Cứu biển Bình Thuận hay cứu tương lai của chính chúng ta?

Thứ Sáu, 28/07/2017, 08:19
Chúng ta đều xứng đáng được đi nghỉ ở những vùng biển sạch và ăn tôm cá sạch. Đây không phải là một lời kêu cứu cho biển Bình Thuận, mà là lời kêu cứu cho tương lai của chính chúng ta.

Cả gần tháng nay báo chí trong nước cũng như mạng xã hội xôn xao bàn tán vụ Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Linh Ngọc đã ký giấy phép chấp thuận cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m³ “vật chất” ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Tôi đã rất bất ngờ khi nghe tin này. Chắc mọi người vẫn còn nhớ, trước đó, vào cuối năm 2016, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xin phép sở Tài nguyên Môi trường (TN-MT) Bình Thuận cho “nhận chìm” hơn 1,5 triệu m³ chất nạo vét luồng lạch xuống vùng biển nơi đây. Thông tin này đã gây ra rất nhiều phản ứng từ phía các nhà khoa học, các tổ chức môi trường.

Trong suốt nhiều ngày sau đó, báo chí đồng loạt đưa tin, các nhà hoạt động xã hội lên tiếng mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội. Và không biết có phải là từ những phản ứng này không, nhưng bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tuyên bố: “Không thể đổ chất thải xuống biển”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản phản đối phương án nhận chìm này. Trung tâm CHANGE của chúng tôi phối hợp với một số tổ chức khác đã tổ chức hội thảo khoa học và thực hiện cả một bộ phim tài liệu về giá trị của Khu bảo tồn biển Hòn Cau trước nguy cơ xả thải và các nguy cơ khác của cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.

Vụ việc dường như lắng xuống một thời gian. Thú thật là tôi đã có lúc vui mừng khấp khởi, nói với các đối tác rằng Bộ TN-MT đã biết lắng nghe những tiếng nói từ cộng đồng… cho đến khi nghe tin Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã ký giấy phép và đưa mọi thứ vào “chuyện đã rồi”.

Việc Bộ TN-MT đưa ra những quyết định... như thế này, có lẽ đây không phải là lần đầu tiên. Riêng vụ xả thải này thì tôi đặc biệt bức xúc. Rất ngạc nhiên là đây lại là quyết định của... cơ quan quản lý nhà nước mà đáng nhẽ ra phải đứng về phía môi trường chứ không phải là về phía doanh nghiệp đòi xả thải ra môi trường.

Tôi không phải là một nhà hải dương học. Nhưng bất cứ ai có các kiến thức môi trường cơ bản cũng có thể hiểu rằng việc đổ hàng triệu m³ chất thải, dù “chỉ là chất nạo vét luồng lạch”, cũng sẽ gây tác động không nhỏ tới môi trường biển.

Cứ hình dung một cách đơn giản, 1 triệu m³ đổ xuống trong khu vực 30 hecta, tức là sẽ phủ lên đáy biển tự nhiên một lớp bùn cát cao hơn 3 mét, thì san hô và các sinh vật tầng đáy chỉ có …. chết ngạt. Bộ TN-MT đưa ra cái lý lẽ là “chỉ là chất nạo vét, không phải chất thải độc, nên đổ thì không sao”, chỉ hoàn toàn là mị dân. Và khối “vật chất” dày tới hơn 3m này chắc chắn sẽ không nằm im, vì đáy biển, đáy đại dương khác với đáy ao, hồ, là nó luôn chuyển động, với các động lực dòng chảy, triều lên xuống, các trận bão…

Chưa kế, biển Bình Thuận vốn được cho là vùng biển có hiện tượng nước trồi mạnh nhất, tức là có động lực mạnh, nước biển luôn xáo trộn, và mùa nước trồi lại đúng vào thời gian “nhận chìm”, chắc chắn cả triệu mét khối “vật chất” đổ xuống này sẽ không thể đứng im ở khu vực 30 héc-ta đã ấn định.

Và cách đó chỉ 8km, là khu bảo tồn biển Hòn Cau, với hệ đa dạng sinh học phong phú, nhiều loài thủy sinh vật biển quý hiếm, và nhiều rạn san hô đẹp. Nếu như san hô chết, thì phải mấy chục năm sau mới phục hồi được. San hô chết, các loài cá rạn san hô không còn nơi cư trú cũng sẽ chết theo.

