Cô gái tóc vàng dưới gầm trời lưu lạc…

Chủ Nhật, 15/02/2015, 14:45
Đạo đức làm người đã khiến Sabine, cô gái tóc vàng, mắt xanh như nước biển đến từ đất nước Israel xa xôi bỏ ngang chuyến viễn du đời người, tự chuốc lên bờ vai thiếu nữ của mình cái gánh nặng cứu những kẻ khác màu da, màu tóc và quốc tịch...

Có những người, cả đời họ không đi ra khỏi cái làng, cái bản của họ lần nào. Song hoặc cũng vì thế mà chưa bao giờ sự an lạc và cái gì đó giống như hạnh phúc rời khỏi cảm giác của họ. Chẳng vì họ “yên vị” quẩn quanh quá mà trái đất lại không “quay đều quay” với xiết bao ái ố hỉ nộ, để rồi người của nhân gian vẫn sinh ra và chết đi lặng lẽ.

Với nhiều người thì lại khác. Đi - với họ là thứ bản năng được kiếp phận truyền lại một cách không tài nào lý giải nổi. Dịch chuyển, có lúc họ thấy nó chính là sự sống, là tột đỉnh hân hoan; có lúc họ lại coi đó là thứ tròng ách, là món nợ đời tai quái nhất. Biết vậy, nhưng họ không thể nào làm khác đi. Gầm trời này, quả đất chênh vênh lăn mà các số phận, các công trình phù du như lâu đài cát đang tọa lạc này, với Sabine, dường như nó quá nhỏ bé.

Vâng, tôi đã viết điều này để dành cho Sabine - cô gái tóc vàng, mắt xanh như nước biển đến từ đất nước Israel xa xôi. Lần đầu, cách đây chục năm, Sabine được một phóng viên mảng Nhân đạo của Đài Truyền hình Việt Nam dẫn đến gặp tôi. Cô nói nhanh và đầy công phẫn, rằng cô vừa tốt nghiệp đại học ở Israel, cô muốn đi vòng quanh khám phá cả thế giới trước khi nhận làm việc cho một công ty nào đó.

Đến Việt Nam, dĩ nhiên cô sẽ lên thiên đường du lịch Sa Pa. Ở đó, cô bắt quen với những cô bé, cậu bé người Mông, chúng bán hàng rong cho du khách, chúng nói tiếng Anh sõi hơn tiếng Việt. Cô mời lũ trẻ lên khu du lịch núi Hàm Rồng ăn kem. Và cô đã choáng váng khi thấy rất nhiều người nghiện, nhiễm HIV, lở loét toàn thân, sống trong hang đá ẩm thấp, tối tăm “dưới mức sống của một con người”.

Rồi đám trẻ gái 6-7 tuổi, bị bố mẹ cho dùng ma túy để dễ bề sai khiến khi bắt các cháu đi ăn xin, đi bán thổ cẩm. Bố mẹ các cháu thì cũng giơ các tấm thân tróc lở, sưng vù ra để lấy nước mắt và xin tiền của khách Tây. Vài người đẻ con rồi đem ra chợ bán để có tiền mua thuốc phiện. Sabine mở Iphone cho tôi xem ảnh từng đứa trẻ bị bán buôn, có đứa khôi ngô, áp má vào lưng mẹ.

Sabine khóc: “Trước mặt tôi, nó đã bị buộc phải rời bầu vú mẹ, bị cõng đi đến một nơi rất xa”. “Số phận những người tận khổ đó đã khiến tôi khựng lại ở Việt Nam. Tôi không đi vòng quanh thế giới nữa, chừng nào những người ấy còn phải sống dưới mức sống của con người”.
Cô gái tóc vàng nhân ái đưa hai đứa trẻ bị ép sử dụng thuốc phiện đi chơi, ăn kem, chơi đu quay.

Giọng điệu gay gắt, kết tội day dứt, lý luận sắc sảo, lý lịch… không rõ ràng, thú thật, lúc đầu, cô gái tóc vàng, mắt xanh, da trắng, váy hoa nhũng nhẵng đó đã làm tôi nghi ngờ. Cô có âm mưu gì không nhỉ? Tại sao cô lại tốt bụng đến mức khó tin như vậy nhỉ? Cô đã đi khắp 15 tổ chức trong nước và quốc tế để kêu cho số phận “dưới mức sống của con người” kia mà chưa hiệu quả. Cuối cùng, người bạn nhà báo đã đưa Sabine đến gặp tôi.

