Cơ hội lớn trong khó khăn của ngành nông nghiệp

Thứ Tư, 30/03/2016, 16:04
Tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn đã không còn hợp thời nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua... một cách bền vững hài hòa thiên nhiên.


“Nông dân luôn lo lắng về tác động biến đổi khí hậu, hạn hán, mưa, lũ gây sạt lở ở nhiều địa phương; tình trạng dịch, bệnh trên cây trồng, vật nuôi nhất là trong nuôi trồng thủy sản; cháy rừng, tai nạn giao thông gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Sự quản lý của chính quyền một số địa phương còn buông lỏng dẫn đến tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn gia súc kém chất lượng, nguồn gốc, chủng loại không rõ ràng vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ gây thiệt hại đến sản xuất và thu nhập của nông dân.

Ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép gây sạt lở và ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức xúc trong nông dân còn xảy ra ở nhiều nơi, nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới còn chậm so với mục tiêu đề ra; một số nơi chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, đời sống của nông dân nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; sự phân hóa giàu nghèo ngày càng chênh lệch xa”.

Đây là báo cáo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vào những tháng đầu năm 2016. Một báo cáo trong thời điểm mới nhưng lại toàn vấn đề cũ.

1. Song song với báo cáo đầy sự cũ kỹ ấy, là thông tin rất đáng lo ngại về tình trạng đất nhiễm mặn khan hiếm nước ngọt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển  nông thôn. Nhất là khi khu vực bị ảnh hưởng nhất lại là cái nôi của nền nông nghiệp nước ta – vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

“Năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino nên mùa mưa đến trễ nhưng lại  kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục xuống nhanh, đầu nguồn sông Cửu Long, khu vực Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và vùng cửa sông chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và mực nước xuống dần trong thời gian tới.

Với điều kiện khí tượng nêu trên, mùa khô năm 2015-2016 ĐBSCL sẽ thiếu nước ngọt, nhiệt độ cao sẽ làm gia tăng bốc hơi, xâm nhập mặn; nước mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hàng năm, xâm nhập sâu vào ĐBSCL và làm gia tăng nhu cầu nước cho cây trồng.

Tính đến tháng 2 năm nay đối với vùng  ĐBSCL, diện tích lúa bị ảnh hưởng, thiệt hại: 61.741 ha. Mặc dù thời gian qua các địa phương đã triển khai các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và một số diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch, diện tích khó khăn, thiếu nước đã giảm nhưng vẫn còn khá lớn: 96.960 ha, nếu thời gian tới tình hình xâm nhập mặn tiếp tục căng thẳng, diện tích có thể tăng thêm”.

Trên thực tế, tình hình nhiễm mặn đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Thậm chí, một vài khu vực tại thành phố Cần Thơ, nước sinh hoạt đã bị nhiễm mặn, những cánh đồng lúa ở miền Tây Nam Bộ đã bỏ hoang không thể gieo trồng.

Bên cạnh đó, hạn hán thật sự khiến người nông dân miền Tây điêu đứng. Trong một nỗ lực giải hạn cấp thời cho miền Tây, chúng ta đã yêu cầu phía Trung Quốc xả lũ đập Cảnh Hồng (Vân Nam) để tạm thời tiếp ứng nước cho miền Tây Nam Bộ, phía Trung Quốc đã đồng ý. 

Tuy nhiên, PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ khuyến cáo: “Trung Quốc xả nước, chắc chắn là họ xả cầm chừng, cho có lệ, vì họ cũng cần nước để phát điện cho các tháng mùa khô kế tiếp, trong quãng đường hơn 4 nghìn km xuống ĐBSCL, chẳng lẽ Thái Lan, Lào, Campuchia không “phỗng tay trên” trước lượng nước chảy qua lãnh thổ của họ trước khi đến vùng ven biển ĐBSCL?”.

Hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Jinghon) có dung tích hoạt động tối đa là 249 triệu m³ nước, nếu xả theo yêu cầu của Việt Nam là tối thiểu 2.300 m³/s thì chỉ sau 30 giờ là cạn hồ. Như vậy, chỉ sau hơn 1 ngày là hồ hết nước, lấy đâu ra mà xả tiếp mấy ngày sau? Lưu lượng đến hồ Cảnh Hồng hiện nay rất ít. Vả lại, đập thủy điện Cảnh Hồng là đập điều tiết theo mùa nên không thể vận hành theo ngày được”.

Cách đây vài năm, khi Trung Quốc ồ ạt xây đập trên thượng nguồn sông Hồng của nước ta cũng như ngăn đập giữ nước trên dòng Mê Kông, Giáo sư Carl Thayer (Australia) đã tỏ ra lo ngại: “Hệ sinh thái của hạ lưu sông Mê Kông đang phải oằn mình gánh chịu những hệ lụy do những con đập trên mang lại. Nó ngăn chặn nguồn cung cấp phù sa cho ĐBSCL tại Việt Nam, ảnh hưởng đến sự di cư của các loài cá đẻ trứng”. 

Còn Tiến sĩ Richard Cronin thuộc Trung tâm Henry L.Stimson (Mỹ) dự đoán: “Các con đập thượng nguồn sẽ thay đổi dòng chảy của sông Mê Kông, đe dọa nghiêm trọng đến vựa lúa ĐBSCL và có khả năng khiến một số cụm dân cư nơi này trở thành nơi không thể cư trú được nữa”.

Chúng ta không tư duy lại được quá khứ, chúng ta chỉ có thể đối mặt ở thực tại nên trách hành động chậm, phản ứng yếu trong quá khứ là điều không cần thiết, tôi nghĩ vậy. Phải bắt đầu hành động, tiên quyết là phải tự lực cánh sinh, tự mình cứu mình, tự mình phát triển.

Giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra giải pháp: “Xin đừng quá bi quan trước hiện tượng lúa bị chết mặn như báo chí đã loan tin. Họ không loan tin về các nông dân nhờ có nước mặn mà nuôi tôm rất thành công (giá trị gấp 3-4 lần lúa), và họ không hề lên tiếng giùm những nông dân nuôi tôm bị chết vì thiếu nước mặn do địa phương ngăn mặn để cứu lúa, nhưng lúa không đủ nước ngọt nên lúa cũng thiệt hại theo tôm.

Hình ảnh được mệnh danh là thiên đường giữa sa mạc của nền nông nghiệp Israel.

Đây là lỗi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như chính quyền các tỉnh có bờ biển tiếp giáp, chỉ biết trồng lúa-lúa-lúa, bất chấp thiên nhiên không cho phép, họ tốn hàng chục ngàn tỉ đồng để làm ngọt hóa bán đảo Cà Mau, nhưng kết quả là nước ngọt vẫn không đủ cho ngọt hóa. Chỉ mấy ông làm thủy lợi mới hưởng lợi vì có ximăng, sắt thép, bê tông để “xơi”.

Chúng ta đều thấy rằng thời kỳ cả nước ai cũng lo cho an ninh lương thực đã qua rồi vì nay ta sản xuất dư thừa để xuất khẩu 7-8 triệu tấn/năm với giá bèo như vậy. Nông dân trồng lúa của ta đã 40 năm rồi mà vẫn là những người nghèo, họ bị hô hào phải trồng lúa thật nhiều (để cho người ta được thăng quan tiến chức).

Đã đến lúc cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương và các phương tiện truyền thông do Ban Tuyên Giáo chỉ đạo phải đổi mới tư duy làm kinh tế, chọn lựa hướng sản xuất và tìm đầu ra cho các hướng đó thế nào để có giá trị cao hơn mà không tiêu xài quá nhiều nước ngọt - tài nguyên thiên nhiên không tái tạo.

Tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn đã không còn hợp thời nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua... một cách bền vững hài hòa thiên nhiên. Những vùng theo hệ thống lúa-tôm của Sóc Trăng hiện nay giàu có nhờ trồng lúa rất thành công trong mùa mưa và sau khi dứt mưa thì cũng vừa gặt lúa xong, liền cho nước mặn vào nuôi tôm. Đến mùa mưa, nông dân trở lại trồng lúa.