Và nếu như có ai cho là “mấy cái san hô đấy thì quan trọng gì”, thì ít nhất các quý vị cũng phải quan tâm tới một tác động quan trọng khác: sinh kế và thu nhập của người dân Bình Thuận chứ? Hệ sinh thái nước trồi đã khiến cho biển Bình Thuận trở thành một ngư trường phong phú và sản lượng cao.

Người dân nơi đây đã bao đời sống với nghề cá, nghề muối. Việc đổ hàng triệu tấn chất nạo vét, kể cả nếu như theo Bộ TN-MT là “không độc hại”, thì cũng chắc chắn gây hại cho các loài thực vật phù du, rong tảo biển, các loài sinh vật li ti vốn là nguồn thức ăn của sinh vật biển ở đây, và đặc biệt là sẽ giết chết các sinh vật tầng đáy như sò, điệp, trứng cá, cá con... 

Các doanh nghiệp nuôi tôm giống hay nuôi trồng hải sản có nguy cơ bị chết hết các con giống nếu nước bị ô nhiễm. Tôi nghĩ Bộ TN-MT chắc chắn biết những điều này.

Đấy là chưa kể, chẳng ai biết chắc được là chất nạo vét này “an toàn” ở mức nào. Các quốc gia trên thế giới luôn rất quan ngại về việc đổ chất nạo vét xuống biển, vì một trong những hậu quả của việc này là tăng nồng độ các chất gây ô nhiễm trong nước biển, dẫn đến tăng nồng độ các chất gây ô nhiễm trong chuỗi thức ăn, và chính con người khi ăn các loài tôm cá ở đây, sẽ bị nhiễm độc.

Tôi đang lo ngại là nếu như các chất nạo vét luồng lạch ở khu vực cảng biển Vĩnh Tân là trầm tích của các thứ rác sinh hoạt, rác công nghiệp đổ ra, và nhiều khả năng có thể có cả xỉ than, vì ở gần cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân như vậy, thì những chất nạo vét này chẳng hề an toàn.

Nói đến điều này, tôi lại có một câu hỏi nữa, là khi xây dựng dự án phát triển nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, nhà đầu tư và chính quyền đã có tính toán tới việc xử lý chất thải như thế nào chưa?

Ở Việt Nam thì mọi người đều đã quá quen với việc là chẳng có dự án nào phải công khai các nghiên cứu khả thi cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), và cũng không có các cơ quan độc lập thực hiện giám sát việc thực thi các luật và quy định môi trường của các dự án, nên từ trước tới giờ luôn là tình trạng các nhà đầu tư cứ chọn phương án rẻ nhất, không đầu tư vào các công nghệ hay phương án gây ít tác hại tới môi trường.

Việc công ty TNHH ĐL Vĩnh Tân đề xuất đổ thải ở khu vực đó, cũng là vì gần, tiết kiệm chi phí. Khi xây dựng dự án, công ty này cũng hoàn toàn không hỏi ý kiến của những cộng đồng người dân sống bằng nghề cá, nghề muối, không hỏi ý kiến ban quản lý khu bảo tồn (BTB) biển Hòn Cau. Cứ thế tuyên bố là làm. Mấy hôm nữa rồi cứ thế xả thải. Để rồi khi có hậu quả thì chỉ có môi trường và cộng đồng lãnh đủ.

Xin đừng để việc xả thải này thành một tiền lệ xấu. Khi Bộ TN-MT vừa cấp phép cho đổ 1 triệu m³ này là ngay lập tức lại có Tổng công ty phát điện 3 xin đổ 2,4 triệu m³ nữa ngay, cứ như là muốn thách thức dư luận. Khu BTB Hòn Cau,cũng như các doanh nghiệp và cộng đồng làm kinh tế phụ thuộc vào biển, sẽ ra sao khi hơn 3 triệu m³ chất thải này sẽ đổ xuống biển, đổ xuống nguồn sống của họ?

Hiện nay Việt Nam đang có rất nhiều các dự án công nghiệp, trong đó có các cụm nhà máy nhiệt điện vốn đang được coi là một nguồn ô nhiễm rất lớn, được xây dựng tại các khu vực “nhạy cảm” của thiên nhiên, như bờ biển, cửa sông, các vịnh đẹp, hay những nơi có giá trị đa dạng sinh học cao, hoặc giá trị kinh tế, du lịch.

