Chúng ta tha thứ theo cách nào?

Thứ Sáu, 24/06/2016, 09:16
Trong suốt mấy chục năm qua, để chuộc lại một phần tội lỗi của mình do từng tham gia chiến tranh Việt Nam, Bob Kerrey đã làm nhiều việc để thúc đẩy việc chính quyền Mỹ bỏ cấm vận đối với Việt Nam và bình thường hóa quan hệ hai nước...


Anh Trần Lê Nam (Quảng Nam): Những ngày qua, những người Việt Nam rất xôn xao khi biết rằng cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey được bổ nhiệm làm Chủ tịch của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV). Đây là dự án hợp tác giáo dục của hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ với mục đích vì con người, vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo và từ đó góp phần tăng cường khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Tuy nhiên, cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey người vừa được lựa chọn làm Chủ tịch ĐH Fulbright ở Việt Nam lại là một đại úy hải quân trong chiến tranh Việt Nam và từng liên quan đến một trong những vụ thảm sát ở xã Thạnh Phong của Bến Tre vào năm 1969.

Có hai luồng ý kiến trái ngược trong sự kiện này. Một bên là tha thứ  và chấp nhận việc ông Bob Kerrey trong vai trò này, với mong muốn khép lại quá khứ và chấp nhận lời xin lỗi về những việc làm trong quá khứ của ông Kerrey, đồng ý để ông nắm giữ cương vị mới này như một cách thể hiện thiện chí, sửa sai và góp chút gì đó cho Việt Nam. Bên thứ hai thì hầu hết tuyên bố sẵn sàng khép lại quá khứ để hướng tới tương lai cùng với nhân dân hai nước vì lợi ích chung nhưng vẫn phản đối.

Vị trí Chủ tịch FUV không thể là một người Mỹ từng trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát thường dân vô tội, phụ nữ, trẻ em, người già tại Thạnh Phong như thế được. 

Bob Kerrey là người "không phù hợp" để giữ vị trí lãnh đạo đó, lẽ nào nước Mỹ không còn ai có thể vận động vốn cho Trường ĐH Fulbright Việt Nam ngoài ông Bob Kerrey? (trong khi có những luồng ý kiến trái chiều thì tôi được biết ông Bob đã trả lời tờ Financial Times (Anh) cách đây 1-2 ngày, ông sẵn sàng từ chức, nếu sự tham gia của ông có thể tổn hại đến dự án). Tôi muốn được lắng nghe ý kiến nhà báo về vấn đề này?

Nhà báo Minh Đức: Thưa anh Trần Lê Nam, câu chuyện về ông Bob Kerrey không còn là câu chuyện của một trường đại học nữa mà trở thành câu chuyện của lịch sử và việc ứng xử của người Việt Nam với lịch sử.

Đã từ nhiều năm trước, những người quan tâm tới quan hệ hai nước Việt Nam và Mỹ đã biết tiểu sử của ông Bob, một người tham gia chiến tranh Việt Nam và liên quan tới một trong những vụ thảm sát dân thường của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Đấy là sự thật. Và một sự thật nữa là Bob đã thừa nhận tội ác của mình một cách công khai.

Thượng nghị sĩ Bob Kerrey được bổ nhiệm làm Chủ tịch của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).

Trong suốt mấy chục năm qua, để chuộc lại một phần tội lỗi của mình, ông ấy đã làm nhiều việc để thúc đẩy việc chính quyền Mỹ bỏ cấm vận đối với Việt Nam và bình thường hóa quan hệ hai nước. Trong suy nghĩ của Bob, ông muốn đưa Trường Đại học Fulbright tới Việt Nam để tạo một điều kiện cho sinh viên Việt Nam tiếp cận được những tri thức khoa học tiên tiến nhất của nhân loại.

Nhưng trước khi đến Việt Nam, ông và những người liên quan đến trường đại học này hiểu rất rõ một điều rằng: Bob có thể bị người Việt Nam lên án, nguyền rủa và không cho phép ông đến Việt Nam với công việc của mình. 

