Con gái cười ngơ ngẩn, cha rơi lệ

Thứ Tư, 05/08/2009, 15:58
Cứ vào lúc đêm khuya, hai con gái của ông Nguyễn Văn Truyền, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam lại soi gương và... cười man dại.

10h sáng một ngày giữa hạ, chúng tôi đến nhà nhưng hai "cô nương" vẫn "an tọa" trên chiếc giường. Cô em, đầu đội mũ len, mình quấn chăn. Cô chị, thân mỏng như cánh dán nằm úp mặt vào tường. Tiếng cười khi rúc rích, khi khùng khục thi thoảng lại bật lên. Ông bố, thân già còm cõi đang cố níu lấy thời gian bất lực nhìn con.

Tôi từng được bác sỹ Trần Kế Sơn, Ban khắc phục hậu quả chất độc dioxin, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hoàn cảnh đặc biệt của cựu chiến binh Nguyễn Văn Truyền cách đây mấy năm, nhưng mãi hôm nay mới đến nhà ông. Anh xe ôm đậu xe ở ven quốc lộ khi nghe hỏi thăm nhà ông Truyền lập tức đề nghị trả công 10.000đ sẽ dẫn vào tận nhà. Đường làng vắng vẻ, ngập ánh nắng. Dăm phút sau, anh xe ôm đã chỉ vào ngôi nhà trong ngõ nhỏ bảo "đấy là nhà ông Truyền". Hình như là người làng nên anh tự nhiên mở cánh cổng, tự nhiên dẫn khách vào trong nhà. Hẳn là nghe thấy tiếng khách lạ nên ông Truyền tất bật bước ra, vội vã khoác lên mình chiếc áo. Những chiếc cúc áo cài dở không kịp che đi những chiếc xương trơ ra vì tuổi tác và sức lực.

Tôi để ý đến tấm biển đề "Nhà tình nghĩa" và hiểu rằng, ngôi nhà ngói này được chính quyền và nhân dân xã Thi Sơn xây tặng. Đây hẳn là món quà có ý nghĩa to lớn đối với người cựu chiến binh của Đoàn 559. Trước khi vào quân ngũ, ông có mối tình đẹp với cô thôn nữ Đinh Thị Định. Cưới vợ xong, ông ra trận.

Những năm tháng chiến đấu khốc liệt ở chiến trường Nam Lào vắt kiệt sức lực của ông. Năm 1968, ông xuất ngũ do sức khỏe không đảm bảo. Sự dở dang trong binh nghiệp khiến ông rất buồn. Nhưng bù lại, ông đoàn viên với người vợ 10 năm xa cách. 3 năm sau, lần lượt 3 đứa con, gồm Nguyễn Thị Hoà, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Thị Mai chào đời. Vất vả nhưng mà vui, nhớ lại thuở các con mới sinh bụ bẫm, ông Truyền chia sẻ: "Tôi tuy sức yếu nhưng là người đàn ông trụ cột trong gia đình, tôi luôn cố làm thêm để có thêm công điểm lấy thóc nuôi các cháu".

Lẽ ra, vợ chồng ông phải được bù đắp bằng sự lớn lên của các con. Đằng này lại ngược lại, mỗi năm lên một tuổi nhưng cơ thể mấy đứa trẻ cứ èo uột. Nghĩ là con còi xuơng, suy dinh dưỡng nên vợ chồng ông lại tranh thủ thời gian đi bắt cóc, bắt cua về nấu cho các con ăn. Nhưng rồi, ông lại phát hiện, các con ông không lanh lẹ như con người ta. Càng lớn, vẻ mặt chúng cứ dài dài. Mãi sau, ông mới biết là trí tuệ của chúng không phát triển bình thường.

"Cô biết không, ban đầu tôi cũng cho chúng đi học đấy. Nhưng được một thời gian ngắn, cô giáo gặp tôi bảo, chúng làm ảnh hưởng đến cả lớp", ông Truyền nói. Mặc dù thấy chạnh lòng khi nghe cô giáo nói vậy, nhưng ông cũng phải thừa nhận sự chậm chạp và ngớ ngẩn của con mình ảnh hưởng không nhỏ đến những đứa trẻ cùng lớp. Vì thế, ông đành lòng để các con nghỉ học. "Cả 4 đứa con, không đứa nào biết chữ", ông Truyền buồn rầu kết luận.