Nếu như lần xả thải này trở thành tiền lệ, thì chẳng bao lâu, thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam sẽ bị phá nát, cộng đồng nghèo sống dựa vào thiên nhiên sẽ ngày càng nghèo hơn, và môi trường cũng như sức khoẻ con người sẽ càng ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề vì những dự án công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm và tư duy phát triển kinh tế lấy được, bất chấp hậu quả tương lai.

Vốn khi chưa có vụ xả thải này, thì cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân cũng đã gây ra rất nhiều tác động tiêu cực. Chỉ riêng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, mỗi ngày thải ra tới 3.000-4.000 tấn tro xỉ, và với cái nắng cái gió của Tuy Phong, chắc chắn người dân những khu vực xung quanh sẽ “ăn đủ”. Tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than chứa rất nhiều chất nguy hại như thuỷ ngân, cadimi, arsen, chì…, gây ô nhiễm các nguồn nước, nước ngầm, không khí.

Đã không ít lần, người dân ở các xã gần Vĩnh Tân phải hứng chịu những cơn bão xỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn tới vụ người dân quá bức xúc và xuống đường phản đối, chặn cả quốc lộ, hồi năm 2015.

Cách đây vài tháng, báo chí cũng đưa tin việc nguồn nước ngầm gần bãi xỉ của nhà máy Vĩnh Tân 2 bị ô nhiễm nặng, UBND tỉnh đã khuyến cáo người dân không sử dụng nước ngầm nữa. Rồi hàng chục hecta cây trồng ở xã Vĩnh Tân bỗng lụi tàn rồi chết dần. Khói thải các nhà máy nhiệt điện than thì chứa đầy các loại bụi mịn (PM10, PM2.5), khi lọt vào cơ thể người sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, thậm chí ung thư.

Không thể hiểu nổi vì sao trong cùng một xã mà đặt tới 5 nhà máy nhiệt điện! Hiện nay riêng bãi xỉ của Vĩnh Tân 2 đã rộng tới 30 hecta, thì trong tương lai, khi cả 5 nhà máy đã được  xây dựng xong và đi vào vận hành, thì khối lượng chất thải rắn này sẽ lên tới bao nhiêu? Và nơi đây có biến thành Xã Ung thư, Huyện Ung thư hay không?

Không chỉ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, các nhà máy nhiệt điện than còn phá môi trường biển. Những nhà máy này hút một khối lượng lớn nước biển vào để làm mát hệ thống, rồi sau đó nước làm mát này lại được bơm trả lại ra biển, với nhiệt độ cao hơn nước đầu vào từ 8 đến 13 độ C. Việc chênh lệch nhiệt điện này sẽ làm đảo lộn môi trường sống của các sinh vật biển, giết chết các loài cá, tôm, san hô…, hoặc các loài cá tôm sống sót được thì phải “di cư” sang vùng biển khác.

Hồi đầu năm 2017, tôi đã tới Tuy Phong, gặp những ngư dân nơi đây, nghe họ tâm sự,  từ khi có cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, sản lượng đánh bắt cá của họ đã bị suy giảm thế nào. Họ kể cho chúng tôi những câu chuyện, đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ dài về sự trù phú của vùng biển nơi đây trước khi có nhà máy.

Và họ càng lo lắng với cái thông tin về hàng triệu mét khối chất thải đang được đề xuất đổ xuống biển kia. Nhìn nét tuyệt vọng lo âu trên khuôn mặt họ, nhìn những con thuyền thúng úp la liệt trên bờ…, tôi thấy mình thật bất lực. 

Tôi tha thiết đề nghị Bộ TN-MT cân nhắc việc rút giấy phép cho việc “nhận chìm” 1 triệu m³ này. Trung tâm CHANGE của chúng tôi cũng nằm trong 13 mạng lưới và tổ chức dân sự đã gửi kiến nghị đề nghị tạm dừng thực hiện việc “nhận chìm” này.

Bộ TN-MT là cơ quan cao nhất của Chính phủ phụ trách việc bảo vệ môi trường, thì khi cộng đồng, giới khoa học, báo chí, đồng loạt chia sẻ quan ngại về một vấn đề môi trường như thế này, Bộ nên lắng nghe. Đã có quá nhiều các vụ khủng hoảng về xả thải môi trường trong năm vừa qua, gây bất ổn trong xã hội.

