Đạo diễn Đặng Nhật Minh và những hồi ức về Lưu Quang Vũ

Chủ Nhật, 21/10/2012, 10:00
Vào dịp kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 24 của anh chị tôi - nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (18/7 âm lịch), cháu Lưu Minh Vũ chuyển cho tôi e-mail của đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh. Bức thư viết như sau:

“Thuận Sơn nói cháu muốn có bài thơ của bố cháu mà bác đã đọc hôm giao lưu cafe sáng. Bây giờ bác kể cháu nghe đầu đuôi như sau. Hồi đó (những năm đầu chiến tranh) bố cháu còn trong quân đội, đóng quân ở bên Gia Lâm, thỉnh thoảng trốn đơn vị tạt về HN. Mỗi lần như vậy đều tìm đến với bạn bè. Hà Nội lúc đó đã sơ tán cả, phố xá vắng vẻ, chưa có 12 ngày đêm B52 và cầu Long Biên chưa sập. Có lần bố cháu và chú Lâm (râu) đến nhà bác trên gác 3 ở phố Hàn Thuyên ngồi chơi đến tối. Bố cháu khoe mới viết xong bài thơ và chép vào sổ tay cho bác. Cuốn sổ tay tiếc rằng đã thất lạc và bác chỉ còn nhớ khổ thơ đầu và 2 câu cuối. Bài thơ đó như sau:

PHỐ GIA LÂM

Đêm mùa hạ rời thủ đô ra trận.
Chào sông Hồng tầu qua phố Gia Lâm
Nước lũ dâng bờ cát chuyển âm thầm
Ta ngoảnh lại nhìn ánh đèn bên ấy.
Thôi vĩnh biệt bao buồn vui trẻ dại,
Cuộc đời từ nay nghiêm khắc với ta hơn
Cuộc đời vượt lên mọi nỗi lo thường,
Vườn yên ổn ngày xưa ơi, khép lại...
...........
........... (đoạn giữa bác quên, chỉ nhớ 2 câu cuối) :
......................
Phố Gia Lâm nằm trong mưa bụi
Anh nằm trong nỗi nhớ em…

Bác có gọi điện hỏi nhà thơ Đào Trọng Khánh vốn là bạn thơ rất thân thiết với bố cháu, bác Khánh cũng không biết có bài này, nhưng nhận ra đó đúng là giọng thơ của Lưu Quang Vũ không lẫn đi đâu được. Bác chắc bố cháu đã làm thì rồi cũng lưu lại đâu đó. Bảo cô Thơ cố tìm xem. Chúc cháu và gia đình những ngày nghỉ lễ vui vẻ. Bác MINH”.

Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.

Sau khi đọc thư, tôi liên lạc với anh Đặng Nhật Minh ngay và thông báo rằng trong số di cảo mà gia đình đang lưu giữ không hề có bài thơ này. Đây cũng không phải là lần đầu tiên. Sau khi Lưu Quang Vũ qua đời đã có một số người bạn của anh cung cấp cho chúng tôi những bài thơ anh đã chép tặng hoặc đọc cho họ nghe cách đây đã hàng chục năm, mà họ còn lưu giữ được trong trí nhớ. Nghe nói vậy, anh Minh tỏ ý tiếc và hẹn gặp tôi để kể lại một số kỷ niệm về Lưu Quang Vũ.

Trước đây, tôi cũng đã đôi lần được tham gia các cuộc gặp gỡ trò chuyện của các anh. Tôi không bao giờ quên lần gặp với anh Minh trước khi anh Vũ tôi mất ít lâu. Hôm đó, ở một quán nước chè chén trên vỉa hè nơi góc phố Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông, hai người đã đàm đạo rất nhiều chuyện về văn chương. Đặc biệt là về những cái dở và “sến” của điện ảnh Việt Nam được các anh đưa ra giễu với một giọng điệu hài hước vô cùng hóm hỉnh.

Lưu Quang Vũ thân và quý Đặng Nhật Minh từ thuở còn hàn vi, khi đó cả hai người đều chưa nổi tiếng. Nhưng các anh đã sớm nhận ra ở nhau sự đồng điệu trong cách nhìn nhận con người và cuộc sống. Đặc biệt là lòng đam mê và tình yêu không cùng đối với những hoài bão về nghệ thuật mà mình ấp ủ. Sau này khi anh Minh thành công vang dội với những bộ phim nổi tiếng như Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng mười, Cô gái trên sông… Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh đi xem và đánh giá rất cao nhưng đều cho rằng đó là điều hiển nhiên, không có gì bất ngờ cả. Bởi hơn ai hết, họ đều là những người bạn nghệ sĩ hiểu biết tư chất và tài năng của nhau. Tuy biết điều đó, nhưng mỗi khi gặp anh Minh, thường là ở những sự kiện của giới văn nghệ đông người, tôi cũng không có dịp nói chuyện.

