Chúng ta có dám công khai kết quả “xét nghiệm”?

Thứ Năm, 08/09/2016, 15:52
Một câu hỏi rất lớn của người dân bây giờ là: liệu chúng ta có dám công khai căn bệnh của chúng ta lâu nay không? Liệu chúng ta có dám "xét nghiệm" thực sự cơ thể xã hội Việt Nam ở mọi lĩnh vực bây giờ không? 


Bác Trần Thị Thơm (Linh Trường, Thanh Hóa) cùng một số bạn đọc khác: Trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua có phản ánh về tình trạng cán bộ thôn, xã lạm thu tiền đóng góp của người dân ở rất nhiều xã ở Thanh Hóa như Hải Lộc, Hưng Lộc (huyện Hậu Lộc), Thiệu Công (huyện Thiệu Hóa), hay ở xã Trường Sơn (huyện Nông Cống),…

Rất nhiều hộ dân sinh sống tại Thanh Hóa đang rất bức xúc vì đã nhiều năm nay người dân các xã này đã phải oằn mình gánh hàng chục khoản thu khác nhau, trong đó có những khoản thu rất vô lý suốt một thời gian dài. Sau khi báo chí và các phương tiện truyền thông vào cuộc, câu chuyện bê bối này mới được đưa ra ánh sáng và tạo làn sóng bức xúc trong dư luận.

Trước sự việc nghiêm trọng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải lập tức yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo phản ánh; nếu có việc thu các loại phí, đóng góp của người dân sai quy định của pháp luật, phải hủy bỏ và hoàn lại cho dân, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5-9-2016. Đó là một tín hiệu đáng mừng về việc phản ứng và xử lý của Chính phủ, và người dân vẫn đang chờ sự sửa sai đến đâu, sự nghiêm minh xử lý đến đâu,…

Nhưng câu hỏi: Vì sao hàng bao lâu nay người nông dân ở Thanh Hóa bị lạm thu như vậy vẫn không lãnh đạo nào hay biết (xin lưu ý Thanh Hóa chính là địa phương có lượng cán bộ xã đông nhất nước). Nếu không có báo chí, họ bấu víu vào đâu? Không lẽ, công tác thanh tra, kiểm tra bị tê liệt, quan liêu đến thế ư? Chúng tôi vẫn không thể nào giải đáp được. Chúng tôi được xin lắng nghe ý kiến của nhà báo?

Nhà báo Minh Đức: Thưa bác Trần Thị Thơm, khi đọc lá thư của bác cũng như theo dõi báo chí gần đây nói về tình trạng cán bộ thôn, xã lạm thu tiền đóng góp của người dân ở rất nhiều xã ở Thanh Hóa như Hải Lộc, Hưng Lộc (huyện Hậu Lộc), Thiệu Công (huyện Thiệu Hóa), hay ở xã Trường Sơn (huyện Nông Cống)... thì tôi có thể nói rằng: những địa phương mà bác đề cập ở trên không phải là những hiện tượng hy hữu.

Nếu chúng ta đi đến từng địa phương để lắng nghe người dân phản ảnh và kiểm tra sổ sách liên quan đến những khoản mà người dân phải đóng góp thì chúng ta sẽ không khỏi "bàng hoàng" nhận ra hai điều: thứ nhất, chuyện lạm thu khá phổ biến. Thứ hai, chuyện lạm thu này đã có hàng chục năm nay.

Minh họa: Lê Phương.

Như vậy, sẽ nhiều người đặt câu hỏi: "Chuyện lạm thu khá phổ biến và kéo dài trong hàng chục năm nay nhưng sao đến bây giờ chúng ta mới biết?". Một câu hỏi quan trọng nhưng thật đau lòng khi trả lời. Đồng thời còn những câu hỏi khác. Tôi xin đưa lần lượt từng câu hỏi và câu trả lời của cá nhân tôi như sau:

Câu hỏi 1: Vì sao lại có chuyện lạm thu?

Câu trả lời: Vì ở những nơi lạm thu, chính quyền địa phương đã không thực thi chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho nông dân. Vì chính quyền địa phương ở những nơi đó cửa quyền, hống hách và chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân mình chứ không hề nghĩ đến quyền lợi người dân. Lạm thu cũng chỉ là một trong những hình thức và cách thức  tham ô, tham nhũng của những người có chức quyền mà thôi.

Câu hỏi 2: Vì sao chuyện lạm thu diễn ra lâu như thế mà bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề?

