Cứu vớt những linh hồn bé bỏng

Thứ Ba, 18/01/2011, 14:50
Nằm nép mình bên cạnh khu nghĩa trang TP.Pleiku với hàng chục ngàn ngôi mộ nhỏ xíu, chi chít vô danh ngày càng mọc lên nhiều. Người dân phố núi tự đặt tên riêng cho khu vực chôn cất những sinh linh nhỏ bé ấy là khu nghĩa trang Đồng Nhi. Có dịp đi ngang qua đây, tôi tình cờ bắt gặp hình ảnh những con người nhỏ bé, đen đúa, với gương mặt khắc khổ nhưng luôn ánh lên niềm nhân hậu thiết tha với từng phần mộ vô danh thật chứa chan tình người.

Gần 5 năm trước, tôi đến khu nghĩa trang Đồng Nhi, Pleiku, tình cờ gặp một người đàn ông có vóc người nho nhỏ cứ thất thểu dầm mình trong nắng, mưa, sương, gió để săn sóc cho những nấm mồ vô danh từ các sinh linh nhỏ bé bị vứt bỏ. Tôi hỏi đi hỏi lại nhiều lần, nhưng người đàn ông ấy vẫn không cho biết tên mình là gì.

"Anh cứ gọi tui là người làm phước ở đây vậy!", ông nói cộc lốc một câu giọng Bình Định rồi vội vã đi về phía những ngôi mộ đồng nhi vô danh. Tôi cố men theo con dốc nhỏ ngoằn ngoèo cùng bước chân ông về phía những ngôi mộ ấy và được nghe kể: "Đây là mộ chôn ngày 14 thàng 4; còn kia là ngày rằm tháng 7...".

Nơi thờ chung ở nghĩa trang Đồng Nhi.

Tôi không thể đếm hết tất cả một nghĩa trang chi chít những ngôi mộ nhỏ bé vô danh ở đây mà người đàn ông ấy đã chỉ, nhưng ước định trong khu nghĩa trang này có thể tới hàng ngàn đã được chôn cất, xây dựng một cách tử tế. "Ai làm việc này?"- Tôi hỏi.

Người đàn ông ấy trả lời gãy gọn: "Linh mục Nguyễn Văn Đông ở Pleiku là người đầu tiên làm việc này, còn tôi mới bắt đầu làm từ năm 2002...". Thấm thoắt thời gian cứ trôi qua, mỗi ngày ở khu đồi này lại dày thêm những nấm mồ bé nhỏ vô danh mọc lên và người đàn ông làm việc thiện ở đây cứ lặng thầm chôn cất, xây mộ.

Anh Phụng lo việc hậu sự ở đây.

Vì vậy mà hầu như ngày nào ông cũng có mặt ở nghĩa trang Pleiku để đốt hương, thăm mộ và chôn cất những hài nhi bị ai đó vứt bỏ ở đây. Người ta vứt bỏ khỏi sự vướng bận trên đời này một cách bừa bãi, còn ông thì đi nhặt nhạnh những điều vô thừa nhận ấy đem chôn cất một cách tử tế bởi lương tâm làm người.

Ông kể rằng, con đường đưa mình đến làm việc ở đây bắt đầu vào một buổi chiều tối cuối đông năm 2002, khi đang xây mộ cho mẹ mình tại nghĩa trang Pleiku, Gia Lai, thì bất ngờ chứng kiến một cảnh tượng không cầm lòng được.

Một cô gái trẻ khá xinh đẹp đi xe máy Atila bóng lộn vụt lên nghĩa trang rồi vội vã ném bên đường một túi ny-lông màu đen nặng trịch. Vứt xong túi ni- lông, cô gái nhanh chóng phóng xe máy đi về phía thành phố rực ánh đèn...

Thấy bất thường, ông đến mở túi ni-lông thì phát hiện một hài nhi đỏ hỏn bên trong. Nhìn cảnh tượng ấy khiến chân tay rụng rời, người ông không đứng vững được. Sau phút giây trấn tĩnh, ông nghĩ rằng lương tâm con người không thể làm ngơ chuyện này được nên đã chôn cất và xây mộ cho sinh linh nhỏ bé này một cách tử tế.

Sau lần ấy, đêm về ngủ trong đầu ông cứ ám ảnh bởi hài nhi bị bỏ rơi. Hôm sau ông quay lại nghĩa trang thắp hương mộ mẹ và khi đi qua khu mộ đồng nhi, bước chân mình bỗng cứ như chùn xuống, như có ai đó níu kéo. Linh cảm đưa ông tìm đến gốc khuất sau một ngôi mộ và lại bắt gặp thêm một hài nhi khác cũng bị bỏ rơi ở đây tương tự. Rồi ông lại lủi thủi làm việc chôn cất, xây mộ.

Có khi ông tất bật cả ngày đêm ở nghĩa trang để làm việc chôn cất các thi hài tội nghiệp. Có đêm sáng ra ông thấy ngợp bởi có tới gần chục túi đựng hài nhi vung vãi hoặc chôn lấp một cách tùy tiện ở nghĩa trang thành phố Pleiku. Ông lại phải thuê người cùng mình chôn lại và xây thành những ngôi mộ tử tế. Ông không thể nhớ hết những ngôi mộ vô danh mà mình đã xây ở nghĩa trang phố núi Pleiku nhưng chỉ ước tính con số ấy đã lên tới hàng ngàn...