Câu đầu tiên Sabine nói tôi, gã nhà báo, là: “Help me” (cứu tôi), chứ không phải là cứu lũ trẻ và cha mẹ tận khổ, tận lầm lạc của chúng. Đạo đức làm người đã khiến Sabine bỏ ngang chuyến viễn du đời người, tự chuốc lên bờ vai thiếu nữ của mình cái gánh nặng cứu những kẻ khác màu da, màu tóc và quốc tịch kia. Liệu có ai đó cảm thấy hổ thẹn trước lòng tốt của Sabine, khi mà hàng chục năm trôi qua, họ biết rất rõ thảm trạng của người nghiện, người HIV sống trong hang núi ở Sa Pa, nhưng họ mặc kệ (hoặc nói rằng tôi mặc kệ bởi vì tôi bất lực)?

Tôi, Sabine và vài người nữa bèn lên tàu hỏa đi Sa Pa. Vé tàu đi Sa Pa là một cái gì đó đáng xấu hổ nhất. Đám con buôn “ém hàng” hoặc bán hết hàng cho các công ty du lịch bao thầu, nên mua cực khó. Chỉ còn cách bỏ tiền đi theo “chợ đen”.

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai nhiều lần bất bình và yêu cầu báo chí chúng tôi vào cuộc lột trần trò “sấp mặt vì tiền” của hệ thống người kia. Và Sabine lại nổi nóng, cô phản ứng rất lịch sự, nhưng kiên quyết vô cùng. Dọc đường, một chai nước suối, một bữa cơm, cô cũng chém bàn tay “cưa bốn” ra giữa không trung, mỉm cười xin được thanh toán một phần tư số tiền mà 4 người chúng tôi đã tiêu tốn. Thái độ đó, đã làm tôi cảm phục người phụ nữ trẻ một mình đi khắp gầm trời.

Sau này, vài người ở Hà Nội có ý tán tỉnh Sabine, cô bảo: “Tôi có người yêu ở Nhật Bản rồi”. Nếu tôi “nhận lời” với anh, thì tôi là prostitution (con điếm) ư? Sau này, hàng chục năm gắn bó và cứu giúp các cháu ở Sa Pa bằng vô vàn hình thức tử tế khác nhau, có lần trở lại Lào Cai bằng xe khách trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đi trên chiếc xe giường nằm “Sao Việt” trước chuyến nó bị lật làm mấy chục người chết… một chút xíu, Sabine đã viết thư cho tôi: “Nhà xe đối xử với hành khách như đối xử với những đồ vật, suốt mấy trăm cây số, gần chục giờ đồng hồ, họ chỉ cho khách đi vệ sinh một lần. Xe dừng giữa đường, đàn ông “ngồi” một đầu xe, đàn bà ngồi một đầu xe. Tôi suốt đời không thể hình dung có ngày mình “đi vệ sinh” giữa đường, trước hàng chục người như thế. Với tôi, đó là một sự xỉ nhục. Họ bắt khách phải đứng vì hết chỗ, trong khi họ nhét cả cái xe máy lên ôtô”.

Rồi cô kể về đất nước Israel của cô, về nước Nhật mà cô đang theo học ở cố đô Kyoto. Những nơi đó, xe khách lịch sự, dừng nghỉ có trạm, có nhà vệ sinh và nhà ăn, nhân viên “dạ vâng” với mọi người. Cô thở dài: “Tôi bỏ tiền ra, như bị lừa vậy. Họ đối xử với tôi và với đồng bào họ, dưới mức ứng xử dành cho một con… người”.

Phải nói rằng, dần dà, Sabine đã làm tôi cảm kích, tôi học được ở cô thái độ không khoan nhượng với những điều đáng xấu hổ và xỉ vả trong cuộc sống. Với cô, sự tử tế, như là một lẽ sống, để sống cho ra cái con người.

Trở lại “điệp vụ” của chúng tôi ở Lào Cai. Sabine, nhà báo Xuân Tùng (VTV) và tôi cùng vào các hang núi thời tiền sử của những bệnh nhân AIDS thê thảm và những con nghiện tha hóa nhất. Cơ quan chức năng bắt cóc bỏ đĩa, thỉnh thoảng cầm dẻ và dầu hỏa ném vào đốt hang, xua người nghiện ra, vài hôm sau họ lại rúc vào. Người ta đã giải quyết vấn đề rất “sống chết mặc bay”.

Xuân Tùng bảo, em sẽ cứu lũ trẻ bằng cách của em. Tôi bảo, tôi phải đưa mọi chuyện lên báo. Tôi đề nghị xét nghiệm nước tiểu các cháu gái 6 tuổi đã được bố mẹ xác nhận có nghiện ma túy. Tôi viết loạt bài Góc tăm tối ở thiên đường du lịch Sa Pa, với những người bán con như bán chó mèo ngoài chợ huyện, với các đường dây ma túy tàn độc. Tôi đã vào vai mua một đứa trẻ còn lấy bấy sơ sinh, dứt cháu ra khỏi bầu ngực tròn căng mọng sữa của người đàn bà Mông tội nghiệp. Tôi đã bật khóc.

