Chuyện qua nhớ lại mà cười

Thứ Tư, 03/05/2017, 09:16
Cùng thời với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cách đây chừng mươi năm đã có một số văn nghệ sĩ quyết tâm... mở quán.

Có thể kể đến Nguyễn Chánh Tín với Ngói xanh, Đông Ki Rét với Cối xay gió (ban đầu chung vốn với nhà văn Lê Văn Nghĩa, nhà báo Đoàn Dũng), Vũ Trọng Quang với Trống đồng, Lê Vũ Cầu với Vợ thằng Đậu, Mường Mán với Ruốc, Huy Tưởng với Hoài phố, Nguyễn Nhật Ánh với quán Đo Đo... Nay, có quán đã "cỡi hạc quy tiên", có quán vẫn bình chân như vại.

Tuy nhiên, đáng kể nhất vẫn là quán Đo Đo. Nơi đó là cảm hứng Nguyễn Nhật Ánh viết truyện dài Quán Gò đi lên, Nguyễn Văn Hiên sáng tác ca khúc Bồ câu không đưa thư... Nhà thơ lão làng Tường Linh có lần đến ăn. 

Ăn xong, ông cao hứng phóng bút ra vế đối: "Đây đó đến Đo Đo đông đủ, đi đôi được đon đả đón đãi đằng, động đũa đã đời, đừng đỏng đảnh, đợi đừ, đành để đói". Ông giao hẹn, nếu ai đối được thì ông sẽ đãi cho một chầu mì Quảng. Tôi làm gan đối lại: "Bà Ba béo bả bán bánh bò, bánh bèo bên bờ biển bả bị bộ binh bắt bỏ bót ba bốn bữa" (!?). Nhà thơ Tường Linh cười khì: "Trật lất!".

Những ngày cùng bè bạn bù khú lai rai, chén tạc chén thù, bán trời không mời thiên lôi, say tít cung trăng... Đến nay tôi vẫn còn nhớ như in gương mặt và giọng nói của bạn thơ Cao Vũ Huy Miên, nay anh đã mất. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là phát biểu của chị Tiếng Thu, vợ Nguyễn Nhật Ánh. Chị nói, đại ý nấu món Quảng cho hợp gu người Quảng là cực khó, vì người Quảng nhìn bề ngoài ăn rất mộc, rất giản dị nhưng thực ra là rất tinh tế, rất khó tính; đồ ăn phải thật tươi mới được, con cá phải tươi, miếng thịt phải tươi, cọng rau phải tươi... Khi thực phẩm không đạt yêu cầu, hoặc phải nhờ đến sự "hỗ trợ" của gia vị thì họ phát hiện ngay và cũng lắc đầu ngay! Nói cách khác, họ muốn tận hưởng vị ngon ngọt của thực phẩm tươi nguyên chứ không phải sự ngon ngọt phát xuất từ gia vị.

Nhà văn Đoàn Thạch Biên.

Đạo diễn Ngọc Thảo (HTV) thích quá reo lên: "Em đã hỏi nhiều người về đặc trưng của món ăn Quảng khác vùng miền nơi khác như thế nào, nhưng cách giải thích của chị là em "chịu" nhất"... Tại đó, có lúc chúng tôi tẩn mẩn sắp xếp tên văn nghệ sĩ theo kiểu của các tay Lưu Linh lúc đã quá chén, thú vị lắm, đọc xong ắt bạn đọc cười khì. Chẳng hạn, xếp tên văn nghệ sĩ theo con Giáp:

1. Tý: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý...

2. Sửu: Nhạc sĩ Hoàng Sửu, nhà nghiên cứu Lê Quý Ngưu...

3. Dần: Nhà thơ Trần Dần, Phạm Hổ, nhà nghiên cứu văn học Phan Văn Hùm, nhà phê bình văn học Tam Ích (3 ích (x) tức XXX là... ông Ba mươi, là... con cọp!)…

4. Mẹo: Nhà thơ Vũ Mão...

5. Thìn: Nghệ sĩ Đinh Thìn, nhà thơ Trương Thìn, nhà viết kịch Đào Mộng Long...

6. Tỵ: Họa sĩ Tạ Tỵ...

7. Ngọ: (Tạm thời chúng tôi quyết định chọn tên của ông Lê Huy Ngọ có thời làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp).

8. Mùi: Nghệ sĩ quan họ Thúy Mùi, (có thể kể thêm nhà thơ Nguyễn Thái Dương, nhà văn Trần Hoài Dương, ca sĩ Quý Dương, đạo diễn Lê Quý Dương... Được chăng?)

