Cuộc chiến Syria: Nội chiến thành thế chiến?

Thứ Tư, 28/10/2015, 17:27
Chiến dịch không kích Syria được Nga mở màn cách đây hơn 3 tuần với mục tiêu như tuyên bố là “chống khủng bố” làm bầu không khí nóng lên không chỉ với Syria và các nước trong khu vực, mà đang còn làm nóng lên cục diện toàn cầu. Sự can thiệp quân sự của Matxcova có mang lại cơ hội hòa bình hay không? Liệu động thái của Nga có gây “đổ dầu vào lửa” hay không? Và cục diện nào cho Trung Cận Đông sau sự can thiệp này, đang là những câu hỏi và đề tài nóng bỏng.

Trước sáng kiến của Nga, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tổ chức Hội nghị cấp bộ trưởng về việc giải quyết xung đột ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi và đối phó với mối đe dọa của khủng bố ở khu vực này. Cho dù Mỹ và các nước phương Tây có đồng ý hay không thì hội nghị lần này trên thực tế đã thừa nhận sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria, và mảnh đất Trung Đông vốn đã thừa thãi súng đạn nay lại tiếp tục chồng lên những cuộc chiến.

Cuộc chiến của các ông lớn

Ở tình thế hiện nay, Syria đã tiến vào trạng thái đối đầu quân sự, cho dù quân chính phủ hay là lực lượng vũ trang chống chính phủ của Syria đều không thể giành được thắng lợi mang tính quyết định. Vì vậy, việc Nga công khai tham dự trên thực tế là tạo điều kiện phá vỡ cục diện đối đầu này. 

Trước sự ủng hộ quân sự mạnh mẽ của Nga, quân Chính phủ Syria sẽ có lợi thế thay đổi tình thế, phát động các cuộc tấn công trên quy mô lớn. Phương thức mà Nga áp dụng là “lấy chiến tranh để thúc đẩy hòa bình”, can dự trực tiếp vào cuộc nội chiến Syria, từ đó làm cho các nước phương Tây buộc phải thừa nhận sự hiện diện quân sự của Nga và đối diện với phương án giải quyết vấn đề Syria do Nga đề ra.

Cuộc chiến ở Syria trên thực tế là cuộc chiến ủy nhiệm của các nước lớn phương Tây, nếu không có sự ủng hộ của họ thì quân Chính phủ Syria đã sớm chiến thắng được phe đối lập và tình hình Syria đã không ở cục diện hiện nay. Ngược lại, nếu không có sự ủng hộ của Nga, chính quyền của ông Bashar al-Assad sẽ không thể chống đỡ cho đến bây giờ và đã bị phe đối lập chiếm lĩnh toàn bộ lãnh thổ.

Nguyên nhân căn bản cho việc các nước phương Tây ủng hộ lực lượng vũ trang chống Chính phủ Syria là do họ muốn dựa vào lực lượng này lật đổ chính quyền của ông Bashar al-Assad. Nhưng quyết định không dựa trên thực tế này đã mang lại nhiều sai lầm. Lực lượng vũ trang chống Chính phủ Syria vốn là một đội quân phức tạp, không thể hình thành sự hợp lực. 

Sự tham gia của các tổ chức khủng bố vào đạo quân này khiến cho lực lượng vũ trang chống Chính phủ Syria mất đi sự ủng hộ về đạo nghĩa. Dù một số nước Arập như Saudi Arab ủng hộ lực lượng vũ trang chống Chính phủ Syria nhưng do quân Chính phủ Syria nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Iran nên đã biến cuộc đối đầu ở Syria không chỉ là cuộc chiến của các nước phương Tây mà còn là cuộc chiến của các nước lớn ở khu vực Trung Đông.

