Con tàu Anh và tảng băng cứng EU

Thứ Bảy, 16/11/2019, 14:06
Ở bản thỏa thuận mới thời ông Boris Johnson, Bắc Ireland vẫn là một phần của lãnh thổ hải quan cũng như khu vực áp thuế giá trị gia tăng của Anh nhưng sẽ tuân thủ các quy tắc của EU trong lĩnh vực này. Sẽ không có quy định hoặc kiểm tra hải quan tại biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland (một phần của Vương quốc Anh)...

Một thỏa thuận “tuyệt vời”!

Chỉ vài tuần trước thời hạn cuối cùng dự kiến là 31-10 để nước Anh đi hết con đường Brexit rời khỏi EU, Anh và EU đã đạt được một dự thảo thỏa thuận Brexit mà cả hai bên đều cho là tuyệt vời!

Trên trang mạng xã hội Twitter, ông Jean-Claud Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu viết: “Đó là thỏa thuận cân bằng và hợp lý cho Liên minh châu Âu-Anh và là bằng chứng cho cam kết giữa chúng tôi trong việc tìm ra giải pháp”.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi bản dự thảo này “là một thỏa thuận tuyệt vời để giành lại quyền kiểm soát”. Ông cũng hối thúc Quốc hội Anh mau chóng thông qua thỏa thuận để nước này có thể rời khỏi EU đúng như dự kiến và chuyển trọng tâm chính sách sang những vấn đề khác như chi phí sinh hoạt, dịch vụ y tế quốc gia...

Vậy bản dự thảo mà Anh vừa đạt được với EU “tuyệt vời” như thế nào?

Thực chất, bản thỏa thuận mà chính phủ của ông Boris Johnson vừa đạt được với EU là sự kế thừa có sửa đổi của bản thỏa thuận mà chính phủ của Thủ tướng Anh trước đây Theresa May đã đạt được với EU. Bản thỏa thuận thời bà May khá đồ sộ, dày tới 585 trang, 185 điều khoản, 3 Nghị định thư và kèm theo nhiều phụ lục.

Về tổng thể, dự thảo thoả thuận thời bà May liên quan đến một loạt các vấn đề từng gây tranh cãi nhưng đã được hai bên đàm phán để đạt tới sự nhất trí. Chẳng hạn như về khoản phí chia tay, Anh phải trả cho EU 45 tỷ euro. Hay quy chế đối với hàng triệu công dân Anh và công dân EU đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ của nhau sẽ tiếp tục được giữ nguyên quyền lợi như hiện tại, tiếp tục được hưởng trợ cấp và đoàn tụ gia đình. Tòa tư pháp châu Âu vẫn có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến công dân EU sinh sống tại Anh.

Đã có sự khác biệt trong hai bản dự thảo thỏa thuận về vấn đề biên giới Bắc Ireland, vốn là khúc mắc lớn nhất khiến quá trình đàm phán giữa hai bên gặp trục trặc trong suốt thời gian dài.

Theo dự thảo thỏa thuận thời bà May, để đảm bảo không tái lập lại “biên giới cứng” giữa vùng đất Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với nước Cộng hòa Ireland thuộc EU, hai bên thống nhất cả Vương quốc Anh, chứ không chỉ riêng Bắc Ireland, vẫn nằm trong liên minh thuế quan châu Âu trong một thời gian quá độ. Thời gian quá độ này trên lý thuyết sẽ kéo dài cho đến khi nào Anh và EU hoàn tất được một thỏa thuận về quan hệ kinh tế tương lai giữa hai bên thời hậu Brexit.

Trong thời gian quá độ này, Bắc Ireland ngoài việc phải tuân thủ các quy định của khối thị trường đơn nhất châu Âu thì sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ hơn về các quy định của EU so với phần còn lại của Vương quốc Anh.

