Có viển vông khi kỳ vọng vào sách giáo khoa?

Thứ Bảy, 21/11/2020, 10:15
Nhân những vụ ồn ào về sách giáo khoa ở Việt Nam, tôi cũng tò mò tìm hiểu về sách giáo khoa trên thế giới và trong quá trình ấy, tôi nhận ra rằng hình như, sự kỳ vọng về một bộ sách giáo khoa hay và hoàn chỉnh là điều có phần viển vông...


Khi mô tả một cú đánh thuận tay của Roger Federer, người ta thường nói rằng đó là cú đánh y như trong sách giáo khoa quần vợt. Khi nói về âm nhạc của The Beatles, họ lại nói đây chính là sách giáo khoa cho những người học chơi đàn guitar. Nghĩa là, “sách giáo khoa” - cụm từ ấy không chỉ hàm chỉ một cuốn sách dạy trong nhà trường, hơn thế nữa, nó đã trở thành biểu trưng cho một cái gì đó căn bản, nền móng, chuẩn xác, luôn đúng đắn và có tính phổ quát. Mà đã như vậy thì nó không được phép sai sót!

Nhân những vụ ồn ào về sách giáo khoa ở Việt Nam, tôi cũng tò mò tìm hiểu về sách giáo khoa trên thế giới và trong quá trình ấy, tôi nhận ra rằng hình như, sự kỳ vọng về một bộ sách giáo khoa hay và hoàn chỉnh là điều có phần viển vông.

Sách giáo khoa có từ bao giờ? Câu trả lời là nó đã có từ thời cổ đại. Tiền thân của sách giáo khoa ở Đông Á chính là những bộ sách kinh điển của Nho giáo Trung Hoa như “Ngũ kinh” và “Tứ thư” - những bộ sách gói gọn hệ thống đạo đức, triết lý mà bất cứ Nho sinh nào cũng phải học. Người Hoa ngày nay có thể mở ra rất nhiều học viện Khổng Tử trên toàn thế giới nhưng ngay cả ở Trung Quốc, triết lý Khổng Tử dù thâm căn cố đế đến mấy cũng không còn là thứ bắt buộc mọi người phải tuân theo.

Ở Mỹ, các bộ sách giáo khoa của cùng một đơn vị xuất bản có thể được điều chỉnh khác nhau ở những bang khác nhau, theo yêu cầu của chính quyền. Ảnh trên là sách lịch sử ở bang California, phê phán những siêu tập đoàn. Còn ảnh dưới là sách lịch sử ở bang Texas, ca ngợi Andrew Carnegie - đại diện của chủ nghĩa tư bản độc quyền - rằng ông thành công là nhờ chăm chỉ, kiên trì. Như vậy, chỉ riêng trong sách giáo khoa, đã có hai lịch sử rất khác biệt. Và, ai mới đúng?

Còn ở châu Âu thời Hy Lạp cổ, Pythagoras cũng có một chương trình học riêng về thuyết luân hồi, thuyết thần bí, toán học, âm nhạc để dạy dỗ đồ đệ. Nhưng, ngoại trừ một số kiến thức toán học như định lý Pythagoras trong tam giác vuông hay lý thuyết tỉ lệ thuận, những gì mà một học trò của Pythagoras được học và những gì một học sinh thế kỷ 21 được học khác xa nhau.

Những cuốn sách giáo khoa hiện đại chỉ thực sự ra đời sau khi Johannes Gutenberg phát minh ra kỹ thuật in bằng chữ kim loại, cho phép sản xuất sách in hàng loạt. Đến thế kỷ 19 thì sách giáo khoa đã trở thành công cụ giảng dạy chính, có những tác giả viết sách cực kỳ thành công như William Holmes McGuffey - người được “ông vua xe hơi” Henry Ford hâm mộ đến mức tự bỏ tiền túi đem in lại hết bộ sách của McGuffey và đem phân phát cho các trường học.

Vậy mà sau khoảng một thế kỷ lưu hành với số lượng bán ra hơn trăm triệu bản, ngang ngửa Kinh Thánh và từ điển Webster, nay bộ sách McGuffey dù chưa tuyệt chủng hẳn nhưng cũng không mấy ai dùng. Lý do bộ sách này không còn được ưa chuộng nữa thật “ngã ngửa”, đó là vì nó quá... đạo đức, mà người ta cảm thấy việc dạy đạo đức, phân biệt đúng - sai chỉ gây ra lắm tranh luận nên thôi.

