Cuộc tàn sát văn hóa của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS
Thời gian gần đây, IS đã liên tiếp có những động thái mạnh tay nhằm xóa sổ hoàn toàn các di tích văn hóa có giá trị khảo cổ mà theo chúng là thúc đẩy tư tưởng sùng bái thần thánh, vi phạm sự diễn giải cơ bản của đạo Hồi.
Nổi lên nhanh chóng cùng với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, IS hiện nay được xem là tổ chức cực đoan giàu nhất thế giới, và không phải tự nhiên mà chúng đạt được điều này. Nhiều ý kiến cho rằng IS khởi đầu với mô hình kinh doanh cùng những chiến lược rõ ràng ngay từ lúc nhen nhóm, nhằm thâu tóm nhiều nguồn lực phục vụ cho hoạt động khủng bố. Những người xem các đoạn phim tuyên truyền được làm rất khéo của IS hẳn sẽ chú ý tới các đội xe bán tải mới cáu cạnh mà các tay súng cực đoan cầm lái. Đây là một trong số nhiều bằng chứng cho thấy tổ chức này không hề thiếu tiền. Tuy nhiên,tiền này ở đâu ra?
Dòng chảy “cổ vật máu”
Các nhà phân tích đã bàn tới khả năng IS nhận tiền viện trợ từ những kẻ ủng hộ, từ việc buôn dầu lậu (ước tính thu 1,6 triệu USD mỗi ngày), bắt cóc (ít nhất 20 triệu USD mỗi quý) hay buôn người, tới đòi tiền bảo kê và cướp bóc dân thường. Nhưng có một điều nữa mà ít người chú ý tới: hoạt động buôn bán cổ vật.
Chỉ riêng việc bán cổ vật cướp phá từ vùng al-Nabuk, phía Tây Damascus (Syria) cũng đã mang lại cho IS tới 36 triệu USD. IS đang hoạt động vô cùng tích cực tại Syria và Iraq - những khu vực có nhiều di chỉ khảo cổ nhất trên thế giới, được mệnh danh là cái nôi của văn minh nhân loại. Ngay trong khi các di chỉ cổ như Nimrud, Nineveh và Hatra bị tàn phá, một cơn lũ các cổ vật với gốc gác đáng ngờ đã xuất hiện trên chợ đen. Hiển nhiên, điều này là do bàn tay tác động của IS.
IS luôn toan tính kỹ lưỡng trong bất kỳ phi vụ đánh cắp và buôn bán cổ vật nào. Chúng sử dụng luân phiên hai phương pháp: “khảo cổ học cơ khí” (dùng máy ủi, máy xúc và thiết bị đào bới hạng nặng có sức tàn phá khủng khiếp để khai quật các di chỉ cổ); hoặc “khảo cổ học địa phương” (tuyển mộ dân địa phương để đào xới nhiều di tích, lăng mộ). Sau đó, phiến quân IS thu thuế dựa trên giá trị của bất kỳ báu vật nào lấy được và tiến hành giao dịch tại chợ đen.
Cổ vật càng nhỏ, càng dễ che giấu, dễ vận chuyển lại càng có giá. |
Nhờ vậy, không ai nắm rõ IS đã lấy được những cổ vật nào, và công tác xác định nguồn gốc của các cổ vật đã bị cướp phá kiểu này cũng gặp nhiều khó khăn. Những người xem đoạn phim IS đập phá các tượng Assyrian cổ ở Bảo tàng Mosul (Iraq) tưởng như đây là lực lượng chỉ biết phá hoại. Thực tế họ đã nhầm bởi phiến quân này tàn phá một số bức tượng quan trọng khi chúng không thể bán các cổ vật đó. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng nhiều bảo tàng chỉ trưng bày các bản sao của tượng cổ nên chúng gần như không đem lại lợi nhuận cho IS.