Trong khi đó, ở bản thỏa thuận mới thời ông Boris Johnson, Bắc Ireland vẫn là một phần của lãnh thổ hải quan cũng như khu vực áp thuế giá trị gia tăng của Anh nhưng sẽ tuân thủ các quy tắc của EU trong lĩnh vực này. Sẽ không có quy định hoặc kiểm tra hải quan tại biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland (một phần của Vương quốc Anh). Như vậy, Bắc Ireland sẽ vẫn tuân thủ phần lớn các quy định của EU, đặc biệt là liên quan đến hàng hóa.

Thủ tướng Anh Boris Johnson từng tuyên bố Anh sẽ rời EU đúng thời hạn 31-10-2019 “bằng bất cứ giá nào”. Ảnh: L.G.

Cơn ác mộng của nước Anh

Việc đạt được một thỏa thuận giữa EU và Anh về tiến trình Brexit, dù mới ở dạng dự thảo, đã tạm thời cất đi gánh nặng cho cả hai phía, đặc biệt là cho nước Anh. Bởi không nghi ngờ gì nữa, tiến trình Brexit, ngay từ buổi ban đầu, đã thật sự là một cơn ác mộng đối với Anh.

Mặc dù là một thành viên EU, thế nhưng không chỉ tách rời khỏi lục địa châu Âu bằng một eo biển, Anh còn tách biệt với EU bằng một hệ thống pháp lý riêng biệt và kiên trì đến mức ương bướng sử dụng đồng bảng thay cho đồng euro ở phần còn lại của EU. Sự tách biệt đó được bồi đắp thêm bởi nỗi bực tức về việc Anh phải gánh mức hội phí hằng năm 20 tỷ USD (mà nhiều người Anh cho rằng quá bất công chỉ để chi cho các nước nghèo trong EU).

Chính sách của châu Âu tăng thuế nông nghiệp, thuế trị giá gia tăng đối với các doanh nghiệp Anh làm nước Anh không vui vẻ gì. Chủ nghĩa quan liêu lãng phí, hiệu quả thấp trong bộ máy của EU khiến Anh bất bình. Thêm vào đó, làn sóng nhập cư làm tăng tỷ lệ tội phạm cũng như gây sức ép nặng nề lên thị trường việc làm (một cách nói bóng bẩy của việc nhiều người Anh nghĩ họ bị người nhập cư cướp mất việc) khiến cho một bộ phận người dân Anh cảm thấy EU không phải là ngôi nhà chung ấm áp của mình.

Trong bầu không khí chán ghét và nghi kỵ đó, Thủ tướng Anh David Cameron thời kỳ 2016 đã đi một nước cờ sai lầm chết người là cho tổ chức trưng cầu dân ý về việc nước Anh nên ở lại hay rời EU. Ông Cameron, vốn là người ủng hộ Anh ở lại EU, hy vọng bằng một cuộc trưng cầu dân ý sẽ dập tắt khuynh hướng ly khai châu Âu, giống như những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Scotland đã thất bại trong việc đưa thành viên này rời khỏi Vương quốc Anh.

Thế nhưng, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit đã khiến tất cả té ngửa. Ông Cameron đã không tính đến yếu tố bất bình của nước Anh đối với châu Âu, cộng với nỗi sợ hãi người nhập cư được những phần tử ủng hộ ly khai khéo léo thổi vào tai những người đi bỏ phiếu, khiến nước Anh chập chững bước vào một tiến trình ác mộng không thể đảo ngược: Brexit.

Quốc hội Anh không thông qua lịch trình Brexit đúng hạn. Ảnh: L.G.

Vị “cứu tinh”?

Quá trình đàm phán để rời EU kéo dài trong 3 năm không tác động nhiều đến nền kinh tế Anh như người ta tưởng. Các chỉ số vẫn mang tính tích cực, ngoại trừ đồng bảng mất giá.

Những hệ lụy của giai đoạn 3 năm giằng co này chủ yếu là về mặt chính trị. Sau Thủ tướng David Cameron phải trả giá vì kết quả cuộc trưng cầu Brexit năm 2016, đến lượt bà Theresa May trở thành thủ tướng thứ hai là “nạn nhân” của Brexit sau 3 năm chạy đôn chạy đáo để nhằm đạt được một Brexit có thỏa thuận với EU.