Thì ra, sau khi phát hiện 3 đứa con đầu thần kinh, 10 năm sau, vợ chồng ông sinh thêm một đứa nữa với hy vọng con lành lặn để nương tựa tuổi già. "Vậy mà bây giờ nó lại là đứa điên nặng nhất", chỉ vào cô con gái đội mũ len và đắp chăn nằm trên giường cười rúc rích, ông Truyền gượng cười nói. Đó là cô con gái út, sinh năm 1981. Ông Truyền đặt tên con là Nguyễn Thị Mại. Tôi hỏi ông, sao lại đặt cái tên lạ thế. Ông lại cười gượng bảo, nếu khỏe mạnh, thông minh như con người ta thì đặt tên đẹp, còn nó ngay từ khi sinh ra đã èo uột nên tên cô chị là Mai, thì đặt cô em là Mại. Than ôi! Sự thất vọng của người cha này thể hiện ngay cả ở cái tên đặt cho con.

Không biết có phải do nghe nhắc đến tên mình không mà bỗng dưng Mại nhổm dậy, véo vào cánh tay tôi một cái đau điếng. Trong khi tôi chưa kịp phản ứng thì ông Truyền đã đứng quát: "Mại, không được phá". Với vẻ mặt tồi tội, ông Truyền bảo, cứ có khách lạ là Mại lại dở trò trêu chọc. Do tôi đang ngồi quay lưng lại phía chiếc giường mà Mại đang nằm nên ông nhắc tôi ngồi ra đầu ghế, giữ khoảng cách xa hơn với con gái mình. Thế mà, một lát sau tôi lại bị Mại véo cho một cái nữa. Lúc này, ông Truyền phải lấy cái quạt nan để trước mặt, vừa nói chuyện với khách, ông vừa canh chừng cô con gái. Nếu thấy Mại nhổm dậy, ông lập tức quát và đập mạnh cái quạt xuống bàn. Mỗi lần như thế, cô con gái lại cười ré lên thích thú. Nhìn khuôn mặt dài dài của cô và cả cái cách cười ngây ngô, dẫu buồn lòng nhưng cả tôi và ông cùng bật cười.--PageBreak--

Trái lại, cô chị Nguyễn Thị Mai, năm nay đã 38 tuổi lại có vẻ hiền lành. Cô nằm úp mặt vào tường và cười không thành tiếng, thi thoảng cô mới ngoái đầu lại phía sau nhìn bố và khách. Một khuôn mặt ngây dại thật đáng thương. Ông Truyền bảo, ngược lại với nết phàm ăn của Mại, Mai ăn ít lắm. Trong bữa cơm, nếu có thịt cá, Mại sẽ ăn nhiều đến mức ói ra thì Mai chỉ chan nước canh.

"Nó ăn ít nên gầy, tôi lo lắm. Sợ lại giống cô chị Nguyễn Thị Hòa". Nhắc đến cô con gái cả đã mất mấy năm, ông Truyền buồn rầu nói. Hòa mất, ông chẳng biết bệnh gì. Chỉ thấy cô ăn uống ít, người gầy sọp đi. Đưa con đến bệnh viện huyện, các bác sỹ lắc đầu. Ông lại đi tìm thầy lang để bốc thuốc cho con. Cầm cự được gần một năm, Hòa mất. Mặc dù sinh ra những đứa con dở điên, dở dại nhưng vợ chồng ông không thể quên đi trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ nên tận tình chăm sóc, cứu chữa. Ông được vợ cắt cử ở nhà để trông nom và nấu cơm cho hai cô con gái rượu.

"Ở nhà ngột ngạt quá, nên bà ấy luôn lấy việc làm đồng làm niềm vui", ông Truyền nói về vợ. Thì ra, bà vợ năm nay đã ngoài 70 của ông vẫn bám ruộng chứ nhất quyết không chịu ở nhà. Một mặt, làm ruộng giúp nhà có lúa ăn, mặt khác để bà đỡ buồn tủi khi cứ ra đụng, vào chạm với hai đứa con gái dở dở ương ương. Cậu con trai Nguyễn Văn Bình hôm nay bám mẹ đi làm đồng. Dù cũng bị thần kinh nhưng may mắn là Bình không quậy phá và có sức khỏe tốt.