Bộ TN-MT cần minh bạch hơn, không thể cứ dễ dãi mãi với các nhà đầu tư, mà phá đi tương lai của môi trường đất nước này. Cộng đồng giờ cũng ngao ngán với những lời cam đoan kiểu “sẽ chịu trách nhiệm”, hay những lời khẳng định “làm đúng quy trình” rồi. Ngư dân họ chỉ muốn biển sạch để làm ăn thôi, chứ đến khi có hậu quả xảy ra, họ biết tìm ai để bắt đền? Hay tới lúc đó “chịu trách nhiệm” chỉ có nghĩa là “làm bản kiểm điểm” hay “phê bình nghiêm khắc”?

Vụ lùm xùm xung quanh việc mạo danh các giáo sư trong danh sách hội đồng phản biện mà tôi vừa nghe tin ngày hôm qua chắc chắn đã là giọt nước tràn ly. Có lẽ cộng đồng đã mất hết niềm tin vào sự trung thực của các bản ĐTM của các dự án lớn nhỏ rồi. Bộ TN-MT nên tìm cách gỡ lại uy tín qua đây.

Hãy rút giấy phép, rồi thuê các cơ quan nghiên cứu độc lập (tốt nhất là các tổ chức nước ngoài), đi khảo sát lại các vùng biển có thể đổ thải, (đi ra các vùng biển xa hơn, sâu hơn nữa, những nơi mà thật sự “đáy biển chỉ có cát”), và lấy ý kiến của các cộng đồng người dân và doanh nghiệp địa phương sống dựa vào biển, trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào. Và đến khi tìm được địa điểm thật sự an toàn để xả thải, thì phải tiếp tục giám sát, thu thập số liệu để so sánh trước, trong và sau khi xả thải.

Hãy mời người dân, các nhà khoa học độc lập, các tổ chức phi chính phủ, được tham gia vào việc giám sát này. Hãy công khai bản ĐTM của tất cả các dự án để công chúng cùng đánh giá. Hãy đứng về phía quyền lợi của môi trường và cộng đồng, có như vậy thì mới đúng với sứ mệnh chính của Bộ TN-MT.

Hơn một năm vừa qua là thời gian quá buồn cho biển Việt Nam, với những vụ ô nhiễm nghiêm trọng như Formosa, và thông tin về những nhà máy thép, nhà máy nhiệt điện mới sẽ xây dựng tại những vùng biển đẹp với giá trị kinh tế cao. Tôi không tin việc phát triển công nghiệp ồ ạt, tạo mọi điều kiện dễ dàng nhất cho các nhà đầu tư, mà không tính đến hậu quả về môi trường và xã hội, là cách duy nhất để đất nước này giàu đẹp lên.

Thực tế, đó là cách duy nhất để đất nước đi xuống. Tôi là người may mắn, đã từng được đến những khu bảo tồn biển đẹp nhất Việt Nam, đã từng được lặn biển xem san hô, được xem rùa biển đẻ, và tôi nghĩ mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt thế hệ sau của chúng ta đều xứng đáng được tận hưởng những điều tuyệt vời này, xứng đáng được đi nghỉ ở những vùng biển sạch và ăn tôm cá sạch. Đây không phải là một lời kêu cứu cho biển Bình Thuận, mà là lời kêu cứu cho tương lai của chính chúng ta.

Hoàng Thị Minh Hồng

Sáng lập và là Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE). Trước đó, chị có 3 năm ở vị trí Đồng – điều phối của 350.org Đông Á/Đông Nam Á và 7 năm ở vị trí Trưởng phòng Truyền thông của WWF Khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng. 

Năm 1997, chị là người Việt Nam đầu tiên tới Nam Cực, sau đó trở thành đặc phái viên trẻ của UNESCO. Chị còn cùng CHANGE thực hiện các chương trình dự án kéo dài nhiều năm với mục tiêu giảm nhu cầu tiêu thụ trái phép các sản phẩm động vật hoang dã tại Việt Nam, nhằm cứu những loài nguy cấp nhất (tê giác, voi, tê tê…) khỏi nguy cơ tuyệt chủng. 

Được Climateheroes.org công nhận là Anh hùng Khí hậu (Climate Hero), vì rất nhiều đóng góp cho phong trào biến đổi khí hậu do giới trẻ điều hành tại Việt Nam.

Hoàng Thị Minh Hồng
.
.