Cải biến nhận thức

Thứ Ba, 09/05/2017, 18:39
Trong 4 nội dung được bàn định tại Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XII) thì 3 nội dung về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, vấn đề doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tư nhân.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, nhiệm vụ của Hội nghị lần này là trên cơ sở quán triệt thật sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, kế thừa, bổ sung phát triển Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa X), ban hành một nghị quyết mới của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Kinh tế thị trường (KTTT), trước đây là khái niệm cơ chế thị trường đã có tiến trình vận hành thực tiễn hơn 30 năm kể từ sau Đại hội VI của Đảng. Đánh giá thành quả 30 năm đổi mới, Đại hội XII nhận định “đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để”.

Những câu từ đó đủ nói lên tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới kinh tế mà nội hàm chính là xóa bỏ bao cấp, xác lập và từng bước xây dựng, hoàn thiện KTTT.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XII).

Thế hệ của những 8x, 9x, 20x ngày nay lạ lẫm với khái niệm “kinh tế bao cấp” và những gian nan, hệ lụy từ bao cấp mang lại nhưng với những bậc trung, cao niên, câu chuyện một thời thực phẩm tem phiếu, xếp hàng mua gạo như vừa chớp mắt hôm qua. Có câu lẩy Kiều bi hài nhưng là sự thật một thời:

Bắt ở trần phải ở trần
Cho may-ô mới được phần may-ô.

Hay những câu vè  nói lên giá trị những “mặt hàng thiết yếu” thời đó:

Nhất gạo, nhì rau
Tam dầu, tứ muối
Thịt thì đuôi đuối
Cá biển mất mùa
Đậu phụ chua chua
Nước chấm nhạt thếch
Mì chính có “đếch”
Vải sợi chưa về
Săm lốp thiếu ghê
Bụng cồn cào đói... 

Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê giải thích về định nghĩa “bao cấp”: “Bao cấp là cấp phát phân phối, trả công bằng hiện vật và tiền mà không tính toán hoặc không đòi hỏi hiệu quả kinh tế tương ứng”. Còn dân gian, hiểu nôm na bao cấp là tất cả đều do nhà nước đứng ra bao hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến lương thực hằng ngày. 

Trước 1986, KTTT  là khái niệm xa lạ, đó là “thứ riêng có của chủ nghĩa tư bản” (CNTB), mà tư bản thì... đương nhiên xấu. Quan niệm đó theo thời gian bị xóa nhòa, tất cả được nhận thức lại mà dấu mốc cho sự cải biến nhận thức bắt đầu từ Đại hội VI. Khi bắt đầu đổi mới, Đảng quan niệm kinh tế hàng hóa có những mặt tích cực cần vận dụng. 

Trong quá trình đổi mới, từ thực tiễn, Đảng nhận thức rõ hơn, kinh tế hàng hóa, KTTT là phương thức, điều kiện tất yếu để xây dựng CNXH. KTTT được thừa nhận là thành tựu chung của nền văn minh nhân loại, không phải là cái riêng của CNTB và KTTT không đồng nhất với CNTB. 

Lựa chọn KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam không phải là sự gán ghép chủ quan giữa KTTT với CNXH mà là nắm bắt và vận dụng sáng tạo xu thế khách quan của KTTT trong thời đại ngày nay. 

Chủ trương xây dựng và phát triển KTTT định hướng XHCN thể hiện tư duy, quan niệm của Đảng ta về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.

Nhìn lại các kỳ đại hội của Đảng, kể từ Đại hội VI đã nêu rõ những sai lầm, khuyết điểm chủ quan trong đánh giá tình hình, xác định mục tiêu và bước đi; về bố trí cơ cấu kinh tế, cải tạo XHCN, xây dựng quan hệ sản xuất mới, sử dụng các thành phần kinh tế; về cơ chế quản lý kinh tế, phân phối, lưu thông. 

Đại hội VI tuyên bố tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, phải nắm vững quy luật khách quan. 

Đến Đại hội VII khẳng định phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tại Đại hội VII, lần đầu tiên Đảng đã đưa ra khái niệm “định hướng XHCN” trong việc phát triển kinh tế. 

Đại hội VIII có bước phát triển mới, thể hiện ở chủ trương: “Xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái”. 

Đảng cũng nêu rõ: “Vận dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý nền KTTT là để sử dụng mặt tích cực của nó phục vụ mục đích xây dựng CNXH chứ không đi theo con đường TBCN”.

