Cuộc ngược dòng của nền điện ảnh thiểu số

Chủ Nhật, 26/01/2020, 20:44
Những bom tấn Hollywood, có thực sự không phải điện ảnh hay không, vì đâu có một tiêu chí nào cụ thể, nhưng cho dù chúng có là điện ảnh đi chăng nữa, chúng là "điện ảnh đa số", thứ điện ảnh tạo nên từ những phạm vi ngôn ngữ điện ảnh quy chuẩn, không sáng tạo, không biến động, không dị biệt.

Hồi tháng 10, trên tờ New York Times, Martin Scorsese, một trong những vị đạo diễn lớn nhất của điện ảnh Mỹ viết rằng, phim siêu anh hùng Marvel không phải là điện ảnh. Một vài người khen ngợi ông thẳng thắn. Một vài cho rằng ông đã già và lạc thời. Chúng ta không biết phim Marvel, hay nói chung là những bom tấn Hollywood, có thực sự không phải điện ảnh hay không, vì đâu có một tiêu chí nào cụ thể, nhưng cho dù chúng có là điện ảnh đi chăng nữa, chúng là "điện ảnh đa số", thứ điện ảnh tạo nên từ những phạm vi ngôn ngữ điện ảnh quy chuẩn, không sáng tạo, không biến động, không dị biệt.

Phần nhiều những bộ phim bom tấn của Hollywood, chúng được làm ra với một sự an toàn chắc chắn, được chiếu thử và tinh chỉnh cho đến khi chắc chắn khớp với khung suy nghĩ của người xem, để chắc chắn tham chiếu tới những thông điệp cơ bản quen thuộc về cuộc sống, và để chắc chắn thu về rất nhiều tiền. Và chính vào thời điểm Hollywood đã trở thành một bộ máy công nghiệp được chạy bởi tiền, người ta lại dễ dàng tìm thấy những viên ngọc sáng ngời trong những nền điện ảnh nhỏ hơn, những nền điện ảnh ngoại vi, những nền điện ảnh thiểu số, những nền điện ảnh từng một thời hoàng kim, dù đã đi xuống nhiều nhưng vẫn giữ được phẩm cách của mình.

Bộ phim High Life.

Pháp, nơi từng khai sinh ra điện ảnh, cũng là nơi từng hồi sinh điện ảnh với phong trào Làn Sóng Mới thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận về nghệ thuật điện ảnh trên khắp thế giới, song những năm gần đây, sự nổi lên của những nền điện ảnh mới, giàu sức sống hơn và sự bành trướng của Hollywood khiến điện ảnh Pháp không còn là một thế lực đáng gờm như nó đã từng.

Vào năm 2017, khi Jeanne Moreau, nữ diễn viên huyền thoại của Pháp một thời, trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 89, báo chí Mỹ hầu như không đưa tin, hoặc không, chỉ có những mẩu tin nho nhỏ chìm lấp trong những thông tin khác nóng hổi hơn. Jeanne Moreau là người thủ vai nữ chính Catherine trong Jules et Jim, một trong những tác phẩm hay nhất của lịch sử điện ảnh, được nhào nặn bởi bàn tay đạo diễn vĩ đại Francois Truffaut. Có cả những nhận định rằng, để hiểu nền tảng điện ảnh Pháp, bạn chỉ cần tìm hiểu những bộ phim có sự xuất hiện của Moreau là đủ. Năm 1965, cô trở thành biểu tượng đầu tiên và duy nhất của Làn Sóng Mới Pháp được lên bìa tạp chí Time, điều mà vào thời điểm đó được coi như sự khẳng định về danh tiếng đỉnh cao.

Sự thờ ơ với cái chết của Jeanne Moreau vang vọng một thực tế: điện ảnh Pháp đã hết thời với người Mỹ, và tất nhiên, với thế giới. Nó đã chính thức rơi vào lãng quên, chỉ còn dành cho một nhóm thiểu số ưa hoài niệm.

