"Công xưởng bệnh tật": Nỗi ám ảnh của nhân loại

Thứ Tư, 12/02/2020, 21:07
Virus không chỉ tấn công người bệnh, mà còn thách thức đề kháng của toàn bộ xã hội loài người. Nó chứng kiến tất cả những gì tốt đẹp lẫn xấu xa nhất của chúng ta.

Ám ảnh đại dịch

Đấy là một trong những nỗi ám ảnh đáng kể nhất của con người hiện đại. Vấn đề này xuất hiện trong những ấn phẩm gây tiếng vang rất lớn như The Coming Plague (tạm dịch: Đại dịch đang đến, xuất bản năm 1994) của Laurie Garrett hay Hot Zone (Điểm nóng, 1995) của Richard Preston. Những cuốn sách này cho rằng con người đã xâm nhập quá sâu vào thiên nhiên, khuấy tung những khu rừng nhiệt đới, đánh thức những chủng virus chết người và mở màn cho những cuộc phản công của tự nhiên.

Vào cuối những năm 90, chúng ta lại chìm sâu trong nỗi sợ hãi vũ khí sinh học, với hàng tỷ đô các chính phủ ném vào cuộc chiến chống lại các thế lực tưởng tượng là những con virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Như thể sự hoảng loạn này là chưa đủ, virus cúm gia cầm cùng với biến chủng H5N1 đã gieo rắc nỗi sợ hãi đến toàn thế giới từ 2004-2007, sau đại dịch SARS 2003. Và bây giờ, đến lượt virus Corona (nCoV) khắc sâu thêm nỗi sợ đại dịch vào tâm trí con người hiện đại.

Nỗi sợ hãi được xác nhận bằng ký ức đau đớn trong lịch sử: rốt cục thì bệnh dịch đã giết quá nhiều người trong quá khứ, bất kể sang hèn. Đại dịch Antonine, được cho là sởi hoặc đậu mùa (nguyên nhân thực sự chưa được xác định rõ), diễn ra vào năm 165 sau Công nguyên, đã giết chết hoàng đế La Mã vĩ đại Marcus Aurelius cùng hàng triệu thần dân của ông. Trận đại dịch hạch Justinian - được đặt theo tên hoàng đế La Mã Justinian I - đã mang trực khuẩn Yersinia pestis (tạm gọi: vi khuẩn dịch hạch) từ Bắc Phi vượt biển Địa Trung Hải lây lan đến tận Constantinople (Istanbul ngày nay) và các thành phố khác dọc Địa Trung Hải vào năm 541 sau Công nguyên. Chỉ một năm sau, chuột và bọ chét bị nhiễm đã mang mầm bệnh tiến sâu lên phía Bắc, đến tận Rennes (Pháp) và trung tâm nước Đức. Hàng triệu người chết.

Sau đó, đại dịch Cái chết đen (diễn ra từ 1348-1350), cũng do vi khuẩn dịch hạch gây ra, đã không chỉ nhiễm từ chuột và bọ chét nữa mà còn lây lan từ người qua người. Căn bệnh tàn phá dọc Con đường tơ lụa, đến những vùng đất mà sau này sẽ là Afghanistan, Ấn Độ, Ba Tư, Constantinople; vượt Địa Trung Hải lan từ Ý đến phần còn lại của châu Âu, giết chết hàng chục triệu người. Chưa hết, năm 1918, đại dịch kinh hoàng nhất trong lịch sử - cúm Tây Ban Nha - đã cướp đi mạng sống của 40 triệu người.

Nhà nghiên cứu virus học người Úc vĩ đại Frank Macfarlane Burnet lập luận rằng những căn bệnh mới mẻ luôn luôn là những căn bệnh nguy hiểm nhất. Điều này có vẻ rất hợp lý: ký sinh trùng nào giết chết vật chủ của nó sẽ là một ký sinh trùng chết, vì không còn vật chủ, mầm bệnh không còn cách nào để tồn tại và lây lan. Theo lập luận này, những virus mới phát hiện sẽ là những tác nhân tiềm ẩn nguy cơ to lớn gây ra đại dịch. Trong khi đó, những con virus có "lịch sử lâu đời" sẽ tiến hóa tương đối lành tính.

