Đà Nẵng ngày bão dông

Thứ Bảy, 29/08/2020, 06:19
Khi tôi đến Đà Nẵng, cuộc sống nơi ấy còn sôi động và yên bình. Ngày tôi tạm biệt nơi ấy, nụ cười của những người dân đáng mến và đáng nhớ còn vương vấn. Mọi thứ đã thay đổi chóng mặt trong vài tuần qua, khi mà cơn bão COVID-19 bất ngờ ập đến dải đất ven biển xinh đẹp và thơ mộng.

Từ Hà Nội, lòng tôi bứt rứt không yên khi nghĩ đến mối âu lo nghẹt cứng con tim, giọt nước mắt buồn đau và nỗi nhọc nhằn giữa khốn khó mưu sinh đang ngày ngày giày vò những con người hiền lành chân chất ấy…

Chưa bao giờ mùa khô buồn đến thế

Bốc máy gọi cho anh Tuấn - anh tài xế mà tôi quen khi ở Đà Nẵng. Vẫn cái giọng hồ hởi, anh bảo cả nhà anh vẫn khoẻ và đang thực hiện nghiêm việc giãn cách. Cả quận Thanh Khê chỗ anh ở, hay đúng hơn là cả Đà Nẵng giờ đây chỗ nào cũng vắng vẻ đến khó chịu, khác xa với ngày thường. Nghe là tôi biết, sau giọng kể ấy là một nỗi buồn mênh mang. Không buồn sao được khi đã gần 1 tháng qua anh nghỉ việc chạy xe, cả ngày chỉ loanh quanh trong nhà, chưa bao giờ cảm thấy thừa chân thừa tay, vô biên thời gian đến thế.

Ngày 25/7, ngay khi nghe tin có ca đầu tiên nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng, anh Tuấn ngay lập tức dừng việc chạy xe. Nỗi lo lắng tăng dần đều khi phát hiện các ca bệnh tiếp theo vào những ngày sau đó. Cuộc sống cả gia đình anh đảo lộn và căng thẳng. Biết mình chạy xe chở khách du lịch, gặp gỡ nhiều người nên anh Tuấn chủ động khai báo y tế và đi xét nghiệm. Khi cầm tờ kết quả âm tính trên tay mà nỗi lo không vơi đi được bao nhiêu.

Mọi năm vào tầm này, anh Tuấn chạy xe chở du khách Trung Quốc, Hàn Quốc từ sáng tới tối không hết việc. Nhà ngay quận Thanh Khê mà đến bữa anh chẳng kịp về ăn, đành mua ổ bánh mỳ ăn tạm. Bận thế nhưng mà vui vì có thu nhập. Năm nay, ngay từ đầu năm anh đã khó khăn, vừa khấp khởi mừng chưa được bao lâu khi Đà Nẵng đón khách trở lại thì lần này bị nặng nề hơn.

Giờ, cả nhà chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của vợ anh làm việc cho một công ty. Mà mấy nay vợ anh cũng làm việc ở nhà, chắc lương tháng tới không còn nguyên mức cũ. Hai đứa con anh còn nhỏ, đang tuổi ăn tuổi học, nghĩ đến mùa khai giảng đang đến gần mà anh lo đứng lo ngồi. Lo bọn trẻ chẳng biết bao giờ mới được đến trường, lo các khoản chi phí đóng góp đầu năm khi chúng vào năm học mới. Bởi thế, cuộc sống những ngày qua phải dè sẻn chi tiêu, ưu tiên trẻ con, còn người lớn thì sao cũng được.

Anh Tuấn bảo, có lẽ chưa có một mùa khô nào mà Đà Nẵng buồn đến vậy. San sát những khách sạn im lìm ven biển. Chỉ trước ngày 26/7 thôi, đường Võ Nguyên Giáp và bãi biển Mỹ Khê vẫn còn dấu chân du khách mà nay cô đơn, hoang hoải…

Những nhà hàng, quán cà phê, trà sữa, tiệm mỳ, quán nhậu bình dân ở khắp các con phố Đà Nẵng thời điểm trước lúc nào cũng tấp nập khách, xôn xao đến tận đêm muộn, mà giờ chỉ còn những tấm biển chơ vơ, vắng lặng đến giật mình. Tất cả những người mưu sinh nhờ vào những hàng quán ấy, giờ chẳng còn bất cứ việc gì để làm đặng có thu nhập.

Liên tiếp trong nhiều ngày qua, nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19 xấu số ở mảnh đất này đã lìa cuộc sống. Mỗi sáng, cả thành phố nghẹt thở ngóng tin trong nỗi trầm buồn, ai cũng cầu mong hôm nay không có ca nào tử vong.