Bấy giờ Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có công văn yêu cầu xử lý, điều tra dứt điểm, triệt phá các ổ nhóm ma túy, đưa toàn bộ các con nghiện, kể cả các cháu gái 6 tuổi đi cai ma túy. Dăm bảy năm trôi qua, tôi và anh Xuân Tùng vẫn thỉnh thoảng trở lại các ngôi trường, nơi lũ trẻ mà chúng tôi cứu sống đang ăn học, có lần chúng tôi phải bức xúc gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Lào Cai, rằng làm sao mà nhà trường để các cháu trốn về hang núi “sống chết mặc bay” như thế. Không thể nói là chúng tôi không cảm thấy khá tự hào khi ngòi bút của mình còn làm được cái gì đó cho cộng đồng. Công việc cuốn chúng tôi đi. Tưởng như mọi chuyện đã ngủ yên.

Điều tôi hết sức bất ngờ là, gần chục năm qua, chưa bao giờ Sabine thôi trăn trở, lo lắng về đám trẻ và cha mẹ từng “sống dưới mức sống của con người” của chúng. Hóa ra, nếu không có cô, những gì chúng tôi nói là đã giải quyết xong chỉ là thứ… hoang tưởng. Đám trẻ vẫn quá khổ, quá bế tắc, bố mẹ chúng ngày càng bế tắc, duy có nhóm người chết trong trại cai nghiện thì tròn kiếp hơn cả… Và thế là, năm nào Sabine cũng phải trở lại Việt Nam, dù bề bộn khó khăn, cô cũng dành dụm ít tiền để chăm bẵm cho lũ trẻ. Cô đều đặn vận động tiền gửi cho Thành, một lễ tân khách sạn Famaly ở Sa Pa, để anh chàng “cung ứng” cho các cháu thêm tiền ăn học. Cô hướng dẫn các cháu học nghề thổ cẩm, làm các mẫu hoa văn theo nghiên cứu thị trường của cô, rồi xách một va ly đồ handmade (làm thủ công) của chính các cháu về Nhật Bản bán. Bán được vài đồng bạc lẻ thôi, cô vận động thêm bạn bè, vận động cả tôi (người viết bài này) nữa: “Làm cái gì đó vì các cháu đi”. “Em vừa về lại Sa Pa, Pan bây giờ khổ lắm anh ạ. Pan và Dung đã cai nghiện được rồi. Bố mẹ các em đều chết trong trại cai nghiện. Cô bé được đưa đi làm con nuôi, cậu em trai của Pan cũng đi làm con nuôi. Bố mẹ mới gả chồng cho Pan, khi em mới 14 tuổi. Pan không thích “cậu bé chồng”, cô bỏ trốn về nhà. Bố mẹ mới phải dắt trâu đi trả người ta”, Sabine nói rồi lại khóc. Khóc vì lý do “sao thời buổi này mà người ta vẫn ép nhau cưới gả, chồng vợ - bất biết đến tình yêu! Sao thế nhỉ? Trên một cái giường, những cuộc tình dục không có tình yêu, nó còn đáng sợ hơn cả cái chết”, cô thở dài.

Sabine ở cửa một hang đá trên đỉnh núi cao vùng Sa Pa. Tôi (tác giả) và cô đã phải bò vào trong lòng hang tối thăm thẳm xem họ hút thuốc phiện, thuyết phục một gia đình người nghiện ra ngoài để tìm hiểu.

Đợt chiến sự ở Israel và Palestine rầm rĩ, mấy nghìn người chết, Sabine đến Hà Nội rồi ngồi buồn bã giữa khói bụi và tắc đường. “Anh Hoàng ơi, hôm nay lại thêm ba chục người chết, rốc-két vẫn bắn ầm ầm. Hôm qua cũng ngần ấy người chết. Mẹ em đang ở Israel, bố em lại ở Ucraina, cũng hàng nghìn người chết vì bom đạn rồi. Em không dám về nước vì sợ chiến tranh, mẹ em cũng không thể có điều kiện đi ra khỏi chỗ chết chóc ấy. Mẹ có con với bố, không cưới xin gì”.