Nó cũng làm bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt trên chính trường Anh, không chỉ giữa đảng Bảo thủ cầm quyền với các đảng đối lập mà còn trong chính nội bộ đảng Bảo thủ. Cứ mỗi lần Thủ tướng Theresa May đạt được một thỏa thuận - vốn không hề dễ dàng - với EU là một lần nó bị Quốc hội Anh bác bỏ. Những lần gia hạn lặp đi lặp lại, những lời hứa không bao giờ thành đã khiến bà May trở thành thủ tướng thứ hai buộc phải rời khỏi tòa nhà số 10 phố Downing trước thời hạn.

Lúc này, nước Anh tìm thấy một vị “cứu tinh” để thoát khỏi mớ bùng nhùng Brexit, ông Boris Johnson, người vừa lên nắm cương vị thủ tướng đã tuyên bố Anh sẽ rời khỏi EU đúng thời hạn 31-10-2019 “bằng bất cứ giá nào”.

Tương lai tùy thuộc vào Quốc hội Anh

Khái niệm “bằng bất cứ giá nào” mà tân Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố hàm nghĩa rằng đến thời hạn 31-10-2019, Anh sẵn sàng rời khỏi EU dù không đạt được một thỏa thuận nào hết. Nó là “Brexit cứng” - không thỏa thuận.

Điều đó cũng có nghĩa là nước Anh sẽ phải đối mặt với một tương lai được nhiều nhà phân tích dự báo rằng khó tránh khỏi kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng và dân số lão hóa (vì tuổi trung bình của dân nhập cư châu Âu vào Anh khá thấp). Ấy là chưa kể đến một hệ lụy khác, khi Scotland vẫn lăm le rời Vương quốc Anh, một khi “Brexit cứng” xảy ra.

Tuyên bố “rời EU đúng thời hạn 31-10-2019 bằng bất cứ giá nào” của ông Boris Johnson được coi như sức ép tối đa với các thành phần cản trở tiến trình Brexit trong Quốc hội Anh, rốt cuộc cũng chẳng đạt được mục tiêu như ông mong đợi. Thời hạn cuối trôi qua mà nước Anh vẫn chẳng thể rời EU, dù có hay không có thỏa thuận.

Những ràng buộc pháp lý rắc rối đã buộc ông Boris Johnson phải gửi tới EU một bức thư không có chữ ký, đề nghị gia hạn thêm một lần nữa! Lại thêm một thời hạn mới được đưa ra, có thể là lần cuối cùng, 31-1-2020.

Có thể mang tiếng là thất hứa, thế nhưng ít nhất ông Boris Johnson cũng biết tận dụng việc Quốc hội Anh không thông qua lịch trình Brexit đúng hạn để đạt được lợi ích chính trị: các đối thủ của đảng Bảo thủ bị đổ lỗi cho sự trì hoãn này. Nếu một cuộc tổng tuyển cử diễn ra, những ai bỏ phiếu cho Công đảng sẽ bị cho là bỏ phiếu cho việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc đi hay ở lại EU. Cũng có nghĩa là mất ít nhất thêm một năm nữa để tranh cãi về Brexit, trong khi dân Anh đã thật sự mệt mỏi và ngán ngẩm vì quá trình này.

Nay thì thỏa thuận với EU đã có, giờ chỉ còn phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội Anh. Hơn một thế kỷ trước, con tàu Titanic rời khỏi một hải cảng nước Anh, băng qua biển để tới Mỹ đã va vào một tảng băng trôi và chìm xuống Đại Tây Dương. Giờ đây, con tàu nước Anh với vị thuyền trưởng Boris Johnson cũng đang lèo lái tìm mọi cách không va vào tảng băng cứng EU để một ngày nào đó, có thể cập bến an toàn sau hải trình Brexit nhiều sóng gió.

Yên Ba
.
.