Cứ thi môn Văn, thì rồi sao?

Thứ Ba, 04/06/2013, 14:12
Gần đây, trước chủ trương bỏ thi đầu vào môn Văn đối với các trường cao đẳng, đại học thuộc khối nghệ thuật, dư luận như được một phen hâm nóng, sốt lên xình xịch. Đồng thuận và phản đối. Chưa có ai làm một điều tra xã hội học thật cẩn thận về vấn đề này, nhưng xem ra, các ý kiến nghiêng về phản đối tỏ ra áp đảo hơn các ý kiến đồng thuận.

Người ta, nhiều vị đạo cao đức trọng, giàu nỗi lòng (niềm) với nền giáo dục đang hồi lắm sóng gió của nước nhà, đã đăng đàn để lớn tiếng bảo rằng “Văn học là nhân học” (có lẽ chưa bao giờ nhận định của nhà văn vô sản Gorky được dẫn ra nhiều đến như lúc này), rằng Văn học làm giàu có thêm cho trí tuệ và làm phong phú thêm những tình cảm tốt đẹp trong tâm hồn mỗi con người v.v và v.v… Nay bỏ thi môn Văn, nhất lại là môn Văn trong các trường thuộc khối nghệ thuật, chẳng hóa ra là bỏ hoang trí tuệ và tâm hồn của lớp sinh viên mới hay sao? Chẳng hóa ra là sự đánh dấu cả một phong hóa xã hội đang đi xuống hay sao?

Nhưng, tôi lại muốn thử đặt vấn đề theo một cách “cắc cớ” thế này: Nếu không bỏ, cứ cho thi môn Văn, thì rồi sao? Chúng ta sẽ có câu trả lời gần như ngay lập tức: Chẳng sao cả (ấy là tính cả việc niêu cơm của các thầy giáo chuyên luyện thi môn Văn  không còn phải chịu sự đe dọa sẽ ít nhiều bị vơi đi như trong lúc chưa đến hồi kết này).

Có nhiều ý kiến khác nhau trước chủ trương bỏ thi đầu vào môn Văn đối với các trường cao đẳng, đại học thuộc khối nghệ thuật.  Ảnh: Minh Trí.

Chẳng sao cả, với cái nghĩa rằng nếu cứ thi môn Văn thì cũng chẳng vì thế mà sinh viên các trường nghệ thuật (và sinh viên nói chung) sẽ yêu văn chương hơn. Không thể có chuyện ấy đâu! Những lời than phiền, và cả những con số thống kê cụ thể, về tình trạng xuống cấp của văn hóa đọc (trong đó đương nhiên có văn học) thời gian qua đã quá đủ để chứng minh cho nhận định trên.

Thực tế của việc dạy môn Văn trong nhà trường phổ thông ở ta suốt nhiều chục năm qua cho thấy, đó là cách dạy nặng về áp đặt, công thức, khô khan, giáo điều. Nghĩa là chẳng có “văn” một tý tẹo nào. Ông thầy cứ lên lớp để giảng về tác phẩm A, tác giả B, giai đoạn văn học C, theo những “ý” có sẵn dưới dạng những gạch đầu dòng - và rất thường là không phải “ý” của thầy - không sai chệch. Ở bên dưới, việc của học sinh là cắm cúi chép bài giảng, sao cho thật đầy đủ, chớ có được sót “ý” nào. Rồi cứ thế mà đi thi. Và khi thi, chớ có dại mà lấp ló thập thò quan điểm riêng của mình (nếu chẳng may có) về tác phẩm.

Anh Pha là thế này, chị Dậu là thế này, Chí Phèo là thế này thế này - giới luyện thi môn Văn nhiều năm nay vẫn quen gọi tắt với nhau, cho nhanh, là Pha Phèo Dậu - cứ thế mà làm. Thang điểm sẵn rồi, ý Một ý Hai ý Ba ý Bốn đấy, viết cho đủ, miễn đừng viết sai chính tả, đừng ngô nghê quá lố khi trình bày bài làm bằng… tiếng Việt, vậy là đạt. (Cần phải nói chuyện này là vì cái thực tế sờ sờ là có kha khá học sinh lớp 12 rồi mà viết vẫn sai chính tả be bét, và câu văn tiếng Việt thì còn lâu mới đạt đến độ sạch sẽ cần thiết).