9. Thân: Nhạc sĩ Canh Thân, nhà văn Nguyễn Quang Thân, nhà thơ Phạm Hầu...

10. Dậu: Nhà văn Nguyễn Dậu.

11. Tuất: Cây bút trẻ Nguyễn Tuất...

12. Hợi: Nhà văn Vũ Hợi (Đồ Bì)...

Xếp theo đơn vị cân, đong, đo, đếm:

Ly: Nhà thơ Dương Hương Ly, họa sĩ Ly Hoàng Ly, nhà thơ Hoàng Trúc Ly; Giác: Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, nhạc sĩ Hoàng Giác; Lượng: Nhà thơ Nguyễn Huy Lượng; Chỉ: Họa sĩ Bửu Chỉ; Yến: Nhạc sĩ Thuận Yến; Ký: Nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký, họa sĩ Bé Ký, nhà thơ Tạ Ký, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký. Tấn: Nhà soạn tuồng Đào Tấn, nhạc sĩ Kiều Tấn, nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn, nhà văn Bùi Anh Tấn; Lít: Nhà phê bình Lê Xuân Lít; Thước: Nhà văn Lê Thước.

Lại sắp xếp văn nghệ sĩ theo thứ tự từ 1 đến... 12:

1. Nhà văn Nhất Linh, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Một, diễn viên Hai Nhất (có thể kể thêm cựu Giám đốc Sài Gòn audio: Lê Văn On (tiếng Pháp: 1 là Un đọc là on), nhà văn Lê Huy Oanh (tiếng Anh: One)...

2. Nhà thơ Bùi Mạnh Nhị, nhà văn Hoàng Xuân Nhị, tác giả Huỳnh Minh Nhị...

3. Nhà báo Xuân Ba, nhà báo Yên Ba, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba...

4. Nhà văn Phan Tứ, Nguyễn Ngọc Tư, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, nhà thơ Đồng Đức Bốn...

5. Nhà văn Lưu Ngũ, nghệ sĩ Năm Phỉ (có thể kể thêm kiến trúc sư Lê Văn Năm)...

6. Nhạc sĩ Phạm Đình Sáu, nhạc sĩ Trương Quang Lục, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nhà văn Trần Hữu Lục, đạo diễn truyền hình Trần Văn Sáu...

7. Nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy, nhà văn Vũ Thất...

8. Nhà thơ Trần Khắc Tám...

9. Nhà thơ Võ Chân Cửu, Phan Chín, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9...

10. Nhà văn Chu Văn Mười, họa sĩ Huỳnh Văn Mười (Uyên Huy)...

11. Nhạc sĩ Thập Nhất...

12. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá (có một người khác có thể kể tên nhưng chúng tôi nhất quyết không chọn là... Nguyễn Văn Mười Hai).

Lúc cao hứng lại mày mò phát hiện ra bút danh văn nghệ sĩ cũng đối nhau chan chát:

Nhà thơ Tú Mỡ - nhà thơ Tú Xương,

Nhạc sĩ La Thăng - nhà thơ Bùi Giáng,

Nhà thơ Trần Phá Nhạc - nhà thơ Vũ Ân Thy,

Nhà văn Nguyễn Lập Em - nhà thơ Tạ Duy Anh,

Nhà thơ Thúy Bắc - nhạc sĩ Nguyễn Nam,

Nhà văn Ngụy Ngữ - nhà thơ Trung Ngôn,

Nhà thơ Võ Quê - nghệ sĩ Văn Thành,

Nhà thơ Văn Lê - nhà văn Võ Hồng,

Nhà thơ Cung Văn - họa sĩ Phan Vũ,

Nhà thơ (Trần) Nhật Thu - diễn viên Chiều Xuân,

Nhà văn Nguyễn Dữ - nhạc sĩ Nguyễn Hiền,

Nhà báo Năm Tu Huýt - nhà báo Ba Thợ Tiện,

Ca sĩ Hồng Nhung - nhà báo Bạch Mai,

Nhà thơ Từ Nguyên Thạch - nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc,

Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà - nhà văn Phùng Văn Tửu,

Nhà thơ Thanh Tịnh - nhà văn Anh Động,

Nhà thơ Chim Trắng - nhà thơ Xích Điểu,

Nhà thơ Thy Thy Tống Ngọc - nhà văn Trung Trung (Tống) Đỉnh!".