Chính trong những ngày này, người Đà Nẵng dù không gặp gỡ nhưng gần nhau hơn bao giờ hết. Họ hàng, bạn bè của anh Tuấn liên tục gọi điện hỏi thăm, lo lắng đấy nhưng không hề hoảng loạn. Khi đã ở trong tâm bão, người ta chỉ còn cách vững vàng, động viên nhau, những ngày căng thẳng rồi cũng sẽ qua…

Chống bão COVID nơi đất khách

Tốt nghiệp ngành múa Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Nùng Văn Minh chân ướt chân ráo vào Đà Nẵng lập nghiệp từ tháng 1/2020. Minh phụ trách biên đạo và huấn luyện múa cho diễn viên trình diễn show của một công ty du lịch ở thành phố Hội An. Mới hơn nửa năm khởi nghiệp mà Minh đã 2 lần phải tạm dừng công việc vì COVID-19. Cậu đùa tôi, "được đi làm trở lại" giờ đây là một giấc mơ có thật.

Lần dịch trước, ngay từ tháng 2/2020, trước khi Đà Nẵng thực hiện giãn cách, Minh đã kịp lên đường về với bản Nà Hoi, xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu quê cậu. 

Cứ 3 ngày, Nùng Văn Minh lại cầm phiếu đi chợ mua một ít đồ ăn về tích trữ, mong từng ngày dịch chóng qua.

Mãi đến tháng 6 Minh mới vào lại Đà Nẵng bắt đầu guồng quay công việc trong mùa du lịch. Chưa được bao lâu thì cuối tháng 7 dịch lại ập đến, lại nghỉ. Chỉ có điều đợt này, Minh không kịp về quê mà kẹt lại tâm dịch Đà Nẵng. Gần khu trọ của Minh trên đường Trương Thị Cương (quận Hải Châu) mới có người mắc COVID-19, cả phố bị phong toả, không khí càng thêm căng thẳng.

Trong căn phòng trọ, Minh cùng cậu bạn tên Nam hàng ngày chỉ biết tự tập bài múa, quay clip rồi gửi cho các diễn viên múa tập theo cho đỡ quên bài. Trong tâm thức của những người trẻ này luôn có sẵn tinh thần quay trở lại làm việc khi dịch tan.

Với đồng lương ít ỏi công ty trả, Minh dè sẻn để trả tiền nhà trọ và ăn uống hàng ngày. Phiếu đi chợ đã được phát sẵn, cứ đúng ngày chẵn hoặc ngày lẻ mà đi, ba ngày một lần để tích trữ thêm mấy mớ rau, ít đồ khô. Minh bảo bạn bè cậu cùng vào lập nghiệp ở đất du lịch này hiện tại đều chung cảnh khó khăn như thế…

Thất nghiệp lần 2

Nguyễn Long - cậu hướng dẫn viên du lịch ở cù lao Chàm nghỉ việc đã gần tháng nay. Nhà Long ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Hội An 15 phút chạy xe máy. Học chuyên ngành du lịch ra, chàng trai sinh năm 1990 này đã gắn bó với công việc hướng dẫn viên được 6 năm rồi. Tour quen thuộc của Long là dẫn khách tham quan cù lao Chàm.

Long bảo sẽ không bao giờ quên được thời điểm chiều 31/7, bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên của Việt Nam trú tại thành phố Hội An tử vong. Hội An yên bình bỗng chốc lên bảng tin nóng mỗi ngày. Giữa mùa hè mà nơi này lại lặng ngắt như tờ, nín thở khi nghe tiếng còi xe cứu thương. Chưa bao giờ mà người Quảng Nam, Đà Nẵng lại lo một nỗi lo không đến từ mưa bão, lũ lụt, mà lo sinh kế gian nan, lo sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đợt giãn cách lần trước, Long phải nghỉ ở nhà hơn 2 tháng. Rồi dịch bệnh qua đi, khách bắt đầu quay lại. Long trở lại cuộc sống bận rộn, háo hức chờ mong một mùa hè đông khách để xóa nhòa khoảng thời gian u ám đã qua.

Chưa được bao lâu thì bất ngờ dịch quay trở lại, cuốn trôi mọi hy vọng vừa nhen nhóm của hơn 4.600 hướng dẫn viên như Long ở Đà Nẵng. Vậy là Long lại có thêm một "kỳ nghỉ" bất đắc dĩ như đầu năm. Cậu bảo, công ty du lịch nơi cậu làm việc đã phải huỷ hàng loạt tour khi có lệnh giãn cách xã hội, khó khăn chồng chất khó khăn, nên chỉ có thể trả lương cầm chừng cho nhân viên khoảng 2 triệu đồng/người/tháng.

