Con gái của nhà thơ

Thứ Tư, 22/10/2008, 10:00
Khái niệm cha là một khái niệm vĩnh cửu đối với tất cả mọi đứa trẻ. Đứa trẻ nào cũng được sinh ra từ sự kết hợp hoàn hảo tình yêu giữa cha và mẹ. Hẳn nhiên, chúng sẽ nhận được tình yêu thương bao la từ cha và vô bờ từ mẹ, (chỉ trừ trường hợp hy hữu).

Có một người cha bình thường, nghề nghiệp bình thường như mọi người cha trên đời này là một chuyện. Nhưng, khi cha đẻ ra mình, sinh thành và dạy dỗ mình lớn lên bước ra cuộc đời là một nhà thơ, một người nghệ sỹ đích thực, thì mọi chuyện lại thú vị hơn nhiều.

Chúng ta hãy nghe con gái của những nhà thơ kể về những người cha nghệ sỹ của mình. Những người cha đã tạo cho con gái những tuổi thơ không ít sóng gió và nhiều hy sinh.

Nguyễn Thị Diệp Tú: Cha tôi là một người đàn ông không thực tế

Nguyễn Thị Diệp Tú, con gái đầu lòng của nhà thơ Bằng Việt vừa có hạnh phúc làm mẹ. Làm mẹ rồi, ấp iu trong vòng tay mình giọt máu yêu thương, Diệp Tú càng thấm thía tình mẫu tử. Khi tôi hỏi Diệp Tú chị có nhiều ký ức tuổi thơ về cha mình không, Diệp Tú cười. Phải nói thật lòng, ký ức về cha không nhiều lắm, không trải dài suốt từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành vì Tú là một người con sớm tự lập. Với lại cha tôi không làm cha theo một cách thông thường. Có lẽ ông là một người cha đặc biệt, một người cha có sự vô tâm đãng trí của người nghệ sỹ. Có tâm hồn lãng du và mê đắm của một hồn thơ. Trong con người ông không có bất kỳ một sự quy chuẩn nào, hay sự mẫu mực của một người cha dạy con như những người cha khác. Ông tôn trọng các con quá mức và cho chúng tôi một sự tự do thoải mái hơn mức bình thường.

Ký ức của cha nhiều nhất là những ngày thơ bé, khi Diệp Tú và em trai mới chập chững lên 5-7 tuổi. Đó là khoảng thời gian, hai chị em Diệp Tú có cha nhiều nhất. Những buổi tối, cha chong đèn ngồi đẽo con cù con quay từ hạt vải rồi cắm que lên và cho quay tít giữa nhà trong tiếng cười khanh khách khoái chí của hai chị em. Những đêm, cha cặm cụi chong đèn lên và dạy Diệp Tú vẽ chân dung của mình. Cha tôi, là một người đàn ông sống rất nghệ sỹ. Nhiều khi sự quá nghệ sỹ của ông mà tôi thấy ông là một người đàn ông không thực tế, một người cha không thể nói là không vô tâm. Sự vô tâm ấy có lúc đã làm cho chúng tôi tủi thân, buồn ấm ức. Ví dụ khi tôi lớn lên một chút, tôi là một học sinh học khá văn, đã hai lần đi thi học sinh giỏi toàn quốc về môn văn. Lúc đấy, được đi thi học sinh giỏi toàn quốc là nhất rồi, là ghê gớm lắm, nên tôi đã rất háo hức chờ cha về để được nghe lời khen ngợi từ ông. Nhưng tôi đã chờ mãi, chờ mãi, cũng với nỗi khát khao háo hức mà cha không bao giờ biết tới. Lần đó tôi đã bật khóc.

Cha tôi là nhà thơ khá nổi tiếng thời bấy giờ, ông lại là người đào hoa, đa tình, bên ông bao giờ cũng có vô số những bóng hồng vây quanh. Điều đó làm cho mẹ tôi, một người phụ nữ luôn vì gia đình và vun vén hết mực cho gia đình cảm thấy buồn. Mẹ luôn muốn cha phải chỉn chu nền nếp, phải về ăn cơm đúng giờ, dạy dỗ con học hành, và dĩ nhiên luôn ở nhà cùng mẹ. Mẹ quá kỳ vọng ở cha, quá kỳ vọng ở gia đình, quá kỳ vọng vào tình yêu tuyệt đối và duy nhất của một nhà thơ đối với vợ, cho nên mẹ tôi đã đổ vỡ vì thất vọng. Sự thất vọng của mẹ tôi là âm thầm, là sâu hoắm, không thể nào cứu vãn được. Một phần lỗi của chúng tôi, những đứa con vô tâm và trẻ con của mẹ đã không thấu hiểu mẹ để có thể giúp đỡ mẹ vượt qua. Những buồn bực, ghen tuông không giải toả được, cứ tích tụ dần, tích tụ dần cho đến một ngày mẹ ốm và rời bỏ ba cha con tôi.

