Nương về câu hát cũ

Chủ Nhật, 02/04/2017, 09:49
Ông chủ tịch xã Vĩnh Hùng Lê Văn Trung nhắn cho cái tin "hăm tám tháng hai nhớ về đấy…". Vĩnh Hùng là ở đâu? Hăm tám tháng hai là ngày gì vậy?

Tháng Giêng năm bốn sáu (1-1946) như chán vạn làng quê có cái tên cũ, cổ khác, Quốc hội khóa đầu tiên của chính thể mới dân chủ cộng hòa đã cho phép nhất loạt đổi thành tên mới. Theo đó, làng Biện Thượng có từ thời thuộc Đường (năm 867) thành tên mới Vĩnh Hùng của huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh.

Biện Thượng là nơi sinh hạ Chúa tiên khởi Trịnh Kiểm. Bồng Thượng, vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, 6 di tích được nhà nước xếp hạng quốc gia, cấp tỉnh Phủ Trịnh, Nghè Vẹt, đền thờ Quốc công Hoàng Đình Ái… Tin nhắn của chủ tịch Trung như bừng dậy câu ca cũ của đất Biện Thượng. Bập bõm ca từ ấy trong điệu chầu văn sân đình làng không biết đến lứa chúng tôi thì đã là bao nhiêu đời?

Muốn coi lên Phủ Báo mà coi/ Đường đục, đường chạm, đường soi rành rành/ Hoa rũ tán, liễu buông mành/ Nước non Thiên Trúc cung đình Bồng Lai.

 Hoặc "Ai về Phủ Báo mà coi…  Bốn bức tường thành rồng leo chín khúc".

Hay "Lệ làng hăm tám tháng hai (28-2 ÂL)/ Lệ làng rước bóng gái trai phải lòng/ Mưa xuân cho cỏ rậm đồng/ Cho trai với gái phải lòng với nhau!".

Có lẽ đến đây phải thư thả để ghé vào một sự kiện. Vào hồi 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Một góc trong lễ hội rước nước.

Nghĩ mà sợ lẫn phục cho các vị làm thủ tục dâng trình lẫn xét duyệt cùng ban tổ chức. Bởi một trình tự, có thể nói là rất nhiêu khê trong dòng chảy văn hóa Việt lại được có sự đồng cảm mau chóng như thế?

Cái năm đã lẩu lâu, chúng tôi được thầy Đinh Gia Khánh (GS chuyên ngành văn hóa dân gian) giải mã cùng diễn nôm cái khái niệm tôn giáo tín ngưỡng thờ Mẫu huyền bí rắc rối ấy đại ý thế này. Dân ta, thân phận con sâu cái kiến phải gánh chịu những nỗi thống khổ quá sức chịu đựng và trong đầy ải của kiếp người, họ khao khát được giải phóng. 

Với nhu cầu được cứu khổ cứu nạn ngày càng trở nên bức thiết, ngoài tâm lý nương nhờ vị phật hay vị bồ tát nào đó nhưng những linh tượng ấy đôi lúc quá xa vời với dân, đôi lúc kêu không thấu nên dân đòi hỏi một linh tượng mà cuộc đời và hành trạng gắn bó với chính đất nước mình, con người mình, ngự trên đất nước mình, đi mây về gió trên vùng trời của đất nước mình. Vị ấy vừa phải thật đời vừa quyền phép vô biên. 

Vì thế họ sáng tạo nên Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một Thánh Mẫu có nguồn gốc xuất thân cụ thể, một hành trạng biến hóa khôn lường, triều đình cũng phải nể sợ. Tục thờ Liễu Hạnh là một bộ phận không thể tách rời của tín ngưỡng thờ Nữ Thần và đạo Mẫu Việt Nam. 

Đến khoảng thế kỷ XVI thì tín ngưỡng Mẫu Liễu đã lan tỏa khắp Bắc bộ. Hai trung tâm thờ Mẫu Liễu lớn nhất miền Bắc là Phủ Tây Hồ (Hà Nội) và Phủ Giầy (Nam Định). 

Trước năm 1945, hội Phủ Giầy được tổ chức theo nghi thức quốc tế (mang tầm quốc gia), điều đó cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng Mẫu Liễu trong đời sống tâm linh người Việt Bắc bộ. 

Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu tiêu biểu cho dạng thức thờ Mẫu ở miền Bắc: Mẫu Tam Phủ (Mẫu Cửu Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải, cai trị ba cõi: cõi trời, cõi nước và cõi rừng) và Tứ Phủ (ngoài Thiên phủ (miền trời), Địa phủ (miền nhân gian), Nhạc phủ (miền rừng), Thoải phủ (miền sông nước) còn thêm Thánh Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Địa, cai quản miền nhân gian.

