", đây là một bộ phim tâm lý, đi vào bi kịch của một gia đình sau chiến tranh. Người viết bài này không đánh giá cao "First Morning" bằng "Oan hồn", dù nó được làm sau và có nhiều điều cần nói.

Có lẽ "Oan hồn" là sự tươi mới và Victor đã dành toàn bộ tinh lực của mình cho cuộc "phiêu lưu" chính thức đầu tiên với ánh sáng. Hỏi Victor anh có muốn tiếp tục việc phát hành "Oan hồn" ở Việt Nam không khi mà điều kiện rạp chiếu đã có thể đáp ứng được, Victor cười lớn. Giờ thì thời điểm cho bộ phim đã đi qua. Và việc hâm nóng nó trong một thị trường rất nhiều đĩa lậu, những ai thích phim Việt đã nằm lòng bộ phim từ những bản DVD chép tay là điều vô cùng khó khăn. Victor đang dồn hết tâm sức cho bộ phim mới do Wonderboy sản xuất.

"Chuyện tình xa xứ" là một bộ phim mà ở đó người ta có thể tìm thấy những khung cảnh hiện đại, những người mẫu đẹp đẽ được hóa thân vào vai những du học sinh tại Mỹ, và một cuộc tình trắc trở. Nhưng nó sẽ khác tất cả những bộ phim khác mà các đạo diễn Việt kiều thường làm, đó là một bộ phim đặt trong bối cảnh đương đại và giải quyết nó theo cách nhìn của những người trẻ tuổi.

"Người ta hay làm phim Việt kiều về nước lấy vợ, còn tôi sẽ làm phim về những du học sinh Việt Nam ra nước ngoài và họ yêu nhau ở đó. Tôi không thích mọi chuyện trở nên méo mó. Hãy cố gắng kể một câu chuyện một cách đẹp nhất, giàu cảm xúc nhất, tôi luôn tâm niệm vậy. Chính vì thế, bộ phim sẽ quay ở Việt Nam không nhiều, mà chủ yếu là tại quận Cam, California"- Victor nói.

Bộ phim sẽ phát hành vào Noel tại Việt Nam. Sau đó sẽ tìm đến những cách phát hành tại nước ngoài. Victor nói, vào thời điểm hiện tại, anh mong muốn được làm phim Việt Nam và thị trường chính của phim Việt phải là thị trường nội địa. Người Việt Nam có tình yêu đặc biệt với điện ảnh, chỉ có điều các đạo diễn đã biết tìm cách đánh động tới tình yêu đó thấu đáo hay chưa mà thôi.

Tôi có nhắc với Victor Vũ một bộ phim khác, của Ringo Lê, mang tên "Chuyện tình Sài Gòn". Tôi đánh giá tình yêu điện ảnh của Ringo và Victor là bằng nhau và họ đều khao khát thực hiện những bộ phim chân thực về Việt Nam. Nhưng vì sinh trưởng ở nước ngoài, tiếp cận một hệ thống văn hóa hoàn toàn khác, cái phông nền về đời sống ở Việt Nam lại quá mỏng. Chính vì thế, câu chuyện mà họ muốn kể, mang đầy thành ý và khao khát nhận được sự đồng cảm, đối với người dân trong nước lại trở nên ngô nghê.

Tôi bày tỏ điều băn khoăn ấy với Victor, anh nói, đó cũng là mối lo lắng lớn nhất mà anh và biên kịch Nguyễn Hoàng Nam gặp phải. Không còn cách nào khác là họ sẽ phải làm việc nhiều hơn, hỏi những người làm phim nhiều kinh nghiệm trong nước thật kỹ lưỡng. Tôi thành thật hy vọng khiếm khuyết đó không xuất hiện trong phim của Victor Vũ, bởi anh là người luôn tâm niệm phải kể một câu chuyện thành thật nhất.

Không kiếm tiền từ những "đứa con"

Victor không phải là người giàu ở Mỹ. Việc tìm kiếm tài trợ để làm phim không chỉ ở Việt Nam mà ở mọi nơi trên thế giới này đều rất khó khăn. Với một đạo diễn gốc Á, làm một bộ phim về đề tài Việt Nam, kiếm tìm được người đồng cảm chấp nhận bỏ vốn đầu tư là cuộc kiếm tìm đôi khi rơi vào vô vọng. Những bộ phim của Victor không phải phim bom tấn.