Bộ môn gây nên nhiều tranh cãi nhất về sách giáo khoa là lịch sử - một môn học vốn dĩ không có sự thật nào cả, chỉ có góc nhìn. Không đâu như ở môn lịch sử, sách giáo khoa trở thành một công cụ chính trị vô cùng đắc lực của nhà cầm quyền.

Rất nhiều người Nhật Bản thắc mắc không biết tại sao các nước láng giềng lại tỏ thái độ thù địch với đất nước của họ đến vậy. Họ thấy chuyện có gì đâu nhỉ. Sự hiểu biết mơ hồ của người Nhật về những năm 30-40 cũng có thể tìm thấy trong cuốn “Biên niên ký chim vặn dây cót” của Haruki Murakami, khi nhân vật chính Toru Okada dù đã là một người đàn ông trưởng thành và từng kết hôn, vậy mà vẫn lắng nghe say mê những ký ức chiến tranh tàn khốc ở Mãn Châu Quốc, như thể anh ta chưa từng bao giờ được thực sự biết về điều đó. Có lẽ anh ta đúng là chưa bao giờ thực sự biết về điều đó, bởi người Nhật không được dạy để biết về những vết nhơ lịch sử của ông cha.

Trong một bức thư của một cựu sinh viên Nhật Bản đi du học tại Australia đăng trên BBC có viết: “Chỉ có 19 trang trong tổng số 357 của sách giáo khoa bàn về những sự kiện từ năm 1931-1945”. Trong 19 trang đó, chỉ 1 trang nói về sự kiện Phụng Thiên - quân đội Nhật làm nổ tung một tuyến đường sắt mà mình sở hữu và lấy cớ này để xâm lược Trung Quốc, thêm một trang về các sự kiện dẫn đến chiến tranh Trung - Nhật.

Còn vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937 trong đó binh lính Nhật tàn sát hàng trăm ngàn người, tổ chức cuộc thi chặt đầu, cưỡng hiếp hàng chục ngàn phụ nữ, ép buộc sư sãi phải hiếp dâm phụ nữ, các gia đình phải thực hiện hành vi loạn luân để mua vui cho quân Nhật? Toàn bộ những cơn ác mộng ấy chỉ được gói gọn trong vỏn vẹn một dòng chú thích(!).

Đến ấn bản mới của cuốn sách giáo khoa năm 2017 được dùng trên 50 trường phổ thông ở đất nước này, thậm chí Nam Kinh còn không được đề cập, còn vụ tấn công căn cứ Mỹ ở Trân Châu Cảng thì được viết úp úp mở mở để người đọc tự cảm thấy rằng, đó là vụ tấn công hết sức chính đáng, vì bản thân chuyện Hoa Kỳ cấm vận Nhật đã là một hình thức ngầm tuyên bố chiến tranh rồi.

Nhưng sách giáo khoa Mỹ cũng không khá hơn. Một cuốn sách giáo khoa về địa lý, cuốn “The Geographical Reader for the Dixie Children”, tác giả Marinda Branson Moore xuất bản năm 1863 của Mỹ có một phần hỏi đáp như sau:

Hỏi: Chủng tộc nào là văn minh nhất?

Đáp: Đại chủng Âu (người da trắng)

Hỏi: Người Phi châu ở đất nước này có man dã không?

Đáp: Không, họ dễ bảo và sùng đạo.

Hỏi: Ở Phi châu, quê hương họ, thì họ thế nào?

Đáp: Họ ngu dốt, độc ác và khốn khổ.

Tất nhiên đây là năm 1863, khi nội chiến Mỹ còn đang diễn ra và chế độ nô lệ còn chưa kết thúc. Thế nhưng, ngay cả giờ đây, lịch sử chiếm hữu nô lệ vẫn là một chương khó nói trong giáo dục phổ thông ở quốc gia này. Chắc vì đó là những chặng đường lịch sử đáng quên, thế nên người ta quên béng luôn. Ngay cả trong những cuốn sách giáo khoa lịch sử được viết chỉn chu nhất cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa về vấn đề nô lệ trong 20 trang trên tổng số 800 trang, mà trong 20 trang ấy chế độ nô lệ cũng chỉ được phác họa như một phụ phẩm của cuộc nội chiến giữa phe miền Bắc công nghiệp hiện đại và phe miền Nam nông nghiệp thụt lùi.