Bob cũng nói là ông ấy sẽ sẵn sàng rút lui nếu sự hiện diện của ông ấy ảnh hưởng đến trường học đó hoặc làm tổn thương đến người Việt Nam. Nhưng ông ấy muốn đến chính mảnh đất mà ông ấy đã từng gây tội để được làm một điều gì đó cho người Việt Nam thay cho lời xin lỗi của ông. Tôi muốn trích một số đoạn từ một bài ghi chép của nhà báo Thu Hà trên Vietnamnet viết về Bob và vấn đề chúng ta đang bàn luận: 

"Với Bob cũng vậy, trong 20 năm qua ông ấy đã sám hối, đã ăn năn và đã có những hành động cụ thể. Ông ấy đâu cần sang Việt Nam để kiếm sống, ông ấy có thể cứ ở Mỹ sống yên bình và để tránh bị đối diện với tội lỗi như hiện nay. Ông ấy rất biết sang Việt Nam điều gì có thể sẽ diễn ra, nhưng ông ấy đã quyết định phải bước đến chính nơi mà ông đã gây tội. 

Theo tôi đó là sự trung thực, sự đàng hoàng, có văn hóa của người sám hối thực sự với tội lỗi của mình. Tôi tin ông ấy đã thành thật. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Hãy nhìn xem, đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam là ai? Tại sao Mỹ không cử một nhà ngoại giao giỏi, tại sao Mỹ không cử một người am hiểu về Việt Nam hay Đông Dương mà lại cử một người từng là tù binh của Việt Nam? Người mà nhân dân Việt Nam biết rất rõ đã từng lái máy bay ném bom xuống đất nước chúng ta. Họ cử chính người có lỗi với dân tộc này, đến đây để trực tiếp xin lỗi dân tộc này.

Chỉ những người đó khi đến đây, mảnh đất họ đã gây tội mới mang tới được bản thông điệp đầy đủ nhất: chúng tôi đến đây với lòng hối lỗi thật sự và muốn trở thành một người bạn. Như vậy, theo tôi, chúng ta còn đòi hỏi gì thêm nữa. Bởi vậy, chúng ta hãy lùi lại một chút để bình tĩnh hơn và có cái nhìn thấu đáo hơn.

Trong những lời sám hối của Bob, có một câu của ông mà tôi suy nghĩ nhiều rằng: Nếu sự có mặt của ông làm ảnh hưởng tới việc chung thì ông sẵn sàng rút lui. Nước Mỹ không thiếu người để cử, nước Mỹ không thiếu người để thay Bob. 

Chuyện đó thật đơn giản. Và những người chọn Bob cũng như chính Bob đều hiểu rõ rằng: họ có thể làm cho người Việt Nam nổi giận và đốt thêm ngọn lửa hận thù của người Việt Nam tưởng đã nguôi dịu đi đối với họ. Nhưng vì sao họ vẫn làm như vậy.

Tôi lại muốn nói, xin hãy lùi lại một chút và cùng suy nghĩ. Việc suy nghĩ kỹ lưỡng này cần thiết cho chúng ta chứ không phải cho Bob. Ở đây, tôi nghĩ rằng, bằng việc cử Bob, nếu sự hận thù được hóa giải thì đó sẽ là sự hóa giải thật sự. Nếu chúng ta chấp nhận ông ấy, đó là ta đã đi được tới sự tận cùng của tha thứ lớn lao. Còn không, chúng ta lại đi trên một con đường khác.

Không ai quên lịch sử, không ai được phép quên lịch sử. Chúng ta xóa đi thù hận chứ không được quyền xóa đi lịch sử. Nhưng chúng ta không được đánh tráo khái niệm giữa tha thứ và sự lãng quên.

Hãy cùng xem lại, chẳng phải chúng ta đã từng đón tiếp các tổng thống một quốc gia từng là cựu thù một cách chân thành, nồng ấm như vậy cơ mà. Chẳng phải chúng ta đón nhận người Nhật, người Pháp và cả người Hàn đến với chúng ta đấy sao. Việc người Nhật đã làm cho 2 triệu người Việt Nam chết đói thì sao? Tội ác mà người Hàn đã làm ở Mỹ Lai thì sao?

Những cái chết này với những cái chết ở Thạnh Phong đều như nhau. Vậy thì tại sao chúng ta không thể tha thứ cho Bob trong khi chúng ta đã tha thứ cho những người điều khiển cỗ máy chiến tranh mà Bob tham gia và có khi lại là chính nạn nhân của cuộc chiến tranh ấy. 

Với những đau thương trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc mà tổ tiên, ông bà ta không có lòng vị tha thì lúc này chúng ta đang sống trong một đại dương vô tận của sự thù hận mà tổ tiên, ông bà để lại.

