Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton: Những chiêu cờ mới

Thứ Sáu, 18/09/2015, 08:48
Vừa qua, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton từ chối xin lỗi về vụ bê bối liên quan đến việc sử dụng hòm thư điện tử cá nhân (e-mail) để giải quyết việc công trong suốt bốn năm tại nhiệm, bất chấp những ảnh hưởng không mấy tích cực đến chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2016.

Kết quả thăm dò dư luận ngay sau tuyên bố này cho thấy, tỉ lệ ủng hộ dành cho bà Hillary đã giảm xuống mức 41% - lần đầu tiên trong năm nay dưới 50%. Các cuộc thăm dò khác phản ánh mức độ ủng hộ bà Clinton đã giảm trên toàn quốc, với những câu hỏi đặt ra về vấn đề thư điện tử cá nhân, và nghi ngờ chính cựu Ngoại trưởng đã để lộ nhiều thông tin mật của quốc gia.

Làm an lòng cử tri

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình MSNBC, bà Hillary Clinton bày tỏ mong muốn có “một sự lựa chọn khác”, và thừa nhận nên sử dụng đồng thời hai tài khoản e-mail riêng biệt, một tài khoản cho cá nhân và một tài khoản cho công việc. Nữ chính khách này khẳng định sẽ chịu mọi trách nhiệm và sẽ trả lời mọi câu hỏi nghi vấn xung quanh vấn đề này. Thay vì đưa ra một lời xin lỗi, cựu Ngoại trưởng tuyên bố lấy làm tiếc vì sự việc này đã khiến những cử tri yêu quý bà trở nên lúng túng.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết có thêm 150 thư điện tử trao đổi công việc của cựu Ngoại trưởng nghi ngờ có các thông tin mật, nâng tổng số bức thư có chứa thông tin mật lên 200. Hiện Bộ Ngoại giao cùng Thanh tra Chính phủ Mỹ và Cục Điều tra liên bang (FBI) vẫn đang cùng rà soát hàng nghìn thư điện tử của bà Hillary để xác định xem thực sự chúng có chứa các dữ liệu liên bang và thông tin mật hay không. Theo các chuyên gia, căn cứ vào các chứng cứ đã được công bố, gần như không có khả năng bà cùng các cố vấn bị kết tội.

Tưởng như “sự cố” này sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đối với Hillary Clinton, nhưng nhờ bản lĩnh chính trường và “quân bài” làm an lòng cử tri mà cựu Ngoại trưởng vẫn tỏ ra rất tự tin trong khi tranh cử. Người Mỹ biết bà từ năm 1992 - thậm chí, những người quan tâm đến đời sống chính trị của bang Arkansas biết bà từ năm 1978, khi chồng bà (ông Bill Clinton) trở thành Thống đốc bang này. Hầu hết người dân đều tin rằng Hillary Clinton sẽ dễ dàng chuẩn bị một bài diễn văn mới, một tầm nhìn độc đáo về nước Mỹ trong tương lai, để chinh phục trái tim họ.

Ngay bây giờ, đảng Cộng hòa đã bắt đầu công kích bà Hillary về vấn đề tuổi tác khi không ngần ngại trưng bày những bức hình bà kém tươi khi không trang điểm. Một số quan điểm cho rằng Mỹ không muốn một nhà lãnh đạo nhiều tuổi và không mang lại điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, tuổi của bà Hillary có thể là một lợi thế. Hồi còn trẻ hơn, hình ảnh của bà là hình ảnh của một người lạnh lùng, xa cách và đáo để. Bây giờ, người phụ nữ trí thức băng giá đó ngày càng tỏ ra là một bậc mẫu quyền điềm đạm, trìu mến và thật sự lắng nghe những người đối thoại.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton luôn xây dựng một hình ảnh mạnh mẽ, đầy quyền lực và biết cách làm an lòng cử tri.

Không chỉ vậy, người dân Mỹ đang tỏ ra thất vọng về Tổng thống Barack Obama. Dù năm 2008 mang đến một niềm hy vọng mạnh mẽ, nhưng Tổng thống thuộc đảng Dân chủ sẽ đi hết nhiệm kỳ hai của mình trong hoàn cảnh rất khó khăn. Thất bại đau đớn của đảng ông trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014 - lần đầu tiên kể từ năm 1994, đảng Cộng hòa chiếm đa số tại cả hai viện của Quốc hội - là dấu hiệu khủng khiếp cho thấy sự vỡ mộng do chủ nhân Nhà Trắng gây ra.

Thực vậy, vào lúc này, người dân Mỹ luôn có một cảm giác rất mạnh mẽ về một nước Mỹ đang xuống dốc. Họ rất muốn có một gương mặt lãnh đạo đủ làm họ yên tâm, có khả năng ngăn chặn sự suy tàn của nước Mỹ.

Những ưu thế rõ rệt

Một trong nhiều yếu tố khiến Hillary Clinton luôn rất vững vàng trong các chiến dịch tranh cử, dù vướng phải những rắc rối lớn nhỏ khác nhau, đó chính là “nghệ thuật hút tiền”. Trên thực tế, theo đuổi đến cùng một chiến dịch tranh cử tổng thống đòi hỏi những nguồn lực tài chính rất lớn. 

Trước đây, Tòa án Tối cao Mỹ đã bãi bỏ các mức trần đóng góp mà công dân, cũng như các doanh nghiệp Mỹ có thể thực hiện đối với các ủy ban hành động chính trị. Điều kiện duy nhất là các ủy ban này - hay các Super PAC - phải độc lập với các đảng chính trị và các ứng cử viên. Nói cách khác, các Super PAC không có bất cứ một cuộc tiếp xúc hay ủng hộ trực tiếp bất kỳ ứng cử viên nào.