Câu trả lời: Trước hết vì người dân không dám lên tiếng tố cáo chính quyền địa phương mình đã làm sai. Việc tố cáo chính quyền hay cá nhân cán bộ lãnh đạo địa phương có những hành động tham ô, tham nhũng, lạm quyền, ức hiếp người dân luôn là nguy cơ đối với cuộc sống của người dân. 

Một hiện thực cho thấy khi một người dân lên tiếng tố cáo những sai lầm của chính quyền thường bị quy vào tội gây rối hoặc đôi khi bị quy là có hành động chống đối chính quyền. Nguy hiểm hơn nữa có những nơi lãnh đạo địa phương đe dọa những ai tố cáo sự sai trái của chính quyền là "chống lại Đảng". 

Chính điều này đã gây nên nỗi sợ hãi cho hầu hết người dân khi muốn lên tiếng. Lý do khác là đời sống dân chủ của chúng ta là một con đường quá hẹp không phải ai cũng có thể đi qua cái khe hẹp dân chủ ấy. Và báo chí cho dù có nhận được các văn bản tố cáo cũng không thể đưa ra công khai như bây giờ.

Câu hỏi 3: Tại sao chính quyền thôn, xã vi phạm chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nông thôn và nông dân như vậy mà chính quyền huyện hoặc chính quyền tỉnh, thành phố không có ý kiến gì?

Câu trả lời: Vì không ít chính quyền huyện và tỉnh hay thành phố cũng rất quan liêu, cũng rất cửa quyền và không vì lợi ích của người dân. Bởi thế mà hầu hết những gì mà chính quyền huyện, tỉnh, thành phố nghe được từ cấp dưới của mình là những báo cáo sai sự thật nhưng họ lại thỏa mãn. Chủ nghĩa thành tích và quyền lợi cá nhân cũng như sự an toàn cái "ghế" của họ đã làm cho tính nghiêm minh của pháp luật mất đi quá nhiều hiệu lực. 

Trong lúc đó, chính quyền huyện và tỉnh hay thành phố lại chẳng hề lắng nghe ý kiến và ngay cả lời kêu cứu của người dân. Hơn nữa, nếu có nhận ra những sai lầm của cá nhân hay tập thể chính quyền cấp dưới thì chính quyền cấp trên cũng... cho qua hoặc rút kinh nghiệm mà rút kinh nghiệm trong rất nhiều trường hợp là một trong những thái độ vô trách nhiệm nhất. Chính những điều đó đã thực sự làm cho người dân, những người luôn đấu tranh cho lẽ phải và cho sự trong sạch của chính quyền và xã hội bị nhụt chí và thất vọng.

Nhưng cho đến bây giờ, đời sống dân chủ đã cho phép người dân có thể lên tiếng công khai về những sai lầm của chính quyền địa phương cùng với sự hỗ trợ đắc lực của báo chí và mạng xã hội.

Những tuyên bố của mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như  "phát súng" mở màn cho việc đấu tranh làm rõ những sai sót và vi phạm của các cơ quan của Chính phủ cũng như cụ thể những vi phạm của các địa phương ở Thanh Hóa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã công khai thừa nhận lâu nay chính quyền chỉ bắn súng chỉ thiên chứ chưa hề nhằm trúng đích. 

Quả thực, những phát súng "chỉ thiên" đã được bắn quá nhiều lâu nay nhưng chẳng có tác dụng gì. Vì có ai mà sợ những phát súng bắn lên trời vô thưởng vô phạt nữa. Người dân cũng chán chẳng muốn nghe những phát súng chỉ thiên ấy.

Trong khi người dân rất mừng vì sự kiên quyết của các đồng chí lãnh đạo đất nước trong những ngày tháng gần đây thì người dân cũng "hồi hộp" và cả lo lắng chờ đợi để thấy được sự kiên quyết đó có trở thành hiện thực hay không?. 

Một câu hỏi rất lớn của người dân bây giờ là: liệu chúng ta có dám công khai căn bệnh của chúng ta lâu nay không? Liệu chúng ta có dám "xét nghiệm" thực sự cơ thể xã hội Việt Nam ở mọi lĩnh vực bây giờ không? Nếu chúng ta không dám "xét nghiệm" thì không bao giờ chúng ta thấy được căn bệnh thực sự của chúng ta. 

Và khi có kết quả "xét nghiệm" rồi, chúng ta có dám công khai kết quả "xét nghiệm" không? Nếu không thì chúng ta sẽ không bao giờ đi đến đâu cả và chúng ta sẽ chết vì những căn bệnh đó.

M.Đ.
.
.