Bi kịch lớn nhất của ông Truyền là con người ta càng lớn càng khôn, con của ông thì ngược lại. Lúc trước, cả Mai và Mại đều biết đi chăn bò, biết ra đồng nhặt cỏ, gặt lúa. Qua tuổi 20, cả mấy người con đều ngu đần đi. Nhận thức của họ vốn đã ít ỏi, ngày càng cạn kiệt. Đến mức, đi ra ngoài còn không biết đường về nhà. Khổ nhất là có lần, Mại mở được cửa cổng bỏ ra ngoài. Vợ chồng ông đi tìm rạc cả chân không thấy. May có người làng tìm giúp, mới lôi được cô về nhà. 75 tuổi, già yếu, bệnh tật, vậy mà lúc nào ông cũng ngay ngáy lo các con "vượt rào" đi mất. Thế nên, cánh cổng nhà ông lúc nào cũng khoá kín. Lúc trẻ, ông quần quật làm việc để nuôi các con. Khi về già, ông lại thực hiện nhiệm vụ của người gác cổng. Cố gắng để các con không tuột mất.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của ông cụ đã 40 năm làm bố là lúc đêm xuống. Không biết tự bao giờ, hai "cô nương" Mai và Mại lại thích soi gương khi trời đất tối mịt. Có những hôm, ông tỉnh giấc vì tiếng cười hoang dại của hai con. Đêm tĩnh mịch, tiếng cười khiến người khác phải rùng mình. Còn ông, dẫu đã quen với những tiếng cười của các con nhưng không khỏi giật mình. Lần nào mở mắt nhìn ra, ông cũng thấy hai con gái đang tranh nhau soi gương. Ánh sáng từ trong gương hắt ra, bóng hai cô con gái mờ mờ, tỏ tỏ tạo ra một khung cảnh khiến người ta có cảm giác rờn rợn. Vậy mà hai con ông lại còn xô đẩy nhau, tranh nhau soi mình trước gương. "Thấy người trong gương cười, chúng thích lắm nên càng cười to. Thấy người trong gương nói chuyện, chúng lại nói chuyện theo", ông Truyền nói lại sở thích của các con mình lúc nửa đêm.

Một đứa trẻ lên 1 cũng đủ nhận thức để biết, hình trong chiếc gương mà nó soi chính là bản thân. Thế mà hai con gái của ông Truyền, một người đã 28 tuổi, một người 38 tuổi lại nghĩ, người trong gương là bạn mình. Thế nên, mỗi đêm khi tỉnh giấc, họ lại bật dậy để cười, để nói với người ở trong gương. Thói quen này được họ duy trì đến mức đã thành nếp. Nó khiến người cha vừa giận, vừa thương con đến xót xa lòng. Cứ mỗi lần các con ngắm vuốt trước gương, ông lại tỉnh giấc, lại đau lòng. Vợ ông, người phải chọn công việc đồng ánh nặng nhọc để không phải ở nhà cũng quặn lòng vì các con. Ngoài 70 tuổi mà bà phải chăm sóc những đứa con lớn lộc ngộc như chăm những đứa trẻ đang còn ẵm ngửa. Từ vệ sinh cá nhân đến chuyện ăn, chuyện uống cũng một tay bà. Ông Truyền là đàn ông, mắt lại kém nên không thể giúp bà chuyện vệ sinh cho các con. Nhưng ông lại khổ hơn bà ở chỗ, ngày nào cũng phải ở nhà. Lúc nào cũng phải nghe con cười, con nói vu vơ và khi đêm xuống lại phải nghe những âm thanh gờn gợn, lại phải nhìn hình ảnh kỳ cục của các con.

Ông Truyền tâm sự rằng, do Nhà nước có chế độ nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam, các con ông mỗi tháng nhận được 600.000đ nên tùng tiệm cũng đủ ăn. Con cái là chỗ dựa cho cha mẹ lúc tuổi già, nhưng với ông thì khác. Càng già, ông càng lo con cái mình không có chỗ dựa. Khi cả hai vợ chồng mất đi, ai sẽ chăm sóc, quản lý 3 đứa con ngây dại?

Chất độc dioxin đã cướp mất hạnh phúc làm cha của ông, cướp mất quyền làm người của các con ông. Nếu các quan tòa trong vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam chỉ cần ở một giờ trong ngôi nhà của cựu chiến binh Nguyễn Văn Truyền, họ sẽ hiểu nên đưa ra lời phán xét gì. Cũng qua đây, chúng tôi kêu gọi lòng hảo tâm của bạn đọc gần xa xin hãy sẻ chia hoàn cảnh bất hạnh. Mọi đóng góp xin gửi về tòa soạn 66, Thợ Nhuộm hoặc địa chỉ nhà riêng ông Nguyễn Văn Truyền

Vĩnh Nghi
.
.