Đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống là nguyên nhân chính

Thứ Sáu, 29/07/2016, 01:30
Đêm 15-7, các tướng lĩnh quân sự Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tiến hành đảo chính, chiếm giữ nhiều điểm chiến lược ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul. Cuộc đảo chính sau đó đã bị dập tắt nhưng sự bất ổn ở đất nước này vẫn chưa kết thúc. 

Bối cảnh đảo chính là một chuỗi các cuộc tấn công khủng bố trên đất Thổ được cho là liên quan đến nhóm khủng bố IS và lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK), trong lúc cuộc chiến Syria đã bước sang năm thứ 6. Nguyên nhân của cuộc đảo chính, bên cạnh các vụ khủng bố, còn xuất phát từ thái độ quá cứng rắn của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. 

Việc ông Erdogan can dự vào khủng hoảng Syria, chống lại Tổng thống Syria al-Assad và hậu thuẫn cho các nhóm Hồi giáo đối lập ở Syria đã vấp phải sự phản đối của những người ủng hộ quan hệ hòa hiếu với láng giềng. Thậm chí, nhiều phát ngôn của ông Erdogan đã làm phân cực đất nước và đổ thêm dầu vào căng thẳng sắc tộc và giáo phái ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Theo nhiều nhà nghiên cứu, cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra là tất yếu và Tổng thống Erdogan chỉ có thể tự trách bản thân mình.

Trấn áp và khống chế

Nhiều ý kiến nhận định, cuộc đảo chính là không thể tránh khỏi khi những kẻ tiến hành đảo chính đang cứu Thổ Nhĩ Kỳ khỏi tình trạng mất kiểm soát ngày càng gia tăng. 

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã cam kết sẽ đại diện cho toàn thể người Turk điều hành đất nước nhưng đã không làm tốt phận sự của mình. Ông cũng hứa cải thiện kinh tế nhưng tham nhũng lại tràn lan, đồng nội tệ bất ổn và suy thoái rõ rệt. 

Chưa hết, ông cũng từng cam kết hòa bình nhưng chính sách hiếu chiến của ông đã khiến đất nước bị Trung Đông cô lập và phương Tây xa lánh. Ông hứa đảm bảo an ninh, nhưng chính những người Turk cũng lo ngại các vụ đánh bom gần đây mới chỉ là "bề nổi của tảng băng". 

Theo thuyết âm mưu, cuộc đảo chính ngày 15-7 rất có thể chỉ là một trò hề chính trị mà ông Erdogan đạo diễn nhằm giành thêm sự ủng hộ và quyền lực kiểm soát.

Việc gây xung đột trở lại với PKK sau thời kỳ ngừng bắn 2 năm càng làm cho các vấn đề thêm phức tạp. Giới quan sát tình hình Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã cảnh báo vấn đề người Kurd có thể khiến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải ra tay nhưng ít người ngờ rằng sẽ nổ ra đảo chính. 

Trước tình hình này, những kẻ lên kế hoạch đảo chính tin rằng, việc ông Erdogan tiếp tục củng cố quyền lực của mình sẽ khiến cuộc đảo chính lần này là cơ hội cuối cùng của họ.

Cuộc đảo chính cho thấy sự thất vọng sâu sắc của người dân Thổ Nhĩ Kỳ đối với chính sách của ông Erdogan trong việc làm giảm quyền lực của Quốc hội và tăng quyền lực của bản thân. Việc ông Erdogan "mất tích" trong một số thời điểm của cuộc đảo chính đã khiến nhiều người cho rằng, ông không còn kiểm soát được đất nước. 

Dù ông Erdogan đã dập tắt được cuộc đảo chính, nhưng việc nó đã diễn ra cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng bất ổn về chính trị và bị tác động mạnh mẽ bởi sự chia rẽ tại Trung Đông.

