Cục Dự trữ nhà nước

Thứ Sáu, 10/06/2016, 11:22
Báo chí cần đến chính khách để tăng độ “nặng và nhạy” của thông tin, hình ảnh, ngược lại chính khách cần báo chí để truyền tải thông điệp và hình ảnh của mình tới công chúng. Bởi mối quan hệ biện chứng đó đã tạo ra sự liên kết hấp dẫn giữa chính khách và báo chí.


Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam, đương nhiên đó là sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận năm châu. Hơn ai hết, báo chí chính là người phải mất ăn mất ngủ để theo dõi các hoạt động của người  đứng đầu cường quốc số 1 thế giới, mục tiêu càng có nhiều hình ảnh, nhiều thông tin càng tốt. 

Song, Tổng thống Hoa Kỳ cũng thông qua kênh báo chí để truyền tải hình ảnh của mình tại nơi mà ông nói “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”. 

Và hình ảnh ấn tượng nhất, gây “bão mạng” và có sức thu phục công chúng mạnh mẽ chính là bức ảnh vị Tổng thống ngồi uống bia chai, ăn bún chả tại Hà Nội. 

Tối 23-5 là khoảng thời gian đặc biệt đối với đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain vì ông được dùng bữa tối với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Hai người ăn bún chả tại quán Hương Liên, Hà Nội – Việt Nam. Thực tế, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ một trong số ít các khách mời trong chương trình ẩm thực của ông Bourdain mời thành viên đoàn quay phim ăn cùng.

“Phản ứng của người dân Hà Nội khi biết Tổng thống Obama ăn bún chả vượt ra ngoài sức tưởng tượng. Hiệu ứng không thể tin được. Nhiều người hồ hởi kể với tôi về sự bất ngờ và niềm tự hào trước sự lựa chọn hoàn toàn ngoài dự đoán (của Tổng thống Obama)” – ông nói.

Hình ảnh Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thanh xắn quần vớt bèo gây chú ý dư luận.

Khi Tổng thống đã có mặt ở tầng 2 để ăn bún chả thì đoạn đường trước quán đã ken đặc người, trong đó hàng trăm phóng viên báo chí đã ngay lập tức có mặt với ống kính thường trực. 

Song bức ảnh đáng giá nhất: Tổng thống khoan thai ngồi ghế nhựa dốc ngược chai bia để uống thì duy nhất chỉ đầu bếp Anthony Bourdain mới có. Bức ảnh này lan truyền chóng mặt ngay khi nó được công bố. Rõ ràng, trong trường hợp này, đầu bếp Anthony Bourdain trở thành nhà báo độc quyền về tin, ảnh Tổng thống, buộc tất cả các báo phải hóng hót theo mình.

Từ sự kiện này đặt ra câu hỏi: Hình ảnh nào, hành động nào thực sự chinh phục trái tim công chúng? Đó không hẳn là những bản tuyên bố dày dặn, không hẳn là những cuộc họp trong phòng ốc sang trọng, uy quyền. 

Hình ảnh gây xúc động và tạo dấu ấn sâu đậm trong người dân lại chính là những nét bình dị, dân dã đời thường. Người dân thường quan niệm, những vị chính khách, nhất là tầm nguyên thủ quốc gia các nước thì “chỉ thấy trên ti vi”, nơi làm việc, đi lại cho đến bữa ăn uống của họ hẳn chỉ ở những phòng ốc sang trọng mà dân thường không thể có mặt. 

Trong dòng suy nghĩ đó, việc xuất hiện hình ảnh chính khách bình dị, dân dã kiểu uống bia hơi, ăn nem chả hay dạo phố cổ, mua nón lá… thực sự gây ấn tượng mạnh. 

Ở nhiều nước phát triển, bộ trưởng vẫn đi tàu điện ngầm, thủ tướng vẫn đi chợ, ví như Thủ tướng Đức Angela Merkel bê khay xếp hàng chờ đến lượt mình lấy đồ ăn. Hình ảnh đó cho thấy chính khách rất bình dị với cuộc sống đời thường. 

Qua đó, người dân không chỉ thấy chính khách gần gũi với mình mà còn là niềm tin vì chính khách có sống cuộc sống bình thường thì mới hiểu dân, từ đó mà có chính sách thân dân, có lợi cho dân.

Ở ta, báo chí có vai trò quan trọng trong việc truyền tải mối quan hệ giữa chính khách với người dân. Cũng có mối quan hệ mang tính sắp đặt, hay còn gọi là “diễn” nhằm tạo dựng hình ảnh thân thiện, song cũng có những mối quan hệ mang tính cốt cách, là lối sống đúng như bản chất của người lãnh đạo. 

Ở cả hai trường hợp, dù là diễn hay là thực, báo chí đều có thể “điều phối” để thể hiện được hình ảnh chính khách đến người dân. Những gì là cốt cách, là đời thực của lãnh đạo bao giờ cũng có sức truyền tải mạnh mẽ, sức sống lâu bền trong người dân. 

Ví như hồi ông Trương Đình Tuyển làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, thỉnh thoảng ông có thói quen đạp xe đi chợ, như ông nói vừa để thể dục, mua sắm và nắm xem đời sống bà con thế nào. Hình ảnh ấy quen thuộc, gần gũi vốn được lưu truyền trong dân, sau báo chí mới biết, đến hỏi thì được ông kể lại. 

Nghĩa là không phải cảnh sáng mai đi chợ, Bí thư chưa ra đến nơi đã thấy cả nhóm phóng viên la liệt máy ảnh đứng chờ mà ông đến, ông đi như lẽ thường ngày, chỉ người dân biết. Ấy là cốt cách, là lẽ sống đời thường.

