Có một thị trường nhân lực giảng viên đang hình thành

Thứ Sáu, 27/09/2019, 21:01
Giảng viên đại học ở Việt Nam, nhất là những người có năng lực nghiên cứu tốt chủ yếu vẫn là viên chức nhà nước. Điều này là dễ hiểu bởi cho đến tận bây giờ, cả nước mới có khoảng hơn 60 đại học tư, chiếm gần 30% số đại học trong cả nước. 

Sự xuất hiện của một số đại học tư nhiều tham vọng, bên cạnh việc có ngày càng nhiều hơn các nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài trở về, cộng với một số thay đổi về chính sách giáo dục đại học (GDĐH) trong vài năm gần đây đã giúp hình thành nên một thị trường nhân lực giảng viên đại học ở nước ta. Đây là một tín hiệu rất tốt cho bản thân đội ngũ giảng viên, các trường đại học và rộng hơn là toàn xã hội.

1. Tuần trước, cuộc trò chuyện của tôi anh Quân, một giảng viên có tiếng ở một đại học lớn tại Hà Nội nhờ vào thành tích có nhiều công trình khoa học quốc tế đã bị gián đoạn khá lâu bởi một cú điện thoại. Người gọi điện là hiệu trưởng của anh Quân. Cuộc gọi từ nước ngoài về và kéo dài hơn nửa tiếng.

Thông điệp của vị hiệu trưởng rất dứt khoát: “Anh (Quân) không được đi đâu cả. Anh chờ tôi về Việt Nam rồi tính. Anh cần gì, nhà trường sẽ đáp ứng”. Anh Quân, thực tế là đang cân nhắc một lời mời rất hấp dẫn từ một đại học tư mới thành lập.

Đã hình thành một thị trường nhân lực giảng viên đại học ở nước ta, đây là một tín hiệu rất tốt cho bản thân đội ngũ giảng viên, các trường đại học... Ảnh: L.G

2. Hiệu trưởng của anh Quân nói chung là “may” hơn một vị đồng cấp khác vì đã kịp biết thông tin trước khi quá muộn. Trong năm 2018, đã có những câu chuyện thuật lại việc có trường bị mất nguyên một bộ môn lớn trong vòng 1 tuần chỉ vì tất cả cùng nộp đơn để chuyển sang lập một khoa mới ở trường khác (cũng là trường tư mới thành lập).

3. Là người trong ngành giáo dục đại học và bản thân cũng đã từng phải cân nhắc giữa chuyện đi hay ở từ trường này sang trường khác, cá nhân tôi thấy, chưa bao giờ giảng viên giỏi, nhất là những người có khả năng công bố khoa học quốc tế và có khả năng xin dự án nghiên cứu lại có nhiều “lợi thế đàm phán” đến vậy khi xem xét công việc của mình với hiệu trưởng nhà trường (tất nhiên, đây chỉ là phép so sánh với chính Việt Nam trong các năm trước và hẳn nhiên là chưa thể so với thế giới được).

4. Giảng viên đại học ở Việt Nam, nhất là những người có năng lực nghiên cứu tốt chủ yếu vẫn là viên chức nhà nước. Điều này là dễ hiểu bởi cho đến tận bây giờ, cả nước mới có khoảng hơn 60 đại học tư, chiếm gần 30% số đại học trong cả nước. Trong một thời gian dài, các đại học tư chỉ là đại học hạng 2, không phải là điểm đến hấp dẫn đối với các giảng viên giỏi nhất.

5. Là viên chức, quy trình tuyển dụng, sử dụng và quản lý giảng viên về cơ bản là giống hệt các viên chức nhà nước khác. Điều này có nghĩa là hiệu trưởng một trường đại học công, nhất là trong giai đoạn 5 năm trở về trước, không có quá nhiều quyền trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giảng viên-viên chức của mình. Xin kể ra 2 ví dụ minh họa:

- Ví dụ 1: Khoảng 10 năm trước, tôi quen một TS trẻ rất xuất sắc tên Kiên mới từ nước ngoài trở về. Anh Kiên khi đó đang cân nhắc giữa hai trường A và B, có trụ sở ngay cạnh nhau và đều rất thiết tha mời anh về công tác. Trong thâm tâm, anh muốn về trường A hơn vì trước anh là sinh viên ở đó. Nhưng cuối cùng, anh đã chọn trường B. Nguyên nhân là bởi muốn tuyển dụng thì phải có đợt được phê duyệt từ trước. Đợt tuyển dụng của trường A là tháng 3 năm sau; còn đợt tuyển dụng của trường B là tháng 9. Khi đó là tháng 8 và anh TS Kiên đã không thể chờ hơn nửa năm để đợi đến... đợt tuyển dụng của trường A. Trường B vô hình trung thu hút được người giỏi.

- Ví dụ 2: Cũng khoảng 10 năm trước, một TS trẻ khác tên Giang đã quyết định bỏ môi trường học thuật tại một đại học công lập để làm cho khu vực tư nhân. Nguyên nhân không phải lương thấp, cũng không phải anh chán môi trường đại học. Anh nói với tôi “mình phải làm nhiều việc linh tinh quá”.