Tham nhũng, độc đoán và đàn áp, đó là từ phe phản đối thường chỉ trích chính quyền của Recep Tayyip Erdogan. Bất chấp cuộc đảo chính bất thành vừa qua, ông Erdogan sẽ không bao giờ bỏ cuộc khi vẫn có hàng triệu người ủng hộ sẵn sàng dâng cả tính mạng vì ông, cũng như sự hậu thuẫn từ một số đảng phái đối lập. Các đền thờ Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi người dân đổ ra đường phản đối cuộc đảo chính. 

Ông Erdogan cũng gửi đi thông điệp kêu gọi tương tự trên đài truyền hình quốc gia thông qua kết nối FaceTime. Bật khóc trong tang lễ các nạn nhân vụ đảo chính, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thề sẽ khiến những kẻ gây ra chuyện này phải trả giá đắt.

Ông Erdogan cũng bày tỏ sự căm phẫn đối với tu sĩ lưu vong ở Mỹ Fethullah Gulen, người được cho là đã dàn dựng và đứng sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Istanbul và Ankara, khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có nhiều dân thường. 

Nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc kẻ chủ mưu cố giết chết mình, và tuyên bố sẽ "thanh lọc" mạnh mẽ quân đội. Và lời thề buộc những kẻ gây ra cuộc đảo chính phải trả giá đắt của ông Erdogan đã được hiện thực hóa bằng hàng loạt vụ bắt giữ sau đảo chính.

Đến ngày 17-7, số lượng nghi can bị giới chức Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ đã lên tới 6.000 người, bao gồm nhiều tướng lĩnh cấp cao. Một số lượng lớn thẩm phán và công tố viên cũng bị khống chế sau cáo buộc có liên quan tới phong trào Gulen. 

Ngoài ra, để ngăn ngừa một cuộc đảo chính thứ hai, chính quyền Erdogan không chỉ huy động tới 2.000 cảnh sát đặc nhiệm tới Istanbul, đồng thời triển khai các chiến đấu cơ F-16 bảo vệ không phận, sẵn sàng bắn hạ các trực thăng chứa "quân phản bội" mà không cần cảnh báo trước.

Tham vọng quyền lực

Dù cuộc đảo chính do bất cứ lực lượng nào thực hiện và nhằm mục đích gì thì Tổng thống Erdogan vẫn luôn là nguyên nhân chính. Cách hành xử của ông Erdogan cả về đối nội và đối ngoại trong thời gian qua đều gây mất đoàn kết cả trên chính trường lẫn trong lòng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. 

Cuộc đảo chính là không thể tránh khỏi khi những kẻ tiến hành đảo chính đang cứu Thổ Nhĩ Kỳ khỏi tình trạng mất kiểm soát ngày càng gia tăng.

Dưới thời của mình, Recep Tayyip Erdogan biến tất cả các vị trí mang tính nghi thức trở thành các cương vị nắm quyền lực thực sự. Ông Erdogan không giấu giếm tham vọng thay đổi hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ để tạo ra một thể chế trong đó tổng thống được trao quyền nhiều hơn.

Trong nhiều năm, ông Erdogan tuyên chiến với quân đội. Hàng trăm sỹ quan bị thanh trừng với các cáo buộc vu khống, số khác bị buộc phải nghỉ hưu non. Tuy nhiên trong hai năm qua, dường như ông Erdogan và quân đội bị dồn vào thế buộc phải chấp nhận nhau. 

Thực tế là họ phải "hợp tác" để chống lại sự trỗi dậy không thể kiểm soát của lực lượng PKK. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng tình trạng bạo lực xảy ra với PKK xuất phát từ những thương thuyết trước đó của đảng cầm quyền AKP với PKK. Nhiều ý kiến đổ lỗi cho chính ông Erdogan khi cho rằng, sự gia tăng lực lượng thánh chiến ở Thổ Nhĩ Kỳ là cái giá phải trả cho việc AKP đã dung túng với các nhóm thánh chiến tại Syria.