Trên tờ nhật báo Straits Time số ra mới đây, Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã khẳng định: “Sẽ không biến Syria thành chiến trường của cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga”, trong bối cảnh máy bay Nga vẫn tiếp tục không kích tại quốc gia Trung Đông này. Dù muốn hay không, Trung Đông hiện hướng tới đúng kịch bản chiến tranh ủy nhiệm mà ông Obama muốn tránh. Bất chấp cảnh báo của Mỹ, Nga có thể mạnh mẽ hơn nhờ cuộc đối đầu này. Việc Moskva chuẩn bị kế hoạch không kích đã được tình báo phương Tây ghi nhận khi phát hiện Nga mở rộng ba sân bay tại những khu vực mà chế độ Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát.

Tuy nhiên các nước phương Tây đã thất bại trong việc phản ứng trước động thái của Nga, một phần vì họ đánh giá thấp bản năng chấp nhận rủi ro của Tổng thống Vladimir Putin và một phần bởi họ không muốn thừa nhận động thái của ông Putin là hệ quả trực tiếp từ sự hỗn loạn của chính họ ở Trung Đông. Vì thế tuyên bố của ông Obama chỉ có thể được diễn giải theo hai cách: Hoặc Mỹ không quan tâm đến Syria và sẵn sàng để nước này rơi vào ảnh hưởng của Nga, hoặc Tổng thống Obama đơn giản là không sẵn lòng đối mặt với những thực tại chiến lược này.

Phản ứng của Mỹ và đồng minh trước việc Nga không kích Syria chỉ là những lời nói rỗng tuếch: “Chính những chính phủ ném bom mọi nơi ở Syria trong suốt 4 năm qua đã phàn nàn hành động của Nga gây căng thẳng leo thang và chỉ thổi bùng lên chủ nghĩa cực đoan”. Phương Tây cho rằng, việc ông Putin điều máy bay tới Syria không phải do cảm thấy mạnh mẽ mà là do yếu đuối. Họ cảnh báo ông Putin nếu tiếp tục không kích, Nga sẽ bị hút vào một bãi lầy Trung Đông giống như Afghanistan. Dù là với lý do gì khiến Nga can thiệp vào Syria cũng không thể phủ nhận một sự thực là những cuộc không kích của Nga đã thành công trong việc tăng cơ hội tồn tại của chế độ Assad.

Bạo lực tôn giáo hay một nhà nước dân chủ cho Syria

Thật khó khăn nếu Tổng thống Syria muốn giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước, song chắc chắn có thể duy trì thủ đô Damascus và khu vực sắc tộc Alawite của ông. Người Nga cũng củng cố vị thế ngoại giao của mình bằng cách chứng tỏ từ nay, mọi quyết định liên quan đến Syria không thể được đưa ra mà không có sự can dự của họ. 

Có rất ít khả năng Nga bị hút vào một Afghanistan mới, như tuyên bố của phương Tây, các nhà hoạch định quân sự Nga nhận thức quá rõ về sự so sánh lịch sự này và đó là lý do tại sao họ thẳng thừng bác bỏ việc Nga đưa quân đổ bộ vào Syria. Không giống ở Afghanistan, người Nga chưa bao giờ nói họ muốn kiểm soát toàn bộ đất nước này, hay muốn củng cố chế độ của ông Assad; thay vào đó, họ giữ các mục tiêu chiến tranh của mình linh hoạt ở mức đủ để thay đổi khi cần.

Chiến đấu cơ Nga tham gia không kích các mục tiêu do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát.

Nguy cơ trước mắt về sự can dự của Nga ở Syria không lớn như phương Tây giả định, thay vào đó là lợi thế tiềm tàng mà Nga có thể có lớn hơn nhiều so với những gì các nước phương Tây sẵn sàng thừa nhận. Với việc trở lại bằng vũ lực, Nga đã tạo ra một số kẻ thù ở Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabi nổi giận với ông Putin, phần lớn bởi sự can thiệp của Nga làm rối mục tiêu chiến lược của họ trong khu vực. 

Song, Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga hơn là ngược lại, và ông Erdogan cũng nhận thức rõ ràng rằng, việc người Nga chỉ cần hỗ trợ cho người Kurd ở Syria là đủ khiến tình thế của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên khó khăn. Saudi Arabia cũng im lặng, bởi họ quá hi vọng về một thỏa thuận có lợi với Nga. 