Cách dạy cách thi cách chấm như thế, khỏi phải nói, không khơi gợi được ở học sinh niềm say mê khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn trong tác phẩm văn chương đã đành, thậm chí còn khiến học sinh… khiếp sợ môn Văn như Tào Tháo khiếp sợ trận Xích Bích, mang tâm lý học đối phó, coi môn Văn chỉ như những bài học thuộc lòng dài lê thê dai nhanh nhách, cố mà nhồi vào đầu để khi thi còn có điểm. Có điểm rồi là “giã từ dĩ vãng”, là “vĩnh biệt tình xa” một cách đầy hân hoan sung sướng.

Có bao nhiêu trường hợp học sinh sau khi học một trích đoạn Tắt đèn hoặc bài thơ Bầm ơi trong sách giáo khoa (ví dụ thế), bèn đi tìm (mua hoặc mượn) cả cuốn tiểu thuyết của Ngô Tất Tố hoặc cả tập thơ của Tố Hữu để đọc, xem cái tác phẩm trọn vẹn ấy nó hay ho ra thế nào? Kể cũng có, nhưng ít lắm. Nói chung thì học sinh của chúng ta rất dễ bằng lòng với những mẩu, mảnh bán lẻ của tác phẩm văn chương dưới hình thức bài học bắt buộc phải học trong sách giáo khoa môn Văn. (Xin được liều lĩnh nói thêm, việc học môn Văn ở bậc đại học xem ra cũng chẳng khá hơn là mấy.

Nhiều sinh viên văn chương hẳn hoi, giỏi lắm chỉ đọc giáo trình chay do các thầy viết. Học 4, 5 năm đại học, ra trường rồi mà chưa thèm biết mặt mũi những Chiến tranh và hòa bình to dày sù sụ hay Bà Bovary nhỏ gọn khiêm tốn hơn nó ra làm sao? Bởi vì rằng đơn giản là không biết thì cũng chẳng làm sao. Chỉ có điều, đến tuổi ấy rồi mà vẫn không biết thì chắc là họ sẽ không bao giờ còn định biết nữa! Lúc ấy, người nào còn… có tâm thì cũng đành ngậm ngùi như thi sỹ họ Du: “Như con chim bói cá/ Trên cọc nhọn trăm năm/ Tôi tìm đời đánh mất/ Trong vụng nước cuộc đời”).

Không phải tại họ đâu. Đổ lỗi như thế thì tiện thật đấy, nhưng lại lẫn lộn nháo nhào nhân với quả và gieo tiếng oan cho đám sinh đồ tội nghiệp. Sự thực là: Cách dạy cách thi cách chấm văn ấy ắt sẽ đẻ ra cách học văn ấy, sẽ đẻ ra lối ứng xử với văn chương đầy sự nhạt nhẽo ghẻ lạnh buồn buồn ấy, tủi tủi ấy. Và khi đó, cái mệnh đề chưa bao giờ sai “Văn học là nhân học” của văn hào Gorky cũng sẽ trở nên là một sự đúng… chẳng biết để làm gì. Những trang sách chắc chắn chết khô khi chẳng ai ngó ngàng đến chúng!

Trở lại với câu chuyện cụ thể mà ta đang bàn. Nếu cứ giữ môn Văn làm một môn thi đầu vào ở khối các trường nghệ thuật, thì cũng chẳng sao cả. Vì sau đó thì đằng nào các cử nhân nghệ thuật tương lai cũng không được học môn Văn nữa, hoặc nó chỉ được coi là môn học rất phụ trong chương trình đào tạo ở một vài trường mà thôi.

Thực tế là như vậy. Điều đó liệu có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển trí tuệ và sự nảy nở tâm hồn của họ không? Có làm họ bớt sáng láng, bớt thâm viễn, bớt gần cái đẹp và bỏ xa cái xấu không? Theo tôi, không hề. Không học môn Văn hoặc chỉ học nó như một môn rất phụ, không có nghĩa rằng người ta không còn được tìm đến với tác phẩm văn chương để tự làm giàu làm có cho bản thân mình.

