"Cơ hội đổi đời" của người trẻ Hàn Quốc: Cánh cửa lớn hay canh bạc lớn?

Thứ Bảy, 21/12/2019, 13:53
Tháng 11 hàng năm, người dân Hàn Quốc cùng chào đón một ngày "tĩnh lặng". Ngày ấy, tất cả các chuyến bay đều tạm ngưng hoạt động để tránh tiếng ồn.

Ngày ấy, thậm chí các cuộc tập trận cũng buộc phải dừng lại. Ngày ấy, các bậc phụ huynh lên đền chùa, thành tâm cầu nguyện. Ngày ấy, được gói gọn trong vỏn vẹn vài chữ: Kỳ thi CSAT.

Giấc mơ cánh cửa lớn

Người dân Hàn Quốc từ muôn đời nay luôn đề cao truyền thống hiếu học, vì lẽ đó mà giáo dục được coi như một phần quan trọng tới "sống còn" đối với bất cứ ai. Việc trở thành sinh viên một trường đại học danh tiếng tại Hàn Quốc được coi như cuộc chiến sinh tồn mà bất kể đứa trẻ nào của Hàn Quốc, ngay từ khi mới 6 tuổi, đã phải nhận thức rõ và chiến đấu bền bỉ. 

Nhắc tới các trường đại học của Hàn Quốc, không thể không nhắc đến bộ ba "SKY", ba trường đại học danh tiếng hàng đầu tại xứ sở kim chi, gồm trường Đại học Quốc gia Seoul (Seoul National University), Trường Đại học Hàn Quốc (Korea University), và Trường Đại học Yonsei (Yonsei University). 

Một cách tình cờ, chữ cái đầu của ba ngôi trường này khi ghép lại mang ý nghĩa "bầu trời" (SKY), phần nào ám chỉ con đường dài hơi đầy chông gai để có thể đặt chân đến SKY. Điều này là hoàn toàn có thật. 

Theo số liệu thống kê do The Economist cung cấp, mỗi năm, chỉ có 2% số học sinh tham gia thi đại học được ghi danh tại SKY, biến bộ ba này trở thành "bầu trời tinh hoa" trong nền giáo dục Hàn Quốc. Nhưng hiển nhiên rằng, sự nỗ lực nào cũng có giá của nó. Năm 2010, trang mạng Naver tiết lộ, có tới 46.3% cán bộ nhà nước cấp cao và 50% CEO các doanh nghiệp lớn tốt nghiệp từ các trường đại học thuộc nhóm SKY. 

Thậm chí, Hàn Quốc đã làm một bộ phim có tên "SKY Castle" để nói về 3 ngôi trường nổi tiếng này, qua đó gián tiếp bộc lộ những góc tối của nền giáo dục Hàn Quốc, vốn được biết đến là vô cùng hà khắc. "Nếu bạn muốn được công nhận, nếu bạn muốn đạt được ước mơ, bạn cần phải học tại một trong ba ngôi trường này", cựu sĩ tử Eun-suh chia sẻ.

Song, không ai có thể tự động đặt chân vào SKY. Hành trình ghi danh vào các ngôi trường danh tiếng của Hàn Quốc buộc các sĩ tử phải đổ mồ hôi, nước mắt, và thậm chí là đổ máu. Nguyên phó Hiệu trưởng trường trung học Joongang tại Seoul từng chia sẻ, các học sinh đã dành "gần như toàn bộ tuổi trẻ của họ chỉ cho một ngày". 

Ngày đó, chính là ngày kỳ thi CSAT diễn ra. CSAT là 4 chữ viết tắt của College Scholastic Ability Test - Kỳ thi kiểm tra năng lực quốc gia, hay còn được gọi là Suneung - Kỳ thi tuyển sinh đại học tại xứ sở kim chi. Kỳ thi CSAT được bắt đầu từ năm 1994 và diễn ra vào thứ 5 đầu tiên của tháng 11 hàng năm, bao gồm các môn thi như địa lý, đạo đức, luật pháp và chính trị, lịch sử thế giới và nhiều chủ đề khác. 

CNN nhận định, kỳ thi CSAT là một trong những kỳ thi đại học khốc liệt nhất châu Á. Nếu đỗ đại học, các sĩ tử nghiễm nhiên có được tấm vé thông hành giúp mở ra tương lai tốt đẹp, mang lại vinh hạnh cho gia đình. Vì thế, các sĩ tử nói riêng và người dân Hàn Quốc nói chung coi kỳ thi CSAT là tối quan trọng. 