Nhìn về quá khứ đau thương, mọi người Việt Nam đều được quyền phán định. Sự lên tiếng với hai luồng dư luận khác nhau đã cho tôi nhận ra một điều: chúng ta không bao giờ quên quá khứ. Nếu trong việc này mà chúng ta im lặng thì đó mới là điều kinh sợ. Trường hợp của Bob đã vô tình trở thành chất thử thái độ của chúng ta với lịch sử. Chúng ta đã lên tiếng. Chúng ta được quyền như thế và phải như thế. Hãy nói hết ra để rồi mỗi chúng ta sẽ đưa ra quyết định cuối cùng thật thanh thản. 

Bob chỉ là một ví dụ cho sự thử thách đối với lòng vị tha truyền thống và để kiểm chứng tư duy của chúng ta trước một vận hội cho tương lai của con cháu mình chứ không phải là một vấn đề nan giải. Sự lựa chọn cuối cùng của chúng ta hoặc làm cho chúng ta lớn lên hoặc làm cho chúng ta nhỏ bé - Vietnamnet".

Thưa anh Trần Lê Nam, những đoạn trích trên cũng là ý kiến của tôi về câu chuyện mang tên "Bob Kerrey". Những câu chuyện đau thương về một cuộc chiến tranh đã lùi xa gần một nửa thế kỷ. Bây giờ, từ khóa "Bob Kerrey" lại đặt trước mặt chúng ta, trong đó có anh và tôi và bắt chúng ta phải lên tiếng.

Từ khóa này vừa gợi lại những đau thương cũ của đất nước chúng ta và vừa đặt ra cho chúng ta một thử thách: tha thứ hay không tha thứ. Không tha thứ thì chúng ta sẽ được gì và nỗi đau này sẽ ở lại trong trái tim chúng ta đến khi nào? Và tha thứ thì chúng ta tha thứ theo cách nào?

Với tôi, cách tha thứ trọn vẹn nhất là hãy để cho ông ấy hàng ngày được sống và làm việc giữa những người Việt Nam, những người mà ông ấy đã có tội như chính ông ấy đã tự thú. Lúc đó, sự nhìn nhận về dân tộc chúng ta của Bob sẽ thay đổi rất nhiều và trong sự thay đổi ấy chắc chắn có sự kính trọng và mang ơn con người Việt Nam.

Kính chúc anh khỏe và chúng ta cùng nhau lên tiếng một cách cẩn trọng nhất và vị tha nhất cho bất cứ ai đã từng có tội với mình kể cả những người cùng dòng máu.

Kính thư!

Ông Bob Kerrey, 73 tuổi, từng làm Thống đốc bang Nebraska (Mỹ) và là ứng viên tham gia chạy đua vào Nhà Trắng năm 1992. Trong quá khứ, ông  từng là chỉ huy của đơn vị thủy bộ không phối hợp (SEAL) tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam. Bob Kerrey đã nhận trách nhiệm vụ thảm sát tại Khâu Băng, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) khiến 20 người thiệt mạng, năm 1969.

Bob Kerrey đã gián tiếp tham gia những nỗ lực đàm phán hòa bình để đóng góp cho ngày Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Năm 1991, Bob Kerrey bắt đầu tham gia dự án Đại học Fulbright tại Việt Nam bằng ý tưởng xây một trường đào tạo cao học ở TP HCM với sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ cùng số tiền do ông vận động. Ông và các cộng sự đã thuyết phục Quốc hội Mỹ và nỗ lực này đã thành công khi Quốc hội Mỹ quyết định tài trợ 20 triệu USD, còn Chính phủ Việt Nam tặng khu đất tại TP HCM.

Bob Kerrey nói rằng, ông đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam khi những ký ức đau buồn về cuộc thảm chiến ngày ấy vẫn ám ảnh bản thân. "Lời xin lỗi với nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ là đủ và không thể thay đổi những gì tôi đã gây ra, mà chỉ có thể bù đắp phần nào bằng hành động" -  ông Bob Kerrey chia sẻ.

"Người đứng đầu Đại học Fulbright Việt Nam nên là một người Việt Nam thay vì là một người Mỹ, bất kể quá khứ của họ ra sao. Hiện, tôi chưa thể trả lời câu hỏi có rút lui khỏi vị trí hiện tại hay không. Nhưng chắc chắn rằng, nếu được đóng góp cho sự phát triển của Đại học Fulbright Việt Nam thì tôi sẽ sẵn sàng ở bất cứ cương vị nào".

ANTG GT số 101
.
.