Trong bình luận mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho hay Moskva đã “tham vấn” Saudi Arabia về việc “ổn định hóa” thị trường dầu mỏ toàn cầu. Bằng cách này, người Nga ám chỉ việc tăng mức giá mà cả Nga và Saudi Arabia đều có thể bán được dầu của mình.

Trước sự can thiệp của Nga, chiến trường Syria đã là nơi diễn ra những cuộc chiến tranh chồng chéo (Lực lượng nổi dậy chống độc tài; Cuộc chiến do Hồi giáo Sunni cực đoan khởi xướng; Xung đột giữa các lực lượng Sunni và Shiite mang tính khu vực; Cuộc chiến chống tổ chức IS; Xung đột liên quan đến người Kurd…). Can thiệp quân sự trực tiếp của Nga cùng với nhóm đồng minh theo hệ phái Shiite, đứng đầu là Iran, trong thế đối đầu sẵn có với phương Tây, có thể dẫn tới các đảo lộn khó lường.

Bên cạnh đó một liên minh quân sự với Nga có thể dẫn đến cuộc xung đột với hệ phái Sunni dẫn đến hệ quả là “một cuộc chiến tranh 30 năm” kéo dài, theo cảnh báo của nhà chính trị học Bruno Tertrais. Ngược lại, có nhận định cho rằng, Nga sẽ không đủ sức để đương đầu với một chiến dịch kéo dài, quy mô lớn với thế giới Hồi giáo Sunni trong bối cảnh Mỹ tiếp tục hậu thuẫn cho các lực lượng người Kurd và Arập chống tổ chức IS. Tuyên bố mới đây của người phát ngôn Giáo hội Chính thống Nga, có quan hệ chặt chẽ với chính quyền của ông Putin, coi sự can thiệp của Nga ở Syria như một cuộc thánh chiến, gây lo ngại về khả năng không khí bạo lực mang màu sắc tôn giáo sẽ tiếp tục bị thổi bùng lên.

Trong khi đó, cũng có quan điểm cho rằng dù còn nhiều bất đồng, chính quyền của ông Obama đang tiếp tục tìm cách đưa Nga và Iran can dự vào chiến lược Trung Đông mới của Mỹ, và Syria chắc chắn sẽ không phải là nơi đọ sức gián tiếp giữa Mỹ và Nga. Sau thất bại trong việc tạo nên một nền dân chủ theo hệ phái Shiite hoàn toàn mới tại Iraq sau cuộc can thiệp lật đổ Saddam Hussein của chính quyền Bush; giờ đây Mỹ muốn duy trì một nhà nước thế tục tại Syria, một phần trên cơ sở của chế độ Baath cũ, và các bên hiện đang tìm kiếm thỏa hiệp cho vấn đề này. 

Ông Leson Aron, một chuyên gia về Nga, tại Viện Tư vấn Mỹ American Enterprise Institute cho rằng: “Chiến thuật của ông Putin trên thực địa rất có khả năng khiến cho thỏa hiện sắp tới sẽ được thực hiện theo các điều kiện của Nga”.

Cho dù thế nào, Hội nghị cấp bộ trưởng về việc giải quyết xung đột ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi và đối phó với mối đe dọa của khủng bố lần này cũng có lợi cho việc ngăn ngừa chiến tranh thế giới. Và nó sẽ có lợi cho việc tránh sự va chạm và đối đầu ở Syria giữa Mỹ và Nga.

Hiện nay Syria đã trở thành biển lửa không thể cứu vãn, các nước phương Tây cấp bách tìm kiếm phương án giải quyết vấn đề. Đối với các nước phương Tây thách thức lớn nhất là việc thuyết phục phe đối lập Syria ngồi vào bàn đàm phán. Nga có thể đại diện cho Chính phủ Syria, hoặc có thể nói là Nga ở mức độ nào đó đã quyết định vận mệnh của chính quyền Bashar al-Assad, nhưng có đạt được thỏa thuận với phe đối lập hay không, đó là điều mọi người vẫn phải chờ đợi.

Đình Nguyễn
.
.