Cội nguồn ngôn ngữ học của đặc điểm tư duy người Việt
- Ngôn ngữ học Việt Nam đã hòa nhập được các trào lưu, lý thuyết hiện đại của thế giới
- Hội thảo khoa học quốc tế “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập”
- Nghĩ về những vấn đề về giáo dục và trí thức từ một nhà ngôn ngữ học
Trong những yếu tố đó, yếu tố quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, theo chúng tôi, là ngôn ngữ, đặc biệt là ngữ pháp của ngôn ngữ, mà cộng đồng ấy sử dụng. Lý do khá hiển nhiên: mặc dù ở xuất phát điểm, ngôn ngữ có thể là công cụ tư duy, nhưng một khi ngôn ngữ xuất hiện, con người hầu như không thể tư duy bên ngoài ngôn ngữ. Bạn có thể phản bác, có những thứ nghệ thuật, như âm nhạc hay hội họa, đâu cần ngôn ngữ?
Thật ra, ngay cả trong âm nhạc và hội họa, khi sáng tác, nghiên cứu hoặc thưởng thức, chúng ta vẫn cần một thứ ngôn ngữ ngầm ẩn, một thứ nội ngôn, cái mà chúng ta hay gọi là “tư tưởng” hay “thông điệp” của tác phẩm - ví dụ dễ thấy nhất là những cái tên tác phẩm: Bức thư gửi Elise (Beethoven), Bốn mùa (Vivaldi), Những cô gái Avignon (Picasso)…
Nhưng không chỉ trong nghệ thuật, mà ngay cả đời sống, mỗi hành vi có ý nghĩa của chúng ta đều có nghĩa nhờ thứ ngôn ngữ ngầm ẩn như vậy. Chẳng hạn, một cô gái được một chàng trai lần đầu tiên mời đi chơi tối Thứ bảy. Khi chuẩn bị trang phục, cô sẽ tự hỏi: mình có nên ăn mặc quá đẹp không? Nếu mặc quá đẹp, anh ta có thể nghĩ mình quá thích anh ta. Nếu mặc quá đơn giản, anh ta có thể nghĩ rằng mình thiếu óc thẩm mỹ, hoặc coi thường anh ta.
Vậy mình nên mặc chiếc áo này, chiếc váy này, để vẫn đẹp, vẫn cho anh ta biết rằng mình có cảm tình nhưng không vồ vập… Một thứ nội ngôn như vậy luôn đóng vai trò sợi chỉ xuyên suốt những hành động xã hội có ý nghĩa của con người.
Ảnh hưởng của ngôn ngữ đối với tư duy đã được nhiều người nghiên cứu, trong số đó nổi tiếng nhất là Edward Sapir và học trò của ông là Benjamin Whorf cùng với giả thuyết mang tên họ. Tuy nhiên, Sapir và Whorf không phải là những người đầu tiên và duy nhất có cách nhìn nhận như vậy.
"Những cô gái Avignon" của Picasso. |
Trước Sapir khoảng một thế kỷ, nhà ngôn ngữ học Đức Wilhelm von Humboldt, trong Gesammelte Werke, đã viết rằng con người căn bản là sống trong một thế giới mà ngôn ngữ của anh ta thể hiện. Gần như đồng thời với Sapir, triết gia Heidegger cũng có cùng một cách tiếp cận - ông lập luận rằng ngôn ngữ không đơn thuần là phương tiện giao tiếp, mà là một chiều kích tồn tại của cuộc sống con người.
Thoạt nhìn, cách lập luận của chúng tôi có vẻ gần gũi với dạng yếu của Giả thuyết Sapir-Whorf. Tuy nhiên điều đó không hoàn toàn đúng. Giả thuyết Sapir-Whorf được biết dưới hai dạng, hay hai cấp độ.