Nhưng trong nhiều trường hợp cụ thể, nhất là bối cảnh công nghệ mạng và điện thoại đa chức năng như hiện nay khiến mỗi người dân “cũng là một nhà báo” thì hoạt cảnh cũng cần đến sự sắp đặt, kế hoạch. 

Báo chí "bủa vây" đại biểu Quốc hội.

Chẳng hạn, trong các buổi lễ xuống đường vì an toàn giao thông, xuống đồng cùng dân cấy lúa, vì đó là lễ có tính phát động, kêu gọi nên đương nhiên cần hình ảnh từ thông tấn báo chí để phát thông điệp tới người dân. Không có báo chí, nếu chỉ là việc cá nhân như đi cấy lúa ở nhà mình thì không đảm bảo tính truyền thông tới cộng đồng, trong sự kiện mà yếu tố truyền thông có ý nghĩa quan trọng. 

Vì thế, tôi không tán thành những ý kiến phản ứng hình ảnh những vị lãnh đạo xuống đồng cày cấy trong các lễ tịch điền - vốn có tính diễn trong buổi lễ. Nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, thì “tôi rất thích hình ảnh ông Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng vận hành máy cấy với người dân dịp đầu xuân. Đây là hình ảnh đẹp và cũng phù hợp với nông nghiệp hiện đại”. 

Tục xuống đồng bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Tiền Lê. Năm 987, vua Lê Đại Hành mở ra tục lệ đầu năm tịch điền (đi cày) để khuyến khích người dân tăng gia sản xuất. Đấy là tục lệ rất đẹp, được truyền qua nhiều đời. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần tát nước chống hạn với dân, cày bừa với dân. 

“Nhưng trước đây người dân cày bằng trâu thì vua cũng cày bằng trâu. Bây giờ ngồi lên máy cày hay đẩy cái máy cấy thì phù hợp với cuộc sống hiện đại hơn” – ông phân tích. Hay như việc Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đi bộ trên đường hoa Nguyễn Huệ, xuống vớt bèo cùng thanh niên hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ môi trường…

Hành động của chính khách sẽ nhanh chóng được báo chí truyền tải tới nhân dân, vậy chính khách cần thể hiện phong thái thế nào? Nhiều ý kiến chung nhận định, đối với chính khách, nói rộng ra là cán bộ lãnh đạo, điều quan trọng số 1 là cái tâm và cái tài của người đó. 

Nhưng chính khách là người ảnh hưởng lớn tới công chúng nên phải chú ý hình ảnh của mình. Nếu một chính khách có cử chỉ cởi mở, trân trọng người dân, người dân sẽ thấy người lãnh đạo là người của mình, thấy gần gũi và tin tưởng hơn vào lãnh đạo. Tuy nhiên, sự bình dị hay lịch lãm phải tuỳ hoàn cảnh. 

Khi đi vào đời sống người dân, tác phong cần giản dị, gần gũi, ăn uống bình dị. Ngược lại, chính khách xuất hiện trong các sự kiện quan trọng, có tính chất đại diện cho quốc gia, cho ngành, địa phương thì phải chú ý tới hình ảnh sao cho lịch sự, phong thái.

Tạo dựng hình ảnh là cần thiết song hình ảnh như thế nào trước mắt công chúng thì điều đó phải xuất phát từ chính mỗi người. Chẳng hạn, không phải Thủ tướng Đức Angela Merkel cố ý cầm khay chờ đến lượt lấy đồ ăn để cho báo chí chụp hình, mà nếp sống của họ là như vậy. 

Trong công việc thì bà Merkel là Thủ tướng nhưng trong đời thường bà cũng có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi người khác, vào quán ăn thì phải xếp hàng. Hay những cử chỉ của ông Barack Obama như chào người bảo vệ, cầm ô che mưa cho mình và nhân viên hay ngồi ăn bún chả, đó vừa là phần diễn song cũng là hoạt động rất đời thường. 

Ở nước ta, mỗi cử chỉ, lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến sĩ, đồng bào và bạn bè quốc tế đều là những hình ảnh đẹp vì xuất phát từ cái tâm của Bác. Rõ ràng, xây dựng hình ảnh chính khách bằng chính cái tâm của chính khách là hiệu quả nhất mà cũng là dễ nhất.

Gần đây, chính khách ngày càng chú ý hơn tới hình ảnh của mình, muốn khẳng định mình trong mắt công chúng nên cần tới kênh truyền tải từ báo chí. Chính báo chí là người “dẫn dắt sự kiện” để truyền tải và định hướng dư luận và người dân về hình ảnh, hành động của lãnh đạo. 

Việc đó lặp đi lặp lại sẽ tác động vào suy nghĩ, tình cảm của người dân. Và khi báo chí đã chịu trách nhiệm là cầu nối dẫn dắt thì các nhà báo biết chắt lọc thông tin, chắt lọc hình ảnh và bình luận, phản ánh ra sao cho chính khách mà mình cần tuyên truyền tạo được uy tín, vị thế. 

Nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều vị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo bộ, ngành đã xây dựng được uy tín lớn từ việc truyền tải này. Từ đó, việc tốt được vinh danh, được bàn vẽ nhiều; việc chưa tốt cũng ít bị “chọc”. 

Ngược lại, cũng có vị dù thực tế đã có nhiều việc làm hữu ích nhưng việc dở cũng nhiều, khi làm hay diễn và thiếu cái tâm, lại không thực sự chú trọng truyền thông nên “hiệu ứng điều xấu” có lý do để bị khai thác dưới nhiều góc độ.

Ấy cũng là điều người lãnh đạo cần nắm rõ trong bối cảnh bùng nổ thông tin ngày nay.

An Nhi
.
.