Một cuộc khảo sát năm 2017 trên 1.000 học sinh phổ thông cho thấy tận 92% không biết rằng nô lệ là nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến ấy. Theo bài báo “We are committing educational malpractice: Why slavery is mistaught - and worse - in merican schools”, đăng trên New York Times ngày 19-8-2019, của tác giả Nikita Stewart.

Tất cả những dẫn chứng đó không phải để bao biện cho việc, sách giáo khoa sai là chuyện bình thường, đến những cường quốc giáo dục còn gặp đủ vấn đề với nó thì Việt Nam “có gì đâu mà rộn”. Chỉ là, hình như nền giáo dục, ở đâu cũng vậy, đang đặt quá nhiều niềm tin vào một sản phẩm định hình và lên khung cho tri thức, trong khi vốn dĩ, tri thức không có khung.

Ngày còn đi học, mỗi lần tôi nghĩ cô giáo chấm điểm sai cho mình, tôi sẽ lên “thưa kiện” với cô: “Em viết y như sách giáo khoa, tại sao em lại không được điểm?” Thường là cô giáo chấm nhầm thật. Nhưng, giờ đây, khi nghĩ lại tâm lý ấy, tôi tự hỏi tại sao mình lại nghĩ rằng, vì sách giáo khoa viết thế nên tôi phải đúng và cô giáo phải nhầm, tại sao tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện sách cũng có thể sai. Nói cho cùng, một cuốn sách không bao giờ lớn hơn tri thức cả.

Tri thức dồi dào, phong phú, biến chuyển, đa chiều và bản thân tri thức cũng đầy hố thẳm và mâu thuẫn. Tri thức không đứng yên một chỗ, điều hôm nay đúng, mai có thể sai, tri thức phát triển dựa trên sự phủ định liên tục những thứ trước đây từng là chân lý, những khám phá lớn nhất đến từ những câu hỏi: “Nếu Euclid sai thì sao?”, “Nếu Newton sai thì sao?”, “Nếu Einstein thì sao?”. Kinh khủng hơn cả những hiểu biết lầm lạc là sự mặc định một điều gì luôn luôn đúng.

Có một câu chuyện mà tôi rất thích do nhà vật lý từng được giải Nobel Richard Feynman thuật lại. Chuyện là hồi đó, ông chỉ là một sinh viên sau đại học tình cờ có một vài ý tưởng về cơ chế hoạt động của hạt electron mà nếu nghiên cứu ra thì có thể tác động tới toàn bộ ngành cơ học lượng tử. Giáo sư hướng dẫn khuyên ông nên trình bày phát hiện của mình ở một seminar.

Và tại buổi seminar, trong khi Feynman đang hăng say viết những phương trình lên bảng thì Einstein bước vào. Sau buổi trình bày, Wolfgang Pauli - một nhà vật lý đại tài khác đứng lên và nói: “Tôi không nghĩ là lý thuyết này có thể đúng”, rồi quay sang Einstein, “Ông có nghĩ thế không?”. Einstein đáp: “Không” và chỉ nói thêm rằng lý thuyết của Feynman sẽ khó áp dụng với thuyết tương đối rộng nhưng dù sao thuyết tương đối rộng vẫn chưa có bằng chứng thực nghiệm nên ông cũng chưa chắc nó đã chính xác.

Ngay cả với đứa con cưng của mình, Einstein cũng sẵn sàng nghi ngờ nó, thế thì chẳng có gì ngạc nhiên với những thành tựu của ông. Còn Feynman, về sau này, thực tế cho thấy lần ấy Feynman đã nhầm nhưng ông vẫn có những phát hiện quan trọng khác - sự nghi ngờ không phải lúc nào cũng ngay lập tức đem lại hiệu quả nhưng vẫn cứ phải nghi ngờ.

Nhưng, hãy nghi ngờ cả điều đó nữa.

Hiền Trang
.
.