Ở cấp độ mạnh, giả thuyết này cho rằng cách thức chúng ta nhìn nhận và diễn giải thế giới là do ngôn ngữ quyết định. Ở cấp độ yếu hơn, giả thuyết này cho rằng ngôn ngữ ảnh hưởng đến sự tiếp nhận thế giới của chúng ta. Trong mọi trường hợp, Giả thuyết Sapir-Whorf cho rằng cách thức mã hóa thông tin của một ngôn ngữ quy định thế giới quan của những người nói ngôn ngữ đó.
Nhiều người - cả những người ủng hộ lẫn những người phản bác Giả thuyết Sapir-Whorf - tìm cách xác định ảnh hưởng của ngôn ngữ đối với trải nghiệm của chúng ta về thế giới.
Chẳng hạn trong một thí nghiệm tiến hành năm 1954, Brown và Lenneberg đã cố gắng kiểm tra xem sự khác biệt về từ chỉ màu sắc trong các ngôn ngữ khác nhau ảnh hưởng ra sao đến sự phân biệt màu sắc của những người nói các thứ tiếng đó. Một ví dụ khác là Ekkehart Malotki.
Trong công trình xuất bản năm 1983, Ekkehart Malotki nghiên cứu cách thể hiện thời gian trong ngôn ngữ Hopi và bác bỏ tuyên bố của Whorf rằng tiếng Hopi không có từ cũng như các hình thức và cấu trúc ngữ pháp mô tả trực tiếp thời gian, vì thế, người nói tiếng Hopi không có ý niệm hay trực giác về thời gian như là một dòng chảy liên tục của vũ trụ từ quá khứ, qua hiện tại tới tương lai.
Điều chúng tôi quan tâm hơi khác. Theo chúng tôi, đặc điểm ngữ pháp của ngôn ngữ ảnh hưởng chủ yếu đến cách tư duy, mặc dù có thể có hay không có ảnh hưởng, hoặc ảnh hưởng ít hay nhiều, đến sự tiếp nhận thực tại, tức là đối tượng tư duy.
Nói cách khác, chúng tôi không bàn đến ảnh hưởng của ngôn ngữ đến hình ảnh của thế giới, mà chỉ quan tâm đến ảnh hưởng của ngôn ngữ đến cách hành xử của chúng ta khi tiếp cận thế giới. Điều này cũng giống như đặc điểm của phương tiện giao thông có ảnh hưởng quyết định đến cách thức chúng ta tham gia giao thông, chứ không nhất thiết phải ảnh hưởng đến bản thân đối tượng hay địa điểm mà chúng ta muốn tiếp cận.
Ngữ pháp của các ngôn ngữ khác ảnh hưởng đến cách nghĩ của chúng ta như thế nào?
Trước hết, căn cứ vào đặc điểm ngữ pháp, chúng ta có thể phân biệt hai loại ngôn ngữ chính, đó là ngôn ngữ tổng hợp, mà đại diện điển hình là các ngôn ngữ Ấn - Âu, như tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Pháp…, và các ngôn ngữ phân tích, điển hình là tiếng Hán và các ngôn ngữ Đông Nam Á như tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Khmer…
Ngữ pháp của các thứ tiếng Ấn - Âu có đặc điểm hình thức rất cao, với những ràng buộc logic và hình thức rất gay gắt - dĩ nhiên ở mức độ và sự thể hiện khác nhau ở các ngôn ngữ khác nhau - đối với các thành phần của nó: về giống, số, cách của danh từ; về thời, thể, thức của động từ v.v…, và cùng với chúng là sự phù hợp của số từ, mạo từ, tính từ, đại từ quan hệ... Chẳng hạn, hãy so sánh hai câu đơn giản như trong tiếng Nga:
“Книги, которые я купил вчера очень красивые”
(Những cuốn sách mà tôi mua hôm qua rất đẹp)
và
“Книга, которую она купила вчера очень красивая”
(Cuốn sách mà cô ấy mua hôm qua rất đẹp)
Chúng ta có thể nhận thấy rằng, trước khi nói, người nói đã phải xác định trước đặc điểm và vai trò của từ “cuốn sách” trong câu để xác định giống (đực, cái, trung), số (nhiều, ít), và cách (danh cách, đối cách, thuộc cách, tặng cách, công cụ cách, giới từ cách) của nó để xác định dạng thức của nó. Những thông tin này lại quyết định dạng thức của liên từ (которые, которую) và tính từ (красивые, красивая).
