Cuộc "siêu bầu cử" tại Ấn Độ: Thương hiệu Modi

Thứ Sáu, 26/04/2019, 22:15
Cuộc siêu bầu cử ở Ấn Độ được mô tả là sự kiện lớn nhất do con người tổ chức trên thế giới. 


Giới quan sát cho rằng, cuộc bầu cử lần này giống như một trận chiến vì tương lai của Ấn Độ, mà ở đó chính cử tri sẽ trở thành thước đo đánh giá tín nhiệm cho chính quyền đương thời Narendra Modi.

Nếu đảng BJP cầm quyền lặp lại kỳ tích cách đây 5 năm, Thủ tướng Modi sẽ tiếp tục cầm quyền nhiệm kỳ 2 để xây dựng Ấn Độ theo ý của mình, với chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ và lòng yêu nước công khai, đưa quốc gia Nam Á bứt phá thành nền kinh tế lớn thứ ba, thậm chí thứ hai thế giới vào năm 2030.

Thương hiệu Modi

Gần 5 năm trước, Narendra Modi, lãnh đạo đảng BJP theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ, đã giành chiến thắng kỷ lục với tỷ lệ cao nhất trong vòng 3 thập kỷ. Nhậm chức trong bối cảnh làn sóng phẫn nộ vì bê bối tham nhũng liên tiếp diễn ra, Modi với hình ảnh cá nhân trong sạch cam kết sẽ loại bỏ vấn nạn vào năm 2022.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã đưa ra nhiều chính sách quyết liệt, bao gồm bước đi cứng rắn xóa bỏ “tiền đen” (tiền phi pháp sử dụng trong các hoạt động tham nhũng), xây dựng luật mới để ngăn chặn tham nhũng và số hóa hoạt động kinh doanh của chính phủ. 

Động thái mới nhất mà Thủ tướng Modi thực hiện là thành lập cơ quan chống tham nhũng Lokpal đầy quyền lực, có thể điều tra độc lập các nhà lãnh đạo hay công chức, thậm chí là cả thủ tướng.

Thủ tướng Narendra Modi đã trở thành một “hiện tượng” với những khẩu hiệu tạo nên tiếng vang trên toàn cầu như  “Make in India”.

Modi trở thành một “hiện tượng”, là thủ lĩnh thành công được người dân kính nể bởi sự thân thiện và làm việc hiệu quả, với cá tính sắc sảo, độc lập và cực kỳ khiêm nhường. 

Dưới triều đại Modi, Ấn Độ đã chứng kiến sự xuất hiện những khẩu hiệu tạo nên tiếng vang trên toàn cầu, như  “Make in India”, “Ấn Độ số hóa” hay “Ấn Độ thế hệ 2.0”.

Từ đây, Modi được cho là đã tạo ra nhiều thành tựu quan trọng, thay đổi cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đưa ra mức thuế bán hàng thống nhất, cũng như ban hành chương trình bảo hiểm y tế đầy hứa hẹn có thể mang lại lợi ích cho 500 triệu gia đình. Những người ủng hộ cho rằng ông biến Ấn Độ thành một cường quốc toàn cầu với một nền kinh tế mạnh mẽ.

Với ánh hào quang quá khứ rực rỡ, Thủ tướng Modi tràn đầy hi vọng chiến thắng. Trong những ngày bầu cử căng thẳng, “thương hiệu Modi” ngập tràn Ấn Độ. Các cuộc khảo sát ý kiến chỉ ra Modi là chính trị gia nổi tiếng nhất Ấn Độ. 

Để biến ưu thế đó trở thành lá phiếu cử tri, đảng cầm quyền BJP đã sử dụng mọi biện pháp truyền thông từ hiện đại nhất cho đến truyền thống. Văn phòng BJP đưa vào hoạt động chiếc xe bán hàng lưu niệm như áo phông, áo khoác, sổ ghi chú và miếng dán in hình ông Narenda Modi.

Thậm chí, ứng dụng điện thoại “Narenda Modi” đã được hơn 100 triệu người tải, cùng với một trang mạng xã hội dành cho những người yêu mến ông, có quy mô lớn tương đương bất kỳ nền tảng xã hội nào ở Ấn Độ, đã được thành lập.

Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Narendra Modi và đảng BJP có tới gần 60 triệu người theo dõi, nhiều gấp 4 lần số lượng của đảng Quốc đại đối lập và Chủ tịch đảng Rahul Gandhi cộng lại. 

Với chiến dịch tranh cử đang triển khai, BJP cho biết ông Modi đã tiếp xúc hơn 250.000 người mỗi ngày thông qua nhiều cuộc họp mà ông tham gia phát biểu. Đa số sự kiện này đều được phát trực tiếp trên các nền tảng truyền thông của BJP và các kênh tin tức rộng khắp Ấn Độ, bao gồm cả đài truyền hình quốc gia. 

Narendra Modi cũng đã nhanh chóng khởi động hàng loạt dự án công cộng khác nhau khắp 16 bang nhằm quảng bá về những thành tựu mà chính phủ của ông đạt được.

Tất nhiên, ông Modi cũng vấp phải những phản ứng tiêu cực khi Quốc hội Ấn Độ cáo buộc ông cùng BJP sử dụng sai quyền lực để cố gây sức ảnh hưởng đối với cử tri. Tuy vậy, Modi là một chính trị gia đầy tự tin và luôn biết cách củng cố liên minh để biến thời điểm 2019 quan trọng thành “sàn diễn” thể hiện khả năng lãnh đạo của mình.