Bất chấp điều đó, nếu muốn tìm một kiệt tác đích thực của điện ảnh 2019, bạn vẫn phải dõi mắt về điện ảnh Pháp, với High Life của Claire Denis và Portrait of a lady on fire của Céline Sciamma. Điều giống nhau? Denis và Sciamma đều là những nhà làm phim nữ. Trong khi ở Mỹ, những nữ đạo diễn như Greta Gerwig hay Ana DuVerney vẫn làm ra những bộ phim thường thường bậc trung nhưng luôn đòi hỏi phải được ghi nhận, bằng không thì đó là biểu hiện của phân biệt giới, thì ở Pháp, họ có những nhà làm phim nữ đại tài nhất, nhưng không bao giờ tỏ ra ồn ào. Vẫn biết điện ảnh là một trò chơi phù phiếm, nhưng dường như cách làm phim của người Pháp vẫn có gì thuần khiết hơn người Mỹ.

High Life của Clair Denis xoay quanh một nhóm tội phạm bị đưa ra khỏi vũ trụ để thực hiện những sứ mệnh gần như tự sát. Câu chuyện về con người giữa những tầng trời, đã từng có nhiều người thực hiện. Những năm gần đây, nổi bật hơn cả là ba tác phẩm của Hollywood bao gồm Interstellar của Christopher Nolan, Ad Astray của James Gray, First man của Damien Chazelle.

Bộ phim Spartacus.
Interstellar  là một bom tấn điện ảnh đúng nghĩa gây choáng ngợp, First man là một bộ phim tiểu sử chuẩn tắc và biết cách gây xúc động - một thế mạnh muôn đời của người Mỹ, còn Ad Astray là một câu chuyện riêng tư về tình cha con và nỗi cô đơn giấu sau bối cảnh lửng lơ ngoài Trái Đất. Thế nhưng, nếu xét trên khía cạnh ngôn ngữ điện ảnh và nghệ thuật kể chuyện, những bộ phim Mỹ khó lòng so sánh với High Life - với những thước phim đủ sức khiến người ta tê liệt vì rùng rợn trước những bản năng cơ yếu nhất của việc làm người. High Life với tiết nhịp chậm, lối kể lắt léo, tiết giảm tối đa lời thoại và quá nhiều ẩn dụ hình ảnh tất nhiên không dành cho khán giả đại chúng, trên IMDb, điểm số cho bộ phim thậm chí chỉ ở mức trung bình.

Sự khác biệt giữa nền điện ảnh lớn như Mỹ và những nền điện ảnh thuộc về thiểu số như Pháp là ở chỗ, điện ảnh Mỹ thích chiều lòng đại chúng, dù vô tình hay cố ý. Ngay cả trong Marriage story, một bộ phim nhận được sự ủng hộ đồng thuận của gần như toàn bộ các nhà phê bình, các tờ báo, và đang là ứng viên năng ký cho những giải thưởng quan trọng của Viện Hàn lâm điện ảnh, người ta vẫn nhìn thấy đâu đấy những chi tiết mua nước mắt, và bản thân bộ phim giống một sự minh họa cuộc đời hơn là một luận giải hay một khám phá về cuộc đời. Và đó có thể là một bộ phim giải trí hấp dẫn và nhân văn, nhưng có lẽ, không hẳn là nghệ thuật. Trong khi đó, The truth - một bộ phim Pháp năm nay cũng về đề tài gia đình được đạo diễn bởi Hirokazu Koreeda, nhà làm phim Nhật từng đoạt giải Cành Cọ Vàng - tuy giản dị và không nhiều kịch tính, các nhân vật không cần gào thét vào mặt nhau một cách lộ liễu như trong Marriage Story, nhưng vẫn làm lộ ra những khoảng cách sâu khôn cùng giữa những con người trong gia đình, và quan trọng hơn, nó kể theo cách mà chỉ điện ảnh mới có thể kể được, nó xác lập một ngôn ngữ riêng cho điện ảnh và dấy lên những cảm giác mà nếu không phải điện ảnh, bạn không tìm thấy ở đâu khác.