Thậm chí, chính phủ Hàn Quốc còn đưa ra những chính sách biệt đãi để tạo điều kiện cho các thí sinh dự thi. Khi kỳ thi bắt đầu, các chuyến bay thương mại sẽ tạm dừng 35 phút để tránh gây tiếng ồn, tránh ảnh hưởng đến hiệu quả làm bài thi. Hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính cũng sẽ giao dịch trễ hơn khung giờ bình thường để giảm tải tình trạng tắc đường. BBC thậm chí đã gọi ngày kỳ thi CSAT diễn ra là "ngày tĩnh lặng" để diễn tả tầm quan trọng của kỳ thi này.

Các học sinh Hàn Quốc chuẩn bị bước vào kỳ thi sinh tử tại một trường trung học ở Seoul hôm 14-11 vừa qua. Ảnh: Straits Times.

Đánh đổi canh bạc lớn

Để bước qua cánh cửa lớn, hàng triệu học sinh Hàn Quốc, trước hết, phải bền bỉ chạy đua với cuộc đua tri thức khổng lồ. Trong một bài phỏng vấn với Al Jazzera năm 2017, sinh viên Lee Yeon-soo, người đã tham gia kỳ thi CSAT trong 2 năm liên tiếp, trải lòng: "Kỳ thi này về cơ bản sẽ quyết định cuộc đời của bạn. Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi này ngay từ giây phút chúng tôi bắt đầu đi học. 12 năm đèn sách cuối cùng cũng chỉ hướng đến vạch đích Suneung. 

Thậm chí, ngày tôi bắt đầu năm học cuối cấp, tôi đã viết "365 ngày cho đến D-Day (ngày quyết định)" lên lịch tường của mình và bắt đầu đếm ngược từ đó". BBC hé lộ, tại Hàn Quốc, ngay từ khi 4 tuổi, các em nhỏ đã bắt đầu sự nghiệp học tập của mình. Một ngày của một học sinh Hàn Quốc sẽ bắt đầu từ 7h30 sáng và có thể kéo dài đến nửa đêm, với những ca học triền miên tại lớp học, và tại các trung tâm đào tạo được người Hàn Quốc gọi là "Hagwons". 

Trong bộ phim tài liệu có tên Korean High School do Kelley Katzenmeyer thực hiện, một nữ sinh cuối cấp đã chia sẻ: "Học sinh cấp 2 sẽ kết thúc giờ học lúc 4.30 chiều, còn với học sinh cấp 3 sẽ là khoảng 9.30 tối. Chúng tôi làm gì sau khi kết thúc giờ học ư? Trở về ký túc xá hoặc lên thư viện để học tiếp".

Nhưng việc chạy đua thôi là chưa đủ, bởi CSAT vốn dĩ là một đấu trường sinh tử, nơi hoặc bạn sẽ thắng, hoặc bạn trao phần thắng của mình vào tay kẻ khác. Theo giáo sư tâm lý Lee Do-hoon thuộc Trường đại học Yonsei, tốt nghiệp một trường đại học tốt ở Hàn Quốc cũng chưa chắc đã bảo đảm một việc làm tốt bởi mức độ cạnh tranh giữa các ứng viên ngày càng khốc liệt. Nhưng nếu không tốt nghiệp từ một trường tốt, cơ hội việc làm của bạn gần như là bằng không. 

Vì thế, nhiều học sinh và phụ huynh tin rằng, việc đỗ vào các trường top cao sẽ giúp họ có nhiều cơ hội hơn các trường top thấp. Đó là lý do mà những bạn trẻ buộc phải học tới 13 đến 15 tiếng một ngày để đảm bảo đạt được ước mơ của mình. Ye Dam Yi, một cựu sinh viên hiện đang làm việc tại một công ty thương mại ở Seoul, đã miêu tả kỳ thi cô từng trải qua như "ngày tận thế". 

"Hầu hết các giáo viên đều nhấn mạnh với học sinh rằng nếu trượt kỳ thi Suneung, phần đời còn lại của các bạn coi như thất bại. Bởi kỳ thi là bước đầu tiên, thậm chí là duy nhất dẫn chúng tôi đến cuộc sống thành công", Sina Kim, một người trẻ Hàn Quốc chia sẻ. Nhưng kỳ thi CSAT không chỉ là canh bạc của người trẻ, mà còn của bố mẹ, gia đình của họ, và của vô vàn những thế hệ Hàn Quốc. 

"Thường trong ngày đó, hoặc bố, hoặc mẹ sẽ đưa bạn đến trường thi. Tại cổng trường, các giáo viên và các hậu bối sẽ chờ đợi và cổ vũ bạn, họ giơ cao những băng rôn, biểu ngữ, thậm chí tặng bạn kẹo hay sô cô la để khích lệ tinh thần. Nhưng sự thật là việc phụ huynh hay giáo viên cổ vũ bạn càng khiến áp lực thi cử trong bạn tăng lên gấp bội. Bạn cảm thấy việc mình thi không tốt sẽ làm tất cả thất vọng", Lee Yeon-soo chia sẻ. 