Ngay từ bây giờ, bà Hillary Clinton có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Priorities USA, một Super PAC đã góp phần rất lớn vào thắng lợi của ông Obama năm 2008 và năm 2012. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Chủ tịch của tổ chức này chính là Harold Ickes, một nhân vật thân cận của vợ chồng nhà Clinton. Quỹ Priorities USA không phải là nguồn tài trợ duy nhất của chiến dịch tranh cử 2016.

Ngay từ mùa thu 2014, các nhà tài trợ lớn trong giới Hollywood đã tuyên bố sẵn sàng chi tiền cho bà Hillary. Một sự kiện được tổ chức bởi “Ready for Hillary” (một nhóm sắp trở thành một Super PAC) đã tập hợp các ngôi sao Hollywood để ủng hộ cựu Ngoại trưởng ra tranh cử. Bên cạnh đó, Warren Buffett, một trong những người giàu nhất thế giới, đã tuyên bố quyết định tài trợ cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary một lượng tiền không hề nhỏ.

Hillary Clinton, gương mặt “thân quen” của giới chính trị gia Mỹ, cùng với chồng là Bill Clinton, được phần lớn người dân Mỹ yêu mến và tin tưởng sẽ đem lại bình yên cho một nước Mỹ đang mất phương hướng.

Ngoài ra, bà Hillary Clinton cũng có thể dựa vào khả năng tuyệt vời của chính mình để kiếm tiền cho việc tranh cử. Cho dù năm 2000, nhà Clinton bị “trắng tay”, nhưng bà đã nhanh chóng “hồi phục” bằng cách tích cực đi diễn thuyết và viết xã luận. Kể từ năm 2001, vợ chồng nhà Clinton đã tích cóp được hàng trăm triệu USD, và sẵn sàng chi mạnh tay để tạo nên ưu thế vượt trội cho cựu Ngoại trưởng. Theo bà Hillary, các ứng cử viên Cộng hòa sẽ khó mà ganh đua được với số tiền lớn, nhất là khi các cuộc bỏ phiếu sơ bộ trong đảng Cộng hòa có nguy cơ kéo dài và khó khăn hơn - và do vậy sẽ tốn kém hơn - so với phe Dân chủ, nơi Hillary Clinton dường như không có đối thủ.

Nhiều nhà phân tích chính trị nhận định, Hillary Clinton hoàn toàn thích ứng với những bước tiến triển chính trị và xã hội này. Bà ủng hộ hôn nhân đồng tính và việc tăng mức lương tối thiểu - điều đã được thực hiện khi chồng bà là chủ nhân của Nhà Trắng - và lên tiếng chỉ trích gay gắt những biện pháp tra tấn đáng sợ mà Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã áp dụng nhằm moi thông tin từ các tù nhân­­ hoặc nghi can khủng bố. Trong chính sách đối ngoại, Hillary Clinton tỏ ra rất cứng rắn kể từ khi bà thôi chức Ngoại trưởng.

Theo bà, đây là cách tách khỏi ông Obama, đồng thời thể hiện một niềm tin sâu sắc. Đối với bà, Mỹ không bao giờ phải hạ vũ khí trước các thế lực thù địch, và phải tuyệt đối cứng rắn trước mọi thế lực, đặc biệt là lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Nhờ kinh qua chức Ngoại trưởng, Hillary Clinton đã tạo dựng cho mình hình ảnh của một người phụ nữ quyền lực. Được công du qua nhiều quốc gia và tiếp xúc với nhiều lãnh đạo lớn trên thế giới, bà hoàn toàn có thể hãnh diện về mình với một vốn kinh nghiệm không thể phủ nhận và một khả năng thực sự trở thành một “tổng tư lệnh” giỏi giang, xứng đáng với tên gọi này. Cuối cùng, bà đã vượt qua bài kiểm tra về sự nổi tiếng và không còn cần phải bịa ra một quá khứ huy hoàng. Đây chắc chắn là lý do khiến bà xuất bản cuốn Hồi ký Ngoại trưởng trước chiến dịch tranh cử - cách để bà thoát khỏi cái bẫy “phân biệt đối xử” về giới trên chính trường mà bà đã từng nêu lên hồi năm 2008.

Rõ ràng, Hillary Clinton hiện nay có tất cả các “quân bài” trong tay để thành công, cho phép bà mở rộng phạm vi ủng hộ của giới cử tri - một điều cần thiết để bà giành chiến thắng. Tuy vậy, bà vẫn phải nỗ lực rất nhiều, không chỉ cần chứng minh khả năng trở thành người đứng đầu nhà nước, còn nên nhấn mạnh vai trò của một người phụ nữ để thu hút được lá phiếu của nữ cử tri – yếu tố quan trọng đã giúp Tổng thống Barack Obama thắng cử trước đây.

Bên cạnh đó, bà cũng sẽ cần lá phiếu của các cộng đồng thiểu số. Liệu những người Mỹ gốc Phi có quay lại bỏ phiếu bầu bất chấp sự thất vọng mà ông Obama đã gây ra khiến họ rất thờ ơ với các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11/2014? Về phần những người Mỹ gốc Latinh, tuyên bố về việc bình thường hóa quan hệ với Cuba sẽ là một lợi thế rất lớn cho ứng viên Hillary Clinton tranh cử năm 2016 sắp tới…

Anh Doãn
.
.