Với việc đàn áp thẳng tay được cuộc đảo chính ngày 15-7, Recep Tayyip Erdogan thêm một lần nữa đánh bóng được "thương hiệu" bấy lâu nay ông cố công xây dựng là "người của nhân dân". 

Những người theo thuyết âm mưu nói, cuộc đảo chính này rất có thể chỉ là một trò hề chính trị mà ông Erdogan đạo diễn nhằm giành thêm sự ủng hộ và quyền lực kiểm soát. Người đàn ông này có khát vọng trở thành một "Turgut Ozal huyền thoại" trong thế kỷ 21, vì vậy ông đã tìm mọi cách để hiện thực hóa điều này. 

Có thể thấy rằng, cố Tổng thống Ozal khẳng định mình qua uy tín thì Tổng thống Erdogan lại khẳng định bản thân qua tính toán để thâu tóm quyền lực. Ông Erdogan có thể chuyển đồng minh thành đối thủ nếu điều đó tốt cho hiện thực hóa khát vọng của ông. Thậm chí, ông sẵn sàng sử dụng sức mạnh quốc gia như công cụ nếu điều đó giúp hiện thực hóa tham vọng của ông.

Tổng thống Erdogan đã tuyên bố: "Lá cờ là danh dự của tôi, quốc gia này là vinh dự của tôi và đó là lý do tôi tới đây để hy sinh". Tuy nhiên, qua những gì ông hành động từ khi nắm giữ quyền lực cho đến nay, việc thâu tóm quyền lực mới là những gì ông hướng tới.

Tình hình chính trị rối ren tại Ankara và việc Recep Tayyip Erdogan xem đảo chính là dịp "thanh lọc" quân đội đã cho thấy: ông rất muốn hiện thực hóa những tham vọng quyền lực cá nhân. 

Bất chấp cuộc đảo chính bất thành, ông Erdogan sẽ không bỏ cuộc khi vẫn có hàng triệu người ủng hộ, cũng như sự hậu thuẫn từ một số đảng phái đối lập.

Cùng với việc sử dụng chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc như công cụ, thì việc gây chia rẽ nội bộ, tạo mâu thuẫn trên chính trường đã khiến cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng và thiếu niềm tin vào chính quyền của Tổng thống Erdogan.

Thể chế chính trị theo chế độ Cộng hòa Nghị viện hiện tại khiến Tổng thống không phải là chiếc ghế quyền lực nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Và việc chuyển đổi chế độ Cộng hòa Nghị viện sang chế độ Cộng hòa Tổng thống là bước đi mà ông Erdogan quyết liệt thực hiện để được "đứng trên muôn người".

Tóm lại, cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ như là một lời cảnh báo với quyền lực của Tổng thống Erdogan, đồng thời cũng tạo ra một bước ngoặt trong sự nghiệp chính trị của ông. 

Theo truyền thông, cuộc đảo chính bất thành này cho thấy Tổng thống Erdogan quả thực là người không đơn giản. Đập tan cuộc đảo chính và thanh toán gọn đối thủ là chiến thắng của ông trước phe quân sự và giới đối lập thân Mỹ. Sau sự kiện này, ông Erdogan sẽ củng cố địa vị của đảng cầm quyền, thâu tóm quyền lực tập trung; tuy nhiên, về lâu dài, một đất nước mà chính quyền và quân đội luôn xung khắc sẽ không có kết cục tốt đẹp. 

Quân đội và các phe phái đối lập sau bài học xương máu này có lẽ sẽ tạm lắng các hành động nhưng chính trường Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dấy lên những cơn sóng ngầm. Trong tương lai, đất nước Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ xảy ra những cuộc đảo chính quân sự mới, hoặc nếu không thì ông Erdogan cũng không thể sửa đổi hiến pháp để nắm trọn quyền hành suốt đời…

Hương Trà
.
.