Cứ như tâm thức ấy mà suy nên làng Biện Thượng xưa, nay là Vĩnh Hùng có cả chùa lẫn phủ. Chùa Báo Ân thờ Phật. Phủ Báo thờ Mẫu Liễu Hạnh. Chùa Báo từng một thời nguy nga. Phủ hay chùa, cái nào có trước? Chả thể biết. Nhưng phủ lẫn chùa chỉ còn trong những nắc nỏm, nhắc nhớ. Hình như bị phá bằng địa hồi cải cách ruộng đất. Phủ, chùa đều sát cạnh nhau đều hướng xuống khúc sông Mã từng là chiến trường ác liệt của quân Lê Trịnh bao năm với quân nhà Mạc. 

Trước cả thời ấy, tại phủ Báo, cứ cữ hăm tám tháng hai hằng năm lại diễn ra lệ làng, hội làng. Hội rước kiệu Bà Chúa Liễu Hạnh, còn gọi là hội rước bóng - rước nước. Hội mở trước ngày chính kỵ giỗ Bà Chúa Liễu mồng một tháng ba âm lịch. "Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ". Trong tứ bất tử, đức Thánh Trần (giỗ vào tháng 8 ÂL) và Bà Mẫu Liễu Hạnh chiếm hai vị trí thiêng liêng trong tâm thức dân Việt!

Nước đã rõ. Nhưng còn bóng? Tại sao gọi là bóng? Lẩn mẩn tra Đại Nam quốc âm tự vị giải nghĩa chữ hồn phách là "đồng nghĩa với hồn vía và hồn xác" (T.II, tr.181, 551) Hồn là thứ "cốt tử làm cho người ta sống, sự sống, mạng sống, vật linh thiêng ở trong mình người ta" (T.I, tr.443). Và vía là "hồn sống, hơi, bóng người ta" (T.II, tr.551). 

Sự giải nghĩa ấy về cơ bản đồng nhất với quan niệm truyền thống về hồn phách (hồn vía) "thác là thể phách, hồn (còn) là tinh anh". Vậy hội rước bóng - rước nước của làng Biện Thượng là rước hồn vía của Bà vậy?

Cái lệ làng, hội rước bóng ấy đã bặt khuất sau năm 1954 vì nhiều nhẽ. Nhưng cứ theo trí nhớ của nhiều bậc cao niên (có cụ Khắc Tuế vốn là người làng Biện Thượng - Vĩnh Hùng nguyên là Trưởng phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc) thì kịch bản và lộ trình của lệ ấy đại loại thế này. 

Ngày khai hội, sau khi hương khói tế lễ nghiêm cẩn, dân làng cung kính rước linh vị của Bà lên chiếc kiệu bát cống (tám người khiêng) rất đẹp. Trong âm thanh chiêng trống vang lừng, dân làng lũ lượt cùng cờ quạt rước kiệu Bà suốt lộ trình hơn 2 cây số. Kiệu được rước qua những vùng đất thiêng. 

Xóm Vạn Chài (nay là xóm Bình). Nghè Vẹt (thờ thần thành hoàng làng Biện Thượng Trịnh Ra kiêm phối thờ 12 Chúa Trịnh). Mưỡu (hình như thờ thần Núi?). Khe Mang Cá… Tại khe Mang Cá, có một nền đất vuông lát đá (gọi là phương cơ) kiệu được tạm hạ để dân làng tế lễ. 

Điều đặc biệt, mỗi khi qua các địa danh đó, chiếc kiệu bát cống, không rõ tài nghệ người khiêng hay linh vía (bóng) Bà Mẫu xui khiến mà cỗ kiệu, tám trai đinh khiêng ấy cứ xoay tít rất điệu nghệ bất kể đường đi lồi lõm gai góc thế nào! Cỗ kiệu cứ rùng rùng quay lúc chậm lúc nhanh trong âm thanh reo hò phấn chấn của đoàn người tham gia rước bóng!

Sau khi tế lễ ở phương cơ Mang Cá, cỗ kiệu Bà được rước về phủ Mẫu và cũng là thời khắc lễ lẫn hội chính thức cao trào. Không chỉ ba ngày hội chính mà hội hầu bóng diễn ra suốt cả tháng ba. Âm thanh nhị phách, đàn tranh, đàn nguyệt, trống con trống cái quyện với các điệu chầu văn rộn rã tưng bừng suốt ngày đêm ở Phủ Báo.