Cả nước có khoảng hơn 60 đại học tư, chiếm gần 30% số đại học trong cả nước. Ảnh: L.G

Quả thực, TS Giang khi đó đã phải làm quá nhiều việc ngoài chuyên môn (nghiên cứu) mà anh không hề mong muốn. Anh phải dạy 5 lớp/tuần, so với con số tương ứng là 2 khi anh còn ở nước ngoài; anh cũng phải đi coi thi, dạy tại chức ở tỉnh.

Tôi hỏi, thế sao anh không đề đạt với trưởng khoa, dùng kết quả nghiên cứu của mình để thay thế cho giờ dạy? Anh nói: mình làm rồi nhưng trưởng khoa trả lời không được. Vì quy định nhà nước, nếu là giảng viên-viên chức, mỗi người phải dạy đủ 270 giờ/năm. Điều đó là bắt buộc.

6. Tôi nghĩ là nếu cả hai đồng nghiệp của tôi, Kiên và Giang về Việt Nam muộn hơn một vài năm thì 2 anh sẽ có được lựa chọn chỗ làm ưng ý hơn. Tình hình 10 năm trước và hiện nay khác nhau tương đối nhiều. Trường đại học công hiện nay có nhiều quyền hơn rất nhiều so với thời gian 10 năm trước trong công tác nhân sự của mình.

Trường đại học công hiện nay có quyền tuyển dụng linh động hơn, thậm chí có thể có chế độ tuyển dụng đặc cách, dành riêng cho một cá nhân xuất sắc. Việc bố trí, phân công công tác cũng có thể được sắp xếp theo từng “vị trí việc làm”. Tức là một giảng viên có thể sẽ có một bảng mô tả công việc (Job Description) khác nhau, tương tự như khu vực tư nhân.

Điều đó có nghĩa là nếu ai thích dạy thì có thể dạy 1.000 giờ/năm cũng được; còn ai thích nghiên cứu thì có thể tập trung nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu và giảm giờ dạy (tất nhiên có những trường vẫn vận hành y như cũ nhưng có lẽ là bởi những trường này không muốn vận dụng các quyền tự chủ của mình chứ không phải là họ không thể thực hiện thay đổi).

7. Mặc dù vậy, có một điều các trường đại học công hiện nay vẫn khó thay đổi, đó là vẫn đề thu nhập. Nếu như ở doanh nghiệp, một nhân viên có thể đàm phán lương/thu nhập/phúc lợi trực tiếp với công ty theo nguyên tắc “thuận mua - vừa bán” thì ở trường đại học công, điều này vẫn rất khó, ngay cả với những trường được trao quyền tự chủ cao nhất.

8. Nhưng tình hình hiện nay cũng đã thay đổi khá nhiều bởi sự lớn mạnh không ngừng của hệ thống đại học tư. Suốt một thời gian dài, đại học tư chỉ được xem là đại học hạng 2, thu hút sinh viên hạng 2 (không đỗ trường công mới vào trường tư), giảng viên hạng 2 (trình độ thấp hơn trường công).

Nhưng trong bối cạnh hiện nay, đã có rất nhiều trường tư, nhờ nguồn lực tài chính dồi dào của chủ sở hữu cũng như tầm nhìn xa hơn, đã dám định vị và phát triển trường đại học tư cạnh tranh về chất lượng với các trường công, vốn có lợi thế hơn về mặt tên tuổi truyền thống.

Và hẳn nhiên, việc họ sẵn sàng đưa ra những đề nghị hấp dẫn về lương bổng để thu hút người giỏi là chuyện dễ hiểu. Quan sát của cá nhân tôi cho thấy, đang có 1 cơn “sóng ngầm” chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư trong giáo dục đại học. Và xét cho cùng, cơn “sóng” này là một tín hiệu tốt. Nó là chỉ báo cho thấy một cuộc cạnh tranh sòng phẳng giữa các chủ thể trong cùng một thị trường. Cạnh tranh sòng phẳng, về lâu dài, sẽ làm cho tất cả đều tốt lên và tất cả đều được lợi.

Giảng viên đại học ở Việt Nam, nhất là những người có năng lực nghiên cứu tốt chủ yếu vẫn là viên chức nhà nước. Ảnh: L.G

9. Để kết thúc câu chuyện, quay trở lại với nhân vật Quân từ đầu bài. Anh có nói với tôi, chắc anh khó chuyển trường, dù anh rất muốn. Vì anh vốn đi học tiến sĩ theo học bổng nhà nước 911. Giờ anh rời đại học công, anh sẽ phải đền gần tỷ đồng; mà anh thì không có. Tôi khi đó có hỏi ngược lại “Sao anh không làm giống như Neymar đi. Khi Neymar chuyển từ CLB Barcelona sang CLB Paris St Germain, Paris St Germain đã trả phí để Neymar tự chuộc mình. Giờ anh cũng hỏi xem trường tư có muốn bỏ tiền ra chuộc anh không, nhỡ đâu họ đồng ý thì sao?”.

* Lưu ý: tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Phạm Hiệp
.
.