Lực lượng CAND học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại

Có đức mới vực được nghề

Thứ Tư, 27/11/2013, 14:25

Theo ý tưởng của Bác Hồ khi nói tới đạo đức của người Công an nhân dân trong chế độ mới, liêm là một trong bốn yếu tố cần và đủ để rèn giũa mình (Cần, kiệm, liêm, chính). Đất nước càng phát triển, chính quyền càng vững mạnh thì chữ “liêm” lại càng là lời răn phải đinh ninh ghi khắc đối với những “công bộc”  của nhân dân nói chung và những người chiến sĩ Công an nói riêng.

Công bộc của nhân dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh ngay từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” đã luôn nhấn mạnh tới tính công bộc của bộ máy nhà nước đối với nhân dân. Là người từng trải, anh minh và mẫn tiệp, đã không chỉ một lần phải “biết mùi hun khói”, Bác Hồ hiểu rất rõ những cảm giác mà các bộ máy chính quyền trong một xã hội có tình trạng người bóc lột người gây nên trong tâm trí dân chúng. Vì vậy nên ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Bác đã dày công tuyên truyền, giáo dục, cổ xuý một hình mẫu chính quyền mới, chính quyền nhân dân. Tháng 10/1945, với bút danh Chiến Thắng, Bác viết: “Non hai tháng trước đây, trước cuộc khởi nghĩa 19-8-1945, nói tới hai chữ Chính phủ người ta nghĩ ngay tới một bọn đầu đảng cướp nguy hiểm, xảo quyệt. Trái lại, ai ai đối với Chính phủ nhân dân hiện nay cũng đều có một cảm tình thân mật xen lẫn với niềm tôn kính sâu xa: Chính phủ đối với ta như người “anh cả” trong gia đình, một đồng chí phụ trách trong một địa phương, người đứng mũi chịu sào để ta có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào. Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy... Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân phải tránh”.

Cũng với cách hình dung như thế, Bác Hồ muốn lực lượng Công an nhân dân phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của những công bộc của dân trong một lĩnh vực hoạt động hết sức đặc thù liên quan tới sự an nguy của cả xã hội, cả  chế độ. Đọc xong số nội san Bạn dân của Công an khu XII năm 1948, Bác đã nhắc nhở đồng chí Hoàng Mai (lúc đó là Giám đốc Công an khu XII) rằng: “Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Theo Bác, công an ta luôn luôn phải “lấy lòng” dân (hiểu theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này) để  được dân giúp đỡ và có được dân giúp đỡ thì công an ta mới có thể làm việc có hiệu quả. Cách lập luận của Bác rất giản dị nhưng đầy thuyết phục: “Bác lấy một ví dụ: Công an ta có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại...” (trích bài nói tại Trường Công an trung cấp khóa 2,  năm 1951). Nhìn lại thực tế hôm nay, càng thấy những lời Bác dạy thực là chí lý! Nếu không được lòng dân và không được nhân dân thực sự giúp đỡ, tin tưởng, coi như con em của mình thì bao nhiêu cố gắng nắm bắt địa bàn cũng dễ trở thành công cốc. Việc nước rất nhiều (lại vẫn câu chữ của Bác), việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội cũng rất nhiều, chỉ mình lực lượng Công an đảm trách thôi thì không đủ. Phải làm sao để các tầng lớp nhân dân cũng sát cánh cùng lực lượng Công an nhân dân chung lưng đấu cật trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và trật tự an toàn xã hội. Công an phải luôn gần gụi với người dân, phải học cách ứng xử  với nhân dân sao cho lễ phép, chân thành. Còn nhớ, trong bài nói chuyện tại hội nghị tổng kết công tác cảnh vệ tháng 2/1962, Bác đã nhắc nhở: “Bác nói một điểm nữa là thái độ đối với nhân dân. Cũng vì mục đích bảo vệ Bác nên các chú không muốn để đồng bào đến gần, cho nên đã xô đẩy đồng bào. Thái độ thế là không tốt. Đồng bào và các cháu nhi đồng muốn đến gần Bác. Nhưng các chú thì lại không muốn. Nó có mâu thuẫn, nhưng phải làm thế nào? Mình là dân chủ. Bác cũng như các chú, đều nói là phục vụ nhân dân. Cho nên phải khéo tổ chức, nếu không khéo tổ chức thì xô đẩy cũng không được; cho nên, phải làm thế nào để vừa bảo vệ được Bác, vừa không xô đẩy đồng bào”. Người Cha già của dân tộc vừa thông tuệ cổ kim vừa nắm rất rõ và tinh tế cả những chi tiết dù nhỏ nhặt  nhất của đời thường.

Bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V (1/1950).

Có đức mới vực được nghề

Làm nghề nào muốn tốt thì cũng phải tinh thông mọi ngón chuyên môn. Làm người Công an nhân dân nếu muốn hoàn thành thực tốt  chức phận của mình thì không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn phải là thấm nhuần những tiêu chí đạo đức cách mạng.

Hơn ai hết, Bác hiểu những người cán bộ của chế độ mới, những “công bộc” kiểu mới của nhân dân trong chính thể Dân chủ Cộng hòa, chống lại thói bất liêm là một nhiệm vụ không hẳn đã dễ dàng. Bác nói thẳng thắn: “Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư” chính là bất liêm. Bất liêm chính là nguyên nhân của mọi hiện tượng tham ô, lãng phí, làm mất uy tín và sức mạnh của bộ máy chính quyền:

“Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.

Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”.

Vị trí càng nổi bật thì càng phải đáp ứng những yêu cầu cao về giữ gìn tư cách đạo đức nói chung và về chữ liêm chính nói riêng. “Phải lo thì lo trước thiên hạ; hưởng thì hưởng sau thiên hạ” (trích từ bài Đạo đức cách mạng, 6/6/1955). Cũng trong bài báo vừa nêu, công bố với bút danh C.B, Bác Hồ từ rất sớm đã cảnh báo hiện tượng tiêu cực: “Nhưng chúng ta cũng phải nhận ra rằng: ảnh hưởng xấu của xã hội cũ làm cho một số đảng viên và cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng) hủ hoá. Họ tưởng rằng cách mạng là  cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó họ mắc phải những sai lầm: Kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân. Họ quên mất tác phong gian khổ phấn đấu, lạt lẽo với công việc cách mạng, xa rời Đảng, xa rời quần chúng. Dần dần họ mất cả tư  cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân”. Hôm nay, đọc lại những dòng này vẫn có thể cảm thấy hơi văn đầy tâm huyết, công phẫn và đau đớn của người cha già dân tộc đối với những hiện tượng cán bộ biến chất. Bác Hồ đã hiểu quá rõ rằng, trên thế giới có không chỉ một cuộc cách mạng bị phá giá vì đã không xây dựng được một đội ngũ cán bộ cầm quyền với những phẩm chất đạo đức mới, thực sự liêm chính mà chỉ thay đẳng cấp cầm quyền tham nhũng hủ bại này bằng một đẳng cấp cầm quyền tham nhũng hủ bại khác. Không ngẫu nhiên mà theo hồi ức của các bậc lão thành cách mạng, trong thời kỳ cách mạng mới giành được chính quyền, Bác Hồ đã xử lý rất nghiêm khắc những trường hợp cán bộ, kể cả cấp cao, vi phạm những tiêu chí liêm chính của người cách mạng. Bác muốn phòng ngừa những diễn biến “đạn bọc đường” đối với một chính đảng cầm quyền. Cho đến những bài viết cuối cùng trên cõi thế, Bác Hồ vẫn trước sau như một nhấn mạnh tới việc giáo dục đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân để “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”...

Người chiến sĩ Công an muốn giữ chữ liêm thì phải như thế nào? Cũng theo những lời dạy của Bác Hồ, trước hết và hơn hết là phải chống lại chủ nghĩa cá nhân. Trong bài nói tại Trường Công an Trung ương ngày 28/1/1959, Bác thêm một lần lý giải: “Thế nào là chủ nghĩa cá nhân? Là so bì đãi ngộ: lương thấp cao, quần áo đẹp xấu, là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn”. Bác đã thấy trước tất cả những hệ lụy mà chủ nghĩa cá nhân có thể làm nảy nòi, làm ảnh hưởng xấu tới chữ liêm của người chiến sĩ Công an: “Chủ nghĩa cá nhân như vi trùng đẻ ra nhiều bệnh khác: sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa; vui thì làm, không vui thì không làm, thích thì làm, không thích không làm...”.

Đọc lại những dòng Bác Hồ đã viết nhiều năm về trước, hôm nay, chúng ta vẫn cảm thấy như mọi điều vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Để giữ chữ liêm cho mình, không có gì tốt hơn là chúng ta sống, học tập, làm việc và chiến đấu theo đúng tinh thần những điều Bác đã dạy

Chính Nhân
.
.