Tầm này năm ngoái, ngày nào Long cũng có tour ra cù lao Chàm, ngày cao điểm lên đến cả trăm khách. Người dân trên đảo có ai mà Long không quen, từng cung đường trên đảo có chỗ nào mà Long không biết. Dân đảo lành hiền coi Long như con cháu. Bởi vậy, những ngày này, Long thương nhớ đất cù lao và nóng lòng lo cho dân đảo. Cứ vài bữa lại gọi điện hỏi tình hình. Mới đây, Long cùng nhóm hướng dẫn viên tour cù lao Chàm đã góp sức chung tay mua nước uống, gạo gửi ra đảo cho bà con.

Giờ rảnh rỗi, Long hăng hái tham gia tiếp sức mùa dịch tại địa phương và vẫn say sưa sưu tầm kiến thức du lịch để mong đến ngày đi làm trở lại. Long quyết không bỏ công việc hướng dẫn viên, bởi đó là niềm đam mê của cậu. Cậu khoe với tôi, những ngày này cậu vẫn còn một công việc nhỏ để làm, đó là chăm sóc mấy chú chim chào mào. Long bảo, dịch bệnh khiến lũ chào mào hình như hót cũng kém hay…

Cơn sóng COVID-19 mạnh hơn cấp 6

"Ở Cù Lao Chàm chúng em, hễ khi nào sóng mạnh trên cấp 6 là tàu thuyền không được cấp giấy từ đất liền ra biển nữa. Giờ COVID-19 còn mạnh hơn cấp 6, cả ngày chả thấy bóng con tàu nào ra đây chị ạ" - cô gái có gương mặt tròn đáng mến Trần Thị Thanh Bình nói với tôi như vậy.

Con đường ở xã đảo Tân Hiệp vắng bóng khách du lịch những ngày qua.

Bình cho tôi biết việc di chuyển từ xã đảo Tân Hiệp vào đất liền và ngược lại được kiểm soát nghiêm ngặt để hạn chế dịch bệnh lây lan. Mấy bữa trước, trên đảo có ca F1 liên quan đến ca nhiễm COVID-19 ngoài thành phố Hội An làm cả xã nơm nớp lo.

Loa phát thanh cả ngày nhắc nhở người dân thực hiện giãn cách và thông báo tình hình dịch bệnh. May mà những người đó đã cách ly 14 ngày và xét nghiệm âm tính. Bình bảo lo nhất là sức khoẻ của các con. Trẻ nhỏ ốm đau sơ sơ thì đến trạm y tế ngay trên đảo. Còn bị nặng thì phải thuê tàu vào đất liền, mà những ngày này thuê được tàu đâu phải chuyện giản đơn.

Bình sinh ra lớn lên ở cù lao Chàm. Học hết cấp 2 thì Bình nghỉ, chẳng đủ sức vượt biển vào đất liền để học cấp 3. Rồi Bình lấy chồng, ở nhà trông con, nội trợ, thi thoảng đi phụ bán hàng. Chồng Bình hằng ngày cũng phục vụ du lịch trên đảo. Quãng chục năm nay từ khi cù lao Chàm đón khách du lịch, người dân đảo gác lưới, hối hả theo guồng quay phục vụ du lịch, không còn mấy người mặn mà với nghề đánh cá biển.

Còn bây giờ, nhà hàng, quán ăn, home stay, các dịch vụ phục vụ du khách đều đóng cửa, hơn 3.000 dân xã đảo Tân Hiệp này không có việc làm, quay quắt trong mùa COVID-19, cái đói đã nhìn thấy ngay trước mắt. Cuộc sống chưa bao giờ khó khăn và hẫng hụt đến thế.

Bình bảo, con đường bê tông uốn lượn quanh đảo cách đây vài tuần đông nghịt khách du lịch mà giờ vắng hoe hoắt. Lũ khỉ bình thường sợ người mà mấy nay từ trên núi kéo xuống đầy đường. Bên miệng giếng cổ Chăm chẳng còn cảnh du khách chen chân uống những giọt nước ngọt lành nhất đảo. Nơi bãi Xếp, hòn Dài, chẳng còn ai lặn biển ngắm san hô. Khắp bãi Hương, bãi Làng, bãi Ông, những chiếc thuyền thúng nằm san sát nhau, lặng câm trong tiếng sóng vỗ ì oạp.

Khó khăn nên dân đảo lại mang lưới vá lại, chuẩn bị thuyền đánh bắt cá - công việc bỏ bê mấy năm nay. Lúc tôi đến cù lao, cây ngô đồng chỉ một màu hoa đỏ rực, như đốm lửa khổng lồ thắp suốt đêm ngày trên đảo. Nay hỏi Bình, cô bảo hoa và lá ngô đồng không bao giờ gặp nhau. Lúc có hoa thì cây không có lá, nay búp nõn bật nảy thì chẳng còn hoa. "Cũng giống như có COVID-19 thì không có khách du lịch ấy chị ạ". Cô gái nói xong thì thở dài, vì không biết ngày mai ra sao…

Huyền Châm
.
.