Anh nói, thực ra nếu muốn kiếm tiền thì làm phim thương mại. Ai cũng sẽ tìm kiếm được cơ hội để làm những bộ phim như vậy. Nhưng với Victor, điện ảnh như là cái gì đó, quan trọng hơn mọi thứ, nếu buộc phải thay số kiếp thì kiếp sau vẫn tiếp tục mong được làm phim.

Không biết từ khi nào, Victor nghĩ rằng mình sinh ra để làm những công việc như vậy. Và vì thế, mình không bao giờ được bội ước, mình phải làm những gì mình cho là đẹp, là hay nhất. "Làm phim thương mại không phải là tệ hại, nhưng nó sẽ phải theo những tiêu chí cụ thể của một nền công nghiệp. Mà như vậy mình sẽ phải hạn chế rất nhiều những ước muốn. Và như thế, tôi đã không được làm chính mình. Thế nên, tôi thà làm những công việc khác, như kích thị hình ảnh hay quay quảng cáo để kiếm sống trong lúc chờ được làm phim chứ tôi không đi kiếm tiền từ phim ảnh. Tôi coi đó là những đứa con tinh thần của mình.

Tất nhiên, càng làm việc tôi càng hiểu rằng mình cần khiêm tốn, làm một bộ phim không phải chỉ riêng mình mà cả ê kíp làm nên. Và tôi cũng biết, cơ hội cho tôi tại bất cứ đâu cũng là không nhiều. Vì tôi muốn được làm theo cách của mình. Chỉ có một cách duy nhất là tìm được một nhà sản xuất hiểu mình và tìm cách dung hòa lại" - Victor chia sẻ.

Việt Nam không lạ lẫm

Năm 2001, Victor Vũ lần đầu tiên trở về Việt Nam, còn bây giờ thì anh bay đi bay về cho những dự án. Anh nói, nhà tôi ở Mỹ, nhưng khi về Việt Nam tôi mới thực sự có cảm giác đó là ngôi nhà của mình. Thoải mái vô cùng. Anh có dám chạy xe ngoài đường không? Tôi không biết chạy xe Honda, nhưng đi xe ôm hoài, thấy mát lịm vì gió.

Anh sống giữa Việt Nam và Mỹ, thấy mình hòa nhập mạnh vào nơi nào? Mỗi nơi mỗi khác, nếu như vào thời điểm này thì tôi rất thích Việt Nam vì mình được làm việc mình thích, với một ê kíp tốt, đồng thời thấy nó phù hợp. Tôi không quen nói trước những điều to lớn, bởi vì nghề làm phim chứa đầy biến động và rủi ro.

Sở dĩ tôi hạn chế gặp các nhà báo vì tôi cũng mới về Việt Nam làm phim, bộ phim mới khởi quay, còn biết bao biến động sau đó. Và tôi không đủ vốn từ phong phú, tiếng Việt của tôi vẫn còn nặng về sách vở, tôi ngại cứ phải hỏi lại phóng viên muốn hỏi gì và ngại trả lời không chính xác sẽ bị hiểu sai. Khi trả lời bằng tiếng Anh tôi diễn đạt tốt hơn. Nhưng chúng ta đang ở Việt Nam và là những người Việt. Tất cả chỉ là thế, chứ tôi không chảnh chẹ gì...

Victor nói, anh muốn làm một bộ phim hành động sử thi về Việt Nam. Nhưng anh không biết chắc khi nào sẽ thực hiện được. Một dự án lớn đòi hỏi quá nhiều thứ. Nhưng đó là ước mơ và anh sẽ cố gắng đi tìm đường tới ước mơ ấy. Về lại Việt Nam, điều anh cảm thấy thú vị nhất là anh không có nhu cầu nghỉ ngơi mà chỉ muốn làm việc.

Tôi biết Victor nói thật. Lối mà anh muốn đi trong điện ảnh đã nằm dưới chân anh...

Thiên ý
.
.