Bộ phim Ben-Hur.

Đối nghịch với nền điện ảnh Pháp đã được định hình cả trăm năm và còn gìn giữ vẹn nguyên những phẩm chất cao quý của môn nghệ thuật thứ 7, điện ảnh Hàn Quốc lại phả vào thế giới một luồng sinh khí độc đáo, nguyên bản, khác thường, trái ngược hẳn với những mô thức kịch bản nhào nặn đi nhào nặn lại đến nhàm chán của Hollywood. Trong lãnh địa Hollywood, khi nhắc tới hai chữ "bom tấn", bạn nghĩ đến gì? Những siêu anh hùng Marvel? Godzilla? Kĩ xảo hoành tráng nhưng nội dung vô hồn? Những chân dung vừa vặn với mọi khung đạo đức có sẵn? Đã qua rồi cái thời mà bạn còn có thể ngỡ ngàng trước một bom tấn điện ảnh, như Lawrence of Arabia, như Spartacus hay Ben-Hur và cả Cuốn theo chiều gió. Những bom tấn Mỹ hiện đại, hoành tráng hơn, nhưng cũng tầm thường hơn, đến mức với những người như Martin Scorsese, chúng không phải là điện ảnh. Trong khi đó, Parasite của đạo diễn Bong Joon-ho, hiện tượng điện ảnh của năm 2019, cũng là một bom tấn. Nhưng cách thức tạo dựng một bom tấn của Bong Joon-ho khác xa Hollywood, ông tạo nên một kịch bản liều lĩnh, không khoan nhượng, không lý tưởng hóa các nhân vật, sẵn sàng phơi mở đến kiệt cùng cái ác, không lựa chọn những motip có sẵn về người hùng hay tội đồ.

Điện ảnh Hàn Quốc năm 2019 cũng có những bộ phim nhỏ mà quyến rũ như Hotel by the river của đạo diễn kì cựu Hong Sang-soo. Phim xoay quanh một nhà thơ già dự cảm cái chết của mình đang tới gần, ông gọi  hai người con trai tới gặp mặt, và tình cờ, ông quen được hai cô gái trẻ xinh đẹp giữa phong cảnh tuyết trắng rơi - như cái đẹp lóe lên ở giây phút cuối đời. Hotel by the river đơn điệu và từ tốn kỳ lạ, nhưng không hề nhàm chán. Nó là một bài thơ về con người trong sự đối diện với số phận và mỹ cảm, và ăm ắp những rung cảm bất chấp những đoạn đối thoại dài miên man đi ngược những nguyên tắc chung để giữ sự chú ý của khán giả. Và, có lẽ chỉ trong những nền điện ảnh nhỏ, người ta mới có thể tiếp cận điện ảnh theo cách dị biệt đến vậy.

Bộ phim Cuốn theo chiều gió.

Một năm trước, khi Green book - bộ phim có phần giáo điều và tuyên truyền về vấn đề chủng tộc - được xướng tên tại lễ trao giải Oscar cho hạng mục "Phim xuất sắc nhất", đó thực sự là biểu hiện cho một Hollywood đang ngày càng bí ý tưởng lặp lại chính mình. Bộ phim không tồi, nhưng nó có gì đó sáo mòn và cũ rích trong cách kể chuyện. Và những phim thực sự hay nhất năm ấy đều là phim nói tiếng nước ngoài, như Cold war của đạo diễn Ba Lan Pawel Pawlikowski, Roma của Alfonso Cuaron, Shoplifter của Hirokazu Koreeda, Burning của Lee Chang Dong. Hai triết gia Gilles Deleuze và Félix Guattari từng đặt ra một phạm trù mang tên "litérature mineure", dịch ra nghĩa là văn học nhỏ, hay văn học thiểu số, và cho rằng chỉ trong văn học thiểu số, mới có những cuộc cách mạng thực sự của văn chương.

Trong điện ảnh, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, điều đó dường như cũng đúng với điện ảnh. 

Hiền Trang
.
.