Tương tự, người nói cũng phải xác định các thông tin về chủ ngữ (giống, số) và thời gian để lựa chọn dạng thức của động từ (купил, купила). Do áp lực của logic và hình thức gay gắt như vậy, hành động nói của người phương Tây luôn đồng nghĩa với việc phát thành âm một mô hình phát ngôn, hay nói đúng hơn là sự thực hiện một kế hoạch phát ngôn được chuẩn bị trước.
Ngược lại, tiếng Việt là một thứ tiếng phân tích. Trong mỗi phát ngôn, các từ đơn lập không biến hình. Chức năng ngữ pháp của mỗi từ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào vị trí của nó trong câu và vào tình huống phát ngôn. Người ta luôn có thể bắt đầu một phát ngôn bằng một từ rồi liên tục thêm, gần như không giới hạn, các từ mới vào phát ngôn đó - và mỗi lần thêm như vậy lại làm thay đổi chức năng của các từ đứng trước. Chẳng hạn:
Cô gái đang ăn cơm. (“Đang ăn cơm” là vị ngữ)
Cô gái đang ăn cơm rất đẹp. (“Đang ăn cơm” trở thành bổ ngữ; “rất đẹp” là vị ngữ)
Cô gái đang ăn cơm rất đẹp nhưng có vẻ buồn. (“Rất đẹp nhưng có vẻ buồn” là vị ngữ)
Cô gái đang ăn cơm rất đẹp nhưng có vẻ buồn là em họ người bạn cũ của tôi. (“Đang ăn cơm rất đẹp nhưng có vẻ buồn” là bổ ngữ)
Những ví dụ như vậy có thể kéo dài và cho thấy rằng lối nói của người Việt dựa vào tình huống chứ không tuân theo một kế hoạch định trước, nghĩa là có nhiều tính linh hoạt mà ít tính nguyên tắc. Bản chất lối nói của người Việt là tạo ra một phát ngôn thích ứng với hoàn cảnh.
Phân tích này chỉ là sự giản lược những phân tích đầy đủ hơn của chúng tôi trong một số công trình lớn hơn. Điều chúng tôi muốn khẳng định ở đây là: Đặc điểm ngữ pháp của tiếng Việt quy định đặc điểm tư duy của người Việt: không thiên về logic, tư biện, mà thiên về hành động, chức năng; không thích kế hoạch, nguyên tắc mà có xu hướng coi trọng sự thích ứng, uyển chuyển; không duy lý mà duy tình.
Những đặc điểm này thể hiện thường xuyên trong cuộc sống, tạo nên tính cách người Việt, và xa hơn nữa, cùng với một số yếu tố tự nhiên và xã hội khác, chính là cội nguồn của quan điểm thực dụng mà tôi xin gọi là Thực tiễn luận trong truyền thống tư tưởng Việt Nam.
Khi đã định hình đến một mức độ nhất định, truyền thống tư tưởng ấy lại trở thành một bộ lọc, có tác dụng ngăn cản hoặc tạo điều kiện cho việc du nhập những tư tưởng hay yếu tố tư tưởng ngoại lai khác nhau. Đó là lý do tại sao các sự du nhập của các tôn giáo và tư tưởng nước ngoài vào Việt Nam thường chỉ diễn ra ở tầng mặt, ở phương diện chức năng, công cụ và nhanh chóng bị hòa trộn, cũng chỉ ở tầng mặt, với những tôn giáo và tư tưởng khác.
Đặc điểm tư duy của một dân tộc không nhất thiết phải là tốt hay xấu, và cũng không phải là không thể thay đổi. Giáo dục và những biến đổi của xã hội có thể có những tác động đáng kể đến lối tư duy đó. Nhưng đó sẽ là chủ đề cho một bài khác.