Cho mãi đến gần đây, sau lời hẹn ít lâu, anh Đặng Nhật Minh đã dành cho tôi một cuộc trò chuyện về những kỷ niệm với anh Lưu Quang Vũ. Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, biết bao sự kiện, biết bao con người đã đi qua trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật sôi nổi, đầy vinh quang và cũng  không ít những bước thăng trầm của đạo diễn Đặng Nhật Minh, vậy mà những hồi ức về một người bạn là anh trai tôi cứ lần lượt, sống động trở về như những thước phim quay chậm. Tuổi trẻ của các anh gắn với một thời chiến tranh đạn bom của đất nước.

Những năm tháng đó đã được Đặng Nhật Minh ghi lại phần nào trong Hồi ký điện ảnh Phim là đời như sau: “Giữa phố phường vắng vẻ của Hà Nội sơ tán ngày ấy, tôi thường hay gặp bạn bè trong giới văn nghệ, khi thì tụ tập tại nhà tôi, khi thì ở nhà của Lâm (Lâm râu) hoặc ở nhà Vĩnh (Vĩnh cận). Đỗ Chu và Lưu Quang Vũ ngày ấy còn là lính của Binh chủng Phòng không. Phạm Tiến Duật còn ở Tổng cục Hậu cần, chưa vào đường 559. Hễ tranh thủ xin nghỉ phép được ngày nào là tất cả đều lao về Hà Nội. Tôi nhớ có lần đông đảo bạn bè đang ngồi tại nhà tôi trên gác ba phố Hàn Thuyên thì có tiếng loa báo tin máy bay địch đang tiến gần về phía Hà Nội. Duật nói với mọi người: Lần báo động này bom có thể rơi trúng nơi chúng ta đang ngồi. Có thể có người sẽ không còn. Vậy đề nghị mỗi người hãy nói vài lời để Minh ghi vào máy thu thanh lưu lại cho những người thân sau này (hồi đó tôi có một chiếc máy ghi âm của Tiệp Khắc nhãn hiệu Tesla). Tôi nhớ hôm đó Vũ đã đọc bài thơ Phố Gia Lâm vừa mới làm xong với những câu mở đầu mà cho đến nay tôi còn nhớ như in… Còn Duật thì đọc bài thơ về những viên bi trong ngực cô thanh niên xung phong với những câu kết: Năm viên bi ấy có còn đâu/ Nó đã sang ngực anh nhói đau rồi đấy…”.

Anh Minh nói với tôi rằng chỉ có hai lần Vũ chép thơ tặng anh. Một là bài Phố Gia Lâm đã nói ở trên và một bài lúc đó có tên là Hạnh phúc nhưng anh biết sau này Vũ đổi  là Không đề. Lúc đó và cho đến ngay cả bây giờ anh vẫn thấy kinh ngạc vì sự già dặn trước tuổi và tầm tư tưởng được Vũ bộc lộ trong bài thơ Hạnh phúc, sáng tác khi Vũ mới 20 tuổi. Vũ kém anh 10 tuổi  nhưng suy nghĩ sâu sắc như vậy khiến anh rất nể phục. Những suy nghĩ và ý tưởng đi trước thời đại chỉ có ở những tài năng thực sự.

Có hai điểm khiến anh ấn tượng nhất ở bài thơ này là triết lý về hạnh phúc và những suy tưởng về Nhân dân: “Con người đã tìm ra tất cả/ Quả táo lai lê, con tàu vũ trụ/ Cây đàn vĩ cầm, tượng thần Vệ nữ/ Nhưng có một điều người vẫn chửa tìm ra/ Đó là hạnh phúc…Nhân dân!/ Người đẹp biết bao/ Người thông minh, đông đảo, lớn lao/ người là Đác Uyn, là Môza, là Gớt/ Là Niutơn, người lại là Các Mác/ Triệu năm rồi người suy nghĩ cần lao/ Mà thân phận người giờ vẫn chửa ra sao!/ Con người ơi anh chịu bao cơ cực… Mới đầu sự bất công cởi trần/ Rồi bất công mặc áo bất công/ Nay sự bất công mặc áo công bằng/ Bịp bợm vẫn trị vì như Đức chúa… Nhưng nhân dân kỳ lạ lắm…Nhân dân/ Trong đau khổ vẫn luôn mơ ước/ Dẫu hạnh phúc chẳng hề có thật/ Nhân dân vẫn cần đôi chút niềm vui”.