Đại hội VIII của Đảng chỉ rõ: Sản xuất hàng hóa là thành tựu của nền văn minh nhân loại, nó không đối lập với CNXH, nó cần thiết cho công cuộc xây dựng CNXH và cả khi CNXH đã được xây dựng. 

Văn kiện Hội nghị Trung ương 6 (Khóa X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN cũng đã chỉ rõ: Nền KTTT là sản phẩm của văn minh nhân loại được phát triển tới trình độ cao dưới CNTB, nhưng bản thân KTTT không đồng nghĩa với CNTB.

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XII).

Năm 2001, tại Đại hội IX, lần đầu tiên Đảng đã chính thức khẳng định nền KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Mục đích của nền kinh tế này là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất của CNXH, nâng cao đời sống nhân dân. 

Phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn với quan hệ sản xuất mới phù hợp trên cả ba mặt sở hữu, quản lý và phân phối. Đại hội X tiếp tục khẳng định đường lối phát triển KTTT định hướng XHCN; khẳng định để đi lên CNXH, Việt Nam phải phát triển nền KTTT định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa... 

Đại hội XI, XII tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu giữ vững định hướng XHCN của nền KTTT và đã có những tư tưởng, quan điểm mới. 

Như vậy, từ chỗ nhận thức KTTT là sản phẩm của tư bản, chúng ta đã đổi mới tư duy, vận dụng sáng tạo vấn đề KTTT trong điều kiện thực tiễn đất nước. Các nhà nghiên cứu nhận định, một quốc gia dựa trên nền tảng thị trường để phát triển kinh tế có thể chưa chắc thành công, song một quốc gia không có nền KTTT chắc chắn sẽ không thể phát triển trong dài hạn. 

Nếu chỉ tự thân KTTT không đưa đến CNXH, nhưng muốn xây dựng CNXH thành công dứt khoát phải phát triển KTTT. KTTT định hướng XHCN ở nước ta là một mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử và thời gian phát triển đã hơn 30 năm. Do vậy, phát triển KTTT định hướng XHCN là một quá trình hoàn thiện, đổi mới và sáng tạo không ngừng trong nhận thức, tư duy lý luận và thực tiễn. Cũng chính bởi sự mới mẻ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung lý luận nên 30 năm qua, mặt trận lý luận cũng luôn diễn ra những tranh luận nóng bỏng, trong đó không ít quan điểm một mực cho rằng không thể có sự “ghép đôi” giữa KTTT và CNXH. 

Trong tương lai, cơ sở lý luận này tất còn nhiều quan điểm khác nhau song chính hiện thực xã hội, hiện thực kinh tế là bằng chứng rõ nhất để khẳng định tính đúng đắn và sáng tạo trong vận dụng của Đảng ta giữa hai khái niệm trên.

Các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã kế thừa, làm rõ và thể hiện bước phát triển mới trên nhiều luận điểm quan trọng, trong đó có những luận điểm lần đầu tiên được đề cập. Nền KTTT định hướng XHCN nước ta là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT. Đây là luận điểm đã được đề cập trước đây nhưng lần này được Đảng ta khẳng định rõ và cụ thể hơn, bởi lẽ trên thực tế, nền kinh tế nước ta đang từng bước được công nhận là nền KTTT và đến năm 2018 sẽ được các thành viên WTO công nhận là nền KTTT đầy đủ. 

Điều đó cũng có nghĩa là nền kinh tế của chúng ta không khác biệt mà mang đầy đủ các đặc trưng phổ biến của KTTT như: tự do kinh doanh và cạnh tranh; mở cửa và hướng tới tự do hóa; đa dạng hóa các hình thức sở hữu; lấy quy luật giá trị và quan hệ cung cầu để xác định giá cả; đề cao tinh thần khởi nghiệp; coi cạnh tranh là động lực phát triển... 

Đồng thời, nền KTTT định hướng XHCN của nước ta là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế. Đây là luận điểm lần đầu tiên Đảng ta khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII nhưng rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước hiện nay.

Hội nghị Trung ương 5 đi sâu phân tích, đánh giá về sự đúng đắn, phù hợp của mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và những chủ trương, giải pháp chủ yếu tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN ở nước ta trong thời gian tới.

Hội nghị làm rõ những tồn tại, yếu kém của nền KTTT hiện nay như: Chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. 

Doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể chậm đổi mới và phát triển; kinh tế tư nhân phát triển chưa thật nhanh, bền vững và lành mạnh. Một số loại thị trường chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả... 

Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, kế thừa, bổ sung phát triển Nghị quyết Trung ương 6 Khóa X, Hội nghị ban hành một nghị quyết mới của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

An Nhi
.
.