Đó là những năm tháng rất buồn, hụt hẫng và chống chếnh đối với gia đình tôi. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Cha tôi là nhà thơ, ông sống nghệ sỹ, lúc nào cũng nhiều bóng hồng vây quanh. Để có một cuộc sống, một tổ ấm mới, với ông không khó. Chỉ mẹ mới là người thiệt thòi nhất. Tôi còn nhớ ngày xưa, mỗi lần cha tôi đi công tác ở nước ngoài về. Những năm tháng bao cấp, ai đi về cũng cố gắng cầm thêm bàn là, dây may xo, ấm điện để về Việt Nam bán lấy tiền. Cha tôi không bao giờ làm mẹ hài lòng khi có bao nhiêu tiền ông mua hết bánh kẹo ngoại, sôcôla, táo tây.

Tôi còn nhớ, cha đưa táo tây về, tôi không biết đó là quả gì, thấy thơm và đẹp quá, không ăn mà cầm đến lớp khoe với các bạn, cho đến khi quả táo nẫu ra. Mỗi lần cha đi về, nhìn hành lý chỉ toàn quà bánh, thức ăn uống, mẹ tôi buồn xo ro, cứ nhấm nhẳn nói rằng cha tôi không thực tế. Cho đến bây giờ, ông vẫn không thực tế như vậy, sống nghệ sỹ lắm. Mỗi lần tôi muốn tìm cha, gặp cha, dẫu có hẹn trước với ông rồi thì sang nhà vẫn chẳng bao giờ gặp hay thấy ông ở nhà, phải gọi điện thoại, ông mới về. Nếu chị hỏi cha tôi có phải là chỗ dựa vững chắc cả về tinh thần lẫn vật chất cho tôi trong bước đường đời của mình thì tôi nói là không. Nếu chị hỏi, thông thường, con gái hay tìm thấy người chồng tương lai của mình từ hình bóng của người cha thì với tôi là không. Nhưng chúng tôi rất yêu ông và biết ơn ông vì chính ông đã cho chúng tôi cảm nhận được những vẻ đẹp của thi ca, và những vẻ đẹp nhỏ nhoi trong cuộc sống mệt mỏi này.

Tôi nhớ, ngày còn rất bé, suốt ngày bị cha mẹ nhốt ở nhà với bốn bức tường toàn sách. Tôi đã đọc hết cuốn này cuốn nọ để giết thời gian. Một lần, tôi vô tình đọc được cuốn thơ của cha, có bài: "Lại nghĩ về Pautopxki", tự dưng nước mắt tôi giàn giụa. Lần đó tôi cũng đọc được bài thơ cha tôi viết cho mình năm 1972, khi đó tôi vừa tròn 1 tuổi: Viết cho con mùa xuân thứ nhất:

"Những mái ngói thẫm màu ủ một chút hồn xưa/ Con sinh ra-ấm áp tự bao giờ!/ Con chưa hay gì đâu...Xuân đã tràn khắp ngả/ Thành phố nở oà cho con tất cả/ Mọi ngả đường lên một tuổi cùng con/ Lên một tuổi Tháp Rùa. Lên một tuổi Hồ Gươm/ Một tuổi cả ráng mây vàng rồng nổi,/ Bao voi đá tượng đồng nhìn con, đều một tuổi/ Thành phố của đời cha, nay lại thuộc đời con/ Sông Hồng dâng. Màu đất bãi như son/ Phù sa đỏ thấm trong hồn thành phố/ Dấu giặc tan đi, tàn theo cỏ úa/ Ngô khoai lên, và lúa trỗ xanh ngời/ Những con đê, mòn công sức đắp bồi/ Bao bọc hết từng đền đài lịch sử/ Năm con sinh, hai tháng ròng lũ đổ/ Chẳng chỗ xoáy nào lở tới mình con… Con lớn lên. Đời sẽ rộng dài hơn,/ Sẽ sung sướng hơn thời lên một tuổi.../Nhưng có thể có gì so sánh nổi/  Với mọi điều cha đang ước cho con?"

Trần Hà Trang: Cha tôi là một người đàn ông quá đỗi dịu dàng

Trần Hà Trang.

Với cô gái nhỏ nhắn Trần Hà Trang, con gái yêu của nhà thơ Trần Hoà Bình, cuộc sống với em vừa chỉ mới bắt đầu. Em vừa tốt nghiệp Đại học Báo chí, vừa chính thức bước ra đời và đi làm ở một công ty truyền thông được tròn hai tháng. Chỉ tiếc, ngày đầu tiên em đi làm, Trang nói với bố Bình rằng: "Bố ơi, từ nay, con có lương rồi, hàng tháng con sẽ biếu bố một khoản tiền kha khá để bố đi chơi cuối tuần cho rủng rỉnh nhé". Hà Trang chưa kịp biếu bố phần nhỏ trong tháng lương đầu tiên thì bố đã đi xa. Bố không bao giờ còn trở về để đến bên cạnh Hà Trang, vuốt tóc con gái yêu, mang đồ ăn ngon cho con và tết tóc, mua búp bê cho em nữa. Số phận của em cũng thật dữ dội, khi lên 5 tuổi, bố em đã lựa chọn cho em một cuộc sống không có mẹ bên cạnh, và thay mặt mẹ để chăm sóc em. Vừa trưởng thành chưa kịp báo hiếu thì bố đã rời xa mãi mãi. Nỗi đau, sự từng trải qua những biến cố lớn của cuộc đời đã làm cho Hà Trang cằn cỗi và sắt lại trong nỗi đau không dễ gì chia sẻ được.