Còn thủ tục rước nước? Có lẽ trí nhớ của các cụ có trục trặc? Người thì nhớ, nước được rước, được lấy vào thời điểm trước tiết lũ tiểu mãn? (vào khoảng cuối tháng ba ÂL) Người thì khẳng định, ngay sau lễ rước bóng, một con thuyền trang trí rồng phượng (người thì nói thuyền độc mộc?) được các tráng đinh chèo ra giữa dòng sông Mã lấy về. 

Thôi thì lấy vào thời điểm nào thì cũng là nước của sông Mã sông Mẹ. Thì cũng là thứ nước trong lành dùng để dâng lên phật lên Mẫu  tưới nhuận quần sinh, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi, dân làng bình an, no ấm.

May thay, thời Đổi mới, phủ Báo bị phá chưa kịp phục dựng thì chùa Báo Ân đã được xây cất khang trang. Mãi cho đến năm 2005, lễ hội rước bóng - rước nước cổ xưa của Biện Thượng đã được hồi sinh bằng dự án "khôi phục tiếng hát chèo thuyền trên sông" của Quỹ Ford tài trợ 75 triệu đồng năm 2005 để khôi phục lại.

Có thể lớp hậu sinh còn khiếm khuyết với tiền nhân với những nội dung được lồng ghép này khác trong đó bặt hẳn đi thủ tục rước kiệu chẳng hạn? Nhưng cũng hơi bị phong phú phần lễ lẫn hội rước bóng - rước nước.

Xin trích đoạn cuốn phim của Đài Truyền hình Thanh Hóa:

…Trên bến Báo Ân đã tập kết 5 chiếc thuyền. Thuyền đi đầu là thuyền rồng lớn gọi là thuyền Phật lấy nước. Thuyền thứ hai là thuyền Mẫu. Thuyền rồng thứ ba là thuyền các cô, các cậu. Thuyền thứ tư nhỏ hơn là thuyền chỉ huy. Thuyền thứ năm là thuyền giám sát việc lấy nước.

Trên 3 thuyền lớn mỗi thuyền có từ 8 đến 10 thủy thủ chèo thuyền: chiếc đầu tiên trở lọng vàng, cờ quạt, 12 nữ mặc áo tứ thân; đi hài trắng, trâm cài, đầu đội các mâm hoa quả, bình sứ hình quả bầu dục để đựng nước. Thuyền thứ hai gọi là thuyền cô "ba Thoải" gồm các thiếu nữ trong y phục lễ hội hát múa. Trên thuyền có phường bát âm cử nhạc làm nền. Số người có trên 5 chiếc thuyền có khoảng 90 đến 100 người.

Hai bên bờ sông Mã người xem lễ hội đông đảo. Đoàn thuyền chèo ra giữa sông Mã, qua hòn đá Bàn, vượt hòn đá Ngốc, rẽ lái sang ngang. Sau ba vòng lượn đến hòn đá giữa dòng sông thì dừng thuyền lấy nước. Trong các ngày diễn ra lễ hội tại khuôn viên chùa tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống: So đẩy gậy, kéo co của chị em phụ nữ, cờ người, tổ tôm, bài điếm của các cụ cao niên.

Ngoài lễ hoa đăng, rước nước tối 29/2 âm lịch bước sang mùng 1/3 âm lịch có lễ tế tạ (ngày hóa của Mẫu)...

Tôi may mắn được chiêm ngắm khung cảnh một cái lễ hoa đăng vào tối 29-2 ÂL. Khoảng sông Mã trước chùa Báo Ân hàng trăm ngọn đèn hình búp sen lung linh xoay tròn rất vui mắt. Sen ấy sen dâng Mẫu và thần linh. Lại có thứ sen thực dùng để cho đẹp đời và cho người thưởng ngoạn. Ấy là ông chủ tịch Lê Văn Trung vừa cho tôi hay, tháng 5 này thôi rủ bạn bè về để thưởng lãm 28 ha sen đồng loạt khai hoa trên khoảng đồng chiêm cũ bởi mô hình Sen - Cá - Lúa của Vĩnh Hùng.

Sen ấy như điểm nhấn như sự kết nối hội tụ du khách của chuỗi du lịch cận gần thành nhà Hồ - chùa Báo - phủ Trịnh - động Tiên Sơn - ly cung nhà Hồ…

Xuân Ba
.
.