Bất chấp mọi cáo buộc, ông vẫn luôn vận động tranh cử không biết mệt mỏi khi lên kế hoạch tổ chức ít nhất 150 cuộc họp công khai, khéo léo pha trộn chủ nghĩa dân tộc, chính trị và chủ nghĩa dân túy. Ngay cả trong các chiến dịch, ông cũng đổ lỗi cho chính phủ trước đây đã gây ra các vấn đề khó khăn hiện nay, thay vì nêu ra tầm nhìn cho hiện tại.

Thách thức bủa vây

Theo giới quan sát, con đường đi đến nhiệm kỳ 2 không hề dễ dàng. Họ cho rằng Thủ tướng Modi đang khiến căng thẳng xã hội gia tăng và làm xói mòn các thể chế dân chủ. Ông Modi đã thúc đẩy các cải cách thuế mang tính bước ngoặt nhưng việc thực thi chính sách phi tiền tệ hóa thiếu hiệu quả đã làm tổn thương nền kinh tế Ấn Độ.

Trên khắp Ấn Độ, sự bất bình đã dâng cao khi tỉ lệ tự tử ở mức cao kỷ lục, trong khi nông dân khắp nơi biểu tình phản đối những cách tiếp cận vô lý của chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề của họ.

Khi bầu cử diễn ra, xuất hiện thông tin cho rằng chính phủ đang tìm cách thủ tiêu những báo cáo cho thấy tỉ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất trong 45 năm qua, từ đó dấy lên nghi ngờ về những con số tăng trưởng GDP được công bố. 

Các cuộc biểu tình rầm rộ đã nổ ra khi quan ngại gia tăng rằng sẽ không đủ việc làm cho 1 triệu người Ấn Độ tham gia nhóm người lao động mỗi tháng. Hiện nay, hơn 80% lực lượng lao động của Ấn Độ bị mắc kẹt trong các nơi làm việc có lương thấp, không có quyền lợi hay không có tổ chức.

Hồ sơ lãnh đạo vẫn còn gây tranh cãi khi nhiều quan điểm khẳng định ông Modi chưa thể thay đổi một số vấn đề cơ bản của đất nước, từ nghèo đói kéo dài sang khủng bố. Tỷ trọng chi tiêu ngân sách cho thiết bị vũ trang mới bị thu hẹp, khiến Ấn Độ thụt lùi trong cuộc đua với Trung Quốc.

Đồng thời, tình hình ở Kashmir còn tồi tệ hơn trong nhiều năm qua, khi thống kê các vụ khủng bố đã tăng gấp đôi kể từ năm 2014. Ngoài ra, một xã hội Ấn Độ còn nhiều khác biệt giữa các bang, các khu vực cũng hạn chế năng lực của một nhà lãnh đạo, kể cả một người đầy thuyết phục như ông Modi trong điều hành đất nước.

Các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra khi gia tăng quan ngại sẽ không đủ việc làm cho người Ấn Độ.

Sức nóng bầu cử ngày càng gia tăng khi đối thủ lớn nhất của ông Modi và đảng BJP là đảng Quốc đại đang đấu tranh để nổi lên như một phe đối lập sau khi bị thua thảm hại vào năm 2014. Với nhà lãnh đạo Rahul Gandhi (thế hệ thứ 4 của gia đình Gandhi từng lãnh đạo Ấn Độ suốt 5 thập kỷ), đảng này lấy chính sách xã hội làm trọng tâm vận động bầu cử.

Ông Gandhi đã xoáy vào công kích những thất hứa của nhà lãnh đạo Modi đối với nền kinh tế, cam kết sẽ trợ cấp 6.000 rupee cho những gia đình nghèo nhất, bên cạnh những lời hứa giải quyết việc làm.

Chưa hết, Thủ tướng Modi phải đối mặt với 29 vị thủ hiến đứng đầu bang, bao gồm 7 vị quản lý những “siêu bang” từ 68 triệu dân trở lên. Điều quan trọng là, đảng Quốc đại đang nỗ lực lôi kéo những người này để thành lập liên minh chống lại Modi.

Có thể nhắc tới một lực lượng quyết định trong cuộc siêu bầu cử lần này bao gồm Thủ hiến Mamata Banerjee của bang Tây Bengal, Nara Chandrababu Naidu của Andhra Pradesh và Thủ hiến bang Orissa, Naveen Patnaik. 

Không giống ông Modi, những nhân vật này có thể không nổi tiếng bên ngoài Ấn Độ nhưng lại rất quyền lực ở bang nhà, nơi nhiều người coi họ là thủ tướng tương lai.

Có thể nói, 2019 đang trở thành thời điểm mở đầu cho những chiến dịch bầu cử sôi động ở Ấn Độ. Cho đến hiện tại, đương kim Thủ tướng Narendra Modi vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng thời được coi là ứng cử viên mạnh nhất cho chiếc ghế thủ tướng nhiệm kỳ tới.

Nếu Narendra Modi tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai thêm 5 năm nữa, với các chương trình chú trọng phát triển doanh nghiệp và khoa học kỹ thuật tiên tiến thì nhiều khả năng ông có thể tạo nền tảng đưa Ấn Độ vượt Mỹ vào năm 2030 như giới quan sát dự báo. 

Tuy nhiên, các cuộc bầu cử ở Ấn Độ rất khó dự đoán vì chúng hiếm khi là một cuộc thi về ý tưởng và tầm nhìn. Mọi chuyện còn ở phía trước và kết quả cuộc bầu cử năm 2019 sẽ chứng minh liệu quyền lực của ông Modi có tồn tại hay không.

Hồng Hạnh - Nguyễn Tuyết
.
.