Nhiều chuyên gia khẳng định phiến quân IS là lực lượng buôn bán “cổ vật máu”, kiếm nhiều triệu USD từ hành vi cướp cổ vật mà sau đó phần lớn rơi vào tay các nhà sưu tầm tư nhân. Trong khi các “cổ vật máu” thường khó vận chuyển hơn “kim cương máu” (kim cương tới từ các vùng đang có chiến sự), chúng lại có giá cao hơn rất nhiều. Các loại cổ vật đang được IS ưa chuộng hiện nay gồm có những phiến đá khắc chữ cổ, các loại ấn hình trụ, bình, lọ, tiền xu và đặc biệt là các tác phẩm chạm khắc, có thể bị đập ra thành nhiều mảnh một cách dễ dàng để phục vụ việc vận chuyển. Cổ vật càng nhỏ, càng dễ che giấu, dễ vận chuyển lại càng có giá.
Hiện có rất nhiều tin tức nói rằng đồ cổ từ Syria và Iraq đang được “quay vòng” ở chợ đen châu Âu. Các cổ vật bị cướp phá thường qua tay rất nhiều người trước khi xuất hiện trở lại trên thị trường, hoặc thậm chí không lộ diện trong nhiều thập kỷ. Chúng sẽ biến mất vào các bộ sưu tập tư nhân, được cất trong nhiều nhà kho bí mật nằm rải rác ở châu Âu và châu Mỹ, hay tại thị trường Nhật Bản và Australia - những nơi người ta có nhu cầu sưu tầm các cổ vật thời kỳ tiền Hồi giáo. Nếu chính quyền thu hồi được các cổ vật, sẽ phải mất nhiều năm trời để thủ phạm bị khởi tố và buộc tội.
Cơ quan an ninh Anh đang tiến hành bốn cuộc điều tra liên quan đến đồ cổ Syria, bước đầu xác định IS móc nối với trung gian đã sử dụng nhiều tuyến đường buôn lậu hình thành lâu nay, đi xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ và Li Băng, để đưa hàng tới châu Âu. Thế nhưng, không thể thống kê xem IS đã kiếm được bao nhiêu tiền từ chợ đen, bởi sẽ mất rất nhiều thời gian trước khi một cổ vật bị cướp phá xuất hiện trở lại.
Ngoài ra, nếu không có sự hỗ trợ lớn hơn về tài chính thì việc phá các mạng lưới vận chuyển cổ vật vòng quanh thế giới dường như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Trong bối cảnh hiện nay, điều nhân loại chắc chắn nhất là dòng chảy “cổ vật máu” khỏi Trung Đông vẫn chưa ngừng lại, và thậm chí còn mạnh hơn do bàn tay của IS.
Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang tiến hành “cuộc tàn sát văn hóa”, nhằm xóa sổ hoàn toàn các di tích văn hóa có giá trị khảo cổ. |
Tội ác diệt chủng
Sự hoành hành của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Trung Đông đã có thêm một ngã rẽ đáng lo lắng. IS không chỉ sát hại người dân mà đang thi hành chính sách tiêu diệt văn hóa và tôn giáo.
Từ khi chiếm thành phố Mosul hồi tháng 7/2014, IS đã phá ít nhất 28 tòa nhà tôn giáo lịch sử khắp thành phố lớn thứ hai Iraq này, cộng với hàng chục tòa nhà tôn giáo khác khắp Iraq và Syria trong quá trình hoành hành đẫm máu từ năm 2014. Chúng cũng liên tiếp tấn công các di tích văn hóa có giá trị khảo cổ tại Iraq như bảo tàng thành phố Mosul lớn thứ 2 Iraq, lăng mộ Jonah hay kinh đô cổ Khorsabad hàng nghìn năm tuổi.
Với tư tưởng cực đoan, lực lượng Nhà nước Hồi giáo cho rằng, tất cả các đền thờ tôn giáo khác đạo Hồi như Kitô giáo, Do Thái giáo và thậm chí là cả các nhóm Hồi giáo khác chính kiến đều là biểu tượng của sự sùng bái thần tượng, một điều rất cấm kỵ trong đạo Hồi. Mục tiêu của nhóm cực đoan này là nhằm quét sạch những biểu tượng vì sự đa dạng tôn giáo của Iraq và Syria.