Ta đang khoanh vùng trong một lĩnh vực cụ thể là nghệ thuật, vậy thì… cứ phải nghệ thuật mà nói thôi: Trong quá khứ, chúng ta đã có khá nhiều đạo diễn - diễn viên sân khấu, đạo diễn - diễn viên điện ảnh, nhạc sỹ, họa sỹ… đầy tài năng, mà một phần tài năng của họ là bắt rễ từ việc họ chịu đọc, họ ham đọc tác phẩm văn chương. Chuyện thực tế chứ không phải nói vu khoát.

Với lớp diễn viên kịch nói Việt Nam thành danh ở những năm 1970, 1980 chẳng hạn, sở dĩ một động tác trên sân khấu, một câu đài từ của họ cũng khiến người xem bị hút hồn, ấy là vì ngoài khả năng chuyên môn được trau dồi khổ luyện đến mức “lô hỏa thuần thanh”, “đăng phong tháo cực”, trong động tác ấy đài từ ấy còn có cả phần hồn của những trang văn chương đã ngấm vào máu người nghệ sỹ.

Gần đây tôi có dịp trò chuyện với Nghệ sỹ ưu tú Ngọc Hiền, một diễn viên sáng giá của Đoàn kịch nói thành phố Hải Phòng hồi ba, bốn chục năm trước. Thật kỳ lạ, NSƯT Ngọc Hiền đọc Anna Karenina đã nửa thế kỷ, vậy mà vẫn có thể nhớ tới từng chi tiết của cuốn tiểu thuyết, và nói về nó một cách rất say sưa. Phải chăng vì thế mà bà đã diễn những Klea trong Con cáo và chùm nho, phu nhân Milfo trong Âm mưu và tình yêu, v.v… hay đến thế? (Danh sách những nghệ sỹ như thế này có thể kéo rất dài: cố NSND Trọng Khôi, NSND Đặng Nhật Minh, NSND Thế Anh, NSƯT Lê Chức, v.v…).

Có thể nói gọn về những nghệ sỹ này như thế này: Họ đọc, vì không thể chịu nổi nếu không đọc. Chẳng ai bắt, chẳng ai đòi. Một nhu cầu tự thân, một niềm say mê thực sự. Và họ đã nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng. (Nói gọn là được tổ đãi). Ở phương diện này, tôi tin là nó chẳng mấy liên quan đến việc những nghệ sỹ ấy có phải thi môn Văn hay không, có áy náy về chuyện môn Văn có thể bị bỏ thi hay không.

Còn bây giờ, tỷ như chiều theo ý của những vị phản đối việc bỏ thi môn Văn vào các trường cao đẳng, đại học thuộc khối nghệ thuật, ừ thì cứ thi, thậm chí thi xong vẫn có thể tiếp tục học môn Văn dài dài, nhưng nếu người dạy Văn không dạy đúng cách và người học Văn nhất quyết không chịu đọc tác phẩm văn chương cho nó, ít ra là tử tế, thì chất thêm gấp mười lần những mỹ từ đã có về chức năng to tát của văn chương trong đời sống cũng là vô ích. Có ai đó từng nói, không thể chí lý hơn: Không ai điếc bằng người không muốn nghe. Và trong trường hợp ấy thì, “Văn học là nhân học”, xin nhắc lại, vẫn là một mệnh đề quá đúng chứ không còn là đúng, nhưng không biết để làm gì?

Vậy nên, trong tình hình học và dạy môn Văn như nó đã và đang diễn ra ở ta, và như tôi đã trình bày ở trên, theo cách tôi nhận thấy, việc bỏ thi môn Văn hay không bỏ thi môn Văn không hề là vấn đề đáng để bàn. Nói theo cách quen thuộc của một nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học quá cố, Giáo sư Đinh Gia Khánh, thì đó quả là một “ngụy vấn đề”.

Bỏ thi, chẳng mất gì. Không bỏ thi, cũng chẳng thêm được gì. Bỏ thi môn Văn ở các trường thuộc khối nghệ thuật, thậm chí cả các trường thuộc khối xã hội nhân văn, cũng được. Bắt thi môn Văn ở cả các trường thuộc khối khoa học tự nhiên lại càng được. Bởi, điều cốt yếu là dường như đã rất ít người quan tâm đến cái câu hỏi đáng mặt là câu hỏi này: Môn Văn trong nhà trường, rốt cuộc thì nó là cái gì vậy? Chán mớ đời!

Hoài Nam
.
.