Nhiều chuyên gia y tế đưa ra quan điểm xa hơn, khi cho rằng những đại dịch sẽ xuất hiện như là hậu quả của việc con người can thiệp quá sâu vào thế giới tự nhiên. Họ đề cập đến nguy cơ xuất hiện khi con người ở châu Phi tiến sâu vào rừng rậm để đi săn các loài gặm nhấm, thỏ, khỉ, vượn và những mầm bệnh âm thầm lây lan trong thế giới hoang dã có thể làm bùng nổ đại dịch như một lời cảnh báo uy nghiêm của tự nhiên đến con người, khi họ dám xâm phạm những chỗ không nên tới.

Nhưng, cũng rất nhiều nhà nghiên cứu khác chỉ ra sự bất hợp lý của kịch bản nói trên: Sự tiếp xúc giữa con người và động vật không phải là điều gì đó quá mới mẻ. Tổ tiên vượn người của chúng ta vốn là động vật hoang dã trước khi tiến hóa thành Homo Sapiens (Người tinh khôn). Chúng ta đã thuần hóa rất nhiều loài động vật, nuôi bò, lợn và gà trong các trang trại, phát triển một tình cảm đặc biệt với loài chó trong hàng ngàn năm.

Tranh vẽ trận đại dịch hạch Justinian. Ảnh: L.G.

Những con virus ranh mãnh nhất

Theo nhà dịch tễ học tiến hóa Paul W Ewald thuộc Đại học Louisville, những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất hầu như không phải những bệnh mới xuất hiện mà là các bệnh đã thích nghi với con người theo thời gian, như đậu mùa, sốt rét, bệnh lao, phong, thương hàn, sốt vàng da, bại liệt... Để thích nghi và tồn tại, một mầm bệnh phải xoay vòng các vật chủ, từ người này qua người khác và các chủng thích nghi tốt nhất sẽ là những chủng lây lan. Chọn lọc tự nhiên quyết định điều này, thúc đẩy quá trình thích nghi và lây lan hiệu quả hơn của chúng, qua thời gian.

Đó là lý do tại sao các loại virus có khả năng gây bệnh cao như cúm H5N1 gây bệnh ở gà, chẳng hạn, đột biến thành loại virus chết người lây từ người sang người, có ít ý nghĩa tiến hóa hơn ta tưởng. Trở thành một virus thích nghi với vật chủ là quá trình phức tạp và tinh tế: virus không chỉ vượt qua hệ thống miễn dịch của con người mà còn có khả năng thao túng vật chủ để làm rụng mầm bệnh. Một mầm bệnh như thế sẽ khiến con người hoạt động như một hệ thống phát tán virus, thông qua ho, hắt hơi chẳng hạn. Và ở một nấc cao hơn, nó thậm chí tự phát triển các mẹo lây lan có sức tàn phá khủng khiếp cho con người.

Và những kẻ ranh mãnh nhất vẫn là những "người quen cũ", với những cơ chế lây nhiễm vô cùng hiệu quả, là bệnh đậu mùa (lây lan qua không khí), dịch tả (lây lan qua nguồn nước) và sốt rét (lây lan qua muỗi là chủ yếu).

Nếu bạn vẫn còn quá ám ảnh bởi dịch SARS, hay thậm chí là Corona hiện tại, hãy thử nhìn vào những con số: bệnh sốt rét vẫn đang giết trung bình 1 triệu trẻ em mỗi năm; trong thế kỷ 20, bại liệt cướp nửa triệu mạng người mỗi năm. Cho đến ngày 5-2 vừa qua, thế giới có gần 500 người chết vì nCoV nhưng 757 ca đã khỏi bệnh trong số hơn 20 ngàn người nhiễm virus.

Sự so sánh vừa rồi không hề có ý hạ thấp sự nguy hiểm của nCoV nhưng thực tế là thế giới vẫn đang phải ứng phó những bệnh dịch đáng sợ ở cấp độ cao hơn, đã tàn phá nhân loại trong nhiều năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Y học thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có kinh nghiệm ứng phó với những chủng virus mới như nCoV. Nhưng bại liệt, tả, sởi... vẫn là nỗi ám ảnh, ngay cả khi chúng ta đã có vắc-xin phòng bệnh.

"Công xưởng bệnh tật"

Một đại dịch cổ đại bí ẩn đã bùng nổ ở Athens vào mùa hè năm 430 trước Công nguyên, trong những ngày đầu của Chiến tranh Peloponnisos, cuộc chiến kéo dài 27 năm giành quyền bá chủ giữa 2 thành bang Athens và Sparta. Pericles, nhà lãnh đạo của Athens, đã đề ra một chiến lược phòng thủ nguy hiểm với chính ông và 1/3 công dân Athens.