Chúng ta hãy thay đổi tư duy, không buộc nông dân trồng lúa quá nhiều để cho quan lên chức và nuôi dân các nước khác có ăn để họ làm giàu nhờ sản xuất các sản phẩm giá trị hơn lúa”.

2. Tôi hoàn toàn nhất trí với giải pháp của Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhưng tôi lại thiên về một giải pháp có tính cách mạng hơn. Hãy bắt đầu từ sự tự hào của người Israel: “Chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu chừng 3 tỷ USD nông sản, là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Ít ai biết rằng, những sản phẩm rau quả từ Arava - một trong những nơi khô cằn nhất thế giới - lại chiếm tới trên 60% tổng sản lượng xuất khẩu rau của Israel và 10% tổng sản lượng hoa xuất khẩu”.

Một đoạn để bạn đọc tiện tham khảo: “Thung lũng Arava là chứng tích khiến phép màu đã làm nở hoa giữa sa mạc – một thứ phép màu của khoa học công nghệ. Là phần khô hạn nhất của hoang mạc Negev, thung lũng Arava trải dài từ phía nam của Biển Chết đến Vịnh Eliat. 

Lượng mưa bình quân của khu vực này chỉ từ 20-50 mm mỗi năm. Nhiệt độ mùa hè bình quân lên tới 40ºC và ban đêm là 25ºC. Nhiệt độ mùa đông ban ngày là 21ºC và ban đêm chỉ từ 3 đến 8ºC. Độ ẩm cực thấp và sự chênh lệch nhiệt độ khiến đá cũng phải vỡ vụn mà khắp hoang mạc phủ một lớp đá vụn và cát đặc thù sa mạc. 

Arava là một trong những vùng đất khô cằn nhất thế giới. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất này, là miền Trung Việt Nam với những dải đất bạc màu và đồi cát, hóa ra vẫn còn là miền đất trù phú. Không từ nào có thể diễn tả đúng hơn về một “vườn địa đàng” đã được tạo ra giữa thung lũng Arava, đúng như Tổng thống Israel Shimon Peres đã thốt lên khi đến thăm nơi này năm 2009: “Hãy đến và thấy chính con người cũng có thể tạo nên vườn địa đàng (Gadern of Eden)”.

Trong lần tháp tùng Tổng thống Israel Shimon Peres thăm chính thức Việt Nam vừa qua, bà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nước này đã nhắc đi nhắc lại, cũng như kinh nghiệm quan trọng nhất của Israel để xây dựng được một nền nông nghiệp hiện đại là hãy đầu tư cho khoa học kỹ thuật”. 

Hãy thôi than khóc, hãy đầu tư một nền nông nghiệp công nghệ cao như cái mà một số nhà đầu tư đã thành công tại huyện Củ Chi (TP HCM) cũng như một vài nơi khác rải rác khắp nước. Có những tập đoàn đầu tư cho nông nghiệp bằng công nghệ cao rất thành công theo như tôi biết nhưng họ lại không muốn công bố.

Phải tìm cơ hội trong khó khăn, đây là thời điểm không có chỗ cho nước mắt và lời trách cứ, thụ động hoàn toàn vào nguồn nước cứu rỗi thì hãy chủ động cho một tương lai bền vững, không chỉ là tương lai của chúng ta mà còn cho cả con cháu truyền đời. Quan trọng nhất, muốn thay đổi, muốn chuyển biến về nông nghiệp thì lãnh đạo nông nghiệp nước mình phải thật sự muốn thay đổi, thật sự yêu thương lấy người nông dân, thật sự muốn vì cái chung mà cống hiến.

Trong số báo sau, Chuyên đề ANTG Giữa tháng 4, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này với bài viết có nội dung: “Nông nghiệp công nghệ cao – con đường duy nhất để phát triển”.

Ngô Kinh Luân
.
.