Theo ông Shin Gi-wook - Giáo sư xã hội học kiêm Giám đốc chương trình Hàn Quốc tại Đại học Stanford, người Hàn Quốc coi bằng cấp và các kỳ thi tiêu chuẩn như một công cụ khách quan để đánh giá một con người. Vì thế, việc đi học như tấm vé một chiều, mà người mua vé là phụ huynh. Còn học sinh? Họ buộc phải lên tàu bay, cho một hành trình không bao giờ dừng lại. Chính văn hóa thi cử và áp lực bằng cấp cũng tạo nên sự phân cấp xã hội rõ ràng tới mức hà khắc tại xứ sở kim chi, nơi mà những luật sư, bác sĩ, thẩm phán sẽ được trọng vọng tột cùng, Straits Times nhận định.

Điều còn lại…

Thực tế là hệ thống giáo dục Hàn Quốc cho phép học sinh có cơ hội "làm lại". Nếu như bạn không đỗ kỳ thi CSAT hoặc không hài lòng với kết quả của mình, bạn có thể thi lại vào năm sau. Có khoảng 20% số học sinh làm điều này. Thậm chí có những học sinh còn thi lại 3 lần liên tiếp. Hàn Quốc còn có cả một danh từ riêng có tên "Jaesoosaeng" để gọi những học sinh thi lại hai lần liên tục, dù danh từ đó không lấy gì làm hoa mỹ hay đáng tự hào. Nhưng không phải học sinh nào cũng đủ bản lĩnh làm điều đó, và cái chết lại là điều mà họ lựa chọn… 

Trang tin Mainichi, Nhật Bản hôm 7-10 đưa tin, có khoảng 709 học sinh có ý định tự sát và 144 học sinh đã tự sát tại Hàn Quốc vào năm 2018. Đây là con số lớn nhất kể từ khi Bộ Giáo dục Hàn Quốc thực hiện thống kê số liệu từ năm 2011. Áp lực học tập khốc liệt cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tâm lý trong giới trẻ Hàn Quốc. 

Tiến sĩ tâm lý Kim Tae-hyung cho biết: "Trẻ em Hàn Quốc buộc phải học tập chăm chỉ và cạnh tranh với bạn bè của họ. Họ đang lớn lên một mình, học tập một mình. Sự cô lập này có thể gây ra trầm cảm và là một yếu tố chính dẫn đến tự tử. Tại Hàn Quốc, tự tử là nguyên nhân số một gây tử vong cho những người trẻ tuổi từ 10 đến 30 tuổi".

Vậy nếu bạn đỗ đại học thì sao, điều gì sẽ xảy ra sau đó? Rất nhiều học sinh không thể tự mình trả lời câu hỏi này, họ tìm đến cha mẹ của mình như một "phao cứu sinh", theo SCMP. Cựu sinh viên Sina không quên chia sẻ: "Kỳ thi được xem như mục tiêu cuối cùng và nhân tố cuối cùng định đoạt cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi đã nghĩ rằng nếu chúng tôi hoàn thành xuất sắc bài thi, một cuộc sống tươi đẹp sẽ tự động mở ra". 

Lời chia sẻ đặt một dấu hỏi lớn trong lòng người đọc, rằng những thế hệ người trẻ Hàn Quốc đang học cho chính họ, cho những lý tưởng sống và khát khao cao cả, hay đang học cho cái vạch đích CSAT. Còn điều gì xảy ra sau kỳ thi CSAT, họ không biết. Kim Minji, một công chức 29 tuổi, trải lòng rằng cô đã dành cả thanh xuân để tham gia ít nhất 50 kỳ thi "định đoạt cuộc đời", trong đó bao gồm kỳ thi sinh tử Suneung. 

"Tôi bắt đầu tham gia các kỳ thi này từ tiểu học. Đối với một số kỳ thi, tôi biết nó sẽ thay đổi cuộc đời, nên tôi không thể có những cuối tuần vui chơi, tôi cần dành hết thời gian cho việc học. Cho đến khi đi làm, tôi vẫn phải thi chứng chỉ báo chí, thậm chí là thi uống rượu để đánh giá hành vi", cô nói. 

Khi việc thi cử đã ăn sâu vào máu, trở thành lý tưởng, định hình thành nền văn hóa, thì các thế hệ học sinh Hàn Quốc sẽ cứ nối tiếp nhau trong cái vòng quay học - thi như thế, dù chính họ có lẽ chưa từng có những mơ ước xa hơn. Tôi có muốn trở thành một chủ tiệm hoa? Một phóng viên hiện trường có là điều tôi khao khát? Những nam nữ sinh Hàn Quốc không nghĩ quá nhiều về điều đó, bởi trong đầu họ chỉ có một cụm từ: CSAT. 

An Nhiên
.
.