Lại nhớ đến mẩu chuyện tiếu lâm mà lúc ấy anh em đã kể cho nghe: Một ngày kia, tại xã kia, có cô gái nọ đến ủy ban nhân xã để làm giấy đăng ký kết hôn. Tay thư ký nhìn chị một lúc rồi hỏi: "Chồng của chị tên là Chiêm hay Chim?". "Thưa, tên là Chim". Như sợ người nghe không rõ, chị nhấn mạnh: "Chim"! Với cách phát âm của người miền Nam thì Chim cũng như Chiêm. 

Tay thư ký nghe xong ngắc ngứ hỏi lại: "Rắc rối quá! Chiêm hay Chim? Thế, Chim có "ê" hay không?". Chị ta bẽn lẽn: "Dạ, lúc đầu cũng có "ê", nhưng bây giờ thì... quen rồi!".

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Câu chuyện vừa chấm dứt, mọi người cười lên cái rần! Cười cái gì? Thì cái vụ "ê a" ê ẩm nghe cũng... sướng con ráy! Ấy là cách kể chuyện rất có duyên của nhà thơ họ Đỗ.  Anh có biệt tài kể chuyện tiếu lâm, nhất là tiếu lâm "mặn". 

Thông thường sau khi lai rai vài ly, nghe chuyện tiếu lâm thì anh em lại cao hứng... làm thơ! Trời! Thời buổi @ này mà "tửu nhập thi xuất" thì chỉ có thể tại quán Đo Đo. Tôi từng chứng khiến, Nguyễn Nhật Ánh hào hứng phóng bút thành thơ nhanh như... Trạng Quỳnh vẽ tranh! Nhưng khoan, ta hãy nghe "nhà thơ trẻ" Đoàn Duy Xuyên "cảm tác" mấy câu thơ mùi mẫn:

Dã quỳ rực rỡ đường lên bản
Ta bước cùng nhau nắng hiền hòa
Sơn nữ hững hờ buông giọng hát
Tình trót đong đầy một giỏ hoa.

Gật gù nghe xong, nhà thơ Đỗ Trung Quân sửa "rực rỡ" thành "lộng lẫy" và "sơn nữ" thành "gái núi". Thế là "nổ" ra một cuộc tranh cãi bất phân thắng bại về cái sự dùng chữ trong trường hợp này. Nguyễn Nhật Ánh cũng nhảy vô cãi ỏm tỏi biến quán bỗng chốc thành cái chợ vịt. Thấy chủ quán hò hét ghê quá, họa sĩ Mai Rừng giật tay nhắc nhỏ:

- Quán của anh! Quán của anh!

Đang gây gổ, Nguyễn Nhật Ánh giật mình:

- Ủa! Quán của tau hả? Vậy mà nãy giờ tưởng đang ngồi ở quán Ruốc của Mường Mán hay quán Đất sét của Đông Ki Rét chớ. Thôi, hổng cãi nữa. Để tau làm thơ cho khỏi ồn!

Thế là anh hồn nhiên hý hoáy làm thơ ngay trên tờ hóa đơn tính tiền màu hồng nhạt. Thơ rằng:

Cụng ly này đã mấy ly
Say sưa bằng hữu biết gì nữa đâu!
Nhập nhằng tóc bết vào râu
Chợt nghe tiếng dế, ngẩng đầu: "Rót đi".

Tôi tưởng Nguyễn Nhật Ánh phịa cho vui, chứ quán nằm ngay trên phố xá, xe chạy ồn ào như ngựa hí thì làm gì nghe nổi tiếng dế như ở quê nhà xa lắc xa lơ đó? Nào ngờ, ngay lúc đó có tiếng dế gáy ran ngay bụi cây bên cạnh làm tôi hoảng hồn. Hóa ra có dế thật! Thật ra, người bảo: "Rót đi" chính là nhà văn Tôi thương mà em đâu có hay. Nhanh như chớp, Nguyễn Nhật Ánh lại ngật ngưỡng viết:

Ông Biên, ông Biển, ông Biền
Trong ba ông đó ông điên ông nào?
Đó là ông vẫn nói câu:
"Tôi thương em lắm em nào có hay!".

Đích thị là nhà văn Đoàn Thạch Biền, chứ còn ông nào vào đây nữa? Thấy Nguyễn Nhật Ánh làm thơ, Đỗ Trung Quân hào hứng: "Tui cũng biết làm thơ chứ bộ", rồi phóng bút nhoang nhoáng:

Ngồi vòng quanh
Có mấy cha
Trên năm mươi tuổi rất là trẻ con
Hỏi rằng rượu hết hay còn?
Hết thì thôi rót
Còn thì: "Rót đi!".

Ừ! Thì cứ rót. Mạnh ai nấy uống. Thoáng đó, đã gần hai mươi năm rồi còn gì.

Lê Văn Nghệ
.
.