Giờ đây, mới là khoảnh khắc từng giây từng phút, từng ngày Hà Trang cảm nhận được cụ thể hơn, rõ ràng hơn khoảng trống không còn bố  hun hút phía trước của đời mình. Nỗi đau ngấm dần theo thời gian, trở nên rõ ràng và trần trụi hơn bao giờ hết. Những ký ức về bố giờ đây càng ùa về nhiều hơn, làm cho em đau nhiều hơn. Hà Trang nói rằng, vì bố là nhà thơ nên bên trong tâm hồn cứng cỏi của một người đàn ông có tâm hồn tinh tế của một nhà thơ. Bố đã nuôi em từ lúc 5 tuổi, bố đã làm tròn hai vai trò vừa là bố vừa là mẹ một cách xuất sắc.

Từ bé, Hà Trang không bao giờ cảm nhận được sự thiếu hụt khi không có mẹ bên cạnh. Khi còn thơ bé, biết con gái mình rất thích váy áo điệu đà, bố Bình thường đưa Hà Trang đi mua những bộ váy thật đẹp mà em thích. Mỗi sáng đến lớp, bố dậy và tết tóc cho con gái hai bím tóc, rồi cài nơ xinh cho con gái. Những lần diễn văn nghệ, bố cũng dậy sớm trang điểm cho Hà Trang. Bố là một người đàn ông rất đỗi dịu dàng, bố yêu búp bê và các đồ vật nhỏ xíu. Ngày xưa bố mua búp bê tặng cho con gái, giờ lại đến lượt con gái mua búp bê tặng bố. Phòng của bố treo đầy búp bê. Cái cách mà bố chăm sóc Trang ân cần, tỉ mỉ và tinh tế như một người mẹ. Bố không bao giờ áp đặt Hà Trang, và chưa bao giờ đánh Hà Trang lấy một lần, cho dù Hà Trang cũng bướng bỉnh, nghịch phá. Bố là một tấm gương về lòng hiếu thảo với bà, và sự chăm sóc tận tụy với mọi người trong gia đình.

Hai bố con rất thân nhau, không có chuyện gì Hà Trang không kể cho bố nghe, và nghe bố những lời khuyên. Bố là nhà thơ, là nghệ sỹ, bố đi nhiều, và Hà Trang sớm tự lập cũng từ những chuyến đi công tác của bố. Nhưng bố không bao giờ đi quá lâu, đến mức Hà Trang thấy bị bỏ rơi. Mỗi lần đi công tác, các học sinh của bố đến trông và đưa đón Hà Trang đi học. Bố có nhiều bạn gái, và có lẽ đó cũng là một may mắn và hạnh phúc lớn của Hà Trang khi em nhận được rất nhiều sự chăm sóc yêu thương thật lòng của rất nhiều những người bạn gái của bố. Em cảm nhận được những tình cảm ấy một cách sâu sắc chứ không phải vì họ yêu bố mà thương em.

Ngày xưa em còn nhớ lúc chỉ mới 5 tuổi, bố đưa đi nhà trẻ, chiều về bố đón, bố hỏi con có khóc không. Em lắc đầu trả lời con không khóc. Bố ôm choàng lấy em và thốt lên: "Trời hỡi con gái của tôi, con mới chỉ 5 tuổi mà đã cằn như một gốc cây". Bố làm thơ cho em cũng nhiều, nhưng rất ít khi bố đưa cho em đọc. Hà Trang cảm nhận được những bài thơ ấy là bố viết riêng cho bố, và bố không có nhu cầu để chia sẻ. Em nhớ những câu thơ bố từng viết: "Nếu như người ta khen con là một đứa bé ngoan/ Thì cha là một người cha không tốt/ Con đang sống ở giữa những điều phi lý/ Như cha, như mẹ, như bao nhiêu người". Hay bài: Viết thêm về cọ -  Cho con gái Hà Trang: "Cha đi qua đồi cọ/ gặp những em bé Tày/ tan lớp về không ai đưa dẫn/ Cha khóc trong phút giây hiu quạnh/ thương giọng con vẫn hát vang nhà/ "Cọ xoè ô che nắng…"/ Nhưng nắng đã tắt rồi/ Những cây cọ già nua buồn bã tán lá xoè bao bàn tay độ lượng/ con xa quá, con còn bé quá/ con không biết cha đang nghĩ gì trong gió núi chiều nay/ Thôi xin cọ cứ xoè ô che nắng cho con/ che bớt những buồn vui riêng cha tuổi ba mươi lẻ/ Và con gái nhỏ nhoi ơi - con là cây cọ bền gốc nhất/ ngả bóng đường cha đi qua gian khó đau buồn…"

Khánh Thy
.
.