Anh không hiểu tại sao Vũ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức, chưa phải trải qua cảnh đói nghèo mà lại có thể thấu hiểu và đồng cảm với số phận nhân dân như thế. Anh tỏ ý tiếc khi thấy không có bài thơ này trong Tuyển thơ Lưu Quang Vũ.

Trong buổi trò chuyện, tôi nhận thấy anh Minh thuộc khá nhiều thơ của bạn bè. Nhân nói đến chuyện những năm đó anh Vũ rất thân với các bạn làm thơ ở Hải Phòng, anh lại say sưa đọc thơ Thi Hoàng. Tôi chợt nghĩ bộ phim Cô gái trên sông của anh đã được lấy cảm hứng từ bài thơ Tiếng hát sông Hương của nhà thơ Tố Hữu. Anh cũng cho tôi biết mới đây anh đã gửi qua e-mail cho con gái và cháu ngoại đang sống ở Hunggari bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ. Theo anh, hai tác phẩm nói về ngôn ngữ dân tộc mà anh thích nhất là bài thơ Tiếng Việt và nhạc phẩm Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy (Tôi yêu tiếng nước tôi/ Yêu từ khi mới ra đời…).

Những câu chuyện về thơ ca, về văn chương nghệ thuật, về những người bạn trong giới văn nghệ gắn với anh chị tôi đã được lưu giữ khá sâu đậm trong ký ức Đặng Nhật Minh. Anh kể với tôi, khi mới về Xưởng phim, chưa có vai trò gì trong làng điện ảnh, anh có nghe nói đến việc chuyển thể một tác phẩm của Vũ sang phim truyện, hình như là phim Em bé Hà Nội. Anh không hiểu sau đó rồi ra sao. Anh hỏi tôi có biết việc này không. Tôi không rõ. Chỉ biết là anh Vũ có truyện ngắn Chuyện nhỏ sớm mùa thu in trên báo Văn nghệ năm 1968, viết về một cô bé học đàn viôlông ở nhạc viện Hà Nội, có bố là bộ đội, chiến tranh, sơ tán… Trong một lần báo động, Mỹ thả bom xuống trận địa pháo, cô bé đã có một việc làm dũng cảm góp phần vào thắng lợi của đơn vị. Nhân vật và một số chi tiết trong phim Em bé Hà Nội giống với truyện ngắn này. Tôi cũng không hiểu là tình cờ giống nhau hay có sự ảnh hưởng hoặc dựa vào cốt truyện nào đó không? Cũng chẳng cần bận tâm về chuyện đó.

Người trong cõi nhớ là tên một vở diễn đạt Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 của Lưu Quang Vũ. Kịch bản này có một lối kết cấu khá độc đáo. Các nhân vật xuất hiện đồng thời theo các bình diện không gian khác nhau. Những người đang sống và những người đã chết. Đã chết như chỉ là mất đi cái phần thân xác, còn tư tưởng, tinh thần, những khát vọng, ước mơ cao đẹp của họ vẫn sống. Sống trong sự nghiệp, trong nỗi nhớ thường ngày của những người còn sống hôm nay. Qua lời của một nhân vật kịch, Lưu Quang Vũ đã nói quan niệm của anh về sự sống chết: “Con người tồn tại ở ba cõi. Đó là thế giới của những người đang sống và cõi lặng im. Cõi thứ ba: Cõi của những người đang sống TRONG TRÍ NHỚ CỦA NGƯỜI KHÁC, những người không bị lãng quên…”.

Quả đúng như vậy. Anh chị vẫn sống như ngày nào trong tâm tưởng và ký ức của chúng tôi. Và đâu phải chỉ trong nỗi nhớ của những người ruột thịt. Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh vẫn luôn hiện diện trong ký ức của đồng nghiệp, bạn bè, những người đọc, những khán giả hâm mộ thơ ca và sân khấu

Lưu Khánh Thơ
.
.