Ông kể rằng, lúc đầu mình bỏ tiền ra làm đường vào khu mộ gần cả cây số, có người không hiểu bảo ông nhận thầu của Nhà nước làm nên đến hỏi lời lỗ bao nhiêu. Ông bảo: "Tôi bỏ tiền túi ra làm cho bà con đi thăm mộ được dễ dàng". Người ta vẫn không tin nhưng ông không giải thích nữa mà lẳng lặng bỏ đi. Cũng lần đầu lên nghĩa trang xây những ngôi mộ vô danh, bọn "cò" nghĩa trang đến sừng sộ đòi xử "luật rừng" với ông vì tội dám nhận thầu xây mộ mà không qua tay bọn chúng.

 

Cầu xin những điều tốt lành.

Ông bảo tôi tự bỏ tiền ra xây thì bị bọn chúng cười và xin đểu tiền. Nhưng dần về sau có kẻ lại thấy ông làm việc nghĩa thật lòng nên cùng tham gia giúp việc cho ông. Có khi bọn chúng phát hiện những hài nhi bỏ rơi ở đây thì lập tức gọi điện ông lên chôn cất và xây mộ...

Ông thường tâm niệm rằng: "Tiền bạc nhiều cũng chỉ ăn và sống chừng ấy một đời người, tôi muốn trở về với một thường dân bình thường để làm việc từ tâm của mình". Lúc đầu ông nghĩ và làm cái việc ấy cũng khá nhiều người bảo ông khùng, nhưng dần về sau họ cũng hiểu ra. Ông thuyết phục người thân trong gia đình mình rằng: "Những đứa trẻ không được may mắn sinh ra trên cõi đời này thì chúng ta hãy cho chúng một mái ấm ở nơi cõi âm để đỡ tủi thân".

Lúc đầu vợ ông phản đối, vì để dành tiền cho 3 đứa con làm của hồi môn khi đi lập gia đình. Ông bảo: "Ba cho các con ăn học tử tế rồi, phần còn lại chỉ cho các con cái phước đức làm người ở đời thôi". Nghĩ chồng nói phải nên vợ ông cũng cảm phục tấm lòng của chồng. Có đêm trung thu, ông cùng vợ đã phải chôn cất cho 3 hài nhi đến 11 giờ khuya mới về nhà.

Lúc sẵn tiền thì ông tự bỏ ra xây, khi không có thì thiếu nợ rồi trả dần. "Ở nghĩa trang này có những ngôi mộ xây gần nửa tỷ bạc, nhưng có mộ không ai chăm sóc bỏ lăn lóc vậy coi sao được". - Ông bảo vậy.

Ngày 1/12/2010, đặt chân lên khu nghĩa trang Đồng Nhi Pleiku, tôi lại bắt gặp thêm những con người làm việc thiện kế tục "Ông làm phước", đó là anh Phụng, anh Lễ. Các anh bảo, chúng mình là em kết nghĩa của anh Phước (tức "Ông làm phước").

Xuất thân từ những người thợ hồ làm thuê, làm mướn quanh năm ở nghĩa địa, các anh Phụng, Lễ đã "giác ngộ" theo tiếng gọi từ lương tri của người anh đi trước là phải sống cho đúng nhân nghĩa nên các anh đã tự nguyện đến đây, chôn cất các sinh linh bé nhỏ không may mắn được sống. "Có những đêm đến 5-7 túi ni-lông vứt bỏ những thi hài bé nhỏ. Nếu không chôn cất nhanh thì chó mèo không để yên", anh Phụng tâm sự.

Kế tiếp việc thiện của người anh kết nghĩa, từ nhiều năm nay, 2 người đàn ông nhỏ bé này luôn lăn lộn với những công việc tự nguyện của mình ở nhĩa trang Đồng Nhi. Rảnh việc chôn cất, các anh lại xây mộ, nhổ cỏ, thắp nhang… Ở nghĩa trang hài nhi này đến nay đã có hơn 12 vạn ngôi mộ được chôn cất. Đó là chưa kể gần chục đứa trẻ bị bỏ rơi được cứu sống kịp thời và đang nuôi dưỡng tại các chùa. 

"Chúng tôi không biết còn đủ sức để làm việc này đến khi nào, cứ rán được chừng nào hay chừng ấy"- Những người đàn ông xây mộ từ thiện ở đây tâm sự với tôi như vậy.

Họ mong sao cuộc đời không còn những hài nhi bất hạnh bị vứt vãi ở đây mà mong chúng được sinh ra đàng hoàng, được sống tốt trên cuộc đời này... 

Cụ bà Lê Thị Tâm năm nay tròn tuổi 70 nhưng hàng ngày từ sáng sớm đến chiều tối lại cứ lên khu nhà thờ chung của những hài nhi để dọn dẹp, đón khách đến viếng. "Tôi còn sống ngày nào thì cứ lên đây lo hương khói cho các cháu tội nghiệp. Những ngày ốm không lên được là thấy lòng mình không thảnh thơi" - Bà Tâm nói.

Rời khu nghĩa trang Đồng Nhi, hòa trong dòng người tấp nập ở phố  mà lòng tôi vẫn thấy cứ ám ảnh mãi những ngôi mộ chi chít nhỏ xíu bên kia nghĩa trang. Ở nơi đầy ắp mộ ấy vẫn luôn ánh lên lòng nhân ái của những con người đang sống bằng trái tim yêu thương, cứu rỗi những linh hồn bé nhỏ.

Tôi chợt nghĩ rằng, hình như những con người tốt bụng ấy muốn chúng ta phải đem lại một sự công bằng nào đó cho những người đã khuất và những sinh linh nhỏ bé chưa từng được sống trên cuộc đời này. Hay họ muốn thức tỉnh cho những ai đã sống chưa phải lẽ với chính dòng máu thịt của mình?

Ngọc Như
.
.