Giới khảo cổ học và các nhà lãnh đạo vô cùng phẫn nộ, đã liệt hành vi phá cổ vật của IS thuộc vào một dạng tội ác chiến tranh. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tuyên bố sự hủy hoại di sản văn hóa một cách có chủ ý của IS là một tội ác theo Điều 8 thuộc Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế. Điều này thuộc phần tội ác chiến tranh và xác định đó là sự vi phạm nghiêm trọng “nếu thủ phạm cố ý tấn công các tòa nhà tôn giáo, giáo dục, nghệ thuật, khoa học, từ thiện, lăng tẩm lịch sử…”.
Hành vi phá cổ vật, di tích tôn giáo của IS cho thấy chúng đã tính toán kỹ lưỡng khi muốn thanh trừng văn hóa, tôn giáo của các nhóm sắc tộc khác. Tội ác của chúng không chỉ bị coi là tội ác chiến tranh, vi phạm luật pháp quốc tế mà còn có thể được định nghĩa là một cuộc tấn công diệt chủng nhằm vào chính nền văn minh nhân loại.
Trên thực tế, sự phá hoại này đã trở thành một vấn đề an ninh lớn. IS khủng bố và phá hoại di sản nhằm thực hiện chiến lược làm bất ổn và thao túng người dân để chúng có thể khống chế họ. IS đang tận dụng chiến lược “khủng bố văn hóa” để khuất phục người dân trong các cuộc xung đột đẫm máu thời hiện đại.
Thế nên, chúng cho rằng sẽ là chưa đủ nếu chỉ đơn giản tàn sát mọi người Do Thái, người Armenia, Hồi giáo ở Bosnia hay người Yazidi trong khu vực chúng xâm chiếm. Chúng sẽ chế ngự được hoàn toàn nếu kiểm soát và phá hủy mọi thứ liên quan, đặc biệt là văn hóa và lịch sử. Một khi di tích bị phá hủy, nền văn hóa sẽ bất ổn và suy thoái, dẫn tới chỉ tồn tại hình thức truyền miệng rồi dần lụi tàn.
Chính phủ nhiều nước đều đồng loạt cho rằng, những hành động điên rồ và vô lý ấy dù mang danh nghĩa tôn giáo nhưng thực chất là sự tiếp tay cho nạn buôn lậu cổ vật, vốn trực tiếp đóng góp tài chính cho cho nhóm khủng bố. “Cuộc tàn sát văn hóa” của IS không chỉ đơn thuần là những hành động phá hoại nền văn minh nhân loại mà nó sẽ kích động tư tưởng bạo lực cực đoan, chia rẽ dân tộc và khiến các cuộc xung đột tôn giáo trở nên trầm trọng hơn.
Có thể một số người sẽ nghĩ rằng tội phá hoại cổ vật của IS không thấm gì so với các tội ác khác của chúng như chặt đầu hàng loạt con tin, hành quyết người khác giáo phái hay sử dụng trẻ em làm công cụ chiến tranh. Thế nhưng, lịch sử đã chứng minh rằng tội ác chống lại văn hóa luôn gắn liền với tội ác chống loài người.
Giờ đây, cộng đồng thế giới đang đứng trước một thách thức mới: cuộc chiến toàn cầu bảo vệ các giá trị văn hóa của nhân loại trước sự xâm lăng của IS. Những gì diễn ra tại Mosul, Ninevehm hay Nimrud chỉ là một phần nổi của tảng băng - một phần rất nhỏ nếu so với những gì đã bị IS phá hủy. Nếu không tìm ra được biện pháp để thay đổi tình hình thì chỉ trong vòng 10 hay 15 năm nữa, các di sản văn hóa tại Trung Đông và các di sản văn hóa có giá trị khảo cổ sẽ biến mất vĩnh viễn…