Là một cô gái Do Thái chính hiệu, Sabine thông minh đến ngạc nhiên. Cô coi gầm trời này là một ngôi nhà chung, cô đứng về phe nước mắt, cô căm thù sự vô lối kiểu như cỗ xe Sao Việt cẩu thả, cô cực lực công kích sự vô lối thượng thặng nữa: chiến tranh. Bố ở chảo lửa Ucraina. Mẹ ở chảo lửa Israel. Sabine cầm cái Iphone cũ mèm, lớp ốp thỉnh thoảng loại rơi ra nhẽo nhèo, cô giơ các hình ảnh đau thương toàn thi thể người ra trước mặt bạn bè Hà Nội: “Thật khủng khiếp!”.

Đó dường như là lý do để cô không về ở với bố, cũng chẳng thể về thăm mẹ. Cô chọn Kyoto của Nhật Bản để tiếp tục học tập và làm một cái gì đó cho quả đất đôi khi nhuộm khói thuốc súng và sự mông muội nhẫn tâm này. Người yêu cô là một gã Nhật Bản xăm trổ đầy mình. “Khác với cách nghĩ của nhiều bạn Việt Nam, xăm trổ với chúng tôi là một nghệ thuật, nó không bao giờ là găng-xtơ” - Sabine hết lòng ca ngợi người yêu của mình – “Tôi sẽ không yêu ai nữa, chừng nào anh ta còn yêu tôi. Vì phản bội anh ấy, tôi có khác gì con điếm”.

Có lần, tôi về quê làng cổ Đường Lâm, lại vô tình gặp Sabine ở chính nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Cô bất bình về cách làm bảo tồn nực cười của cán bộ bảo tồn Hà Nội và Hà Tây cũ. Cô khóc khi đến nhà bà Hà Thị Khanh, người đàn bà hăng hái xây dựng nhà văn hóa cho địa phương, bị cây đổ gãy tay, bây giờ, vì nhu cầu bảo tồn làng cổ để phục vụ du lịch, chính quyền thị xã Sơn Tây đã ký quyết định đập toàn bộ tầng 2 ngôi nhà trị giá 800 triệu đồng mà cả đời bà chắt bóp để có được kia. Trong khi đó, mấy chục ngôi nhà khác, to hơn, cao hơn thì không bị phá. Trong khi đó, phá nhà bà xong, thì hàng chục ngôi nhà to cao hơn nhà bà vẫn tiếp tục được mọc lên, băm nát không gian của Di sản quốc gia.

“Tôi nghĩ, cơ quan chức năng phải xây, đền bù lại tàn sản đã bị phá hủy cho bà Khanh”, Sabine buồn bã. Bởi đây là di sản sống, chúng ta bảo tồn cần khoa học, trung thực và trước hết phải vì hạnh phúc của chính các cư dân trong làng cổ. Tôi đã điền dã đến rất nhiều làng cổ, phố cổ ở Việt Nam, không ở đâu người ta làm bảo tồn một cách coi thường người dân như Đường Lâm.

Sabine nói, trước khi ra sân bay và hẹn năm sau sẽ quay trở lại. Cô gái Do Thái vẫn nắm tay bà Khanh: “Bà đã hỏng cả một cánh tay để xây nhà văn hóa cho xã, giờ người ta không thể destroy (phá hủy) toàn bộ tàn sản của bà một cách vô lý thế, vì lý do bảo tồn được”. Cô gái da trắng, tóc vàng, mắt xanh như nước biển ấy, bây giờ lưu lạc nơi đâu, dưới gầm trời quá rộng mà cũng quá hẹp này? Khát vọng tử tế còn đưa cô đến những bến bờ đáng cảm kích nào nữa đây?

Có người bảo, Sabine lưu lạc, bởi vì cô là một người phụ nữ Do Thái. Người Do Thái, dường như trời sinh ra họ để lưu lạc. Dù có không nhiều người, nhưng họ luôn là một dân tộc thông minh bậc nhất, với lịch sử bi tráng, gồm các cuộc giết chóc, trốn chạy và cơn khát tìm lại đất Thánh lừng lẫy và bi tráng nhất thế giới. Kể từ khi giải Nobel ra đời, theo thống kê, trung bình, cứ 5 người nhận giải, thì có 1 người Do Thái.

Sabine đang ở đâu? Sabine đang ở trong hang đá ở Sa Pa, giữa ngôi làng cổ đầy sóng gió, hay ở chảo lửa Israel, điểm nóng chiến sự Ucraina? Dù ở đâu, chưa bao giờ Sabine cảm thấy ân hận vì đã chọn một phận kiếp xê dịch cho một lẽ sống bất biến: đứng về phe nước mắt.

Đích thị là, tôi đã nhìn thấy cô cảm hóa được nhiều người.

Ghi chép của Đỗ Doãn Hoàng
.
.