Ông khăng khăng đưa tất cả công dân, bao gồm những người sống bên ngoài thành thị và ở nông thôn, vào Athens, khiến cho phần còn lại của thành bang bị quân Sparta tàn phá. Pericles lập luận rằng người dân Athens sẽ an toàn đằng sau 4 bức tường, cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Dân số thường nhật của thành thị vào thời điểm ấy vào khoảng 150.000 nhưng các học giả ước tính rằng đã có khoảng 200.000-250.000 người ở các khu vực lân cận di cư vào Athens. Đa số không có nhà hoặc người thân ở thành thị, phải sống chui rúc trong các túp lều tạm bợ được dựng lên giữa bốn bề là tường bao.

Sự đông đúc tạm bợ và hỗn loạn này đã dẫn đến thảm họa: bệnh dịch lây lan như cháy rừng. Các nghiên cứu sau này từ khám nghiệm răng của người chết trong các ngôi mộ tập thể ở đây đã hé mở lý do của thảm họa này: dịch thương hàn bùng phát dẫn đến cái chết của 1/4 dân số ở Athens trong vòng 4 năm.

Nhà dịch tễ học tiến hóa Paul Ewald cũng đã chỉ ra cơ chế tương tự trong sự lây lan dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, được thúc đẩy bởi các chiến hào của Mặt trận phía Tây (Thế chiến thứ nhất). Đợt cúm đầu tiên bùng phát ở Mỹ, lan rộng khắp đất nước và phát tán theo các tàu chở quân đến châu Âu. Từ đó, nó lây lan vào các chiến hào, được phát triển độc lực nhờ sự bức bối của chiến tranh, với điều kiện ăn ở vệ sinh cực thấp, nơi những người bị thương la liệt biến toàn bộ hệ thống thành một ổ lây lan virus khổng lồ. Căn bệnh từ Mặt trận phía Tây lan đi khắp hành tinh qua các bến cảng, lây nhiễm cho hàng trăm triệu người và giết chết 2,5% số người nhiễm virus.

Ngày nay, người ta gọi cơ chế lây lan có mặt trong hầu hết những thảm họa như đại dịch Athens hay cúm Tây Ban Nha kể trên là "công xưởng bệnh tật" (disease factory), bao gồm những bệnh viện quá tải, những thành phố ngột ngạt, ô nhiễm, hay các trại tị nạn bức bối.

Trong thế giới hiện đại, khi chiến tranh đã bị đẩy lùi, thì chúng ta có những công xưởng bệnh tật mới, sản sinh từ khoảng cách giàu nghèo, dân trí, xung đột, bất bình đẳng và sự bất cân xứng thông tin.

Trên toàn cầu, hiện có 4,2 tỷ người đang phải sinh hoạt trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo, gần 700 triệu người vẫn dùng các nhà vệ sinh thô sơ và 2 tỷ người vẫn phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải của con người. Đây là những nguồn lây nhiễm khổng lồ. Hơn 20 triệu trẻ em không được tiếp cận với vắc-xin. Tính trung bình cứ 10 trẻ em thì có 1 em không được tiêm chủng phòng sởi, bạch hầu, uốn ván.

Nhưng, trong nền kinh tế sức chú ý, khi các phương tiện đại chúng thường làm mọi cách để thu hút người đọc, giật gân hóa và tạo ra sự hoảng loạn kinh khủng với những đại dịch mới, thậm chí bằng việc phát tán tin giả và so sánh với các bộ phim tận thế, thì những đại dịch khủng khiếp kể trên dường như trở nên thầm lặng hơn bao giờ hết. Số ca nhiễm sởi đã tăng gấp đôi chỉ trong một năm, từ 2017- 2018, theo thống kê của UNICEF. Năm ngoái, gần nửa triệu người nhiễm bệnh trong dịch tả ở Yemen, với số người chết lên đến gần một ngàn.

Và đó là vấn đề của con người với tư cách một sinh vật xã hội. Virus không chỉ tấn công người bệnh mà còn thách thức đề kháng của toàn bộ xã hội loài người. Nó chứng kiến tất cả những gì tốt đẹp lẫn xấu xa nhất của chúng ta: tổ chức hay hỗn loạn, nhân tính hay thờ ơ, bất công hay bình đẳng, đoàn kết hay chia rẽ. Những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, trong hỗn mang của những đại dịch mới và day dứt của một thế giới đang bị bỏ lại phía sau trong những "công xưởng bệnh tật" cũ.

Ban Cầm
.
.